Nếu chúng ta không nhận thức được tính tất yếu của cái chết, liệu chúng ta sẽ trân quý từng phút giây hiện hữu của mình? Loại bỏ sự chết, ta cũng loại bỏ sự lựa chọn – cơ hội để chọn lựa những gì tạo thành chính ta.
Trong suốt chiều dài lịch sử, con người đã luôn tìm kiếm một phương thuốc cho sự già và chết. Chúng ta chưa bao giờ đặt câu hỏi liệu khả năng trường sinh ấy sẽ tuyệt vời chăng. Tuy rằng các giá trị của chúng ta, ý nghĩa đích thực của cuộc đời, sẽ hoàn toàn khác biệt nếu không có những điều như cái chết. Nếu không có cái chết rập rình phía trước, liệu chúng ta sẽ trân quý bao nhiêu từng ngày và từng giây phút hiện hữu của mình? Tương tự như thế, làm sao chúng ta có cảm giác ngon miệng nếu chúng ta có thể ăn bất cứ lúc nào mình muốn?
Chúng ta xem khí trời ta thở, và nước ta uống là chuyện tự nhiên, không mấy bận tâm suy nghĩ xem chúng cần thiết cho sự sống đến dường nào. Chỉ khi ta có nguy cơ bị mất đi những yếu tố ấy, chúng ta mới nhận ra tầm quan trọng của chúng. Sự sống cũng vậy, cuộc sống bừng sáng với những hứa hẹn vì cái chết là một sự tất yếu.
Chúng ta sẽ không thể hối tiếc thời gian đã lãng phí nếu, với ta, thời gian là vô hạn. Nhưng sự sống có giới hạn, và vì thế thời gian quý giá trôi qua như ta đếm đầu ngón tay. Tiếc thay, đa số chúng ta không tận dụng tốt thời gian mình có và để khi chết đi không mãn nguyện…
Loại bỏ sự chết và loại bỏ sự chọn lựa – cơ hội để chọn những gì tạo nên chính mình. Chính vì chúng ta nhận thức được cái chết là tất yếu, nên chúng ta kịp dừng lại để tự hỏi, tại sao chúng ta có mặt trong cuộc đời này và nên sống như thế nào.
Khi chúng ta tìm được câu trả lời và gắng hết sức mình để sống theo suy nghĩ về cách ta nên sống, bấy giờ ta mới có thể chào đón cái chết mà không có nuối tiếc ân hận về những gì chưa hoàn tất. Chúng ta nên sống mỗi ngày với tâm niệm rằng đến một lúc nào đó cuộc sống của ta sẽ dừng lại. Chính khi ta thừa nhận tính tất yếu của sự chết là ta thấy được cái gì thực sự quan trọng và cái gì là không. Chỉ khi ấy ta mới có thể hiểu được ta nên sống như thế nào.
Hãy gắng sống đẹp và xứng đáng
Cuộc sống dường như vô nghĩa đối với những người đánh đồng sự hiện hữu của họ với sự tồn tại vật lý, thân xác của mình. Nhưng đối với người nhìn thấy sự chết đi của xác thân này chỉ là sự tái sinh trong một hiện hữu khác, thì cuộc đời mình luôn có ý nghĩa và mỗi phút giây (mỗi sát na) trong chính sự hiện hữu của ta bây giờ sẽ trở thành quý báu.
Chúng ta sống cho đến hết đời mình một cách trọn vẹn nhất để bước vào cuộc sống vĩnh hằng. Mỗi chúng ta giống một vận động viên chạy đua trong cuộc chạy tiếp sức đường trường – chúng ta nỗ lực chạy nhanh nhất để chuyển giao cây gậy (trong cuộc chạy tiếp sức) cho người chạy tiếp. Có một câu ngạn ngữ Trung Hoa về mỗi thời khắc và mỗi nơi chốn cho từng mùa thế này. Xuân đi cho hè đến, hạ tàn để thu sang, rồi đông lại, cứ như thế mỗi mùa lại hoàn tất nhiệm vụ riêng của nó. Những người đã thành công nhưng cứ tiếp tục lao theo cuộc tìm kiếm ấy càng lúc càng xa có thể là đang đi ngược với tiếng gọi của tự nhiên.
Sinh, lão, bệnh, tử là những trải nghiệm ta có. Cuộc sống của ta viên mãn khi ta làm việc hết mình siêng năng cho mỗi sự vụ trên. Mỗi cá nhân là một mắt xích trong sợi dây đời vĩnh cửu. Đừng xem những năm cuối của cuộc đời mình như đang đi trên một chuyến xe tuột dốc. Thay vào đó hãy nghĩ đến những giây phút cuối trong đời như một hành khúc đi lên về với cái chết và vĩnh cửu.
Hãy làm những gì có thể làm được hôm nay
Mẹ Teresa ở Calcutta (1910-1997), người nhận giải Nobel Hòa Bình năm 1979, lúc sinh thời đã hiến tặng cả cuộc đời mình cho việc chăm sóc những người bệnh bất hạnh, tuyệt vọng, nghèo khổ không nhà. Theo lời ông Shigeki Chiba, đạo diễn bộ phim về cuộc đời của Mẹ, “Khi tôi đạo diễn bộ phim này, tôi chợt nhận ra rằng tôi chưa từng thấy một con người nào đẹp đẽ như người phụ nữ bé nhỏ với những nếp nhăn vì tuổi già này.” Ông còn nói ông vô cùng ấn tượng vì ngưỡng mộ sức mạnh tinh thần của Mẹ thể hiện ngay cả khi quay phim mẹ từ phía sau.
Những người được Mẹ Teresa chăm sóc đều nói rằng Mẹ khiến họ thấy rằng mình được Thiên Chúa yêu thương và tin tưởng rằng Chúa đã nghe thấy lời cầu nguyện của họ. Những lời cuối cùng của những người đã chết trong tay mẹ thường là “Con vui sướng đã được sinh ra trên thế gian này”.
Tác giả Shugoro Yamamoto đã nhân câu chuyện này để nói về cái chết: “Chết không phải là sự biến mất khỏi thế giới này, mà là bằng chứng về sự hiện hữu của một người. Cái chết kết thúc sự sống, nó là một sự viên thành. Nó không phải là sự tiêu vong, mà là viên mãn.
Khi chúng ta tự tin rằng cuộc sống của chúng ta sẽ chuyển tiếp vĩnh cửu, chúng ta có thể tạ từ thế giới này trong an bình, mà nói rằng: “Tôi sẽ tái sinh. Tôi sẽ trở về.”
Trong Kinh Trung Bộ, Đức Phật để lại cho ta những lời dạy này:
Đừng đuổi theo những cái đã qua
Đừng ao ước những gì chưa đến
Quá khứ đã bị loại trừ
Tương lai hãy còn chưa đến
Vì thế, hãy nhìn rõ hiện tại
Đừng hoang mang, và đừng run sợ
Hãy nhìn rõ những gì hiện có và làm theo đó
Tận tụy với những gì phải thực hiện hôm nay
Nào ai biết mình sẽ chết ngày mai
Sự thực, không có cách nào tránh khỏi
Sức mạnh lớn của cái chết.
Ai nhìn thấu rõ điều này
Miệt mài tận tụy đêm ngày
Vững chãi bằng tâm và ý
Ấy là người sáng suốt khôn ngoan
Ấy là người đạt được bình an.
Nikkyo Niwano, người sáng lập ra Tổ chức Phật giáo Rissho Kosei-kai, là chủ tịch danh dự của Ủy Ban Quốc tế Hội Thảo Thế Giới về Tôn Giáo và Hòa Bình (WCRF), và Tổ Chức Quốc Tế về Tự Do Tôn Giáo (IARF), và là chủ tịch danh dự của Shinshuren (Liên Đoàn Các Tổ Chức Tôn Giáo Mới của Nhật Bản).
Nikkyo Niwano
Huỳnh Huệ dịch
Từ “Dharma World Magazine, July/August 1998″
0 Nhận xét