Triết lý nhân sinh trong Đồng vọng ngược chiều

Sau khi gấp tập sách Đồng vọng ngược chiều của tác giả Nguyễn Nhuận Hồng Phương tôi cứ nghĩ mãi về những nhân vật không có tên, đó là những người cha, người mẹ, bà dì, "các anh","người đàn bà mặt đẹp","cái ông người thật". Và ngay cả những người tưởng có tên mà không có tên, bởi ngay cái tên cũng là tên mượn của chúa, của đời.v.v. Những khuôn mặt người khuất lấp ấy dẫu vẫn là điểm sáng cho những người có danh, có phận như Nguyễn Văn Thừa, Hải Linh. Tôi giật mình, phải chăng cuộc đời này đẹp hơn, tốt hơn và con người sống trong sáng hơn đều có xuất phát điểm từ những con người "vô danh" ấy.

Trong lịch sử của nhân loại, có biết bao người cũng âm thầm sống, âm thầm cống hiến như thế? Sự âm thầm mà có giá trị sống gấp bao nhiêu những lời nói hoa mĩ, bóng bẩy. Phải chăng ở đây, tác giả muốn nói với bạn đọc về chân giá trị thực của cuộc đời. Những cái nhìn thấy, nghe thấy có thể là thực nhưng cũng có khi là ảo. Những cái chìm lấp trong tầng sâu của cuộc sống mà con người có thể bằng mắt, có khi không nhận ra nhưng đó lại là cái thật.

Trong mối quan hệ giữa con người với con người, con người với xã hội và ngay cả khi con người với chính tư duy của mình cũng luôn ẩn chứa hai mặt đối lập nhau. Và chính vì thế mà sự nhìn nhận về bất cứ một sự vật hiện tượng nào cũng phải nhìn nhận đầy đủ các mặt của nó. Trong điều kiện và môi trường sống hiện tại, sự nhìn nhận như thế âu cũng là một đòi hỏi của chính cuộc sống.  

Tôi vẫn thường nghĩ rằng: Trong cuộc đời này có những cái đau mà không thể khóc, có những nỗi buồn mà không thể thở than, có những cái thiệt thòi mà không thể giãi bày, có những niềm vui mà không thể phô ra, nó cũng như trong lịch sử, có những cuộc chiến tranh mà không được nhắc tên, mặc dù chúng ta vẫn nhớ, vẫn đau đáu một nỗi niềm. Trải ra trên một không gian không lớn, nhưng thời gian thì thật là dài, những cái tôi thường nghĩ trên quả là đã được Đồng vọng ngược chiều lý giải. Một sự lý giải của một triết lý nhân sinh về cõi con người.

Cái thằng người khi sinh ra đã ngược. "Lúc ra đời mi ngược ngạo nanh nọc lắm… Không biết xoay xở thế nào mà khi chui ra khỏi bụng mẹ, mi lại thò tay ra trước, làm bố và mọi người cuống quýt sợ hãi. Còn mi cứ tỉnh bơ, lấy bàn tay tí xíu ngọ ngoạy vẫy vẫy như trêu ngươi". Cái thằng người chưa ra khỏi bụng mẹ đã thò tay ra trước để vẫy chào đời, mong được đời đón nhận chút phận mong manh. Và cái thằng người gan lỳ tướng quân ấy lại chui ra đúng thời loạn lạc. Cũng chính vì cái ngược ngay từ lúc lọt lòng mà cái thằng người mọi cái rất nhiều thừa nhưng lại thiếu độc cái mà nó rất cần. Có phải chăng đây chính là cái lẽ ở đời, để được gọi là con người thì cái thiếu ấy là hạt nhân của sự sống, là nhân tố để được gọi là người. Thiếu nó khó mà thành được.

Ra ngược, sống trọng bản ngã, nâng niu mọi điều có được cũng chính là điều mà có mấy ai nhận ra: Tôn trọng nhân cách nhưng luôn luôn yêu cầu cao. Đó chính là hai mặt của cuộc sống. Bất cứ sự tôn trọng nào cũng phải có cơ sở để đánh giá. Sự đánh giá nhân cách ấy là lối sống, là sự quan tâm và hãy sống hết lòng vì người. Đây là cái nhìn nhân sinh, cái nhìn rất người của người về một lẽ sống.

Lão tử khi dạy các đệ tử của mình có nói: Ở đời khôn chết, dại chết, biết sống. Như thế nào là khôn, như thế nào là dại và như thế nào là biết. Có phải chăng như Đồng vọng ngược chiều là hãy sống đúng với mình, đúng với những gì của con người. Cái bả vinh hoa dễ làm cho người ta mụ mị. Một chàng sinh viên vừa mới tốt nghiệp, vì yêu (tôi cứ cho là vậy đi), sẵn sàng quỳ xuống thề chết, ấy vậy mà, khi thấy cái bả vinh hoa đã vội bỏ của chạy lấy người. Một người không vì bả vinh hoa, cứu kẻ đến tận nhà lục rương lục tủ khỏi cái chết vì rắn cắn, được trả ơn bằng bức ảnh rồi lại chính vì cái "kỷ vật" rất Tây ấy làm cho đến khi nhắm mắt vẫn mang tiếng là kẻ việt gian, bán nước. Để đến đời con, cái thằng rất nhiều thừa vẫn chịu cảnh "đời cha không ăn mặn nhưng đời con vẫn khát nước" mặc dù ông đặt lòng câu cửa miệng thế gian "làm phúc phải tội".

Biết mà vẫn làm, bởi ông vẫn tin rằng, triết lý của nhà phật dạy rằng "cứu một mạng người phúc đẳng hà sa", "có phúc có phần". Phải chăng, triết lý phải biết sống với những gì của người mà Đồng vọng ngược chiều đã chạm đến, một cách lý giải cho thân phận, cho lẽ sống con người. Con người sinh ra để phải sống. Sống ở đây không phải là "tôi tồn tại tức là tôi vẫn sống". Sống tồn tại là sống đời sống sinh vật, nhưng sống như thế nào lại là một cách. Một kẻ dám từ bỏ con đường sáng, rộng của con đường danh vọng, học hành, dám bước qua lằn ranh để dâng hiến trước khi "vĩnh biệt tình yêu của em" nhưng lại không bước qua được cái lối nhìn thành phần "chưa được xác minh", không đủ dũng cảm để phá bỏ sự xăm soi của bản lý lịch gia đình "rõ nhưng chưa chịu ràng". Rồi một người, thẳng chân đạp bật cái ham muốn của kẻ "dục" để giữ sự trong trắng trinh tiết đến phát ốm, nhưng lại sẵn sàng dám dâng cái ngàn vàng cho kẻ chưa rõ có yêu hay không yêu để rồi khi bị tình yêu, cái mà với cô là sự trân trọng và cần nhất ở đời đã trở thành một con người khác. Một kẻ biết lừa dối từ nụ hôn cho đến đêm "vợ chồng", để rồi chai sạn, dửng dưng khi chứng kiến người chồng đầu ấp má kề đã "trắng trợn" đưa hai người đàn bà khác về ngay trên chiếc giường "chồng vợ" của mình.

Khao khát yêu là máu, là thuộc tính của người nhưng cái lằn ranh vô hình của bả vinh hoa nào có mấy ai qua được. Ở đây, người đọc sẽ gặp lại được cái triết lý của nhà phật trong tam quy, ngũ giới, trong bát khổ đời người. Quả là đời là bể khổ, tình là dây oan mà đã là con người mấy ai đã thoát được cái vòng luẩn quẩn ấy. Hãy biết yêu, yêu chính cuộc đời đã ban phát cho ta được làm người.

Đã là cuộc sống của con người phải là cuộc sống có ý thức. Đấy chính là cái để ta phân biệt được đâu là người. Nhưng cũng chính vì con người nên tất có những toan tính. Có những toan tính to tát vì mọi người, vì cái chung, vì cái đại thể song không khỏi không có cái toan tính cho cá nhân, cho bản thân, vị kỷ hẹp hòi. Và như vậy, để tự hoàn thiện, tự vượt lên thì con người phải biết tôn trọng quá khứ dù quá khứ đau buồn và đầy nước mắt, phải biết đối mặt với thực tại dù thực tế có phũ phàng và chứa đầy ngán ngẩm, phải biết hy sinh dù sự hy sinh cho con người có trở thành vô nghĩa, mảnh đất cho sự đố kỵ, ghen ghét, nanh nọc trên tất cả các góc độ của nó.

Một quá khứ buồn với bao dấu ấn không thể phai của một Nguyễn Văn Thừa. Một thực tế phũ phàng đến không thể phũ phàng hơn của một Hải Linh. Phải đối mặt với quá khứ, phải đối mặt với thực tại cùng biết bao đau đớn của kiếp con người. Bước tiếp hay dừng lại, chấp nhận hay vượt lên, tha thứ hay xử phạt. Tất cả cứ vây chặt, bám lấy, đeo đẳng suốt cả cuộc đời của hai thế hệ kế tiếp nhau Nguyễn Văn Thừa và Hải Linh. Không gay gắt một mất một còn, không có xung đột đến mức ngột ngạt, tức thở nhưng chỉ thế thôi, chỉ cái mặt người con giống cái mặt người cha cho nó một phần sinh linh đã bỏ rơi mẹ nó mà người mẹ ấy vẫn biết dành phần quyết định cho con dẫu trong lòng còn chua chát, đắng đót, dẫu lòng mình chưa thể đủ rộng để thứ tha cho tội lỗi của kẻ đã gây ra. Người mẹ ấy vẫn biết làm tất cả những gì làm được cho sự phát triển của mảnh đất mà mình đã được sinh ra, được bao dung, ôm ấp nhưng cũng đầy tủi hổ, đắng cay.

Hay một Nguyễn Văn Thừa dẫu khi còn nằm tênh hênh nghe người anh ngập ngọng "ăn tể tuyện té, ăn tể tuyện té" với cả chuỗi ký ức buồn, khổ cùng những mô đất đập lưng chạy loạn, tản cư, đận mong manh, chấp chới giữa cái sống và cái chết khi bụng chướng mà nhờ bẩy ngải của bà lang cùng thần núi thần rừng của thày mo người Sán Dìu cứu thoát. Nhưng vượt lên những cái tưởng chỉ có ở bản thân, tưởng như chỉ có một mình mình chịu là những sự hy sinh của những con người không có danh, không có tính của mụ đỡ, bà lang, cái tên mượn Mairia của chúa, của "bà mặt đẹp", của thày mo đã giành cho sự sống. Cái chết cho sự sống hôm nay nên dẫu quá khứ còn buồn, còn tủi, thực tại còn đau, còn phũ phàng thì kẻ sống vẫn phải biết ơn sự hy sinh mà người đó đã biết trước, sẵn sàng đón nhận để cho ta sự sống.

Đồng vọng ngược chiều cũng cho người đọc cảm nhận mới về một hiện thực của cuộc sống, của lịch sử. Chiến tranh qua đi, cuộc sống của mỗi đời người rồi cũng qua đi, các thế hệ kế tiếp nhau rồi cũng qua đi, sự kế tiếp không chỉ là sự tuân theo quy luật của tạo hoá "sinh lão bệnh tử". Chỉ có điều, đã khi nào người sống tự chất vấn với chính bản thân mình xem đã nhìn nhận về quá khứ như thế nào, đã đối xử với nó ra sao, đã cư xử với thực tế và ứng xử với nó theo thái độ nào. Phải biết tôn trọng, phải biết đối mặt để tự vượt lên, đó cũng là cái đức hy sinh của kiếp con người, là triết lý sống của đời.

Trong hiện thực đời sống, giữa biết bao sự bon chen, xô vai thích cánh, dưới tác động của đồng tiền, của quyền lực, đi đến đâu, làm cái gì, ngay đến cái nhìn cũng thấy trong "lá cây thấp thoáng mặt người"; một lối sống hiện tại mà có quá nhiều người mắc "căn bệnh dửng dưng, vô cảm"; văn chương thì có quá nhiều "phong nhũ phì đồn" thì những điều tưởng rất đời, rất thường của Đồng vọng ngược chiều chính là sự cảnh tỉnh, như tiếng chuông chùa Thông, tiếng sáo, tiếng hú của thày mo Sán Dìu, tiếng nấc của những người không có danh để gọi thành lời với những người đang sống: Hãy biết sống với những gì ta đã có, đang có. Hãy biết yêu chính cuộc đời này. Hãy biết tôn trọng quá khứ cho dù quá khứ có buồn. Hãy biết đối mặt với thực tại dẫu thực tế còn nhiều cay đắng, buồn tủi. Hãy biết hy sinh cái tôi vì cái ta trong kiếp con người còn nhiều lấm láp.

Những điều này dẫu không là mới nhưng nay nói, mai nói và nói lúc nào cũng luôn luôn đúng, bởi yêu thương là bản tính của người. Cũng chính vì thế mà Đồng vọng ngược chiều đã hoá thân vào đời sống của xã hội con người, nó không chỉ là những trang sách chỉ nằm trên giá. Sự đồng điệu của triết lý nhân sinh trong từng trang viết với đời, với người, với anh, với tôi và với các thế hệ sau. 

Đăng nhận xét

0 Nhận xét