Lý thuyết “Vòng xoắn im lặng” với cơ chế phản biện của nước ta

E-li-da-bét Nô-en sinh năm 1916 tại Béc-lin (Đức) trong một gia đình có truyền thống khoa học. Bà học báo chí, lịch sử và khoa học tự nhiên tại Đại học Mít-su-ri ở Mỹ, sau đó bà quay trở về Đức trong vai trò là giáo sư tại Đại học Béc-lin. Năm 1940, khi mới 24 tuổi, bà đã là cây bút chính của tờ Đát-rếch. Sau chiến tranh thế giới II, Nô-en và ông Hu-bớt Noi-ơ-man, chồng bà thành lập Viện Đê-mô-xcốp-pi, một trung tâm nghiên cứu về quan điểm cá nhân. Trong suốt 40 năm sau năm 1945, bà tập trung nghiên cứu về dư luận xã hội. Lý thuyết vòng xoắn im lặng do bà đề xuất đã được vận dụng vào việc nghiên cứu chủ nghĩa phát-xít của Hít-le, sự tàn sát người Do Thái vào thời Hít-le, chiến tranh... và nó đã tỏ ra hữu ích trong lý giải nhiều hiện tượng xã hội, nhất là khả năng vận dụng trong nghiên cứu dư luận xã hội.

Lý thuyết “vòng xoắn im lặng” của Nô-en Noi-ơ-man

Lý thuyết “vòng xoắn im lặng” (The Spiral of Silence) của Noi-ơ-man lần đầu tiên được công bố tại Đại học Chi-ca-gô năm 1984 và nó đã tạo ra tiếng vang lớn nhờ khả năng vận dụng trong nghiên cứu về dư luận xã hội.

Theo bà: “Vòng xoắn im lặng là một mô hình giải thích tại sao con người không sẵn sàng bày tỏ công khai quan điểm của mình khi họ tin rằng mình thuộc về thiểu số”. Như vậy, Noi-ơ-man đã đặc biệt quan tâm đến khía cạnh tâm lý của cá nhân khi tham gia vào dư luận xã hội. Nếu họ là số ít, hoặc họ cho rằng mình thuộc về số ít, họ sẽ giữ im lặng để đảm bảo không bị cô lập.

Khi đưa ra quan điểm này, bà dựa trên 3 tiền đề: Thứ nhất, con người có giác quan thứ 6 và điều này cho phép họ nắm được dư luận xã hội đang phổ biến mà không cần phải thăm dò; thứ hai, con người sợ bị cô lập và họ biết thái độ nào sẽ làm tăng khả năng bị cô lập; thứ ba, con người rất dè dặt trong việc biểu lộ những quan điểm mang tính thiểu số của mình, chủ yếu là vì họ sợ bị cô lập.

Từ sự phân tích 3 tiền đề trên, có thể nhận thấy sự quan tâm đặc biệt của Noi-ơ-man đến khía cạnh tâm lý của cá nhân trong xã hội. Sự lo sợ bị cô lập, lo sợ mất an toàn đã khiến họ sẵn sàng che giấu quan điểm riêng của mình hơn là thể hiện trước công chúng. Nhận định này đã được chia sẻ bởi quan điểm của A-lếch-xi đờ Tốc-cơ-vin: “Nỗi sợ hãi bị cô lập còn hơn cả nỗi sợ khi mắc lỗi, vì thế họ học cách tham gia vào tình cảm của đa số”. Sự chia sẻ quan điểm chung với mọi người xung quanh khiến cho cá nhân cảm thấy mình không hề “khác người”, mình là thành viên của tập thể và sự hòa đồng như vậy khiến họ thấy an tâm hơn.

Noi-ơ-man cũng khẳng định số lượng những người không trình bày công khai các quan điểm khác biệt tỷ lệ nghịch với sự ủng hộ của công chúng đối với quan điểm khác biệt đó. Có nghĩa là số lượng người không dám thể hiện quan điểm khác biệt càng nhiều thì số ủng hộ với quan điểm đó càng giảm đi. Lý do chính được Noi-ơ-man đưa ra là sự sợ hãi bị cô lập, bị chê cười và chế giễu đã làm cho cá nhân sợ hãi khi đưa ra quan điểm của riêng mình, dù rằng quan điểm của họ là đúng đắn. Một lý do khác được Noi-ơ-man đưa ra là cá nhân chấp nhận sự đồng tình với số đông nhằm mục đích tăng thêm kiến thức. Tuy nhiên, lý do đầu tiên, nghĩa là yếu tố tâm lý cá nhân, chiếm vai trò quyết định. Có thể nhận thấy tâm lý bầy đàn của con người đã khiến cho người ta sợ hãi bị tách khỏi nhóm, bị cô đơn. Sống trong tập thể, chia sẻ các ý kiến dường như khiến họ cảm thấy được bảo vệ và che chở.

Nhấn mạnh về thời điểm nói và thời điểm giữ im lặng, Noi-ơ-man cho biết: Khi các cá nhân cho rằng quan điểm của họ mang tính phổ biến và được ủng hộ bởi những người khác, họ sẽ nói trước đám đông với thái độ tự tin. Mặt khác, những cá nhân cho rằng quan điểm của họ là không phù hợp, hoặc khi họ thấy ở nhóm yếu thế, họ sẽ có khuynh hướng giữ thái độ dè dặt và im lặng.

Lý thuyết vòng xoắn im lặng được vận dụng để lý giải rất nhiều hiện tượng trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, quan điểm của Noi-ơ-man vẫn tồn tại hạn chế là nó không thể giải thích được hiện tượng tại sao nhóm phát-xít lại chiếm giữ quyền lực ở Đức bởi vì lúc đầu nhóm này là nhóm thiểu số và quan điểm của họ không tạo ra sự đồng tình đối với người dân Đức, nhưng sau đó quan điểm trên lại mang tính phổ biến ở Đức.

Dù vẫn còn hạn chế, song Noi-ơ-man đã lý giải một cách sâu xa thái độ, tâm lý, tình cảm của con người khi tham gia nhóm, cộng đồng và dư luận xã hội. Lý thuyết vòng xoắn im lặng của bà đã mô tả được xu hướng hành vi của con người trong từng điểm: thời điểm nói là khi cá nhân chắc chắn tiếng nói của mình được đông đảo chấp nhận, thời điểm im lặng là khi ý kiến đó ít (không) được chia sẻ bởi những người khác và nguyên nhân quan trọng nhất của hiện tượng này là cá nhân lo sợ sẽ bị cô lập. Điều này đã đặt ra vấn đề là không phải khi nào nhóm đa số cũng đúng, nhóm thiểu số cũng sai và không phải khi nào số lượng người lên tiếng đã áp đảo so với những người im lặng. Một vấn đề khác là trong trường hợp nhóm thiểu số nắm quyền lực trong tay thì sao? Phải chăng dư luận xã hội sẽ nghiêng về nhóm này và vòng xoắn im lặng sẽ rơi vào số đông không có quyền lực? Sự sáng tạo của các cá nhân được đặt ở đâu nếu họ liên tục phải lo sợ sự cô lập và ghẻ lạnh của những người xung quanh?

“Vòng xoắn im lặng” và cơ chế phản biện xã hội ở nước ta hiện nay

Như trên đã nói, lý thuyết vòng xoắn im lặng đặt ra rất nhiều vấn đề mà chúng ta phải cân nhắc, suy nghĩ. Khi trong một nhóm, hoặc rộng hơn là cả xã hội mà ở đó các cá nhân không dám công khai bày tỏ quan điểm của mình thì mọi thứ dường như sẽ diễn ra thuận chiều ở bề mặt và nghịch chiều ở lớp sâu trong các mối quan hệ. Nó sẽ dẫn đến hậu quả là những xung đột ngầm khiến nhà quản lý rất khó kiểm soát và xác định nguyên nhân để có thể hạn chế. Bên cạnh đó, chúng ta sẽ khó mà nhận thức được chân lý khi xung quanh chúng ta toàn là những ý kiến đồng tình mà không có ý kiến phản đối. Điều này gây ra rất nhiều tác hại cho việc xây dựng quy chế dân chủ nói chung và cơ chế phản biện xã hội ở nước ta hiện nay nói riêng.

Về mặt khái niệm, “phản biện là nhận xét và đánh giá về một công trình khoa học (luận án, luận văn, khoá luận hoặc kết quả nghiên cứu khoa học của một đề tài, một chương trình nghiên cứu...). Người (hay cơ quan) phản biện nhận định về tính cấp thiết và ý nghĩa của đề tài, nội dung và hình thức thể hiện của công trình khoa học, phương pháp nghiên cứu, kết luận, đóng góp, hạn chế... cuối cùng đánh giá chung là đạt hay không đạt nhĩmg yêu cầu đề ra, xếp loại...”(1); và “phản biện xã hội là sự phản biện nói chung, nhưng có quy mô và lực lượng rộng rãi hơn của xã hội, của nhân dân và các nhà khoa học về nội dung, phương hướng, chủ trương, chính sách, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ, giáo dục, y tế, môi trường, an ninh trật tự chung toàn xã hội của Đảng, Nhà nước và các tổ chức liên quan. Phản biện xã hội là phát huy dân chủ XHCN và quyền làm chủ của nhân dân, ý thức trách nhiệm của nhân dân trong việc tham gia quản lý Nhà nước... nhân dân không chỉ có quyền mà còn có trách nhiệm tham gia hoạch định và thi hành các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Phản biện xã hội là nhu cầu cần thiết và đòi hỏi bắt buộc của quá trình lãnh đạo và điều hành đất nước, khắc phục tệ quan liêu”(2).

Xuất phát từ khái niệm trên, có thể thấy vai trò quan trọng của phản biện xã hội trong đời sống xã hội. Phản biện là một cách để đảm bảo dân chủ cơ sở, đảm bảo mọi ý kiến, nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân đều được xem xét để triển khai thực hiện trong thực tiễn. Chính vì thế, Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã chỉ rõ: “Xây dựng quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, quyết định lớn của Đảng và việc tổ chức thực hiện, kể cả đối với công tác tổ chức và cán bộ”(3).

Như vậy, phản biện xã hội đã thực sự trở thành vấn đề lớn trong công tác của Đảng và Nhà nước. Phản biện xã hội được tiến hành hết sức rộng rãi, từ những ý kiến đóng góp của người dân đối với các chính sách, đường lối của Đảng, Nhà nước, thăm dò ý kiến người dân về dự thảo luật, về uy tín của các nhà lãnh đạo, về việc bỏ phiếu bầu cử, đề bạt và vấn đề chuẩn bị cho việc lấy ý kiến nhân dân về Cương lĩnh xây dựng đất nước giai đoạn 2010-2020... Theo đó, người dân không chỉ được đóng góp ý kiến vào việc hoạch định chính sách xã hội, mà tiếng nói của họ còn có sức nặng đối với việc làm trong sạch đội ngũ cán bộ quản lý của Nhà nước. Điều đó cho thấy tính dân chủ ngày càng được mở rộng hơn, từ đó nó kích thích sự chủ động của người dân trong mọi hoạt động xã hội. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao để người dân tham gia một cách tích cực và trung thực vào “diễn đàn” phản biện xã hội để hoạt động này thực sự mang lại hiệu quả đối với công tác quản lý đất nước? Liệu rằng khi họ nói thật quan điểm của mình, vị thế và lợi ích của họ có bị ảnh hưởng hay không? Hay nói cách khác, làm sao để số người rơi vào “vòng xoắn im lặng” chiếm tỷ lệ thấp nhất (thậm chí là bằng 0) và ngược lại, số người dám công khai bày tỏ quan điểm của mình chiếm tỷ lệ cao nhất?

Có một thực tế ở nước ta hiện nay là tình trạng “vòng xoắn im lặng” dường như đã trở nên phổ biến. Trong nhiều trường hợp, người dân biết và thấy những hiện tượng sai trái nhưng không nói ra hoặc nói ra những điều không đúng với suy nghĩ, cảm xúc thật của chính họ. Bởi vì, nếu nói ra, họ sợ bị xa lánh, bị cô lập vì ý kiến của mình trái với ý kiến của đa số, họ sợ sẽ bị trù dập, sợ mất lòng cấp trên, sợ mất lợi ích...

Như vậy, nguyên nhân trực tiếp làm xuất hiện vòng xoắn im lặng trong đời sống xã hội nói chung, trong văn hóa quản lý ở nước ta nói riêng là do tâm lý lo ngại về sự không an toàn khi nói ra sự thật. Nhìn một cách sâu xa hơn, nguyên nhân cơ bản xuất phát từ tâm lý tiểu nông, sản xuất nhỏ, tư hữu nhỏ của các cá nhân trong xã hội. Chính tâm lý cộng đồng, làng xã đã khiến cái “tôi” của cá nhân bị nhòa lẫn trong cái “ta” chung, khiến các cá nhân không dám nêu lên quan điểm của riêng mình. Trong những tình huống bị buộc phải lên tiếng thì thói quen thay thế chân lý bằng tâm lý của người Việt đã thắng thế và chính điều này đã ngăn cản họ nói ra những ý nghĩ mà họ ấp ủ.

Mặc dù đã được nêu lên trong Nghị quyết Đại hội X của Đảng, song cơ chế phản biện xã hội ở nước ta vẫn chưa được phát huy, chúng ta phải tiếp tục tìm ra giải pháp để khắc phục tình trạng này. Giải pháp đầu tiên được đưa ra là phải nâng cao trình độ dân trí cho không chỉ đội ngũ cán bộ, đảng viên, mà còn cả trong mọi tầng lớp nhân dân. Làm sao để những người dám nói thật, nói đúng không bị ảnh hưởng đến vị thế, quyền lợi của họ, làm sao để họ thấy ý kiến của họ được trân trọng thì số người dám nói sẽ tăng lên và theo đó, vòng xoắn im lặng sẽ thu hẹp lại. Bên cạnh đó, chúng ta cần xây dựng văn hóa quản lý, nhà quản lý phải biết lắng nghe ý kiến từ phía phản biện một cách cầu thị, phân định rạch ròi đúng - sai một cách công tâm, khách quan dựa trên những căn cứ khoa học, hợp tình, hợp lý. Nói cách khác, phản biện theo đúng nghĩa là nhằm tìm ra chân lý, hướng đi phù hợp cho công tác quản lý.

Chúng ta đang xây dựng Nhà nước “của dân, do dân và vì dân”, nhằm đảm bảo việc thực hiện triệt để nhất tính dân chủ trong quản lý nhà nước. Tuy nhiên, trên thực tế, dân chủ chưa được phát huy đúng mức, nhất là dân chủ trong tổ chức. Nguyên nhân chính là do chưa có cơ chế bảo vệ các cá nhân và tập thể khi họ nói thực quan điểm của họ. Chính vì thế đã xảy ra trường hợp cá nhân chỉ nói ngoài tổ chức chứ không dám phê phán trong tổ chức. Hệ quả của nó là gây ra tình trạng nhiễu thông tin, khiến nhà quản lý rất khó kiểm soát những tin đồn thất thiệt làm giảm hiệu quả của công tác quản lý. Do đó, cần phải xây dựng cơ chế bảo vệ và nghiên cứu các ý kiến đối lập, khác biệt, tức là chúng ta tôn trọng sự khác biệt trong tính đa dạng của sự thống nhất. Làm được điều đó hàm nghĩa chúng ta sẽ thu được những thông tin xác đáng và tâm huyết cho công tác hoạch định chính sách của Nhà nước.

Như vậy, một cách hoàn toàn không gượng ép, lý thuyết vòng xoắn im lặng có thể vận dụng vào nghiên cứu về cơ chế phản biện xã hội ở nước ta hiện nay. Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng đã chỉ rõ cần xây dựng cơ chế phản biện rộng khắp trong nhân dân, nghĩa là phải thu hẹp tối đa việc người dân không dám bày tỏ công khai thái độ, quan điểm của mình, cũng có nghĩa là giảm thiểu tác hại của vòng xoắn im lặng. Thông qua việc tạo lập bầu không khí khách quan, khoa học trong nhìn nhận, đánh giá về mọi ý kiến phản biện, tin rằng nền dân chủ của chúng ta sẽ ngày một phát huy rộng rãi hơn.


(1) Từ điển Bách Khoa Việt Nam, NXB TĐBK, H,2003, tập 3, tr.407. (2) Tìm hiểu một số thuật ngữ trong Văn kiện Đại hội X của Đảng, NXBCTQG, H.2006, tr. 182-183. (3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, NXB CTQG, H.2006, tr.135.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét