Làm chủ sự sống chết

Nếu Thầy làm chủ được bệnh của Thầy, tức là Thầy làm chủ được cái chết. Làm chủ được cái chết, tức là làm chủ nhân quả. Ngoài nhân quả ra thì không có cái chết. Bởi vì thân của Thầy là thân nhân quả, cho nên nó phải có sanh có diệt. Khi tu tập theo giáo pháp của đức Phật, thì trước tiên Thầy làm chủ cái tâm, làm chủ cái tâm là phải làm chủ tâm không sân, không tham, không si. Do làm chủ tâm nên mới không tham, sân, si.

Nếu không làm chủ tâm được thì tâm tham, sân, si cũng giống như mọi người. Khi làm chủ được tâm không tham, sân, si rồi Thầy làm chủ được bệnh. Đầu của Thầy đau nhức, Thầy bảo: “cái thọ này vô thường, cái đầu đau nhức này phải rời khỏi thân này đi và không được đau nhức nữa”. Khi hướng tâm như vậy, thì tự cái đau nhức đầu sẽ đi mất. Như vậy có phải cần uống thuốc không hỡi quý Phật tử? Đâu có cần uống gì. Nay Thầy đã sống trên 78 tuổi rồi mà Thầy vẫn sống bình thường, không có đau bệnh gì khó khăn khổ sở. Nếu có đau Thầy sẽ đuổi nó đi. Khi Thầy sắp chết Thầy bảo hơi thở ngưng đi, cái thân già yếu này sống làm chi cho thêm cực khổ quá vậy, chết đi cho rồi. Thì bắt đầu nó ngưng hơi thở Thầy chết. Bởi vì Thầy làm chủ được thân nhân quả. Cho nên đức Phật nói:

“Thiên thượng thiên hạ
Duy ngã độc tôn
Nhất thiết thế gian
Sanh, lão, bệnh, tử”.

Giải nghĩa:

“Trên trời, dưới trời
Con người duy nhất
Khắp trong thế gian
Vượt qua sanh, già
Làm chủ bệnh, chết”.

Đức Phật đã vượt qua sanh, già, bệnh, chết, tức là làm chủ sanh tử. Vậy thì người tu theo đạo Phật vốn có tâm niệm với mục đích làm chủ được bốn nỗi khổ đau này.

Mục đích của chúng ta là tu tập ngồi thiền để làm chủ sự sống chết và chấm dứt luân hồi phải không?

Ở đây, Thầy chỉ dạy cho quý vị ngăn ác diệt ác pháp, có nghĩa là người ta chửi mình, mình không giận, mình không tham muốn gì hết. Dù thấy các vật đẹp mình cũng không ham muốn, chứ không phải ngồi thiền hít thở, niệm Phật, niệm chú, tụng kinh, sám hối, v.v… Và như vậy quý vị đã làm chủ được cái tâm tham, sân, si của mình, tức là quý vị đã làm chủ được nhân quả trong cuộc sống của mình, tức là làm chủ nhân quả của tâm. Khi đã làm chủ nhân quả của tâm được rồi thì tiếp tục tu tập để làm chủ nhân quả của thân. Làm chủ nhân quả của thân, là làm chủ bệnh tật và chết phải không? Vì có làm chủ được tâm thì đó mới làm chủ được cái nhân. Làm chủ được cái nhân chưa đủ, nên phải làm chủ cho được cái thân, làm chủ được cái thân, tức là làm chủ được cái quả. Cái quả thân của chúng ta hiện giờ có là do nhân đời trước. Nhờ làm chủ được tâm thì mới làm chủ được thân. Nếu không làm chủ được tâm thì không thể nào làm chủ được thân. Khi chưa làm chủ được tâm thì thân của quý bạn có nhức đầu, dù cho quý vị có biết dùng pháp hướng nhắc tâm đến cả ngàn lần thì nó cũng nhức đầu, chứ không bao giờ hết. Còn bây giờ Thầy đã làm chủ được cái tâm thì Thầy chỉ nhắc nó một vài lần là nó hết nhức đầu ngay liền.

Làm chủ được bệnh khổ như vậy thì dù có đem tiền bạc chất như núi Thái Sơn cho Thầy, thì Thầy cũng không ham. Người ta chửi Thầy, Thầy không giận, cái không sân của Thầy, dù ai có đổi chùa to Phật lớn, Thầy cũng không ham. Tại vì Thầy đã làm chủ tâm của mình được rồi, nên danh lợi sang giàu đối với Thầy trở thành vô nghĩa. Do danh lợi sang giàu trở thành vô nghĩa đối với Thầy, thì Thầy phải làm chủ được bệnh. Làm chủ được bệnh thì Thầy làm chủ được chết của mình, làm chủ được cái chết của mình, thì Thầy phải chấm dứt tái sanh luân hồi của Thầy. Có phải vậy không? Giống như trên Thầy đã dạy. Vì thế, chúng ta đã tịnh chỉ hơi thở nhập Tứ Thiền. Khi nhập xong Tứ Thiền thì chúng ta thực hiện Tam Minh. Mà thực hiện Tam Minh thì nghiệp lậu hoặc không còn nữa, do đó Thầy đã chấm dứt sự tái sanh luân hồi của mình. Chấm dứt luân hồi tái sanh, tức là chấm dứt nghiệp lực tái sanh, chứ không phải có thần thức, linh hồn đi tái sanh, mà chính là nghiệp. Nghiệp là do hành động thiện ác của chúng ta tạo thành.

Ví dụ: Chúng ta uống rượu, nó sẽ thành quen đi với rượu, nếu không có rượu thì cơ thể chúng ta khó chịu phải không? Chúng ta hút thuốc nó quen đi, bây giờ không hút thuốc, nghe buồn bã, nghe khó chịu trong lòng, hút thuốc vào là khoẻ trong người liền. Đó là nghiệp dẫn dắt mình ham thích dục lạc, nó làm cho mình khổ sở, do như vậy chúng ta bị nhiễm. Sự nhiễm như vậy trở thành nghiệp. Bây giờ chúng ta làm chủ nghiệp, thì làm sao nghiệp đi tái sanh luân hồi được. Phải không? Nếu chúng ta còn tham, sân, si thì còn nghiệp, nghiệp còn thì tiếp tục đi tái sanh.

Hằng ngày Thầy tu tập làm chủ nghiệp. Tu tập làm chủ nghiệp tức là tu tập tâm không tham, không sân, không si. Hằng ngày Thầy thường nhắc: “tâm không tham, sân, si, phải ly dục, ly ác pháp đi”,  hoặc Thầy nhắc: “tâm như cục đất ly tham, sân, si đi, đừng có tham, sân, si nữa, tham sân si là ác pháp, là khổ đau”. Thầy nhắc nó như vậy, hằng ngày nên nó trở thành nghiệp không tham, sân, si. Khi chưa biết tu tập chúng ta thường hay tham, sân, si, lâu ngày nó huân tập thành nghiệp tham, sân, si. Còn bây giờ Thầy huân tập nghiệp không tham, sân, si. Nghiệp không tham, sân, si thì nó có tái sanh không quý vị? Nghiệp không tham, sân, si thì không tái sanh. Còn chúng ta đi tái sanh là do nghiệp tham, sân, si. Như vậy có đúng không? Vì đức Phật xác định thân ngũ uẩn của chúng ta là sắc, thọ, tưởng, hành, thức, và thức cũng là một trong năm thứ hoại diệt của thân ngũ uẩn. Thân này hoại diệt thì rã hết năm uẩn kia. Sắc thân này tan rã thì thức này cũng tan rã, thì thân ngũ uẩn có còn cái gì đâu. Thế mà chúng ta chấp ở trong thân này còn có thần thức, linh hồn, tánh biết, tánh thấy, tánh nghe.

Nếu có linh hồn nhập vào đồng cốt thì đó là tưởng thức của chúng ta tạo tác, chứ không phải có linh hồn, chúng ta đã nhận sai rồi không đúng đâu. Vì đức Phật nói, khi chúng ta chết đi thì không còn có cái gì tồn tại hết. Nó chỉ còn lại nghiệp do hành động thiện ác của chúng ta, nghiệp đó nó tái sanh như trên đã nói. Vì thế chúng ta mãi mãi tái sanh mà không bao giờ dứt. Hôm nay chúng ta đã rõ biết được. Vậy biết rõ chúng ta phải tu tập, tu tập để có được tâm nghiệp không tham, sân, si. Hằng ngày chúng ta huân tập pháp như lý tác ý, nhờ pháp như lý tác ý mà trở thành nghiệp lực không tham, sân, si.

Nghiệp tái sanh luân hồi là nghiệp tham, sân, si. Nghiệp không tham, sân, si là nghiệp chấm dứt tái sanh luân hồi. Do đó đức Phật dạy: “Con người là thừa tự nghiệp”.

Nghiệp không tái sanh luân hồi đức Phật ví như lõi cây. Muốn tìm lõi cây thì chúng ta phải bỏ vỏ, bỏ giác. Cũng vậy muốn tu giải thoát thì phải bỏ tham, sân, si, còn lại cái không tham sân si. Cây mới mọc lên thì không có lõi liền được. Nó phải có một quá trình thời gian lâu dài thì mới có lõi được. Chúng ta là con người sống trong đau khổ, muốn thoát ra sự khổ đau thì phải có một quá trình thời gian tu tập. Nhưng phải tu đúng pháp, còn tu sai thì chẳng bao giờ có giải thoát được. Nếu không có pháp Tứ Chánh Cần, không có Tứ Niệm Xứ, không có pháp hướng tâm như lý tác ý thì dù quý vị có tu ngàn đời cũng chẳng giải thoát được.

Tóm lại, làm chủ sanh tử chấm dứt luân hồi là làm chủ nghiệp, làm chủ nghiệp là làm chủ tâm, tức là tâm không tham, sân, si, mạn, nghi nữa. Làm chủ tâm là tâm phải bất động trước các ác pháp và các cảm thọ tức là tâm không còn dục lậu, hữu lậu vô minh lậu nữa thì mới giải thoát hoàn toàn.

Trưởng Lão Thích Thông Lạc
Trích Đường về xứ Phật 4
Và đây là bộ sách của Thầy Thích Thông Lạc mà tác giả Blog đã sưu tập (tạm thời), bạn có thể tải về: Click tại đây

Đăng nhận xét

0 Nhận xét