Niềm tin

Một phần ba số bệnh nhân tâm thần thực tế không có tổn thương thần kinh vật lý nào cả, họ chỉ đơn giản là thiếu đi một thứ rất quan trọng: Niềm tin.

Với rất nhiều người, cuộc sống chỉ đơn giản là những chuỗi ngày ăn uống ngủ nghỉ, đi chơi, xem phim, yêu đương, lập gia đình, sinh con, già đi và chết. Điều đó không có gì sai, chỉ có điều, hình như nó quá nhàm chán. Và những thứ nhàm chán lặp đi lặp lại hàng ngày sẽ giết chết mọi niềm vui sống của một người, tệ nhất là tự tử.

Không có gì lạ, khi số lượng người tự tử ở các nước phát triển thường cao hơn các nước nghèo, khi cuộc sống vật chất quá đầy đủ và đã đi vào vòng quay bất tận, con người thường mất đi mục đích sống, mất đi mục tiêu phấn đấu, mất đi mọi niềm vui thuần khiết nhất mà họ từng có.

Nếu đi hỏi 10 người câu hỏi: “Lý tưởng sống của bạn là gì?” – có tới 9 người sẽ đơ mặt ra và ấp úng không biết nói gì. Người còn lại sẽ nói rằng: “Kiếm nhiều tiền, trở nên thành công, nổi tiếng… ” Câu trả lời sai rồi, lý tưởng là thứ mà bạn sẵn sàng hy sinh vì nó, có ai sẵn sàng hy sinh (chết) để có nhiều tiền hơn, để nổi tiếng hơn không? Cũng có đấy, nhưng ít lắm.

Khi quá thiếu niềm tin, con người sẽ phải khỏa lấp chỗ trống trong lòng họ bằng nhiều phương pháp. Uống rượu, tưng bừng thâu đêm suốt sáng, đập đá, bay lắc, tình dục bừa bãi v..v.. Không có cách nào khác, họ cần phải quên đi khoảng trống nội tâm của họ, họ cần có một hoạt động gì đó để quên đi câu hỏi mà lẽ ra họ phải luôn tự hỏi mình: “Tôi sống vì điều gì?” Vì sao ư? Vì họ sợ phải đối diện với nó, sợ phải đối diện với chính mình.

Một số người tìm thấy niềm tin trong tôn giáo, vào những Đấng thiêng liêng, vào những thế lực siêu hình, vào một sự sống vĩnh cửu sau khi chết, vào một nước thiên đàng mà họ phấn đấu để đạt tới. Như vậy cũng không có gì sai, ít ra bây giờ họ đã có niềm tin, có cái để phấn đấu, để nương tựa vào. Đó là lý do vì sao tôn giáo lại nắm giữ một bộ phận quyền lực rất lớn.

Một số người tin rằng khi họ gặp một người “hoàn hảo”, mọi vấn đề của họ sẽ được xử lý, họ sẽ trở nên hạnh phúc, yêu đời và tràn đầy sức sống, cuộc sống của họ sẽ có ý nghĩa. Đó không phải là nội dung của 90% các ca khúc thị trường ngoài kia sao? Tin buồn là mọi thứ dường như không đơn giản vậy.

Những cái đó, cũng chỉ như một liều thuốc an thần tạm thời, đến cuối cùng, họ vẫn phải đối diện với sâu thẳm bên trong mình, họ là ai, họ sống vì điều gì? Tới một lúc, tất cả các tín đồ thuần thành nhất rồi cũng đều phải nhận ra, các Đấng thiêng liêng không sống thay họ được, không cứu rỗi họ được, cuối cùng chỉ còn lại một mình họ với bản thân mà thôi. Những cặp đôi yêu nhau nhiệt tình nhất rồi cũng phải nhận ra rằng, người kia không giúp họ tìm được ý nghĩa của cuộc đời (mà thường là sẽ làm rối tung nó lên).

Bạn có thể đọc hàng trăm quyển sách về đề tài này, nhưng nó cũng chẳng giúp bạn nhiều trong việc tự đối diện với bản thân, chẳng giúp bạn biết mình sống vì điều gì. Bạn có thể mượn hàng trăm câu nói của hàng trăm bậc vĩ nhân nói về mục đích cuộc sống, nói về lý tưởng, nhưng rồi nó cũng chẳng giúp bạn nhiều lắm đâu, chỉ là trong giây phút nhất thời thôi.

Câu hỏi này không có lời đáp. Bạn phải tự tìm cho mình, phải tự hỏi mình, điều gì với bạn là thực sự quan trọng, nếu phải hy sinh thì bạn sẽ hy sinh vì điều gì?

Tìm ra rồi, hãy sống với nó, nhưng đừng áp đặt nó lên những người khác. Vì mỗi người đều có những câu trả lời khác nhau. Nếu một ngày, bạn nhận ra nó không còn đúng, vậy hãy bỏ nó đi, chọn lấy một câu trả lời khác, sống với nó, trọn vẹn một lần nữa.

Đừng bao giờ mong chờ vào một thứ thần kỳ nào hiện ra và làm cuộc đời bạn trở nên có ý nghĩa.

Bạn, chính là điều thần kỳ rồi.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét