Phẩm cách của con người được nhận thức qua hành động của con người. Hành động ở đây phải được hiểu theo nghĩa rộng. Một lời nói, một ý nghĩ, một thái độ cũng đều được gọi là hành động. Nói theo Phật học, thì hành động đây tức là "nghiệp". Hành động cao đẹp vừa chứng tỏ một phẩm cách cao đẹp mà lại vừa un đúc cho phẩm cách ấy cao đẹp thêm. Mà khi phẩm cách đã cao đẹp thêm thì hành động cũng lại tăng phần thiện mỹ. Vì thế, do hành động, một phẩm cách có thể hạ liệt thêm lên, hoặc cao thượng thêm lên. Sự biến đổi của phẩm cách ấy chính là do ở ý chí, cơ năng của mọi hành động vậy.
Vấn đề tự do ý chí còn là một vấn đề chưa được giải quyết, vì là một vấn đề nằm trong phạm vi siêu hình, không phải chỉ nằm trong phạm vi luân lý đạo đức.
Ý chí là gì?
"Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất, thị chi vị đại trượng phu".
(Mạnh tử – Đằng văn công hạ)
"Phú quý không làm cho dâm dật, nghèo nàn không làm cho thay đổi, uy vũ không làm cho khuất phục, đó gọi là đại trượng phu." Đại trượng phu ở đây chính là phẩm cách, mà phẩm cách ấy chính là nhờ ở ý chí mạnh mẽ "phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất". Vậy ý chí tức là năng lực ý thức và tự chủ của cá nhân vậy.
Nhưng khi xét về bản chất của tự thân ý chí, các triết gia không đồng ý với nhau; do đó mà có hai chủ trương: quyết định luận (déterminisme) và tự do luận (libéralisme). Quyết định luận căn cứ trên quan điểm cơ giới (point de vue mécanique), còn tự do luận thì căn cứ trên quan điểm mục đích (point de vue théléologique) của Tự nhiên triết học.
Như Lão tử nói:
"Thiên địa chi gian, kỳ do thác thược hồ!" hay "Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất thất" và "Phù vật vân vân, các phục quy kỳ căn, quy căn viết tĩnh, thị viết phục mệnh"
(Đạo đức kinh, chương 73 và16)
Đó chính là một quan niệm cơ giới về vũ trụ, Spnoza bảo "Vạn sự đều đã được định trước, con người không thể muốn theo ý mình". Nếu con người không hiểu được tính cách tất nhiên và cố định ấy của vũ trụ, cứ muốn làm theo ý mình, làm trái định luật tự nhiên, tức là phải gặp tai họa. Trong Đạo đức kinh, chương 16 có câu:
"Bất tri thường, vọng tác, hung"
"Nếu không biết lẽ thường, mà cứ làm theo ý mình, thì ắt gặp phải tai biến".
Démocrite, theo ý của thầy là Leucippe, cho rằng vạn vật trong vũ trụ đều do nguyên tử cấu thành; tâm linh con người cũng chỉ là sự kết hợp của các nguyên tử vật chất ấy, bất quá là tinh tế hơn và có nhiều tính chất lưu động hơn mà thôi. Sự biến dịch của nhân tâm và sự thành hoại của vạn vật, nhất luật đều do sự tập hợp và phân tán của nguyên tử. Sự vận động tự nhiên của nguyên tử không có một mục đích nào hết: cho nên sự thành hoại biến dị của tất cả mọi cá thể đều là ngẫu nhiên, do sự sai dị và tụ tán của phân lượng nguyên tử. Theo đó thì cái nhân nghĩa của Khổng tử, Nhan Hồi, hay cái bất nghĩa của kẻ đạo chích cũng không khác nhau vì tính chất, mà chỉ khác nhau vì phân lượng phối hợp của nguyên tử không đồng nhau mà thôi!
Sau Démocrite, Aristote chủ trương ngược hẳn lại; Ông cho rằng trong vũ trụ, không có vật nào là không có mục đích của nó. Vạn vật đều phát triển, từ tiềm thế (potentialité) đến hiện thế (actualité): trứng tự nhiên cần phát triển để thành gà, tằm tự nhiên phát triển để thành bướm. Con người cũng cần phát triển để thành bậc hoàn nhân.
Cái mà Aristote gọi là energiea (chữ Hy lạp) chính là ý chí; nhờ ý chí đó mà vạn vật có thể từ tiềm thế trở thành hiện thế. Nhân loại phải nhờ ý chí ấy mà tiến đến chỗ nhân sinh viên mãn.
Hiện đại, Henri Bergson, trong quyển "Thời gian và Tự do Ý chí" phủ nhận luật nhân quả trong bản thân vũ trụ; cho rằng luật ấy là do con người giả tạo theo tri thức suy luận của mình, và chủ trương rằng bản thể là luôn luôn sáng tạo đổi mới, tuyệt đối tự do. Hiện tượng đến sau tuyệt đối không chịu sự quyết định của hiện tượng đến trước. Thế giới không phải là một guồng máy lớn cứ xoay quanh con trục, mà là một sáng tạo bất đoạn, không có một yếu tố nào quyết định hay ngăn cản sự sáng tạo bất đoạn ấy được.
Chúng ta thấy rằng đã công nhận cơ giới tính của vũ trụ tức là chủ trương không có tự do ý chí. Vũ trụ, theo tri thức suy luận của chúng ta, được cai quản bởi những định luật tổng quát – như luật nhân quả – chẳng hạn Khoa học đi tìm những định luật ấy để lợi dụng thiên nhiên, chế ngự thiên nhiên. Các định luật kia phải có tính cách tất nhiên, bởi vì không tất nhiên thì không thể gọi là định luật được. Mà công nhận những định luật ấy tức là đã công nhận rằng vũ trụ là một đại cơ giới: con người là một tiểu cơ giới trong cái toàn thể ấy, cũng phải sinh hoạt một cách tất nhiên, nghĩa là không có ý chí tự do.
Nhưng đứng về phương diện triết học nhân sinh, không ai chịu công nhận như thế. Đặt vấn đề căn bản là nhân loại phải có trách nhiệm đạo đức, người ta không thể không công nhận tự do ý chí. Có tự do ý chí mới có vấn đề phẩm cách, mới có vấn đề chỉ ác tu thiện, và mới có giá trị nhân sinh. Triết gia Kant chia lý tính làm hai thứ: thuần túy lý tính (la raison pure) với thực tiễn lý tính (la raison pratique) và công nhận trong thực tiễn lý tính có tự do ý chí. Nhưng làm sao để có thể cách biệt "thuần túy" và "thực tiễn" cho được, cho nên trong ấy ta vẫn đọc thấy một thắc mắc thầm kín không thể giải tỏa.
Công nhận tính cách "tất nhiên" của vạn sự tức là chủ trương rằng tất cả đều đã được quyết định trước, là phủ nhận khả năng sáng tạo, cải biến, nói tóm lại, là không thừa nhận tự do ý chí. Vậy nếu muốn chủ trương tự do ý chí thì phải không công nhận tính cách "tất nhiên" ấy của vạn sự, nghĩa là không thừa nhận có những định luật phổ biến mà vũ trụ phải vận hành theo. Không "tất nhiên" thì cố nhiên phải là "ngẫu nhiên". Mà nếu là ngẫu nhiên thì vũ trụ trở thành một khối hỗn tạp, rối reng, không có một đường lối vận hành nào cả. Thế thì tự do ý chí sẽ dùng vào việc gì? Nếu không có luật nhân quả gieo thiện gặt thiện, gieo ác gặt ác, thì tự do ý chí cũng sẽ không lợi gì cho nhân sinh cả, bởi vì hành động luân lý cũng như hành động phi luân lý, không đem đến một hậu quả nào hết.
Vậy đạo Phật đã giải quyết thế nào về vấn đề tự do ý chí?
Đứng về phương diện vũ trụ, đạo Phật chủ trương rằng thế giới là một sáng tạo phẩm cộng đồng của nghiệp lực chúng sinh. Những chúng sinh nào cùng mang chung một nghiệp nhân thì cùng sống trong một thế giới cộng báo, tức là nghiệp quả chung cho tất cả các chúng sinh ấy, gọi là cộng nghiệp. Tự thân của mỗi chúng sinh cũng là nghiệp quả, nhưng bất cộng nghiệp.
Bản thân của chúng sinh và thế giới trong đó chúng sinh sống đã là một nghiệp quả, thì cố nhiên nghiệp quả ấy cũng đã là một câu thúc không nhiều thì ít đối với chúng sinh ấy. Do nghiệp nhân quá khứ mà con người có một ngũ uẩn thân, nghĩa là một cá thể tổng hợp của ngũ uẩn: sắc (vật chất) và thọ, tưởng, hành, thức (tinh thần). Sắc uẩn đành rằng phải chịu luật chi phối của tự nhiên. Về tâm thức, khi sinh ra, con người đã mang theo một khuynh hướng thâm trầm chấp ngã, nặng nề những tính chất ngã si ngã kiến làm nền tảng cho ngã ái, ngã mạn sau nầy. Vì thế, con người khi sinh ra, không phải hoàn toàn tự do như Rousseau đã nói, trái lại, đã mang nặng những yếu tố không tự do. Tuy nhiên, theo lối phân tích Tâm học của Duy thức luận, con người có một hiện tượng tâm lý giàu khả năng tự do: đó là thức thứ sáu: ý thức. Ý thức không bị nghiệp quả ràng buộc, trái lại, còn có thể chuyển di được nghiệp quả. Thân thể và vạn sự vạn vật trong vũ trụ đều phải vâng theo định luật thành, trú, hoại, không. Nhân sinh, trong sự sinh hoạt, cũng phải bị những định luậït của tự nhiên giới chi phối, duy chỉ có ý thức là còn khả năng được tự do.
Theo nghiệp nhân xấu hay tốt mà phạm vi của sự tự do ấy rộng hay hẹp. Nghiệp nhân nặng nề xấu xa sẽ đưa đến một hoàn cảnh nhiều nghịch duyên và một sắc thân nặng nề, đần độn: khả năng ý thức vì đó mà có rất ít tự do. Thiếu đi một ít chất cần thiết trong não cân, mất đi một vài cơ quan cảm giác thế là phạm vi ý thức bị thu hẹp lại và tự do cũng sẽ giảm bớt theo sự thu hẹp ấy. Dục vọng càng nặng nề, ngã si và ngã kiến càng kiên cố, thì năng lực tự do ấy càng giảm bớt.
Cố nhiên những quả báo của biệt nghiệp phải chứa nhiều tự do hơn những quả báo của cộng nghiệp. Ý chí tự do tác động trên biệt nghiệp báo (bản thân) dễ dàng hơn là trên cộng nghiệp báo (thế giới vũ trụ). Ở vào địa vị người, tự do ý chí tương đối đã khá rộng rãi; nhân công tác chuyển nghiệp (chuyển ác nghiệp thành thiện nghiệp) mà tiến dần đến tự do tương đối rộng hơn và thoát ly cộng nghiệp bất tự do.
Vậy trên đường giải thoát giác ngộ, càng đi lên thì con người càng thoát ly được những giai đoạn cộng nghiệp ít tự do và tiến đến những giai đoạn cộng nghiệp nhiều tự do. Những định luật chi phối tự nhiên giới và nhân sự giới không phải là những định luật nào khác hơn là những định luật của thế giới nghiệp báo cọng đồng. Đó cũng là những kết quả của nghiệp nhân và có thể thay đổi được nếu nghiệp nhân thay đổi. Hơn nữa, tự do ý chí không bắt buộc phải là nghịch lại với những định luật chi phối thế giới, vũ trụ. Ta có thể ví dụ ý chí của mỗi cá nhân ta như là một chiếc xe hơi và các định luật kia là những hệ thống đường sá trong đô thành. Xe hơi có quyền chọn bất cứ một đường nào để chạy, miễn là phải chạy trên đường. Nhưng "có quyền chọn bất cứ một đường nào để chạy" là gì nếu không phải là tự do? Vậy hoạt động theo những định luật tự nhiên với một ý thức quyết trạch, không hẳn là không có tự do ý chí.
Trong nhiều trường hợp, ý chí có thể theo hay là không theo những định luật phổ biến; và như ta đã thấy, khi đã chuyển nghiệp để tự tách rời khỏi cộng nghiệp thiếu tự do, ý chí có thể biến cải được những định luật ấy và tạo nên những định luật mới trong nghiệp quả cọng biến mới.
Sự khác nhau giữa một định luật tự nhiên và một ý chí là ở chỗ định luật tự nhiên ấy tác động một cách vô tư và máy móc trên toàn thể, còn ý chí tự do tác động một cách có ý thức và riêng cho từng cá nhân. Một ý chí mà tác động không ý thức và không có liên hệ đến bản thân của cá nhân thì không thể gọi là một ý chí tự do mà chỉ là một sự điên cuồng.
Sống trong một thế giới cộng nghiệp, con người không thể thay đổi những định luật của thế giới cộng nghiệp ấy, nhưng con người có quyền chọn lựa những phương tiện hành động mà con người có thể có được. Sự chọn lựa ấy chính là yếu tố tự do.
Đi sâu hơn nữa, ta thấy rằng thế giới vũ trụ mà ta xây dựng trong trí thức của ta – xây dựng bằng kinh nghiệm và suy luận – chưa ắt đã giống với thế giới khách quan tồn tại ngoài chúng ta. Có thể nói rằng thế giới mà ta quan niệm chỉ nằm gọn trong thế giới khách quan thực tại. Bởi vì thế giới mà trong đó chúng ta sống có thể là một thế giới lắm chiều (de plusieurs dimensions) mà trí năng của ta thì lại chỉ trình bày có một chiều thôi.
Hình dung bằng trí năng tất cả những kinh nghiệm của mình về các chiều hướng (dimensions) khác, thì cũng như nhà họa sĩ trình bày lại không gian ba chiều (l’espace à trois dimensions) trong một mặt phẳng hai chiều. Nhà họa sĩ có thể làm như vậy, nhưng phải hy sinh đi ít nhiều đặc tính của sự vật và đưa vào bức họa một trật tự mới về tỷ lệ, cái trật tự chỉ có thể áp dụng trong đơn vị nhân tạo của hội họa mà thôi. Những định luật về viễn cận ở đây cũng tương đương như những định luật của thế giới bên ngoài mà trí thức ta quan niệm. Họa sĩ ý thức được rằng mình đang trình bày không gian ba chiều trong một mặt phẳng hai chiều, chứ trí năng chúng ta thì cứ tin rằng đã quan niệm được thế giới bên ngoài với tất cả thực tại của nó. Trí năng của ta tưởng đâu rằng thế giới của những định luật mà trí thức suy luận xây dựng nên chính là thế giới khách quan thực tại. Sự áp dụng luận lý trong tư tưởng cũng cần thiết như sự áp dụng luật viễn cận trong hội họa, nhưng chỉ được áp dụng như là một phương pháp biểu thị chứ không phải như một tiêu chuẩn cho thực tại. Óc suy luận đã không thể đạt tới bản thân của thực tại được chính là do đó. Vậy đem trí suy luận để tìm tòi, để mà đi đến"quyết định luận" hay "tự do luận" đều là việc làm vô bổ. Chỉ có những thực giác của chúng ta về bản thể và về thực tại mới có thể đưa ta đến chỗ nhận thức chân chính mà thôi.
Chúng ta có trực giác ấy khi chúng ta tự cảm thấy có tự do và tự cảm thấy có trách nhiệm về hành động của ta. Ta đang sống với một ý chí tự do và nếu thiếu ý chí tự do ấy, ta sẽ trở thành một cái máy vô tri không có ý thức.
Vậy ta có thể kết luận:
1. Có tự do ý chí, nhưng tự do ấy không hoàn toàn. Tuy nhiên, trên bước đường tiến bộ đến giải thoát từ giai đoạn cộng nghiệp với chúng sinh tiến đến giai đoạn cộng nghiệp với thánh hiền, tự do ý chí càng lúc càng được mở rộng để đi đến hoàn toàn khi nào con người đã tận diệt được những ác nghiệp và tăng trưởng đến cùng những thiện nghiệp.
2. Tự do ý chí không thể đem ra nghiên cứu như một đối tượng mà chỉ có thể nhận thức được bằng trực giác và kinh nghiệm. Vấn đề tự do ý chí là một vấn đề hoàn toàn chủ quan, không thể giải quyết một cách khách quan được.
3. Những định luật mà ta cho là đang chi phối ta và là trái chống với ý chí của ta có thể là những định luật do chính tri thức của ta tạo nên. Bởi vì ta làm sao có thể đứng ngoài thế giới ta và cá nhân ta để quan sát một cách khách quan cho được? Ta chỉ như một người đứng trên chiếc đò, thấy bờ đi mà không biết rằng chúng ta đang đi. Tri thức suy luận của ta đã sáng tạo ra những "định luật" về thực tại, và quan niệm thực tại qua những định luật ấy, để rồi vọng tưởng. Ta đã đối tượng hóa thực tại một cách sai lầm. Chỉ khi nào ta thể nhập thực tại với một ý thức sáng suốt nghĩa là đạt đến tự do hoàn toàn, ta mới trực nhận được thực tại toàn vẹn.
Nguồn: buddhahome.net
0 Nhận xét