Theo nghiên cứu của giáo sư Gerald Crabtree, nhà sinh vật học chuyên về tiến hóa của Đại học Stanford (Mỹ) đăng trên tạp chí Xu hướng gen (Trends in Genetics), trí thông minh và khả năng trừu tượng xuất hiện ở tổ tiên loài người tại châu Phi vào khoảng 50.000-500.000 năm trước đây. Họ dùng trí thông minh để xây dựng nơi trú ẩn và săn mồi.
Thoái hóa gien trí tuệ
Nhưng trong cuộc sống hiện đại, chúng ta không cần phải đấu tranh để sinh tồn, tiến trình chọn lọc theo hướng ưu đãi những tổ tiên thông minh và loại bỏ dần người kém thông minh hơn đã không còn hiệu lực. Vì vậy, các đột biến gien có hại làm giảm khả năng suy nghĩ cao hơn của chúng ta cứ tăng dần, từ thế hệ này qua thế hệ khác và tích lũy ngày một lớn, dẫn đến sự suy giảm dần dần trí thông minh của cả loài người.
GS Crabtree cho biết đột biến trong bất kỳ 2.000-5.000 gien thông thường nào cũng có thể làm giảm sút khả năng trí tuệ và cảm xúc của chúng ta: “Sự phát triển các loại gien trí tuệ có thể xảy ra trong một thế giới, nơi mỗi cá nhân đều bị tác động bởi những yếu tố của cơ chế chọn lọc tự nhiên hằng ngày. Nhưng sức ép đó không còn trong cuộc sống hiện đại ngày nay”.
Sự phát triển của nông nghiệp hàng nghìn năm trước đây dẫn đến một đời sống cộng đồng lớn hơn, và “nhu cầu về sự thông minh đã giảm sút khi chúng ta bắt đầu sống trong các xã hội có tính hỗ trợ tốt hơn và giảm sự trừng phạt từ thiên nhiên đối với sự không thông hiểu và không thích ứng” - GS Crabtree nói. “Một người săn bắn hái lượm sẽ chết nếu không tìm được cách kiếm thức ăn và trú ẩn hợp lý cùng với con cái mình, nhưng trong một xã hội hiện đại, một nhà điều hành ở Phố Wall vẫn được nhận tiền thưởng dù có mắc sai lầm. Rõ ràng, sự chọn lọc nghiêm khắc chỉ còn là chuyện trong quá khứ”.
Dựa trên tỷ lệ các đột biến có hại xảy ra trong gien của chúng ta, và sự nhạy cảm đặc biệt của các gien liên quan đến trí truệ và cảm xúc, GS Crabtree tính ra rằng loài người đã đạt tới “cực hạn” phát triển trí tuệ cách nay từ 2.000-6.000 năm. Ông nói: “Tôi cược rằng nếu một công dân bình thường từ Athens 1.000 năm trước Công nguyên nay đột nhiên xuất hiện giữa chúng ta, anh ta sẽ là người trí tuệ nhất so với các đồng nghiệp và các bạn của chúng ta, với một trí nhớ tốt, một loạt các ý tưởng, và một cái nhìn sáng suốt về các vấn đề quan trọng”.
Ông nói thêm rằng trong vòng 3.000 năm tới, có khả năng tất cả loài người sẽ trải qua ít nhất thêm 2 đột biến di truyền giảm sự ổn định trí tuệ hoặc cảm xúc, nhưng khoa học có khả năng tiến bộ hơn để chúng ta sẽ có thể giải quyết vấn đề.
GS Robin Dunbar, một nhà nhân chủng học tại Đại học Oxford, cho biết: "GS Crabtree cho rằng trí thông minh của chúng ta được thiết kế để cho phép chúng ta xây dựng nhà ở và ném lao thẳng vào những con lợn trong các bụi cây, nhưng đó không phải là quá trình điều khiển thực sự của kích cỡ bộ não.
Trên thực tế những gì đã thúc đẩy sự phát triển não bộ của con người và động vật linh trưởng là sự phức tạp của xã hội chúng ta và sự phức tạp của thế giới không hề bị mất đi. Những việc như quyết định ai là người bạn đời hoặc làm thế nào tốt nhất để nuôi nấng con cái sẽ theo chúng ta mãi mãi. Cá nhân tôi không chắc chắn rằng trong tương lai gần có bất kỳ lý do gì để hoảng loạn, tốc độ tiến hóa với những thứ như thế này mất hàng chục ngàn năm... không có nghi ngờ gì sự khéo léo trong khoa học sẽ tìm giải pháp cho những điều này”.
Internet làm chúng ta ngu đi?
Dù internet chỉ mới xuất hiện khoảng 20 năm trở lại đây, nhưng thật khó tưởng tượng nếu cuộc sống hiện đại không có internet. Internet giúp chúng ta tiếp cận trực tiếp với hàng núi thông tin và chúng ta có thể liên lạc với bạn bè hay đồng nghiệp một cách nhanh chóng, tiện lợi dù họ ở cách xa cả nửa vòng trái đất.
Nhưng sự phụ thuộc của chúng ta đối với internet cũng có mặt tối. Một nghiên cứu đưa ra các dẫn chứng cho thấy những phiền nhiễu và sự phân tâm từ internet đang biến chúng ta thành những người kém tập trung và tư tưởng hời hợt. Nhà thần kinh học Eric Kandel đoạt giải Nobel viết trong cuốn sách mới Vùng nước nông: Internet thay đổi cách chúng ta nghĩ, đọc và nhớ như thế nào: “Tôi đã nghiên cứu đề tài này trong 3 năm qua, có cảm hứng để viết cuốn sách sau khi nhận ra rằng tôi đã mất năng lực tập trung và chiêm nghiệm.
Ngay cả khi tôi cách xa máy tính của mình, tâm trí của tôi dường như khao khát sự kích thích liên tục, sự truy cập thông tin nhanh chóng. Tôi cảm thấy vĩnh viễn mất tập trung. Có phải sự mất tập trung của tôi là kết quả của việc tôi đã dành tất cả các thời gian để online? Để tìm kiếm một câu trả lời cho câu hỏi đó, tôi bắt đầu thâm nhập vào nhiều nghiên cứu tâm lý, hành vi và thần kinh để kiểm tra làm thế nào các công cụ chúng ta sử dụng để trợ giúp trí óc - công nghệ thông tin của chúng ta - định hình thói quen tâm trí của chúng ta”.
Nghiên cứu cho thấy những người đọc văn bản kèm với các liên kết hiểu ít hơn so với những người đọc văn bản in ra giấy. Những người xem các thông tin đa phương tiện ồn ào nhớ ít hơn so với những người tiếp nhận thông tin một cách nghiêm trang và tập trung hơn. Những người liên tục bị phân tâm bởi email và tin nhắn sẽ chậm hiểu và hiểu ít hơn so với những người có khả năng tập trung.
Và những người làm nhiều việc cùng lúc sẽ kém năng động và hiệu quả hơn những người chỉ làm một việc tại một thời điểm. Khi chúng ta liên tục xao lãng và bị gián đoạn, vì có xu hướng nhìn vào màn hình của máy tính và điện thoại di động, bộ não của chúng ta không thể tưởng tượng mạnh mẽ và mở rộng các kết nối thần kinh để tạo độ sâu cho các suy nghĩ. Lúc đó, suy nghĩ của chúng ta trở nên rời rạc, trí nhớ yếu.
Trong một bài báo khoa học năm ngoái, Patricia Greenfield, một nhà tâm lý học phát triển, người điều hành Trung tâm Truyền thông số trẻ em của Đại học Los Angeles, xem xét hàng chục nghiên cứu về các phương tiện truyền thông công nghệ khác nhau ảnh hưởng đến khả năng nhận thức của chúng ta như thế nào. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng các hoạt động trên máy vi tính, giống như chơi trò chơi video, tăng tốc độ thay đổi sự tập trung vào các biểu tượng và hình ảnh khác trên màn hình. Sự thay đổi như vậy dẫn đến việc chúng ta dễ mất tập trung và có khuynh hướng suy nghĩ máy móc hơn.
Trong một thí nghiệm tại một trường đại học ở Mỹ, một nửa học sinh được phép sử dụng máy tính xách tay có kết nối internet khi nghe bài giảng, nửa kia không được mở máy tính. Kết quả là những người mở máy vi tính tiếp thu bài giảng kém hơn. Greenfield kết luận: "Tất cả các phương tiện truyền thông phát triển một số kỹ năng nhận thức này lại đi kèm những tác hại cho các kỹ năng nhận thức khác.
Việc chúng ta sử dụng ngày càng nhiều các phương tiện truyền thông dựa trên màn hình đã tăng cường trí thông minh không gian thị giác, có thể tăng cường khả năng để làm công việc liên quan đến việc theo dõi của rất nhiều tín hiệu thay đổi nhanh chóng, giống như lái máy bay hay theo dõi một bệnh nhân trong quá trình phẫu thuật. Nhưng điều đó đi kèm với "những yếu điểm mới trong quá trình nhận thức bậc cao", bao gồm "từ vựng trừu tượng, khả năng tập trung, phản ánh, giải quyết vấn đề quy nạp, tư duy phê phán, và trí tưởng tượng”. Tóm lại, chúng ta trở nên “nông cạn” hơn.
Nghiên cứu khác cũng ủng hộ quan điểm này. Các nhà nghiên cứu người Đức phát hiện những người duyệt web thường bỏ ra ít hơn 10 giây để xem một trang. Ngay cả những người đang làm công tác nghiên cứu trực tuyến cũng có khuynh hướng “nhảy cóc” giữa các tài liệu, ít khi đọc một tài liệu được 1-2 trang.
Theo Thế giới & Hội nhập
0 Nhận xét