Tất nhiên là chúng ta không thích chiến tranh. Không ai muốn gây chiến tranh, chứng kiến và chịu đựng chiến tranh. Tất cả đều biết rằng chiến tranh chỉ đem lại những đau khổ và mất mát, chiến tranh không tránh khỏi gieo cái chết bởi vì mục đích của mỗi bên tham chiến là chiến thắng kẻ thù của mình. Và để “thắng” người ta tìm cách giành được chiến thắng bằng mọi cách: chiến tranh là bạo lực không giới hạn.
Chiến tranh là một kiểu bạo lực - tức là một cách dùng sức mạnh thể chất và tinh thần để ép buộc người khác - nhưng còn có nhiều kiểu bạo lực khác nữa. Chiến tranh không phải là một thứ bạo lực bất kỳ. Đó là một thứ bạo lực không có giới hạn, bởi vì trong thời chiến những người tham chiến, những binh lính có quyền giết kẻ thù của mình. Như vậy là họ được phép làm cái điều mà họ không được phép làm trong thời bình.
Chiến tranh là một hành động bạo lực để buộc kẻ thù phải thực hiện ý chí của chúng ta và chịu khuất phục ý chí đó. Và mỗi bên, mỗi phe đều rơi vào một tình thế giống hệt nhau và hành động với một ý định giống nhau, đây là nguyên nhân dẫn đến những hành động cực đoan, tức sự đấu tranh sống mái.
Khi một cuộc chiến tranh kết thúc, có người chiến thắng và người bại trận. Người chết có thể thuộc về cả bên thắng lẫn bên thua. Người chết không chỉ là binh lính, người tham chiến, mà còn là những người không tham chiến, những dân thường, và trong số họ có trẻ em. Cách nào đó, đây là điều mà ai cũng biết bởi vì hằng ngày chúng ta nhìn thấy qua truyền hình những hình ảnh về chiến tranh: những hình ảnh dữ dội, gây phẫn nộ, và chúng ta có lý khi phẫn nộ, bởi vì không gì tồi tệ hơn là việc tự làm cho mình quen với điều ta không được phép chấp nhận, với cái không thể chấp nhận.
Như vậy, tất cả mọi người đều nhất trí vấn đề trên - chúng ta không thích chiến tranh: chúng ta yêu hòa bình hơn, chúng ta thích chung sống với những người khác, chuyện trò với họ, tranh luận - cho dù chúng ta bất đồng với nhau và bởi vì chúng ta bất đồng với nhau, có thể đến trường bình thường, dựng xây những thành phố, sinh sống tại đó, đi du lịch và không phải sống trong mối đe dọa của bom đạn.
Cho nên câu hỏi mà chúng ta lập tức muốn đặt ra là: liệu con người có thể ngừng gây chiến hay không? Tại sao con người không thôi đánh nhau để vĩnh viễn sống trong hòa bình? Liệu chúng ta có thể nghĩ ra một thế giới không có chiến tranh?
Nhưng trước hết hãy trở lại câu hỏi và cách câu hỏi này được đặt ra: “tại sao con người gây ra chiến tranh?”.
Câu hỏi “tại sao” là câu hỏi của triết học và đồng thời cũng là câu hỏi được mọi trẻ em đặt cho người khác và tự đặt cho chúng. Tại sao bầu trời lại màu xanh? Tại sao trời lại có mây? Tại sao lại có cái gì đó thay vì không gì cả? Tại sao con người lại phải chết?
Giữa nhà triết học và trẻ em có tồn tại một sự đồng lõa rất kín đáo. Người lớn và trẻ em đặt cùng những câu hỏi như nhau và hầu như dưới hình thức giống hệt nhau: tại sao sự vật lại như chúng đang là? Do đâu mà có cái này hay cái kia? Tại sao chúng ta lại làm điều này chứ không phải điều khác? Rắc rối nằm ở chỗ đây là những câu hỏi không phải bao giờ chúng ta cũng có thể trả lời được. Bất luận thế nào, chúng ta không thể bao giờ cũng trả lời bắt đầu bằng “bởi vì là”.
Và thực tế là triết học đặt câu hỏi “tại sao?” nhưng không bao giờ trả lời bằng “bởi vì là”. Trái lại, trong triết học người ta suy tưởng rằng trả lời “bởi vì là” là phản triết học. Các bậc cha mẹ cũng vậy, khi đã hết cách thì họ rốt cuộc trả lời bằng “bởi vì là” hoặc “bởi vì nó là như thế”. Họ chẳng biết phải nói gì nữa: không chỉ bởi vì họ thấy bị quấy rầy, họ không có thời gian hay họ phải đi chợ v.v... Mà trên hết là bởi vì họ không có câu trả lời. Cả triết học cũng không có câu trả lời: đây là một lý do khiến người ta thường khẳng định rằng triết học chẳng “dùng” vào việc gì cả. Nhưng điều quan trọng là đặt câu hỏi và đặt câu hỏi cho đúng, hoặc giả ít nhất là cố gắng đặt câu hỏi cho đúng: thế cũng đã là rất khó rồi. Vả lại có khi trong lúc suy nghĩ thì người ta có thể nhận ra rằng bản thân các câu hỏi đã được đặt sai và vì thế mà ta không thể trả lời chúng. Vậy thì chúng ta phải đặt câu hỏi của mình theo cách khác.
Tác giả: Myriam Revault d’Allones
Dịch giả: Trúc Đào
CÁC CÂU TRÍCH TRONG TÁC PHẨM
Chẳng ai mất trí đến nỗi yêu chiến tranh hơn hoà bình.
Hérodote
Nếu hai người cùng muốn một vật, khi đó không thể cả hai cùng có được vật đó,
họ trở thành những kẻ thù địch: và trong khi theo đuổi mục đích này
thì mỗi người đều ra sức phá hoặc át người kia.
Hobbes
Loài cá bị quyết định bởi bản tính của chúng là phải ăn và những con cá lớn hơn
thì ăn những con cá bé; kết quả là loài cá sống tự do dưới nước
và những con cá lớn hơn thì ăn những con cá bé hơn...
Spinoza
Không có chiến tranh giữa con người với con người,
chỉ có chiến tranh giữa nhà nước với nhà nước.
Rousseau
Không có những phẩm tính thuộc về tính chất phi xã hội này, dĩ nhiên bản thân những phẩm tính này ít gây thiện cảm, thì những tài năng [của con người] sẽ mãi mãi bị chôn vùi, mãi ở trong tình trạng phôi thai, trong môi trường cuộc sống của nhũng mục đồng xứ Arcadie, trong một sự hòa hợp, sự thỏa mãn và một tình yêu thương lẫn nhau tuyệt vời; con người, dịu dàng như những con cừu mà họ chăn dắt, chẳng mang lại cho cuộc sống nhiều giá trị hơn là bầy gia súc của họ.
Kant
Giống như một đám cháy phi thường bỗng bùng lên dữ dội nơi thung sâu giữa núi rừng khô héo. Chốn thâm u khu rừng cháy lên và gió từ bốn phương thổi tung ngọn lửa. Cũng như thế, Achille lao lên như một vị thần, tay cầm ngọn giáo nhảy xổ vào những kẻ chịu trận. Máu chảy thành dòng trên mặt đất đen. Lòng chàng chỉ còn nghĩ đến giết. Tiếng than vãn vang lên từ đống thân thể người đã nhận mũi kiếm của chàng. Máu đỏ thành dòng.
Homère
Không gì ngụy trang nổi sự tàn nhẫn lạnh lùng của những sự kiện trong chiến tranh, bởi vì kẻ thắng cũng như kẻ bại đều không được cảm phục, cũng chẳng bị kinh bỉ hay căm ghét. Số phận và thần thánh quyết định hầu như sự may rủi bất định của những trận đánh … về phần những quân nhân, những sự so sánh khiến họ hiện ra, dù họ là người thắng hay bại, như là những con vật hay những vật vô tri vô giác chẳng thể gợi nên cảm xúc ngưỡng mộ cũng như khinh bỉ, mà chỉ gợi sự hối tiếc rằng con người sao lại có thể bị biến đổi đến như vậy.
Simone Weil
0 Nhận xét