Tác giả đã chạm đến những vấn đề cốt lõi của triết lý xây dựng dân tộc, bao gồm cả giáo dục và tổ chức - quản trị xã hội; và gợi mở nhiều vấn đề cần được thảo luận thấu đáo nhằm tìm lời giải ngõ hầu có thể chặn đứng suy thoái xã hội hiện tại, khơi mới nguyên khí dân tộc, đẩy nhanh nhịp độ xây dựng quốc gia, đáp ứng được những thách thức ngày càng khắc nghiệt về an sinh và an ninh quốc gia.
1. Văn hóa là một khái niệm rộng lớn bao trùm mọi lĩnh vực hoạt động của con người. Nó bao gồm cả các giá trị vật chất và tinh thần, mà trong quan điểm tổ chức quản lý xã hội hiện nay đang có sự hiểu phiến diện. Nói cụ thể hơn, Văn hóa hiện nay mới chỉ được coi là các yếu tố tĩnh như di sản văn hóa vật chất, các hiện tượng văn hóa cụ thể như các truyền thống văn hóa hoặc lễ hội, các hoạt động sáng tạo sản sinh ra các sản phẩm văn học nghệ thuật, v.v...[1]. Chính những hiểu biết phiến diện này mà, trong hơn nửa thế kỷ qua, Văn hóa đã được hành chính hóa và bị điều chỉnh chủ quan bởi các quan niệm cụ thể gắn với nhận thức hạn chế của tư duy quản lý. Cũng vì thế mà Văn hóa và Giáo dục đã bị "quản lý" tách biệt bởi các Bộ[2] và hệ thống dọc của chúng. Đây cũng là một trong các nguyên nhân góp phần vào sự suy thoái của cả văn hóa và giáo dục hiện nay.
2. Sứ mệnh của Giáo dục hiện đại là nuôi dưỡng bồi đắp Con người Tự do, có Nhân phẩm, có Tư duy độc lập, phản biện và sáng tạo, và có Năng lực nghề nghiệp. Ở nước ta việc đào tạo con người có Tư duy độc lập hình như chưa bao giờ được nghiêm túc đặt ra, còn việc xây dựng Nhân cách đang bị xem nhẹ hơn nội dung Kiến thức các loại. Thay vì trang bị cho thế hệ trẻ hệ thống giá trị khách quan làm các điểm tựa cho tư duy và hành vi cá nhân, phẩm chất người cao nhất trong nhà trường hiện nay chỉ gói gọn trong một từ "Ngoan" [hạnh kiểm tốt!], nghĩa là bảo sao làm theo vậy, dạy gì tin nấy và lặp lại được những điều đã học càng chính xác càng tốt. Còn giáo dục đạo đức thì được thiết kế như các môn phụ với những bài học mang tính giáo lý hơn là những chuẩn mực được thể chế hóa trong Hiến pháp và các bộ Luật.
3. Văn hóa trong nghĩa rộng lớn hơn bao gồm các giá trị xã hội, mà thường được hiểu là những giá trị tích cực, mặc dù có những giá trị có ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của xã hội. Các giá trị đó làm nên Nhân sinh quan, ảnh hưởng đến phương pháp/thao tác tư duy, sự lựa chọn và hành vi cá nhân. Chúng là cái THẦN hay cái não trạng đặc trưng riêng cho từng cá nhân và, nói rộng ra, của từng dân tộc. Như thế Văn hóa là một đối tượng động, tồn tại khách quan, bao gồm các yếu tố được thừa hưởng từ các thế hệ trước và các yếu tố mới phù hợp với trình độ phát triển kinh tế-xã hội đương thời, mà con người có thể tác động [tích cực hay tiêu cực] lên nó chứ khó có thể quản lý được nó.
4. Bên cạnh những biến đổi văn hóa mà con người khó kiểm soát được [thí dụ do sự phát triển của khoa học công nghệ làm thay đổi các tập tính xã hội], chúng ta có thể chủ động tác động lên sự biến đổi văn hóa thông qua các giá trị được nuôi dưỡng trong quá trình giáo dục, bao gồm cả giáo dục gia đình, giáo dục tại nhà trường và trong xã hội. Ví dụ kinh điển là các giá trị Khổng giáo đã làm nên những đặc trưng văn hóa riêng của các xã hội Đông Á.
5. Các yếu tố văn hóa mới cũng có thể xây dựng được thông qua các giá trị được khuyến khích, đề cao hay áp đặt và được duy trì trong các tổ chức. Vì thế ta có văn hóa tổ chức/doanh nghiệp. Rộng lớn hơn là trong xã hội, thông qua Hiến pháp và các Luật thể chế hóa việc tổ chức và vận hành quản trị xã hội mà các giá trị văn hóa mới được thiết lập và phổ biến. Tính bền vững của các giá trị đó tùy thuộc khả năng xã hội bảo tồn tính bất biến của các giá trị cốt lõi được quy định trong Hiến pháp và được thể hiện ở các bộ Luật. Ý thức được các tác động này chúng ta có thể hiểu được quá trình biến đổi văn hóa ở các quốc gia khác nhau, đặc biệt ở các quốc gia có cùng nguồn gốc nhân chủng và lịch sử nhưng có một thời gian được vận hành trong các thể chế kinh tế - chính trị khác nhau, ví dụ điển hình như Nam và Bắc Triều Tiên [tức Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên].
6. Trong trường hợp có sự khác biệt giữa các giá trị mà con người hấp thu được trong quá trình giáo dục [sự giáo hóa] và các giá trị được khuyến khích trong tổ chức hay trong thực tế xã hội thì sẽ nẩy sinh sự tương tác giữa các giá trị này dẫn đến những biến đổi tư tưởng - tâm lý phức tạp, thậm chí bi kịch[3], trong mỗi cá nhân và trong xu hướng tâm lý của tổ chức. Các biến đổi cá nhân và tổ chức tương tác lẫn nhau làm nên các trào lưu của biến đổi văn hóa xã hội.
7. Quá trình tương tác này không chỉ xảy ra trong quá trình sống của mỗi người, làm nên các biến đổi hoặc tốt đẹp hoặc suy thoái của Nhân cách mà cả ngay trong quá trình thiết lập các giá trị cá nhân trong giáo dục. Các giá trị mà các nhà giáo dục muốn gây dựng và nuôi dưỡng trong người học có thể sẽ không đạt kết quả mong muốn khi chúng ngược với những giá trị đang phổ biến trong xã hội. Một thí dụ là bất chấp mọi nỗ lực của nhà trường, các giá trị Nhân ái, Công bằng và ý thức Trách nhiệm khó có thể hình thành phổ biến trong học sinh nếu môi trường xã hội đang phổ biến sự cạnh tranh sinh tồn "mạnh được yếu thua", "khôn sống dại chết" và thói vô trách nhiệm "sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi".
8. Một vấn đề khác là từ cuối thế kỷ 20 đến nay, tiến bộ của khoa học, công nghệ và kỹ thuật đã làm cho môi trường sống của con người biến đổi sâu sắc. Con người không chỉ sống trong môi trường tự nhiên và môi trường xã hội theo quan niệm cổ điển, chúng ta đang sống trong một môi trường thông tin với nghĩa mọi thông tin đang theo các kênh truyền thông khác nhau [báo chí, radio, TV, internet, v.v...] tiếp cận tới từng cá nhân, mọi gia đình. Điều này tác động trực tiếp và phức tạp đến môi trường giáo dục. Một tệ nạn là ở nước ta hiện nay thì ngành Văn hóa, vốn chỉ coi văn hóa đại chúng là các hoạt động mang tính lễ hội và giải trí, cùng các cơ quan truyền thông, đặc biệt là Truyền hình, đang khuếch trương các trào lưu "văn hóa" bề nổi, với sự hiện diện bão hòa của tầng lớp những ca sỹ, nghệ sỹ, người mẫu "chân dài", v.v... mà không phải ai cũng nổi tiếng do những giá trị trí tuệ và đạo đức. Việc chưa nhận thức được vai trò giáo dục của môi trường thông tin còn thể hiện ở thời lượng phát sóng truyền hình dày đặc phim ảnh các loại truyền bá lịch sử và văn hóa Trung Quốc và Hàn Quốc hay những serie phim truyền hình Việt Nam phản ánh lối sống nặng giá trị vật chất của giới "thượng lưu" mới. Tất cả đang tạo nên những trào lưu giá trị sống và nhận thức văn hóa và lịch sử lệch lạc trong lớp trẻ tuổi học đường - những người vốn đang nhận được những giáo dục nghèo nàn về giá trị sống trong nhà trường và có thể cả ở gia đình.
Môi trường thông tin còn cho phép sáng tạo nên những thế giới ảo - với nghĩa là con người ta sống trong đó, tương tác với nó và phát triển những kỹ năng và tình cảm như đang sống trong thế giới thực với các tương tác xã hội thực. Môi trường ảo có những tác dụng tích cực như làm tăng cường giao tiếp xã hội của các thành viên các mạng xã hội hay có thể sử dụng trong giáo dục đào tạo để huấn luyện các kỹ năng và thái độ như các phần mềm mô phỏng các môi trường học tập ảo, v.v... Nhưng môi trường ảo cũng có tác dụng tiêu cực, đặc biệt nếu đấy là các game online/offline có nội dung bạo lực. Hiện tượng nhiều tội ác "máu lạnh" thực hiện bởi những người trẻ có bộ mặt học trò ngây thơ là sự cảnh báo về tính phản giáo dục của các môi trường ảo đầy bạo lực và dễ gây nghiện này.
9. Sự xuống cấp văn hóa - tức là sự xói mòn các giá trị xã hội tốt đẹp - đã kéo theo sự xuống cấp giáo dục; và đến lượt nó, sự xuống cấp giáo dục đẻ ra những cá nhân mang nhiều "khuyết tật xã hội" làm cho xã hội thêm suy thoái. Đặc biệt nếu cơ chế xã hội cho phép những người như thế ngồi vào vị trí lãnh đạo các đơn vị, cái xấu sẽ phát triển cấp số nhân và môi trường văn hóa tại các đơn vị ấy sẽ bị biến đổi tệ hại. Khi cái xu hướng xuống cấp này trở thành phổ biến, sự suy thoái đạo đức xã hội sẽ trở thành trầm trọng và khó có thể đảo ngược nếu không có sự thay đổi thích hợp các thể chế và tổ chức quản trị xã hội để khuyến khích cái Thiện.
10. Văn hóa truyền thống nước ta chịu ảnh hưởng của Khổng giáo với các giá trị như "Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỷ"[Quản Tử], hay "Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín" [Khổng Tử] và nhiều giá trị khác. Các giá trị này, bao gồm cả tốt đẹp lẫn hạn chế, được xây dựng nhằm điều tiết các hành vi cá nhân và quan hệ xã hội với triết lý quyền lực tập trung vào một đấng Quân Vương/Thiên tử- người có quyền định đoạt số phận của những cá nhân khác. Đặc biệt giá trị "Trung" đòi hỏi con người phải trung thành với những con người cụ thể. Chữ Trung mù quáng ấy đã tước đoạt khỏi mọi cá nhân tinh thần Tự do, tư duy Độc lập, Phê phán và Sáng tạo, và thái độ Phản kháng vì nó không thừa nhận trong xã hội có sự Bình đẳng. Nó cho phép người lãnh đạo được Độc quyền chân lý và làm trầm trọng thuộc tính sở hữu của con người, gia cố tính Gia trưởng ở mọi cấp độ gia đình, cộng đồng, xã hội. Nó làm cho người lãnh đạo dễ dấn sâu trong sai lầm và dẫn tới đổ vỡ tổ chức vì các thành viên không dám tự do tư tưởng, ngại phản biện và kẻ lãnh đạo cũng không lắng nghe các phê phán. Mọi tổ chức được xây dựng trên chữ Trung đối với cá nhân hay tổ chức mà thiếu sự đồng thuận trên tinh thần Tự do và Bình đẳng sớm muộn gì cũng suy thoái. Tuy nhiên chủ điểm này sẽ được đề cập sâu hơn trong một dịp khác.
11. Sự xuống cấp đạo đức trong thời kỳ bao cấp có vẻ là nghịch lý vì nhà trường đã luôn nỗ lực giáo dục những giá trị yêu nước, nhân ái, đoàn kết, kỷ luật, khiêm tốn, thật thà, dũng cảm[4], cũng như trong truyền thông luôn có sự đề cao các giá trị về tự do, bình đẳng, công bằng và dân chủ[5]. Nghịch lý này có thể hiểu được là do chúng ta đã áp dụng phương thức tổ chức xã hội với chế độ công hữu tư liệu sản xuất, cơ chế tập trung quyền lực kinh tế và chính trị, chủ nghĩa vô thần, vấn đề giai cấp, thành tích hình thức, v.v... không những không phù hợp với các giá trị đạo đức cũ, mà còn không thuận lợi cho việc xây dựng và bồi đắp các giá trị xã hội mới nói trên. Thêm vào đó, việc thiếu cơ chế thăng tiến minh bạch để có thể đề bạt những cá nhân xuất sắc nhất, cũng như việc duy trì quá lâu thể chế tập trung quyền lực vào các cá nhân lãnh đạo trong từng đơn vị và trên toàn xã hội đã cộng hưởng với truyền thống Gia trưởng của xã hội Khổng giáo và làm trầm trọng thêm sự xuống cấp văn hóa, đặc biệt khi những cá nhân lãnh đạo ấy không mang trong mình những giá trị tốt đẹp đề cao Liêm, Sỷ của "Kẻ sỹ" truyền thống.
12. Đổi mới từ 1986 là một bước tiến thuận lợi cho việc gây dựng và vun đắp nhân cách, do 30 năm sau cải cách ruộng đất và cải tạo công thương con người lại được phép sở hữu cá nhân tư liệu sản xuất. Khi con người được độc lập kinh tế, thì họ có điều kiện để phát triển tư duy độc lập và nuôi dưỡng những giá trị cá nhân. Nhưng chúng ta đổi mới quan hệ kinh tế, tức hạ tầng cơ sở, mà đã không có các đổi mới cần thiết trong thượng tầng kiến trúc. Việc đổi mới "một chân" đã cho phép nền kinh tế thị trường phát triển hoang dã mà không có sự kiểm soát của xã hội. Việc con người được tự do kinh tế mà thiếu tự do chính trị đã làm cho tính chộp giật, sự thực dụng đang trở thành trào lưu phổ biến trong xã hội hiện tại.
Vì giá trị tiền bạc/lợi ích cá nhân một mặt khơi dậy sự năng động, tính sáng tạo cá nhân, mặt khác khuyến khích lòng tham và sự cạnh tranh không lành mạnh vốn đã được nuôi dưỡng bởi cơ chế xin-cho trong nền kinh tế tập trung bao cấp. Động lực ấy cộng hưởng với sự thiếu hiệu quả của luật pháp và sự thiếu minh bạch của cơ chế đề bạt lãnh đạo là nguồn gốc chủ yếu của sự xuống cấp đạo đức xã hội. Sự bắt bệnh phiến diện xã hội đã dẫn các nhà giáo dục đến quyết định sử dụng lại khẩu hiệu Khổng giáo "Tiên học lễ, hậu học văn" với mong muốn giáo dục đạo đức ở nhà trường sẽ giúp con người biết tự kiểm soát bản thân, góp phần vực lại nền văn hóa đang suy thoái. Cùng lúc cũng có các nỗ lực trong đảng cầm quyền học tập tấm gương đạo đức cố Chủ tịch Hồ Chí Minh. Song kết quả hơn 10 năm qua cho thấy hiệu quả giáo dục không thấm vào đâu so với tốc độ lan tràn của lối sống thực dụng và của sự suy đồi đạo đức.
13. Để chặn đứng suy thoái văn hóa, ta cần nhận thức rõ hành vi con người chỉ có thể kiểm soát được và môi trường cạnh tranh trong xã hội chỉ có thể điều tiết để trở nên công bằng và minh bạch được nếu chúng ta xây dựng được thể chế Pháp quyền - tức là sự Thượng tôn pháp luật của các cá nhân Tự do và Bình đẳng trước pháp luật. Dân chủ hóa xã hội cho phép kiểm soát hành vi các cá nhân lãnh đạo bằng "trăm tay nghìn mắt" của nhân dân. Sự kiện Đoàn Văn Vươn [Tiên Lãng, Hải Phòng] đầu năm 2012 là một minh chứng của vai trò tích cực của Dân chủ trong đời sống xã hội. Với sự cho phép báo chí tự do điều tra và tự do xuất bản các ý kiến phản biện đa chiều của nhân dân, chân tướng của vụ việc Tiên Lãng đã sớm được làm rõ và Thủ tướng Chính phủ đã kết luận về sai trái của chính quyền địa phương Tiên Lãng và thành phố Hải Phòng.
14. Đổi mới văn hóa và giáo dục, vì thế, phải bắt đầu bằng việc thiết lập các giá trị phổ quát là Tự do, Bình đẳngcủa các cá nhân trước pháp luật và Dân chủ trong tổ chức và quản trị xã hội và trong toàn bộ hệ thống giáo dục. Việc kế thừa các giá trị truyền thống cần phải được xem xét một cách có phê phán và nội hàm của chúng phải được định nghĩa phù hợp với các giá trị phổ quát nói trên. Cụ thể là trong các giá trị truyền thống có những giá trị có tính khách quan, hiển nhiên, như Liêm, Sỷ, Nhân, Nghĩa, Trí, Tín. Đây là những giá trị có thể kế thừa. Chữ Lễ mới cần được hiểu trong tinh thần của Tự do và Bình đẳng, tức là sự tôn trọng Luật pháp trong xã hội và sự tương kính, tức tự trọng và tôn trọng người khác, trong ứng xử cá nhân. Chữ Trung như phân tích ở trên cần được sử dụng hết sức thận trọng. Đối tượng con người có thể Trung cần phải là các giá trị vĩnh cửu như Sự thật [tức là sự Trung thực, hay tính Thật thà] hay Lợi ích dân tộc [Trung với nước hay Yêu nước], v.v...
15. Để những giá trị tốt đẹp được giáo hóa ấy trở thành Văn hóa trong mỗi đơn vị và nhờ thế phổ quát toàn xã hội, việc quan trọng là những người được giáo dục tốt nhất - tức là những "bộ óc mạnh" hay "kẻ mạnh" trong ngôn ngữ của Nietzsche[6] - phải được cho cơ hội trở thành các "tông đồ" truyền bá các giá trị/cái Văn ấy ra cộng đồng và xã hội. Tức là họ cần được trở thành các nhà giáo dục và các nhà quản lý các cấp trong xã hội[7]. Tất nhiên ngoài những giá trị làm người ấy, những nhà giáo dục và quản lý phải có tư duy độc lập - phản biện và sáng tạo và những năng lực nghề nghiệp đáp ứng được đòi hỏi của vai trò của họ trong tổ chức/xã hội.
16. Mặt khác, một con người dù được đào tạo tốt đến mấy cũng không thể hoàn hảo và nếu không tự tu dưỡng hoặc không bị giám sát thì cũng có thể bị tha hóa. Vì thế cơ chế xã hội một mặt phải cho lãnh đạo quyền được chịu trách nhiệm cá nhân trước cộng đồng, mặt khác phải kiểm soát được việc quyền lực không bị lạm dụng. Điều ấy đòi hỏi người lãnh đạo phải chịu trách nhiệm giải trình minh bạch trước cộng đồng. Vì thế xây dựng thể chế Dân chủ là cách duy nhất cho phép chúng ta giám sát hiệu quả những người được nhân dân giao phó quyền lực lãnh đạo.
17. Cơ chế để đảm bảo sự thăng tiến của những "kẻ mạnh" đã được giáo dục tốt nhất chính là sự Bình đẳng cá nhân trước mọi cơ hội và sự Minh bạch trong tổ chức xã hội tức là nền Dân chủ. Điều ấy cũng có nghĩa xã hội phải được xây dựng trên cơ sở Thượng tôn pháp luật của các cá nhân Tự do và Bình đẳng - chính là đòi hỏi của nền Kinh tế thị trường đã nói ở trên.
18. Như vậy các phân tích tác động tương hỗ của văn hóa và giáo dục cho thấy để chặn đứng suy thoái văn hóa và giáo dục và xây dựng một Nền văn hóa và giáo dục Nhân bản và Hiện đại, việc đổi mới một mình Giáo dục là chưa đủ. Đổi mới phải được thực hiện song song cả trong Giáo dục và trong Tổ chức - Quản trị xã hội. Cụ thể là chúng ta cần phải hiện thực hóa các giá trị Tự do và Bình đẳng cá nhân và Công bằng và Dân chủ xã hội trong tinh thần của Hiến pháp đang được sửa đổi, trong các bộ Luật, trong tổ chức và quản trị xã hội và trong giáo dục và đào tạo các cấp. Trong môi trường xã hội mới như vậy, mục tiêu của nền giáo dục mới đào tạo nên những con người tự do, bình đẳng, có tư duy độc lập, năng lực nghề nghiệp và mang những giá trị nhân bản tốt đẹp nhất của truyền thống dân tộc ta nhất định sẽ thực hiện được.
TS. NGUYỄN MINH HỒNG
[*] : Tiến sĩ Toán-lý, ĐH Tư thục Công nghệ và Quản lý Hữu nghị
[1] Xem Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: http://www.cinet.gov.vn/Content.aspx?sitepageid=34
[2] Văn hóa, Giáo dục và Khoa học, Công nghệ có mối tương quan chặt chẽ. Nước Nhật chỉ có một Bộ cho tất cả: Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ [viết tắt MEXT]. Ở Việt Nam, Văn hóa được quản lý bởi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục được quản lý bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo, còn Khoa học và công nghệ có Bộ Khoa học và Công nghệ.
[3] Đây là mảnh đất của văn học và nghệ thuật và cả khoa học xã hội. Cái chết đau lòng của nhà báo Trung quốc Xu Huaiqian [Từ Hoài Khiêm] cho thấy xung đột nội tâm đã trở thành bi kịch khi con người không chấp nhận được thực tế đảo ngược với các giá trị được cá nhân nuôi dưỡng và hấp thụ từ truyền thống và giáo dục. Trong sự đơn độc tuyệt vọng, hôm 22/8/2012 ông đã phải lấy cái chết để phản kháng xã hội. Ông thổ lộ: “Nỗi đau của tôi là dám nghĩ, nhưng không dám nói ra. Nếu tôi dám nói ra, tôi lại không dám viết ra. Và nếu tôi dám viết ra thì không có nơi nào để xuất bản. Tôi ngưỡng mộ những nhà báo tự do, nhưng tôi không thể rời bỏ hệ thống vì nếu tôi làm thế, gia đình tôi sẽ chịu khổ", và: "Chết là một từ nặng nề, nhưng ở Trung Quốc, trong nhiều trường hợp, nếu không có cái chết thì xã hội sẽ không chịu ngồi xuống và lắng nghe, nên vấn đề sẽ không được giải quyết”.[Gia Tùng, "Xôn xao vụ tổng biên tập tự tử",Tiền Phong Online 25/8/2012, http://www.tienphong.vn/the-gioi/589495/Xon-xao-vu-tong-bien-tap-tu-tu-tpp.html]
[4] “5 điều Bác dạy” luôn được nêu cao trong nhà trường trước đây.
[5] Các quyền Tự do, Bình đẳng, và quyền được mưu cầu hạnh phúc đã được nêu trong Tuyên ngôn Độc lập. Các khẩu hiệu "Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh" hay "Xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" luôn được nhấn mạnh.
[6] "Kẻ mạnh hiểu theo nghĩa của Nietzsche: là kẻ có khả năng sáng tạo, có các giá trị để dâng hiến, chứ không phải là kẻ dẫm đạp lên người khác, buộc người khác khuất phục quyền uy của mình". Nguyễn Thị Từ Huy, "Thầy-Trò. Máu của trò quý hơn máu ta nhiều", http://cafehocthuat.blogspot.com/2011/11/bai-viet-cua-ts-nguyen-thi-tu-huy-ve.html; http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=62&News=4598&CategoryID=6
[7] Điều này cũng đã được Quản Tử chỉ ra- “Nhất thu bách hoạch giả, nhân dã" [Trồng một, gặt trăm, ấy là người] và các triều đại phong kiến Việt Nam đã thực hiện từ xưa như chúng ta đã biết: Muốn làm quan phải giáo dục tử tế! Nay ta hay nói "học để làm quan" với ý phê phán mà không thấy được tính khoa học trong việc chỉ dùng những người đã được đào tạo tử tế của cổ nhân!
0 Nhận xét