Học giỏi chưa phải người giỏi

4 sinh viên Việt Nam vừa được Hoàng tử Andrew - Công tước xứ York (Vương quốc Anh) trao học bổng toàn phần tại Trường Đại học British Việt Nam. Giỏi mới nhận được học bổng, nhưng có một điều phụ huynh, các bạn học sinh cần quan tâm, đó là không phải chỉ học giỏi mà phải giỏi toàn diện.

Tiêu chí xét duyệt học bổng này, ngoài kết quả học tập xuất sắc còn có các thành tích khác về hoạt động phục vụ cộng đồng. Học giỏi nhưng thiếu sự năng động, không tham gia vào các hoạt động thể thao, văn hóa, chương trình thiện nguyện thì không được xem là giỏi toàn diện.

Việc đưa ra các tiêu chí này không mới, các nước văn minh đều đánh giá và lựa chọn tài năng trẻ theo góc nhìn này. Sinh viên Việt Namtheo học ở Mỹ, trong hồ sơ xin cấp học bổng mỗi năm, không thể thiếu các hồ sơ, chứng chỉ xác nhận về các thành tích cá nhân ngoài kết quả học tập, việc tham gia công tác xã hội, phục vụ cộng đồng luôn được ưu tiên.

Từ quan điểm đào tạo này, Mỹ và các quốc gia tiên tiến đã có một nền giáo dục phát triển.  

Thanh niên tốt nghiệp cao đẳng, đại học, cùng với kiến thức chuyên môn còn phát triển các nguồn lực khác của bản thân, tự tin, năng động, hòa đồng. Đặc biệt, lối giáo dục toàn diện đó giúp cho thanh niên trưởng thành về nhân cách, sống có trách nhiệm với xã hội, với đất nước.

Thật khó đo lường được cụ thể về hiệu quả của nền giáo dục tiên tiến bằng những con số thống kê, bởi vì không ít trường hợp con số đã bị làm đẹp. Cho nên, hãy làm một phép đo lường đơn giản là quan sát con người, xã hội của những quốc gia này. Công nhân các nước văn minh chấp hành kỷ luật lao động rất cao, mọi người ra đường đều biết giúp đỡ nhau, nhường người già, phụ nữ, trẻ em.

Một việc rõ  nhất để đánh giá, đó là công dân nhiều nước tuyệt đối không vứt rác bừa bãi. Từ những điều tưởng chừng như rất bình thường đó, lại là nền tảng để xây dựng đất nước giàu mạnh. Một đất nước không thể giàu mạnh được khi đa số công dân sống và làm việc vô kỷ luật, thậm chí là vi phạm pháp luật, chưa kể đạo đức suy đồi.

Đừng né tránh để nhìn lại mình, thử hỏi có mấy ai trong chúng ta ra đường không xả rác hay khạc nhổ bừa bãi. Đi trên xe buýt, nhiều người đàn ông, thanh niên vẫn điềm nhiên giành chỗ ngồi trong khi phụ nữ, nữ sinh thì phải đứng.

Cha mẹ không ủng hộ con cái tham gia các chương trình mùa hè xanh, lao động tập thể, dọn rác bờ kênh, bởi vì cho rằng làm như vậy mất thời gian, chỉ nên tập trung cho việc học. Thói ích kỷ và vô trách nhiệm với xã hội chính từ lối giáo dục như vậy.

Chúng ta chưa có nhận thức đúng đắn về đào tạo con người toàn diện như các nước phát triển, chính vì điều đó mà nước ta chậm phát triển.

Ngành giáo dục vừa công bố đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” và được đánh giá có nhiều hứa hẹn.

Rất nhiều điều cần đổi mới, nhưng có một điều căn bản, đó là học tập các nước trong việc dạy dỗ một con người phát triển cân bằng về kiến thức, chú trọng thực hành, trau dồi các kỹ năng sống. Đặc biệt là đào tạo một công dân có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội bằng những hoạt động cụ thể.

Đừng bắt học sinh hô những câu khẩu hiệu học tập và thực hành những điều quá xa vời với thực tế.

Báo Lao Động

Đăng nhận xét

0 Nhận xét