Số người rơi vào trạng thái cô đơn ngày càng đông và để giải quyết họ chăm sóc những con vật nuôi trong nhà hay tham gia vào các trò chơi công nghệ. Sự cô đơn không hề giảm đi mà lại tăng lên theo năm tháng. Họ tìm cách khỏa lấp bằng cách giải trí theo con đường của sắc dục và dĩ nhiên chỉ nhận lấy những đau khổ và vẫn không giải quyết được sự cô đơn. Nếu không biết cách, con người phó thác đời mình cho sự cô đơn và phản kháng trên sự cô đơn đó.
Loài người như bị lửa đốt, bất an và chán chường chỉ vì cô đơn. Họ bỏ rơi chính họ, làm sa mạc hóa thân tâm và để hạnh phúc rong rêu. Thế giới ngày càng phụ thuộc lẫn nhau nhưng thế giới vẫn mãi cô đơn bởi bản thân bị áp đặt giữa đồng thuận hay không đồng thuận, có hay không, hạnh phúc hay đau khổ. Thể xác và tinh thần phải gánh chịu nỗi cô đơn đè nặng khi xung quanh ai cũng nghi ngờ, ai cũng sợ hãi và ai cũng đánh mất niềm tin. Người ta nuôi con chó hay mở máy vi tính chơi trò điện tử vì những thứ này không thù hận, ghen tỵ và hơn thua. Ngôn ngữ của sự cô đơn rất bình dị nhưng lại giết người ngấm ngầm, đưa bản thân vào thế giới của trầm cảm, đau đớn và tuyệt vọng. Chiến tranh là hậu quả của sự cô đơn vì con người không dám thương nhau và hình như sự bày tỏ tình yêu chỉ là câu nói đầu môi hay quá sợ hãi khi làm như vậy.
Nhà chính trị không thể là Mr. Cô Đơn. Liên Hiệp Quốc không thể là tổ chức cô đơn. Anan không ca ngợi cho sự cô đơn hay sự đơn phương của con người. Ánh sáng soi đến đâu, sự sống có đến đó nên con người xuất hiện ở đâu, ở đó không có sự cô đơn. Tình trạng cô đơn là biểu hiện của trạng thái muốn nổi loạn, lên cơn điên và quậy phá. Kinh Sống Trong Hiện Tại dạy con ngừơi hãy sống trong hiện tại, việc dính mắc vào quá khứ hay vồn vã về tương lai sẽ làm cho hiện tại bị cô đơn. Nhà chính trị biết chăm sóc hiện tại để cống hiến cho hiện tại tất cả những gì tốt đẹp nhất của đời sống. Hiện tại có mặt thì hòa bình có mặt.
Sự tham dục làm cho hiện tại bị xa rời và nỗi cô đơn thăng tiến. Người làm chính trị có nhiều tham vọng và tham vọng đó có khi phải trả giá bằng mạng sống của dân tộc. Một người bạn nói với tôi anh ta muốn trở thành nhà ngoại giao nổi tiếng và không cần phải theo bất cứ tôn giáo nào bởi vì tâm thấy tốt là được rồi. Làm nhà ngoại giao cũng hay nhưng sự nổi tiếng đồng nghĩa với mất tự do mà mất tự do tức là rơi vào trạng thái cô đơn. Một người ca sĩ nổi tiếng đi ra ngoài phải ngụy trang và mọi hành vi đều không còn tự nhiên nữa. Nhà chính trị cô đơn đến nỗi ở một mình cô đơn đã đành mà ở chốn đông người, đảng phái đầy dẫy phe cánh và đệ tử sẵn sàng răm rắp tuân lệnh nhưng vẫn thấy lạc lõng, cô đơn và giả tạo.
Tốc độ cô đơn gia tăng với tần số công nghệ. Công nghệ giúp ích con người nhiều nhưng con người cũng trở nên lười biếng vì nó. Chính trị sử dụng công nghệ, như công nghệ tranh cử, công nghệ tuyên truyền, công nghệ xây dựng hình ảnh, công nghệ truyền thông với người dân… Một xã hội công nghệ được định hình và đối lập với nó là một xã hội xanh ít nói đến công nghệ hay chỉ sử dụng công nghệ xanh. Nhưng điều dễ dàng nhận biết là công nghệ phát triển đến đâu, sự cô đơn phát triển đến đó theo tỷ lệ thuận. Công nghệ thống trị cả nền chính trị và chiến tranh công nghệ xuất hiện cùng với chiến tranh kinh tế hay chiến tranh tiền tệ.
Các nhà khoa học thậm chí cố gắng chế tạo các loại người máy giống người để có thể làm bạn với những kẻ cô đơn. Nguyên nhân là con người không thể truyền thông với nhau và tìm cách giao tiếp qua máy móc. Mạng xã hội hay cộng đồng blog luôn mang đến sự tiết kiệm về chi phí cho việc dễ dàng giao tiếp hay chia sẻ nhưng kỳ thực cách giao tiếp này có thể giết chết giao tiếp, làm tăng cường khả năng thiếu ái ngữ hơn. Nhiều chính phủ phải bỏ ra rất nhiều chi phí cho việc bảo mật thông tin, chống chọi với virus, đối đầu với hacker và ngay cả rò rỉ thông tin gọi là bí mật quốc gia. Nhà chính trị phải xoay sở cho chính cái mình tạo ra. Câu nói mình tạo ra cái gì, mình phải lo cho cái đó là đúng như vậy. Giống như mình tạo lập gia đình, mình phải lo cho gia đình mình. Nhà chính trị tạo ra chính phủ và có tác động đến xã hội, nhà chính trị phải lo cho chính phủ và xã hội của mình. Nếu lo không được hay không có sự đồng thuận, nhà chính trị trở nên bơ vơ và lạc lõng ngay chính cái mình tạo ra. Lúc này sự cô đơn nhấn chìm bản thân, sự buông thả và thái độ tiêu cực xuất hiện. Nếu không giải quyết được sự cô đơn, nhà chính trị sẽ gây ra nồi da xáo thịt và chống đối lại dân tộc mình.
Nền chính trị càng hiện đại, con người có càng ít cô đơn chăng? Nghe tin Venezuela quốc hữu hóa các công ty dịch vụ dầu khí, những người đang làm ăn tại nước này có tỏ ra thất vọng và đau khổ không? Giới thứ hai của Năm giới Cư sĩ qui định rõ về tôn trọng quyền tư hữu của con người. Người nghèo có quyền nắm giữ tài sản của riêng họ và người giàu cũng vậy. Một xã hội cho rằng việc phân chia đồng đều sẽ tạo ra công bằng và văn minh chỉ làm triệt tiêu chính xã hội đó mà thôi. Sự công bằng nằm ở chỗ người làm nhiều hưởng nhiều và người làm ít hưởng ít. Không làm gì mà đòi hưởng nhiều và làm rất nhiều nhưng chẳng được hưởng bao nhiêu là điều hết sức vô lý. Nhà chính trị không nên tham gia vào bất cứ qui trình quốc hữu hóa nào đối với tài sản chính đáng của người dân.
Quốc hữu hóa gây thảm họa mất niềm tin về khả năng làm giàu và người dân trở nên chây lười trong việc tạo ra của cải cho xã hội. Bên cạnh đó, hành vi quốc hữu hóa là biểu hiện của sự cô đơn đầy bế tắc của chính phủ khi không biết cách làm gì để dung hòa khoảng cách giàu nghèo, phát triển kinh tế và xây dựng chế độ bao dung. Cô đơn làm nhà chính trị cộc cằn và hành xử bạo động như vậy. Nếu tôn trọng quyền tư hữu, con người vui với sự giàu có của người khác và biết chia sẻ với kẻ thiếu thốn, đồng thời tôn trọng tài sản của người khác và học hỏi để làm giàu chính mình. Còn nếu sử dụng tài sản người khác để làm phước cho dân nghèo trong khi ôm giữ tài sản của chính mình rồi nói rằng đây là ban phước cho dân, e rằng đó chỉ là sự ngụy biện cho hành động sai trái theo kiểu vừa ăn cướp vừa la làng.
Tính chất của cô đơn là bất tài và thiếu sự cố gắng. Một khi cô đơn nổi lên, con người phải nhận diện và giải quyết bằng các con đường chuyển hóa. Xung quanh có biết bao nhiêu bạn bè để làm cô đơn vơi đi. Nhà chính trị cô đơn khó mà thành công, nếu không muốn nói đến sự thất bại. Không nhận được sự ủng hộ của cử tri hay người dân là nỗi cô đơn lớn nhất của chính phủ và một số chính phủ thường không chịu tìm hiểu vì sao xã hội không đồng thuận với mình và mặc cho cô đơn xâm chiếm thế giới. Cô đơn là một thứ giặc và không biết cách xoa dịu làm cho nó thành chiến tranh. Chính phủ lo cho dân sẽ tìm kiếm sự đồng thuận của dân, đồng thời chiều theo sự không đồng thuận của dân.
Nói về hôn nhân dị giáo, một số tôn giáo không cho phép hôn nhân dị giáo và nếu có thì phải đồng nhất tôn giáo tức là người theo tôn giáo khác biệt phải thay đổi tôn giáo của họ. Điều này có thể gây ra đau khổ cho chính người đi theo tôn giáo và tôn giáo mà tạo đau khổ thì không còn là tôn giáo nữa. Tôn giáo có thể ảnh hưởng đến chính trị trong việc xây dựng tình thương và đạo đức, nếu tôn giáo bị lợi dụng thì nó là thứ thuốc phiện làm mê hoặc người dân và cả nhà chính trị. Tôn giáo xây dựng trên nền tảng của yêu thương và hòa bình nên tất cả các tôn giáo đều phải vun bồi cho mục đích đó, đã có chung mục đích thì không phân biệt bất cứ tôn giáo nào nữa. Nhà chính trị cũng vậy, cô đơn khiến họ tìm đến tôn giáo để được vỗ về và che chở nhưng tin tưởng một cách mù quáng sẽ tạo ra hậu quả của sự giải quyết cô đơn dẫn đến cuồng tín và bạo động. Cái gọi là chiến tranh tôn giáo có thể thành sự thật nếu suy nghĩ cực đoan như vậy. Điều này cho thấy, bất cứ học thuyết chính trị nào không đồng thuận với từ bi, tình thương và hòa bình đều đồng nghĩa với cuồng tín hết.
Thực tập một phút không cô đơn mỗi ngày, nhà chính trị thấy mình đáng sống và không bị kẹt vào bất cứ điều gì. Một phút không cô đơn tương đương với một phút sum họp hay hội tụ và cứ thế tăng dần lên thành một tiếng, một ngày, một năm hay một thế kỷ. Cô đơn là biểu hiện của chiến tranh và sum họp là biểu hiện của hòa bình. Con người không thể tách rời nhau và không thể xa lìa môi trường. Nếu gắn bó với nhau, con người sẽ sống vì nhau và hạnh phúc khi có nhau. Quốc gia A sống vì quốc gia B và tôn trọng hòa bình của quốc gia C. Cho dù đất đai có tăng thêm, đường biên giới có mở rộng, con người vẫn không thể đến với nhau một khi sự cô đơn vẫn còn xâm chiếm. Những quốc gia nhỏ bé, chật chội vẫn sẵn sàng đón nhận hòa bình còn hơn quốc gia to lớn nhưng cứ mãi tìm kiếm thêm vùng đất. Làm vậy có giải quyết được gì đâu, chẳng qua chỉ muốn chứng minh cho sự cô đơn của mình và nó càng kéo dài thêm. Con người trả giá đắt cho sự chia rẽ thù hận và bây giờ là nỗi cô đơn. Họ cô đơn hơn bao giờ hết và sự sống cũng theo đó mà bệ rạc.
Nguồn: damlinhthat.net
Xem thêm: Xã hội học của sự cô đơn
0 Nhận xét