Sống trầm lặng

Đời sống của người tu sĩ đạo Phật phải trầm lặng, cô đơn độc cư và ít nói chuyện v.v.. Nhất là phải giữ gìn tâm mình trong trạng thái yên lặng, bất động, không được nhôn nhao, lăng xăng nghĩ ngợi, lo lắng, suy tư và sợ hãi, giận hờn, buồn rầu, lo nghĩ v.v..

Bài kệ nhất dạ hiền, đức Phật đã dạy chúng ta tu tập như thế nào để sống một cuộc đời tu sĩ trầm lặng?

Ông A Nan nhớ lại lời huấn thị bài kệ “Nhất Dạ Hiền”, ông đã thực hiện trong một đêm không ngủ, sáng hôm sau ông dùng thần thông đi xuyên qua cửa đá vào hang Thất Liệp để kết tập kinh điển cùng với năm trăm vị A La Hán khác. Đây bài kệ:

NHẤT DẠ HIỀN

“Quá khứ không truy tìm.
Tương lai không ước vọng.
Quá khứ đã qua rồi (đoạn tận).
Tương lai lại chưa đến.

Chỉ có pháp hiện tại.
Chánh niệm tỉnh giác đây.
Tuệ tri quán vô lậu.
Không động không rung chuyển.

Biết vậy nên tu tập.
Hôm nay nhiệt tâm làm.
Ai biết ngày mai chết.
Không ai điều đình được.

Với bọn tử thần kia.
Nhiệt tâm quyết tu tập.
Đêm ngày không mỏi mệt.
Xứng gọi Nhất Dạ Hiền.
Bậc an tịnh, trầm lặng”.

Là một tu sĩ Phật giáo, luôn luôn phải giữ tâm mình không cho suy nghĩ những chuyện vu vơ, không cho lo lắng hối tiếc buồn phiền những chuyện đã qua, không cho giận, hờn, căm thù, bất toại nguyện những chuyện hiện tại. Vì có suy tư những chuyện đã qua cũng chẳng ích lợi gì mà ngược lại còn làm buồn phiền, đau khổ. Do chỗ buồn phiền, đau khổ, tâm ta không được thanh thản, an vui nên đức Phật mới dạy muốn giải thoát tâm hồn được thanh thản, an lạc thì đừng nhớ, lo, nghĩ về những chuyện đã xảy rồi; nhớ, lo, nghĩ những chuyện đã qua rồi khiến tâm bất an, chẳng có ích lợi gì.

Đạo Phật dạy phải đoạn dứt những sự suy tư về chuyện quá khứ, vì chuyện quá khứ đã qua rồi, có lo nghĩ có buồn phiền thì cũng chẳng giải quyết gì được mà còn làm tâm ta đau khổ, u tối thêm, không còn sáng suốt đối với chuyện hiện tại.

Vậy, chúng ta nên lấy 2 câu kệ này làm pháp hướng nhắc tâm mình để xa lìa quá khứ.

“Quá khứ không truy tìm
Quá khứ đã qua rồi”.

Còn tìm kiếm có ích lợi gì cho ta nữa, ta hãy xả đi, buông đi.

Quá khứ đã không tìm trở lại thì vị lai đừng nuôi hy vọng ước mơ. Vì tương lai đến, đến không bao giờ đúng với sự mơ ước, thế là thất vọng, thất vọng là khổ đau.

Bởi vì, luật nhân quả đang chi phối từng phút, từng giây trong thời gian và không gian của sự vật. Nên sự mơ ước của con người còn tùy thuộc ở nhân quả của người đó, nên sự ước mơ không bao giờ đúng và đạt được.

Người thấu rõ luật nhân quả chẳng bao giờ mơ ước một điều gì về tương lai, chỉ lo giải quyết mọi việc đang xảy ra trong hiện tại, không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh, thì vị lai không ước mơ nhưng vẫn thành sự tốt đẹp đến với mình.

Đạo Phật lấy mốc thời gian hiện tại để tu tập, để không nhớ nghĩ về quá khứ và cũng không lo lắng về tương lai.

Vậy thời gian hiện tại ta tu tập cái gì? Như trong bài kệ đã dạy:

“Chánh Niệm Tỉnh Giác đây.
Tuệ tri quán Vô Lậu”.

Đây là hai loại Thiền định mà đức Phật đã dạy người mới tu, cần phải siêng năng tu tập để tâm không nhớ nghĩ về quá khứ và cũng không mơ ước về tương lai.

Chánh Niệm Tỉnh Giác đây tức là Chánh Niệm Tỉnh Giác Định. Cách tu tập định này, trên thân quán thân tu về hành tướng ngoại (Tứ Niệm Xứ) nghĩa là thân đi biết thân đi, thân đứng biết thân đứng, thân ngồi biết thân ngồi, thân mặc y mang bát biết thân mặc y mang bát, thân làm việc gì đều biết thân làm việc nấy. Tâm luôn chú ý theo dõi hành động của thân đang hoạt động, không để thất niệm đang làm, mất niệm đang làm là thất niệm, thất niệm là mất tỉnh giác, mất tỉnh giác tức là mê, mê còn gọi là quên. Cho nên, tu tập mà để thất niệm là tu sai, tu như vậy không có kết quả, tu suốt đời cũng chẳng có ích lợi gì.

Thất niệm có hai trạng thái khác xen vào:

1- Quên mất niệm hành động của thân, xen vào những vọng tưởng, nghĩ ngợi chuyện thế gian (bị vọng niệm).

2- Quên mất niệm hành động của thân (vô ký) hành động theo thói quen, không nhớ, hay quên.

3- Quên mất niệm là quên pháp như lý tác ý, quên pháp như lý tác ý là ý thức chìm thì tưởng thức hoạt động, tưởng thức hoạt động thì sẽ rơi vào Thiền tưởng.

Định Chánh Niệm Tỉnh Giác, người mới tu phải dùng pháp hướng dẫn tâm tỉnh thức, nếu không dùng pháp hướng thì tâm dễ bị vọng tưởng và vô ký. Cái khó là ở chỗ tu tập nếu không có người có kinh nghiệm hướng dẫn thì khó mà tu tập tỉnh thức an trú thời gian dài được.

Tuệ tri quán vô lậu tức là Định Vô Lậu. Định Vô Lậu này được thực hiện trên thân quán thân tu về nhân tướng (Tứ Niệm Xứ) để khắc phục tham ưu tức là ly dục ly ác pháp. Cách thức tu tập định này có ba cách:

1- Ngồi kiết già thẳng lưng đặt niệm thân trước mặt quán xét tư duy, thấu suốt lý duyên khởi, lý duyên sanh, lý vô thường, khổ, không và vô ngã, lý bất tịnh, xấu xí, bẩn thỉu, hôi thúi, uế trược v.v..

Khi quán xét thân xong, ngồi đặt niệm thọ, tâm và các pháp trước mặt cũng quán xét như vậy.

2- Ngồi kiết già lưng thẳng đặt niệm thân trước mặt, quán xét tư duy về Nhân Quả, về Bốn Đại Duyên Hợp và Thập Nhị Nhân Duyên. Khi quán xét tư duy thân xong rồi đặt niệm thọ, tâm và các pháp cũng quán xét như vậy.

3- Khi đang tu Định Chánh Niệm Tỉnh Giác bỗng có một niệm khác xen vào ta nên lấy niệm đó đặt trước mặt quán xét tư duy, tu Định Vô Lậu liền, để xả bỏ niệm ấy cho rốt ráo, không còn tới lui, chớ không được buông ngang vì buông ngang niệm ấy sẽ sanh trở lại khiến cho tâm thất niệm.

Hai loại định: Chánh Niệm Tỉnh Giác và Định Vô Lậu sẽ hỗ trợ cho nhau, khi chúng ta biết câu hữu, chúng sẽ giúp chúng ta diệt ngã xả tâm ly dục ly ác pháp, nhờ thế tâm bất động trước các đối tượng, do vậy trong bài kệ có câu:

“Không động không rung chuyển”.

Nếu người siêng năng tu tập như vậy, tâm được thanh tịnh hoàn toàn, giống như cục đất không còn phiền não, khổ đau, giận hờn, thương ghét nữa.

Hiểu được và biết rõ sự lợi ích của hai loại định này chúng ta cần phải siêng năng tu tập nhiều hơn, không bỏ phí thì giờ. Kết quả mang đến tâm chúng ta được giải thoát, cuộc sống được an vui, thanh thản và vô sự, không có một vật gì, hoàn cảnh nào làm động tâm được, thì trên đời này còn có gì hạnh phúc và sung sướng cho bằng.

Này, quý Thầy và các Phật tử, khi đã nhận được hai pháp Thiền định quý báu vô giá này, thì trên đời không còn có vật gì quý báu hơn và sánh bằng được.

Biết nó quý báu vô giá như vậy, nên đức Phật khuyên chúng ta:

“Biết vậy nên tu tập.
Hôm nay nhiệt tâm làm.
Đêm ngày không mỏi mệt”.

Đó là một lời khuyên chơn thật của đức Phật, biết hai loại định này sẽ giải thoát tâm con người ra khỏi sông mê biển khổ. Vì thế, người tu sĩ phải thấy giá trị của nó to lớn và lợi ích biết dường bao.

Khi thấu suốt giá trị của hai pháp môn Thiền định này, thì đừng để mất thời giờ vàng ngọc của mình trôi qua quá uổng, dù là một phút cũng không tìm lại được. Phải nỗ lực siêng năng tu tập với một tâm thành nhiệt huyết, ngày đêm tinh tấn không biết mỏi mệt là gì.

Sự nhiệt tâm, tinh cần, tinh tấn, không biếng trễ, không bỏ qua một giây phút nào, thì kết quả sẽ nhanh chóng, giải thoát chỉ một đêm tu tập sẽ trở thành bậc Thánh Hiền.

“Xứng gọi nhất dạ hiền”.

Chỉ có một đêm tu tập không thất niệm, tâm hồn chúng ta sẽ trở thành trầm lặng, sống ít nói, tâm hồn không lăng xăng, không nhộn nhịp, sống độc cư an vui một mình.

Qua bài kệ này, quý Thầy và các Phật tử đã nhận ra được những kinh nghiệm trong hai pháp môn Thiền định quý giá để thực hành cụ thể và kết quả sẽ mãn nguyện.

Người cư sĩ tại gia cũng như người tu sĩ xuất gia đều dễ dàng tu tập hai pháp môn Thiền định này mà không sợ lạc Thiền, tẩu hỏa nhập ma hoặc rối loạn thần kinh, hoặc ông lên bà xuống như nhập đồng, nhập xác.

Kết quả của hai pháp môn Thiền định này nhanh chóng, ngay liền tức khắc, không phải chờ đợi.

Nếu ai tha thiết con đường tu tập của đạo Phật mà được hướng dẫn tu tập hai pháp môn này, như người đang chết đuối mà vớ được phao, như người bệnh sắp chết mà vớ được thần dược.

Người có hữu duyên gieo trồng chánh pháp của đạo Phật mới gặp được hai Thánh pháp này.

Do thế, phải nỗ lực siêng năng tu hành ngày đêm không biết mỏi mệt để cứu mình ra khỏi biển khổ, để đền đáp ơn Phật, ơn sanh thành dưỡng dục của mẹ cha và ơn đàn na thí chủ, có như vậy mới xứng danh là người đệ tử của đức Phật, là những bậc Thánh Tăng, là những bậc Thánh cư sĩ, là những bậc chân tu sống trầm lặng tuyệt vời.

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Đăng nhận xét

0 Nhận xét