Không đòi hỏi

Bạn nói rằng: “Cuộc sống của tôi dường như vô nghĩa và trống rỗng”. Nó vô nghĩa và trống rỗng bởi vì bạn luôn muốn nhiều hơn nữa. Hãy buông bỏ sự ham cầu, bạn sẽ được chuyển hóa một cách trọn vẹn. Trạng thái trống rỗng sẽ biến mất ngay khi bạn ngưng đòi hỏi.

Trạng thái trống rỗng là tác dụng phụ của việc đòi hỏi.

Nó là cái bóng bám theo những ham muốn của bạn.

Hãy để lòng ham muốn biến mất rồi nhìn lại phía sau, sẽ chẳng còn cái bóng nào nữa.

Lý trí của con người luôn đòi hỏi, đòi hỏi đến vô tận; cho dù chúng ta sở hữu bao nhiêu thứ đi nữa thì lý trí vẫn đói khát. Lúc nào chúng ta cũng thấy thiếu thốn, thấy chưa đủ, đến mức có cảm giác là mình sống một cách trống rỗng.

Càng khát khao mong cầu thì càng thấy trống rỗng.

Mong cầu là nguyên nhân của sự trống rỗng vô nghĩa trong tâm hồn ta. Nếu mọi sự chờ đợi khát khao quá mức biến mất thì sự trống rỗng cũng tan đi. Và niềm vui sâu sắc sẽ đến với chúng ta. Cảm giác đầy đủ chỉ xuất hiện khi tâm hồn ta bắt đầu tuôn chảy sự nhẫn nại bình an. Sự dồi dào của tinh thần sẽ giúp ta sẵn sàng chia sẻ và cho đi, sẵn sàng tham dự vào trò chơi vũ trụ mà không vì một lý do nào khác. Bạn sẽ thấy mình giống như đám mây tràn trề nước mưa phủ đầy khắp nơi, thấm đẫm cả lớp sỏi đá khô cằn – nơi chẳng có gì sống sót nổi. Dòng nước mát của tâm hồn sẽ tưới tắm vạn vật trong nỗi hân hoan vô tư. Nó không cần biết mình sẽ tưới cho mảnh đất này hay xứ sở khác. Nó trĩu nặng, cuồn cuộn sức chảy nhưng chính nó lại thanh thoát vô cùng.

Đừng mong cầu hão huyền, bạn sẽ chạm tới niềm vui và sống trong trạng thái toại nguyện tràn trề. Cuộc chuyển hóa đó đến một cách lặng lẽ theo cách riêng của nó. Với kinh nghiệm sống như vậy, chúng ta mới thấy cuộc đời này thực sự có ý nghĩa.

Thơ ca, nghệ thuật và lòng thành kính sẽ xuất hiện; rồi sẽ có âm nhạc và những hòa âm tuyệt đẹp, cuộc sống chúng ta trở thành một vũ điệu bất tận.

Chúng ta đang sống một cách trống rỗng và vô nghĩa.

Giờ, hãy làm ngược lại. Ta có thể làm cho đời sống của mình trở nên phong phú, nhưng không phải bằng cách cứ mãi ước ao, chờ đợi. Thêm đòi hỏi tức là thêm vấn đề, thêm rắc rối. Những gì chúng ta thấy, nghe và trải nghiệm còn quan trọng hơn nhiều. Ao ước là bức tường, từ bỏ ước ao là chiếc cầu nối dẫn đến hạnh phúc vĩnh hằng. Ao ước là đau khổ. Từ bỏ ao ước là an lạc.

Bạn nói: “Tôi muốn có nhiều thứ hơn”. Nhưng thật ra, càng mong ước nhiều thì chúng ta càng đánh mất nhiều hơn. Hãy chọn lựa đi. Nếu muốn sống đau khổ, bạn cứ tiếp tục đòi hỏi, khát khao. Và bạn phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự chọn lựa của mình. Không ai bắt buộc bạn sống như thế. Đừng khát khao tương lai nữa, nếu như bạn thực sự muốn vui sống một cách bình an.

Lý trí con người luôn đòi hỏi, mong cầu, luôn hy vọng và luôn thất vọng bởi nó bắt ta sống trong chờ đợi. Thế giới này vẫn cứ đau khổ bởi con người vẫn chìm đắm triền miên trong những tham vọng. Khoa học mang lại cho chúng ta nhiều hy vọng, làm đầy thêm những khát khao vốn đã cháy bỏng. Vào đầu thế kỷ XX, cả thế giới sống trong niềm lạc quan lớn lao trước những thành tựu vĩ đại của khoa học kỹ thuật. “Thời đại vàng đã đến. Ở đâu chúng ta cũng tìm thấy bóng dáng của khoa học. Thiên đường đã xuống mặt đất”. Và tự nhiên, mọi người ngày càng mong ước, mong ước nhiều hơn nữa.

Không phải thiên đường đã xuống mặt đất; mà trái đất đã hóa thành địa ngục. Khoa học biến chúng ta thành cơn khát thèm. Mục đích của cuộc sống dày đặc thành tựu khoa học là hố sâu đau khổ. Điều này chưa từng xảy ra trước đó.

Con người bắt đầu tư duy theo kiểu sở hữu. Họ muốn an toàn hơn, khoa học hơn, tiện nghi hơn. Nhưng, tiếc thay, những điều kiện ấm êm đó lại khiến người ta thấy vô nghĩa hơn. Họ đã nỗ lực nhiều đến thế để có mọi thứ, và cũng khốn đốn tuyệt vọng hơn vì không thể thỏa mãn.

Thiền định đưa chúng ta dấn thân vào chính nỗi khát thèm của mình. Ở đó, chúng ta sẽ chấm đứt được nó. Những ẩn ức giấu kín sẽ được hé lộ và tựu thành. Có một cái gì đó thực sự tốt đẹp nằm bên trong cuộc sống chúng ta. Một sự giàu có không ngờ sẽ tràn trề trong tâm hồn chúng ta. Niềm vui vô tận sẽ trút xuống cuộc đời tất cả mọi người, chỉ cần chúng ta biết chuẩn bị một mảnh đất cho nó. Tên gọi cho mảnh đất kỳ diệu ấy là từ bỏ mọi khát khao.

Hãy biết chấp nhận. Trong ánh sáng của lòng nhẫn nại, mọi thói tật của chúng ta sẽ được hóa giải trọn vẹn.

Cuộc sống đầy phép màu sẽ mở ra cho bạn.

Tôi cảm thấy bế tắc. Mọi thứ tôi làm chỉ là mớ hỗn độn vô nghĩa, vì thế tôi càng chán chường. Thực sự, nỗi buồn chán là gì vậy? Buồn chán là một trong những thuộc tính của đời sống con người. Chỉ con người mới có khả năng cảm nhận được nỗi buồn chán. Cảm giác ấy chỉ tồn tại khi tâm trí bắt đầu mất dần sự sáng suốt. Buồn chán chỉ là một đối cực của sự sáng suốt. Loài vật không cần khai tâm, không cần đắc đạo, vì vậy chúng cũng chẳng buồn chán bao giờ.

Nỗi buồn chán đơn giản chính là khả năng ý thức về cuộc đời đổi thay mãi mãi. Bạn đã làm được biết bao nhiêu điều trước đó – nhưng chẳng có gì xảy ra. Bạn đã dấn thân vào bao chuyến du hành trước đó – nhưng rồi chẳng đúc kết được gì. Buồn chán là cảm giác đầu tiên của sự tỉnh thức bắt đầu nảy sinh bên trong tâm hồn chúng ta trước sự phù phiếm, vô nghĩa của dòng đời trôi chảy.

Chúng ta có hai cách để đáp lại nỗi buồn chán. Thông thường người ta hay làm theo cách thứ nhất: lảng tránh nó, không muốn đối mặt với nó, bỏ nó lại sau lưng rồi trốn chạy bằng cách làm một cái gì đó để quên nó đi.

Đó là lý do vì sao nhân loại chế tạo ra rượu và thuốc.

Đây chính là những phương cách để con người trốn khỏi nỗi buồn. Nhưng bạn đâu thật sự trốn thoát khỏi nó được; ấy chẳng qua chỉ là sự lảng tránh nhất thời. Hết lần này đến lần khác, nỗi buồn chán cứ hình thành, hết ngày này qua ngày khác, nỗi buồn chán sẽ lớn dần. Bạn cứ tìm quên trong tình dục, trong ăn uống vô độ, trong âm nhạc – trong một ngàn lẻ một cách khác. Dẫu vậy, nỗi buồn chán vẫn tồn tại. Đó chẳng phải là thứ có thể trốn tránh được; đó là một phần của quá trình trưởng thành. Cần phải đối diện với nó.

Câu trả lời thứ hai là đối diện với nỗi buồn, thiền định về nó, chung sống với nó, trở thành nó. Đó chính là những gì Đức Phật đã làm dưới cội bồ đề – cũng là những gì các thiền nhân vẫn đang thực hiện qua bao thời đại.

Thiền định là gì? Đối mặt với nỗi buồn chán chính là thiền định. Người ngồi thiền phải làm những gì? Ngồi yên lặng, quan sát rốn hoặc quán sát hơi thở, người ta giúp cho mình vui vẻ hơn nhờ các tư thế đó, bạn nghĩ vậy chăng? Anh ta cũng chán nản khủng khiếp! Đó là lý do vì sao các thiền sư cứ phải lần tràng hạt – bởi họ đang ở mấp mé ranh giới của cơn buồn ngủ. Chẳng có cách nào khác thoát khỏi nỗi buồn chán, ngoài một cách duy nhất là chìm vào giấc ngủ. Họ không thể từ bỏ sự chán nản. Họ tự nguyện tham gia vào một phần quá trình tu tập và rèn luyện thiền định – họ không thể từ bỏ sự chán nản mặc dù lối thoát luôn có sẵn – bạn có thể chìm vào giấc ngủ rồi quên hết mọi thứ. Đó là lý do vì sao khi thiền định, người ta luôn thấy buồn ngủ.

Toàn bộ nỗ lực thiền định bao gồm thế này: Chán nản nhưng đừng trốn tránh khỏi nó; luôn tự cảnh tỉnh bởi nếu chìm vào giấc ngủ, bạn đã thoát ra khỏi nó. Phải cảnh giác! Phải trông chừng nó, quán sát nó. Nếu sự buồn chán còn đó, nó sẽ ở đó. Cần phải nhìn thấy nó, nhìn sâu vào tận cốt lõi của nó.

Nếu vẫn còn chiêm nghiệm về nỗi buồn chán mà không thoát khỏi nó, điều gì đó ắt sẽ bùng nổ. Bất thần, một ngày, trong nỗi chiêm nghiệm về sự buồn chán, bạn dấn sâu vào cõi trống rỗng. Nỗi buồn chán chỉ là lớp vỏ, là vật chứa, đựng trong đó sự rỗng không nội tại. Nếu rời khỏi nỗi buồn chán, bạn cũng rời khỏi sự rỗng không của chính mình. Vì không thoát khỏi nỗi buồn chán, vì bạn bắt đầu cùng sống với nó, vì bạn bắt đầu chấp nhận nó, chào đón nó… khi đó, toàn bộ quá trình ấy chính là thiền định: chào đón nỗi buồn, dấn mình vào nỗi buồn; không chờ nó đến mà tìm kiếm nó.

Ngồi hàng giờ trong tư thế thiền định, chỉ quán sát hơi thở thôi, ắt người ta sẽ cảm thấy cực kỳ buồn chán.

Toàn bộ quá trình thiền tập chính là nuôi dưỡng nỗi buồn chán. Trong thiền viện, mỗi ngày bạn phải dậy vào đúng giờ ấy – ngày nào cũng vậy, ngày này qua ngày khác, năm này sang năm khác. Dù hạ hay đông, bạn đều phải dậy vào lúc ba giờ sáng, gội sạch thân thể. Bạn phải uống cùng một thứ trà ấy, rồi ngồi thiền… Vẫn là từng đó hoạt động lặp đi lặp lại. Và mọi việc trong ngày diễn ra theo một quy trình cực kỳ cố định: Bạn ăn sáng vào một giờ nhất định, sau đó lại thiền định, sẽ lại ăn cùng một món ăn ấy vào cùng một giờ ấy! Mọi việc chỉ hỗ trợ thêm cho nỗi buồn chán.

Vẫn là trang phục ấy, thiền viện ấy, vị thiền sư ấy đi vòng quanh với chuỗi hạt trên tay. Mỗi ngày vào giấc chiều, bạn sẽ phải có một buổi tập tu với thiền sư. Những câu hỏi mà thiền sư đưa ra để bạn chiêm nghiệm nghe quả đáng chán, kiểu như: “Thế nào là tiếng vỗ của một bàn tay?”. Cứ nghĩ về câu hỏi đó đi – nó sẽ khiến bạn phát điên. Thế nào là tiếng vỗ của một bàn tay? Làm gì có câu trả lời, bạn cũng biết mà; ai ai cũng biết làm gì có câu trả lời cho câu hỏi ấy. Vậy mà thiền sư vẫn cứ khăng khăng: “Tiếp tục chiêm nghiệm về nó đi”.

Mọi thứ vẫn trong tầm kiểm soát. Nỗi buồn chán trở nên rộng lớn miên man, vô bờ bến. Nỗi buồn chán cần phải hoàn toàn được chấp nhận hết mức có thể, phải được tạo mọi điều kiện, được hỗ trợ từ mọi phía. Cùng một buổi chiều, cùng một công việc, cùng một âm hưởng của câu mật chú. Bạn phải đi ngủ vào đúng giờ ấy… và mọi chuyện cứ tiếp diễn, vẫn cái chu trình mòn mỏi ấy. Trong vài ngày, bạn cảm thấy chán nản kinh khủng và không thể thoát khỏi nó. Chẳng có cách nào để thoát ra. Bạn không thể đến rạp chiếu bóng, không thể xem ti-vi, không một thứ gì có thể giúp bạn trốn tránh nỗi buồn. Bạn cứ chìm vào nỗi buồn chán từng chút một.

Cần phải có một dũng khí lớn để đối diện với nỗi buồn. Nỗi buồn chán rất giống cái chết, có khi còn chật vật hơn cả chết, bởi cái chết chỉ đến khi ta đã mất ý thức. Và bạn đang khuấy động lên đủ kiểu buồn chán.

Chuyện gì đang xảy ra? Đó chính là bí mật của quá trình thiền định: Nếu bạn tiếp tục quán sát, quán sát, quán sát, nỗi buồn chán sẽ ngày một trào dâng, trào dâng, mỗi lúc một mênh mông rồi lên đến đỉnh điểm.

Không gì có thể tiếp diễn vĩnh viễn – đến một điểm nào đó, chu kỳ buộc phải chuyển hướng. Nếu bạn đi đến cực điểm, cực đại thì sự thay đổi, sự chuyển biến – sự đốn ngộ, satori, hay bất cứ cái tên nào tùy bạn – sẽ xảy ra. Bất thần một ngày nọ, nỗi buồn chán trở nên vô biên vô lượng. Nó bóp nghẹt bạn, nó gần như giết chết bạn. Cả một đại dương mênh mông của nỗi buồn nhấn chìm bạn. Nó làm bạn mất phương hướng, làm bạn tuyệt đường. Tại vô biên vô lượng nỗi buồn, chu kỳ đổi hướng. Nỗi buồn chán bất ngờ biến mất, ấy là satori (đốn ngộ), là samadhi (đại ngộ). Bạn chỉ còn rỗng không.

Khi đó, bạn chẳng còn một mảy may buồn chán nào nữa. Bạn đã nhận ra cái trống không của cuộc đời. Bạn đã biến mất – Ai còn có thể buồn chán? Vì điều gì? Bạn chẳng hề còn tồn tại nữa. Bạn đã tuyệt diệt.

Bạn hỏi: “Nỗi buồn chính xác là gì?”.

Đó là một sự kiện tâm linh. Một con trâu chẳng bao giờ buồn chán, trông chúng lúc nào cũng hoàn toàn hạnh phúc và thỏa mãn. Duy có con người biết buồn chán. Chỉ những người có năng lực và sáng suốt mới cảm nhận nỗi buồn. Những kẻ si ngốc cũng chẳng buồn bao giờ. Họ hoàn toàn hạnh phúc với công việc, kiếm tiền, đành dụm một số dư tài khoản kếch sù, nuôi nấng con cái, sinh đẻ, ăn uống, xem phim, đi nhà hàng, tham gia hoạt động chỗ này chỗ kia. Họ thấy hài lòng và không có cảm giác buồn chán thực sự.

Đứa trẻ thông minh nhất là đứa mau chán nhất – bởi không có cái gì thu hút sự chú ý của nó lâu được. Sớm hay muộn nó cũng sẽ tình cờ gặp phải vấn đề thế này: “Giờ thì thế nào? Chuyện gì sẽ xảy ra? Kết thúc rồi. Mình đã thấy món đồ chơi này, mình đã xem xét nó, đã tháo tung nó ra, đã săm soi từng mảnh một, giờ thì xong cả rồi – tiếp theo sẽ là gì đây?”. Trước tuổi thành niên, đứa bé đã biết buồn chán.

Đức Phật đã kinh qua nỗi buồn chán rã rời. Ngài từ bỏ vương quyền khi chỉ mới hai mươi chín tuổi – đỉnh điểm của thời thanh xuân. Ngài cảm nhận được nỗi buồn chán – với phụ nữ, với mỹ tửu, với của cải, với vương quyền, với mọi thứ. Ngài đã chứng kiến tất cả, nhìn thấu tất cả. Ngài đã buồn chán. Hãy nhớ, Ngài từ bỏ thế giới không phải vì thế giới sai lầm mà bởi sự vô nghĩa cùng cực của nó.

Nếu bạn sáng suốt, bạn cảm thấy buồn chán. Nếu bạn không tỉnh táo, bạn cứ tiếp tục sống. Đó chỉ là một vòng xoay ngựa gỗ; và bạn di chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác. Bạn hứng thú với những chuyện vặt vãnh và bạn tiếp tục sống như thế mà không đủ ý thức để nhận ra sự lặp đi lặp lại – bạn không hề nhận ra rằng ngày hôm qua bạn đã làm điều này và bạn cũng làm như thế hôm nay, rồi bạn tưởng tượng xem, ngày mai bạn cũng sẽ lặp lại từng ấy công việc. Ắt là bạn phải rất kém sáng suốt.

Làm thế nào sự sáng suốt giúp bạn tránh xa nỗi buồn chán? Chẳng thể nào. Sáng suốt chỉ có nghĩa là nhận ra mọi thứ như nó vốn là như thế.

Đức Phật đã từ bỏ thế giới trong một tâm trạng chán nản tột độ. Và Ngài đã làm gì sau đó, trong suốt sáu năm lang bạt trong những cánh rừng ấy? Ngài mỗi lúc mỗi thấm thía nỗi chán nản hơn. Bạn có thể làm gì khi ngồi trong rừng nào? Lắng nghe hơi thở, tập trung vào rốn, ngày đến ngày đi, năm qua năm lại. Ngài đã nuôi dưỡng nỗi buồn đến cực điểm và vào một đêm nọ, nó biến mất.

Nó tự nhiên biến mất.

Nếu đã đến đỉnh điểm… sự thay đổi tất xảy ra. Nó đến! Và với sự chuyển động của ngọn triều ấy, ánh sáng bừng lên – bạn biến mất, chỉ còn ánh sáng. Cùng với ánh sáng, niềm hoan lạc tràn ngập. Bạn tràn ngập niềm hân hoan – không có bạn, duy còn lại có niềm hân hoan không duyên cớ mà thôi. Niềm hoan lạc tuôn trào trong chính bạn.

Người bình thường tận hưởng niềm vui có nguyên nhân – người ta phải lòng một cô nàng hay một anh chàng mới và sung sướng vì điều đó. Niềm vui của họ chỉ là thoáng chốc. Chỉ ngày mai thôi, chán chê với cô gái này, anh ta sẽ chạy theo những cô khác. Người bình thường cảm thấy vui khi vừa có một chiếc xe mới; ngày mai thôi, anh ta sẽ tìm chiếc khác. Cuộc sống cứ tiếp diễn theo chu trình như thế mãi mà anh ta chẳng biết điểm kết thúc, rồi cuối cùng anh ta cảm thấy chán nản. Có làm gì đi nữa thì cuối cùng bạn cũng sẽ thấy chán, mọi hoạt động đều chỉ mang đến nỗi buồn nản. Người càng thông minh càng sớm nhận ra điều ấy.

Thế rồi còn lại gì? Chỉ còn nỗi buồn chán ở lại và người ta đành phải chiêm nghiệm về nó. Chẳng có lối thoát nào. Thế thì dấn mình vào vậy, xem rồi sẽ dẫn đến đâu. Và nếu bạn còn có thể tiếp tục dấn sâu hơn, nó sẽ đưa bạn đến đại ngộ.

Chỉ con người biết buồn chán, và chỉ con người biết đại ngộ.

Ngài nghĩ gì về việc nghiện thuốc? Lý do gì khiến người ta sử dụng các loại thuốc gây nghiện? Nghiện thuốc chẳng phải là vấn đề gì mới, nó cũng cũ kỹ như nhân loại vậy. Không thời đại nào con người không đi tìm một lối thoát. Cuốn sách cổ nhất thế giới Rigveda (thuộc hệ Kinh Veda) cũng đề cập nhiều đến cách sử dụng thuốc soma(10).

Từ thời sơ cổ ấy, mọi tôn giáo đều cấm con người dùng thuốc gây nghiện. Các chính phủ cũng phản đối chất kích thích. Tuy nhiên, thuốc phiện đã chứng minh uy lực của nó còn mạnh hơn cả chính phủ hay tôn giáo, bởi vì không ai tìm hiểu tường tận tâm lý của người nghiện thuốc. Con người là đau khổ. Người ta sống trong lo âu, phiền não và vỡ mộng. Dường như chẳng còn một lối thoát nào ngoài thuốc.

Cách duy nhất để nhân loại ngưng dùng chất kích thích là làm sao để người ta được vui vẻ, hạnh phúc, sung sướng.

Bản thân tôi cũng phản đối việc dùng thuốc phiện vì một lý do đơn giản, thuốc chỉ có thể giúp bạn quên đi nỗi thống khổ nhất thời mà thôi. Nó không giúp bạn đương đầu với khổ sở và đau đớn, ngược lại, nó hủy hoại bạn.

Tìm đến thuốc phiện như một cách quên đi nỗi buồn chán là vấn nạn thường gặp ở giới trẻ. Khoảng cách giữa các thế hệ là khái niệm vô cùng mới mẻ, trước đây chưa từng hiện hữu trong nhận thức của con người. Ngược dòng lịch sử, từ thuở xưa, trẻ con sáu, bảy tuổi đã bắt đầu sử dụng đôi tay, khối óc làm quen với công việc của cha anh. Năm mười bốn tuổi, đứa trẻ đã trở thành thợ thủ công hoặc nông dân, kết hôn, thực hiện các bổn phận của mình. Trước khi bước sang tuổi hai mươi bốn, họ đã có con cái, vì vậy, chẳng bao giờ có khoảng cách giữa các thế hệ. Thế hệ sau gối đầu lên thế hệ trước.

Giờ đây, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, người ta biết đến cái gọi là khoảng cách giữa các thế hệ. Đó là một vấn đề trọng đại. Giờ đây, lần đầu tiên, đến tận hai lăm, hai sáu tuổi, người ta rời khỏi trường đại học mà không phải gánh vác một phận sự nào – không con cái, không âu lo. Người ta có cả thế giới trong tay trước khi biết mơ về nó. Làm thế nào để cuộc sống tốt đẹp hơn, phong phú hơn, làm thế nào để tạo nên một chủng tộc thiên tài. Giữa mười bốn tuổi và hai mươi bốn tuổi, người ta có một khoảng thời gian rất dài để mơ mộng, bởi bản năng giới tính đang hoàn thiện và cùng với bản năng ấy, các ước mơ cũng chín muồi. Bản năng giới tính của một người được biểu lộ ở trường học và đặc biệt trong quãng thời gian học đại học, toàn bộ năng lượng của những người trẻ đều dành trọn cho các ước mơ. Anh ta mong muốn trở thành một nhà hoạt động xã hội, một người theo đảng phái Fabia(11), hay đại loại thế.

Và đây là lúc anh ta bắt đầu vỡ mộng bởi cách vận hành của thế giới. Bộ máy quan liêu, chính quyền, các chính trị gia, xã hội, tôn giáo… dường như đều chứng minh rằng anh ta có thể biến giấc mơ thành hiện thực. Anh ta rời trường đại học với biết bao mộng tưởng, nhưng từng ý tưởng bay bổng ấy lần lượt bị xã hội làm tan vỡ.

Đây chính là lúc anh ta bắt đầu dựa dẫm vào các loại thuốc. Thuốc gây nghiện sẽ mang đến cho anh ta sự khuây khỏa tạm thời; nhưng chẳng bao lâu sau, theo thời gian, liều lượng thuốc cứ tăng lên không ngừng. Đó sẽ là lúc thuốc bắt đầu phá hủy cơ thể, não bộ và rồi anh ta sẽ nhanh chóng trở thành một kẻ vô tích sự, anh ta không thể sống mà không có thuốc. Sự lệ thuộc đó khiến anh ta đánh mất dần vị trí của mình trên cuộc đời này.

Theo tôi, việc giáo dục thế hệ trẻ cần được chú trọng ở cả hai phương diện: một là tinh thần, hai là thể chất. Ngay từ rất nhỏ, việc giáo dục các bạn trẻ không chỉ là giảng dạy chữ nghĩa mà còn giúp họ học cách làm ra sản phẩm nào đó – họ cần học một số nghề thủ công hay rèn luyện một kỹ năng nào đó trong lao động sản xuất. Để tạo sự cân bằng, một nửa thời gian của họ nên dành cho các hoạt động tinh thần và một nửa còn lại dành cho những nhu cầu cuộc sống thiết thực. Nhờ đó, trước khi rời khỏi ghế đại học, họ sẽ không còn là những kẻ mộng mơ, sẽ không phải dựa dẫm người khác để thỏa mãn nhu cầu công ăn việc làm. Họ có thể tự làm ra những thứ họ cần.

Còn với những người vẫn cảm thấy một kiểu đổ vỡ nào đó, họ cần phải được điều chỉnh từ rất sớm. Người ta cảm thấy thất vọng có thể vì đã không định hướng học tập đúng.

Có thể vì họ muốn trở thành nông dân nhưng lại bị đào tạo ra làm một bác sĩ; có thể họ muốn trở thành người làm vườn song ta lại biến họ thành kỹ sư.

Sự phát triển của khoa học tâm lý đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp đỡ trẻ định hướng con đường học tập đúng với tiềm năng của chúng. Ở các trường phổ thông, cao đẳng, đại học, rất cần có ít nhất một giờ thiền định bắt buộc để những học sinh nào cảm thấy thất vọng, suy sụp có một khoảng thời gian đành cho chính mình để tự vượt qua và loại trừ những thất vọng, áp lực ấy. Như vậy, họ sẽ không phải nhờ đến các loại thuốc. Thiền định chính là đáp án của họ.

Thế nhưng, thay vì áp dụng phương pháp này, các vị có chức trách lại tiếp tục làm những việc thật dại dột khác, đó là cấm doán và trừng phạt. Cần biết rằng cả mười ngàn năm nay chúng ta đã cấm doán và đã thất bại. Càng cấm rượu, càng nhiều người nghiện rượu, càng nhiều loại rượu nặng hơn xuất hiện. Hàng vạn người đã chết vì ngộ độc rượu, và ai chịu trách nhiệm đây? Giờ đây, chúng ta lại phạt tù những người nghiện mà không hiểu rằng khi đã dựa dẫm vào thuốc, khi đã nghiện thuốc, người ta cần được điều trị chứ không phải trừng phạt.

Họ cần được gửi đến một nơi nào đó để chăm sóc, để được học cách thiền định, và dần dần họ sẽ định hướng được cách tháo gỡ cho mình một cách tích cực hơn.

Thay vì vậy, họ lại bị bỏ tù – bỏ tù hàng năm trời! Giá trị làm người bị đánh mất. Kêu án mười năm cho một người hai mươi tuổi chính là đã tước mất khoảng thời gian quý giá nhất trong đời người mà chẳng có nghĩa lý gì cả, vì hơn bất cứ nơi nào, nhà giam là chỗ mọi loại thuốc gây nghiện đều có thể ra vào dễ dàng. Chính bạn tù sẽ là những ông thầy dạy cho những kẻ chơi thuốc hạng hai trở thành những tay sành sỏi. Mười năm đủ cho một anh chàng mới say thuốc trở thành tay chơi lão làng. Nhà tù chỉ dạy người ta được một điều thôi: ta chẳng làm sai gì cả, miễn là đừng bị tóm, chỉ cần đừng để bị tóm. Và bạn tù cũng sẽ là những chuyên gia dạy ta thành kẻ đào tẩu. Quả là một nghịch lý trớ trêu.

Osho – Trích chương 7 - Hạnh phúc tại tâm

(10) Soma: Theo Kinh Veda, đây là tên một loại thức uống có tác dụng tăng cường sức lực cho con người.
(11) Fabia: Một trào lưu chính trị được giới trí thức Anh tạo lập vào cuối thế kỷ 19 và tiếp tục hoạt động mạnh mẽ trong Thế chiến thứ nhất.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét