Dòng sông của đời sống

Tôi tự hỏi có khi nào bạn đi dọc theo bờ sông, bạn chợt thấy có một cái vũng ao nhỏ nằm kế bên dòng sông hay không? Chắc là có, anh chàng câu cá nào đã đào chơi để đó. Bạn sẽ thấy ngay sự khác biệt: dòng sông thì rộng, sâu, luôn trôi chảy không ngừng nghỉ, trong khi vũng nước đặc sệt những bùn lầy vì nó nằm một chỗ, không thông thương với dòng sông. Dĩ nhiên là không thể nào có cá lội trong vũng nước đó được, không thể nào sinh động như dòng sông.

Bạn có thấy nhân loại giống như thế hay không? Mỗi người tự đào lấy một cái vũng nhỏ cho mình, ẩn nấp trong đó, tự tách rời ra khỏi mạch sống của cuộc đời kẹt cứng trong vũng nước ao tù đó cho tới chết và gọi là sự dính mắc, thối rửa, đó là kiếp người. Không phải sao? Tất cả chúng ta đều mong cầu sự vĩnh cửu, chúng ta muốn một thú vui nào đó cứ kéo dài vô tận. Chúng ta đã đào một cái hố nhỏ rồi dùng gia đình, phong tục tập quán, tôn giáo làm hàng rào tự giam mình trong đó, chết trong đó. Chúng ta đã để đời sống trôi qua. Cái đời sống tuy vô thường, luôn luôn biến đổi chớp nhoáng, nhưng là một đời sống có chiều sâu thăm thẳm, có vẻ đẹp tuyệt vời và có sức sống kỳ diệu!

Nếu bạn chịu khó ngồi yên lặng cạnh dòng sông, bạn sẽ nghe được tiếng sóng vỗ, tiếng nước chảy. Ðó là khúc hát của dòng sông! Luôn luôn có một sự chuyển động hướng về chỗ sâu thẳm hơn, bao la hơn. Ngược lại, trong vũng bùn kia, mặt nước ao tù ứ đọng không hề có một sự sống nào. Nếu đem đối chiếu, bạn sẽ thấy phần lớn chúng ta muốn hiện hữu theo kiểu vũng nước ao tù, tách rời khỏi quy luật của đời sống. Chúng ta cho rằng kiểu hiện hữu này là đúng, do đó chúng ta phát minh ra hàng loạt những triết lý để biện minh cho nó. Chúng ta muốn được an toàn, muốn né tránh tất cả mọi xáo trộn trong đời sống .

Sự kiện nói trên có ý nghĩa bạn mong cầu những chuyện vui sướng sẽ không bao giờ chấm dứt, trái lại những điều buồn khổ, khó khăn cần phải chấm dứt càng sớm càng tốt! Chúng ta muốn tên tuổi chúng ta được mọi người biết đến, muốn gia đình tài sản còn mãi mãi, lưu truyền đến đời con cháu. Muốn kéo dài một cuộc sống vĩnh cửu trong vũng nước ao tù, muốn mọi việc không thay đổi gì cả. Vì lẽ đó chúng ta đã dựng lên một xã hội nhằm bảo đảm cho sự tồn tại của tài sản, tên tuổi, danh vọng của chúng ta. Nhưng tiếc thay, cuộc sống không phải như vậy! Cuộc sống vốn dĩ vô thường! Cũng giống như những chiếc lá xanh tươi trên cây kia rồi một ngày nào đó cũng phải lìa cành! Tất cả mọi vật đều biến dời. Có bao giờ bạn thấy bức tranh tuyệt mỹ của một bóng cây trơ cành in trên nền trời bao la hay chưa? Ðường nét của những cành khẳng khiu trụi lá, là cả một bài thơ hay một khúc hát tuyệt vời. Không còn một chiếc lá nào, nhưng rõ ràng là cây đang chờ mùa xuân tới để rồi một lần nữa lá xanh sẽ rì rào reo vang đầy cành, qua mùa Thu hong lá cho vàng úa, để rồi đến đầu Ðông gió sẽ cuốn đi hết. Ðó chính là đời sống!

Nhưng chúng ta không hề nghĩ như vậy. Chúng ta bám víu vào con cái, nhà cửa, truyền thống, tên tuổi... Vì chúng ta muốn mọi sự đều còn hoài. Ðó chính là lý do khiến ta sợ chết! chúng ta sợ đánh mất những cái mà chúng ta đã quen thuộc, đã biết. Cuộc đời không đứng yên một chỗ như ta muốn. Lá rụng, tuyết tan, trăng tàn, hoa úa, người vật đều sẽ chết..v..v.. Vậy cớ sao ta lại cứ muốn đi ngược lại để tham cầu địa vị, quyền thế cứ còn mãi mãi

Cuộc sống giống như một dòng sông: Trôi chảy không ngừng, luôn luôn tìm tòi, khám phá, thúc giục, sóng nước tràn lên bờ, soi vào tận những hang hóc xa xôi. Khổ thay! cái tâm con người lại không chịu chấp nhận chuyện đó. Chúng ta nghĩ nếu phải sống thường xuyên trong cảnh biến dời như thế thì quá nguy hiểm, quá bất trắc. Còn đâu là sự bình an nữa! Vì thế mỗi người tự xây lấy một thành trì kiên cố bằng những bức tường tập tục, giáo điều, triết lý, chánh trị, xã hội. Rồi thì gia đình, tên tuổi, danh vọng... mà chúng ta khổ công gây dựng... tất cả đều nằm gọn trong những bức tường này, xa rời khỏi cuộc sống. Họ không hề biết rằng cuộc sống nằm ở ngoài những bức tường, cuộc sống luôn luôn biến đổi, luôn luôn tìm cách xâm nhập để phá vỡ những bức tường chứa đầy hệ lụy, khổ đau này. Thượng Ðế hay thần thánh nằm trong những bức tường này đều là giả tạo, những giáo điều, triết lý trong đó cũng vô nghĩa vì đời sống thực sự là ở ngoài những bức tường kia.

Một cái tâm không bị giam hãm trong những bức tường này, không mang gánh nặng của những tích lũy, thủ đắc; Một cái tâm với sự hiểu biết chân chính để sống theo định luật vô thường của vũ trụ, cái tâm ấy chính là đời sống. Cái tâm cứ đi tìm kiếm sự trường tồn sẽ sớm đi đến chỗ chết cứng, giống như vũng nước ao tù ở cạnh dòng sông đầy dẫy thối rữa, hư nát. Khi bạn hiểu được điều này, cuộc đời bạn sẽ hoàn toàn thay đổi, tương quan giữa bạn và đời sống, với bạn bè, vợ chồng con cái sẽ có một ý nghĩa hoàn toàn khác hẳn. Lúc ấy bạn sẽ không cần phải tự chứng minh bằng cách đạt tới một mục tiêu nào cả, vì bạn hiểu rõ mọi sự tham cầu đều chỉ đem lại khổ đau và buồn phiền. Lúc bạn khám phá ra sự thật kỳ diệu của đời sống, bạn sẽ tìm thấy cái đẹp của tình thương, lòng nhân ái.

Về phần cái tâm cố sức đào xới một vũng nước phẳng lặng, an toàn, trường tồn... chỉ dẫn dắt đến sự tối tăm, thối nát. Một khi đã ngủ yên trong vũng nước ao tù đó rồi, người ta sẽ ngại ngùng, không muốn phiêu lưu, tìm tòi, khám phá gì nữa.

Bạn có biết tôn giáo là gì không? không phải bài ca ngợi Chúa trong giáo đường, cũng không phải tụng kinh nơi chùa chiền hoặc bất cứ một hình thức lễ nghi hay mê tín dị đoan nào do con người bày đặt ra. Tôn giáo thực sự là những tình cảm thân thương, là tình yêu vĩnh cửu, cũng giống như dòng nước trên sông cũng mãi mãi lưu chuyển không ngừng. Với sự hiểu biết này, sẽ có một khoảnh khắc nào đó bất chợt bạn thấy những cuộc săn đuổi, tìm kiếm không còn cần thiết nữa! Và sự dừng lại này, sự chấm dứt này chính là khởi đầu cho một trạng thái khác hoàn toàn mới lạ, vượt ra ngoài những phát minh hay những trò chơi của trí óc. Bạn thể nhập vào chính đời sống, đó là tôn giáo thật sự. Bạn chỉ làm được điều này khi bạn từ bỏ cái vũng ao tù để hòa nhập vào với dòng sông của cuộc đời. Lúc ấy, bạn cứ phó mặc cho cuộc đời đưa đẩy bạn, nó sẽ dẫn dắt bạn, tự bạn không phải làm gì cả. Vì bạn đã là một phần của đời sống rồi. Bạn không phải lo lắng cho sự an toàn, không phải quan tâm tới điều thiên hạ bàn tán hay không bàn tán. Ðó chính là vẻ đẹp của cuộc sống.

Hỏi: Ðiều gì làm chúng ta sợ chết?

Krishnamurti: Bạn có nghĩ khi chiếc lá lìa cành nó có sợ chết hay không? Cánh chim bay trên trời tìm cách tránh chết? Không! chúng nó không hề quan tâm tới cái chết. Chúng nó quá bận rộn đi kiếm sâu, làm tổ, ca hát, hay bay lượn rất là vui thú. Bạn có khi nào thấy một cánh chim soải thẳng lên trời xanh buông thả tận cùng, không đập cánh để mặc cho gió đưa đi? Chắc là chúng chẳng buồn nhớ đến cái chết làm chi, chúng đang tận hưởng cuộc đời. Nếu cái chết đến, được thôi! tức là chấm dứt sống. Cái gì xảy ra sẽ xảy ra; bây giờ hãy cứ sống tận cùng từng giờ từng phút. Chỉ có chúng ta, cứ mãi bận tâm về cái chết, vì chúng ta không biết sống. Chúng ta đang chết mà không biết. Những người già đi gần tới nấm mồ đã đành, nhưng những người trẻ cũng không xa lắm đâu!

Chúng ta sợ chết vì chúng ta sẽ mất vợ con, bạn bè; mất những cái khổ công học hỏi, gầy dựng. Nếu như có thể đem theo hết những thứ đó, có lẽ chúng ta ít sợ chết hơn chăng? Bạn thử sống một ngày xả bỏ tất cả những lo âu, dẹp bỏ mọi chuyện qua một bên để xem xét sự gì xảy ra! đừng mang những buồn phiền từ ngày này sang ngày nọ, từ giờ này qua giờ khác. Khi bạn được giải thóat khỏi những ràng buộc này, bạn được tự do, từ đó một cuộc sống mới nảy sinh ra bao gồm cả sự sống lẫn cái chết. Chết chỉ là sự chấm dứt một trạng thái, và chính trong cái chết có ẩn chứa một sự đổi mới.

Hỏi: Công trình của nhân loại là gì?

Krishnamurti: Theo bạn nó là gì? Phải chăng là đi học, thi đậu, kiếm việc làm và cứ thế mà tiếp tục cho đến hết đời! hoặc là đi nhà thờ, lui tới chùa chiền, gia nhập hội đoàn? Hay giết chết thú vật để ăn thịt? Còn nữa, xây cầu cho xe cộ chạy qua sông, đào giếng để lấy nước uống, khoan giếng dầu, leo núi, chinh phục không gian, sáng tác thi văn, yêu thương thù hận...? Chung quanh chúng ta, thiên hạ đang xây dựng một nền văn minh để rồi sẽ bị sụp đổ vài thế kỷ sau đó, gây ra chiến tranh, tạo ra Thượng Ðế theo hình ảnh của con người, tàn sát đồng loại, nhân danh tôn giáo hay tổ quốc, thảo luận hòa bình và tình anh em trong khi đối xử tàn tệ với đồng loại. Ðó là công trình của con người ư? !!

Tất cả những sự việc kể trên đưa tới sự đổ nát và khốn cùng, xáo trộn và tuyệt vọng. Tột đỉnh xa hoa hiện hữu ngay kế bên tận cùng nghèo khổ, bệnh tật, đói khát. Còn gì nữa? còn gì được coi là công trình thực sự của con người? Phải chăng là khám phá ra chân lý; là yêu thương mọi người chớ không phải là lòng ích kỷ, chỉ quan tâm tới những hoạt động trong phạm vi nhỏ hẹp của mỗi người.

Hỏi: Tại sao chúng ta tôn thờ Thượng Ðế?

Krishnamurti: Thực ra chúng ta không hề tôn thờ Thượng Ðế. Bạn đừng cười. Chúng ta đâu có yêu Thượng Ðế, vì nếu chúng ta yêu Thượng Ðế thì chúng ta sẽ không tôn thờ Thượng Ðế. Khi tôn thờ có nghĩa là bạn sợ sệt. Ðền đài, những nơi thờ phượng thiêng liêng không phải là không có Thượng Ðế trong đó. Ðấy chỉ là sản phẩm tạo ra từ lòng sợ hãi mà thôi. Chỉ những người đau khổ, những người sợ sệt mới tôn thờ Thượng Ðế. Và thường chính những kẻ quyền thế, giàu sang, địa vị là những kẻ đau khổ. Hạnh phúc chỉ có khi bạn tự giải thoát ra khỏi ràng buộc đó, nhất là sự tôn thờ Thượng Ðế. Chỉ có những kẻ khốn khổ, bị dằn vặt, đang tuyệt vọng là thường lui tới chỗ thờ phượng để van cầu, xin xỏ. Nếu họ tạm gác sự tôn thờ để suy nghĩ về sự khốn khổ của mình, hiểu rõ bản chất của nó; họ sẽ trở thành người hạnh phúc, vì lúc ấy họ khám phá thấy đâu là chân lý, đâu là Thượng Ðế.

Diệu Quế dịch

Đăng nhận xét

0 Nhận xét