Chúng ta đang sống trong một thời đại phải đối mặt với vô vàn khó khăn và khủng hoảng, song quỹ thời gian để tìm ra giải pháp xoa dịu gần như chỉ là con số không. Bất an nối liền bất an, buồn bực trộn lẫn thất vọng, con người cảm thấy sự sống quả thật nặng nề như một tảng đá khổng lồ. Làm sao ta có thể cứ thầm lặng và an nhiên lăn tảng đá phi lý ấy?
Không phải là tập giáo trình triết học chuyên sâu, càng không phải là “bát xúp gà dành cho tâm hồn”, Sự an ủi của triết học (*) tiếp cận triết học bằng những nắm bắt tinh thần tài tình và chuẩn xác của Alain de Botton trước chân dung sáu vị triết gia từ thời cổ đại đến hiện đại. Sáu pho tượng uy nghi đã thoát khỏi tháp ngà cổ kính để “ngồi lê đôi mách” cùng Botton, chia sẻ trải nghiệm cảm xúc và trí tuệ, đích xác là những gì còn lại sau bao giáo điều triết học khô khan.
Chúng ta phải đối mặt với những trở ngại diễn ra hằng ngày. Mọi đau khổ đều cần thiết cho con người như thể những tồn tại hạnh phúc. Thay vì ghê tởm, khước từ, tìm đủ cách trốn chạy đau khổ, con người cần tìm thấy ở những bất trắc số phận niềm thăng hoa sức mạnh, hướng đến những ứng xử thông thái.
Triết học, nói như Montaigne, theo luận giải của Botton, hướng con người ta đến niềm yêu thích sự thông thái chứ không chỉ dừng lại ở việc thâu nhận kiến thức. Các triết gia đích thực là người yêu mến sự thông thái, luôn khao khát và nỗ lực mang đến cho con người những chiêm nghiệm về bản chất của cuộc đời. Chúng ta sinh ra không phải để biết nhiều đến độ nào mà là hiểu được thế giới đến nhường nào để có thể tìm lấy cho mình những minh triết.
Sự an ủi của triết học hướng đến sự giải trừ sức nặng cuộc đời mỗi con người, sâu xa hơn là khuấy tan những kết tủa vón cục của triết học tồn tại giữa đời thường. Tất cả những nỗ lực giải trừ sức nặng đã được thể hiện bằng ngôn từ dung dị và mềm mại, nhẹ nhõm, pha chút bông phèng. Khi đứng trước tình thế bị đả kích bởi số đông, câu chuyện về thái độ đối mặt với cái chết của Socrates sẽ tiếp thêm cho bạn năng lượng.
Tạp chí Epicurean Life đang dấy lên trong bạn nỗi thèm thuồng các món đồ xa xỉ, Epicurus sẽ xoa dịu bạn bằng danh sách của những thứ mang lại niềm hạnh phúc không kém. Trải nghiệm đã mang đến cho Seneca một từ điển về mọi sự thất vọng, mặt khác trí tuệ đã đem lại cho ông câu trả lời: praemeditatio - thiền định hay suy ngẫm về màn chơi đùa của nữ thần Định mệnh vào mỗi buổi sáng sẽ là cách để con người tìm thấy sự thanh thản.
Liệu con người có hạnh phúc hơn con dê đang nhởn nhơ trên đồng cỏ, một vị hiệu trưởng trường đại học có thông thái hơn bác thợ cày? Những bậc thông thái sẽ chẳng bao giờ đánh trung tiện hay chán đọc sách? Trên ngai vàng cao quý nhất của thế giới, chúng ta ngồi bằng đít, quả nhiên, Montaigne sẽ cho bạn vài lời gợi dẫn.
Việc đưa tiễn một cuộc tình đang ngốn gần hết thời gian trong ngày để hồi nhớ níu vãn, để rỏ lệ khóc thương, Schopenhauer sẽ không ngần ngại bóc mẽ bản chất của tình yêu và biết đâu bạn sẽ tìm được ở đó một sự vực dậy tinh thần.
Biết bao khó khăn đang đổ ập xuống đầu khiến bạn cảm thấy ngộp thở, lời khuyên của Nietzsche sẽ là một gợi ý, hãy sống một cách nguy hiểm, hãy xây dựng thành phố của bạn trên các sườn núi Vesuvius. Tất cả những nỗ lực giảng hòa với bản thân và xã hội, đúc kết qua sáu hành trình cuộc đời đã dự phần chuẩn bị cho mong ước con người được hạ cánh một cách nhẹ nhàng nhất có thể trên bức tường của thực tại giáo điều và thô cứng.
Có lần nhà triết học Hi Lạp Pyrrho đi trên một con tàu đang qua vùng biển có bão lớn. Xung quanh ông, hành khách bắt đầu hoảng loạn, lo sợ những con sóng cuồng loạn sẽ xé nát chiếc tàu mong manh. Chỉ có một hành khách không hề mất bình tĩnh và ngồi im lặng trong góc, giữ nguyên dáng vẻ thư thái. Đó là một con lợn. (Từ Sự an ủi của triết học)
Vượt qua ranh giới không - thời gian, những định kiến và ranh giới quan niệm, Botton đã hội tụ những dấu hiệu an ủi ở cuộc đời mỗi triết gia tầm cỡ để kể ra một câu chuyện thực hành triết học tuyệt vời. Về điều này, Botton có lẽ đã học hỏi từ Montaigne, khi làm mềm đi không phải bản thân minh triết mà chính những định nghĩa về minh triết.
Alain de Botton, với những luận giải thông minh và sự dẫn dắt tài tình đã mang đến cho chúng ta nhiều hơn sáu câu chuyện an ủi. Điều còn lại của cuộc đời này là gì, nếu không phải là tìm thấy cho mình một triết lý tồn tại. Bản chất “mì ăn liền” của thị trường sách vở, cộng với ước vọng hướng đến thành công như một chuẩn mực sống đã khiến con người đắm chìm trong những cuốn sách dạy làm giàu, dạy thành công, dạy nghệ thuật sống.
Trong khi đó, ý nghĩa của sách vở không nằm ngoài mục đích an ủi, lấp đầy nỗi trống trải cho sự khốn khổ tinh thần của con người, chuẩn bị cho họ tâm thế bình thản đón nhận màn khải huyền không sớm thì muộn cũng sẽ đến.
Alain de Botton (sinh năm 1969) là nhà văn, triết gia người Thụy Sĩ, hiện sinh sống và làm việc tại London. Ông là tác giả của hàng loạt tiểu luận về tình yêu, du ký, kiến trúc và văn chương, được mệnh danh là “triết học giữa đời thường”. Với văn phong dung dị, hóm hỉnh, cùng lối dẫn dắt độc đáo và thông minh, tác phẩm của ông thuộc dòng sách bán chạy ở hơn 30 quốc gia trên thế giới. Cuốn sách đầu tay, Luận về yêu, ra đời khi ông mới 23 tuổi.■
(*): Sự an ủi của triết học, Alain de Botton, Ngô Thu Hương dịch, NXB Thế Giới và Nhã Nam phát hành, 2015.
0 Nhận xét