Theo các chuyên gia, việc người cao tuổi hay đề cập đến vấn đề "chết" chính là biểu hiện của nỗi sợ hãi.
Có một thực tế là càng nhiều tuổi, nhiều người già lại hay nhắc đến từ "chết". Theo các chuyên gia, việc người cao tuổi hay đề cập đến vấn đề này chính là biểu hiện của nỗi sợ hãi. Tuy nhiên, đây không chỉ đơn thuần là nỗi sợ hãi về việc sẽ biến mất khỏi cuộc đời này mà đó là nỗi sợ bệnh tật, bị bỏ rơi, về những nuối tiếc trong quá khứ và cả nỗi lo cho những người ở lại.
Sợ chết chỉ là một cái cớ
Nếu ai có bố mẹ cao tuổi sẽ thấy các bậc sinh thành của mình hay nói về cái chết, thậm chí có cụ còn khoẻ mạnh nhưng đã lo việc chụp ảnh để sau này làm ảnh thờ, đi xem đất để sau này làm nơi yên nghỉ... Bà Donna Authers, một chuyên gia tư vấn của trang thông tin về chăm sóc người cao tuổi "Aging Care" cho rằng, việc hay đề cập đến chủ đề này chính là biểu hiện rõ ràng của nỗi sợ hãi. Tuy nhiên, cái chết là một phần không thể tránh được trong cuộc sống và bản thân người cao tuổi cũng đã thấu hiểu việc này. Do đó, ở đây không đơn thuần là việc đề cập đến sự rời bỏ "cõi tạm" mà là nỗi sợ hãi bệnh tật, bị bỏ rơi...
Theo bà Donna Authers, cái nỗi sợ lớn nhất của người già chính là sợ bệnh tật, bởi tuổi già thường gắn với bệnh tật, vì thế sợ chết chỉ là một cái cớ. Do vậy, thay vì suy tư hoặc bị các bệnh già "giày vò", người cao tuổi hãy giữ cho mình tinh thần thật lạc quan, hãy coi việc đãng trí, đau nhức mình mẩy, hoa mắt, chóng mặt... chỉ là cơn gió nhẹ thoảng qua, để duy trì một cuộc sống bình thường càng lâu càng tốt.
Cùng với đó, con cái cần phải chuẩn bị tâm lý và kỹ năng để "chiến đấu" bệnh tật với người già, tránh nhắc đến bệnh tật của bố mẹ, thay vào đó cố gắng giúp bố, mẹ duy trì các sinh hoạt bình thường khi sức khoẻ còn cho phép. Khi bệnh nặng, hãy luôn ở bên để người già không có cảm giác bị bỏ rơi, hãy dành thời gian để xoa bóp cho bố mẹ hay cùng trò chuyện, cùng xem lại album ảnh gia đình và chia sẻ những kỷ niệm cũ...
Lo cho người "ở lại"
Không chỉ sợ bệnh tật, sợ bị bỏ rơi... người già còn sợ sự ra đi của mình sẽ gây ra những xáo trộn cho người "ở lại", nhất là người bạn đời bao năm gắn bó. Theo ThS Trần Mạnh Hoàng, Trung tâm Bồi dưỡng kỹ năng mềm, chỉ có chính những người "ở lại" mới có thể giúp người già giảm bớt nỗi lo này.
Hãy sẵn sàng để thảo luận thẳng thắn với bố, mẹ những gì sẽ xảy ra với mọi người khi ngày đó đến và làm mọi thứ có thể để trấn an bố, mẹ già của mình rằng người "ở lại" sẽ ổn. Nếu người mà bố, mẹ bạn lo lắng là trẻ em hoặc người lớn đang phụ thuộc vào họ, hãy giúp bố, mẹ bạn xây dựng một kế hoạch chi tiết cho việc chăm sóc tương lai của người đó để đảm bảo bố mẹ không còn bất kỳ nỗi lo lắng nào.
Đặc biệt, theo ThS Trần Mạnh Hoàng, khi người già bệnh nặng, nhiều cụ cho biết mình sợ phải nhìn thấy sự sợ hãi trong mắt của những người thân. Thực tế, buồn và sợ hãi là cảm giác tự nhiên khi phải đối mặt với sự ra đi của một người thân yêu, nhưng trong những thời khắc này, con cái hãy cố gắng cư xử bình thường, giữ cho chính mình tình trạng sức khoẻ và tinh thần tốt nhất. Nhớ rằng con cái làm điều đó không phải cho mình mà cho chính cha mẹ, để người già cảm thấy an lòng.
Khi già yếu, người già thường hay hồi tưởng lại quá khứ, nuối tiếc những điều chưa làm được, thậm chí là "dằn vặt" về những việc đã qua. Vì thế, con cái hãy nói với cha mẹ của mình rằng bạn yêu họ bao nhiêu; hãy nhắc cho cha mẹ mình nhớ tất cả những điều tốt đẹp mà họ mang đến cho cuộc sống của bạn, trấn an họ rằng cuộc sống của họ có mục đích và ý nghĩa. Có như thế, người già mới cảm thấy yên tâm và an lòng bởi cảm nhận được sự có mặt của mình là có ý nghĩa với con cái, gia đình cũng như cuộc sống.
Bà Donna Authers
0 Nhận xét