Có hai thí dụ cho thấy thành phố của chúng ta đang ngổn ngang thế nào khi muốn đánh giá cái chuẩn về văn hóa, đạo đức, quan niệm xã hội. X. kể lần nọ đi xe ôm, anh với người lái chuyện rất vui về vùng quê cậu ấy, nơi X. sơ tán hồi chiến tranh, được người nọ cho quả bầu nhà kia gọi đi ăn giỗ. Đang râm ran thì “kít”, “có con bé người xóm cháu đang đi bộ kia, cho nó lên đi cùng nhé”. X. không chịu, vì đã trả tiền để chỉ đi một mình. Cậu lái hậm hực: “Thế mà chú cứ kể như thương cái làng cháu lắm”. Là người cả nghĩ, X. bần thần mất ít lâu.
Chuyện sau thì được đăng báo hẳn hoi, trên một tờ thiên về văn hóa. Tác giả đứng chờ đèn xanh ngã tư, một cô gái đến từng xe phát tờ rơi quảng cáo, có người xem rồi buông, có người giữ lại. Những người không thèm liếc qua đã vứt ngay bị phê phán: sao mà tàn nhẫn, làm đau lòng cô gái kia – chắc chắn ở quê ra – đang phải phơi ra giữa nắng bụi để kiếm sống.
Sẽ có nhiều thái độ, phẩm bình khác nhau quanh những ứng xử này, tựu trung có thể chia đôi ra. Loại “thiên về tình” bênh vực kẻ nghèo khốn, những thân phận xe ôm đứng đường, trách móc đám vô cảm vô tình ỉa đái vào cả nông thôn, cái gốc của đất nước. Xứ này những ông thượng thư xưa tiến sĩ nay ai không có vệt bùn dính ở bắp chân đây? Loại “có lý tính” bảo sao phải trả tiền cả chỉ để ngồi nửa mông, còn cô gái phát tờ rơi phải biết mình đang xả rác ra thành phố chứ.
Nghĩa là hai “quan điểm” đều có chỗ xuất phát khác nhau. Những khập khễnh ấy nhiều như bụi bậm trong thành phố, khiến cứ dấm dứt, bực bội, nhùng nhằng vô kể. Và khi được “nâng tầm” lên, lại có những câu khác hệ trọng hơn: Người nghèo đáng được bênh vực hơn chứ, thành phố này chỉ có “người tỉnh” được ở thôi à, thử một ngày không có ô sin giúp việc, thợ nông nhàn ra xây cất có nháo lên ngay không… Đường phố, nhà cửa lộn xộn là do chính quyền quản lý kém, cớ đâu cứ nhè “người quê” mà trách móc. Và nhìn vào những chỗ vinh hiển mà xem, toàn thị người quê đấy chứ!
Sang “phía kia”, là nhận xét người nhập cư nhiều quá làm Hà Nội bị nông thôn hóa, “người gốc” đang rúm ró, chả còn vai trò gì trong đời sống xã hội sất. Dường như nhìn vào thủ đô mà hội đồng nhân thành phố Đà Nẵng - nơi đang được coi là có môi trường sống dễ chịu nhất nước - ra nghị quyết hạn chế nhập cư, muốn sống ở đây phải có những giá trị, phẩm chất nào đó. Đà Nẵng bạo tay lắm, cấp tiền cấp đất kéo nhân tài về khiến Huế bên kia đèo Hải Vân sót ruột, nhưng tiến sĩ thạc sĩ phải thứ thiệt, chứ thứ được “phổ cập” bằng tiền và luận văn cắt dán thì nghỉ cho khỏe. Cái quyết tâm rất rắn kia rồi phải đình thực thi, vì “vi phạm quyền tự do cư trú”. Còn trên mạng, nó bị “ném đá” tơi bời vì “thiếu tình người”.
Mới đây trên tivi, ông nghị Dương Trung Quốc bảo đã ở thành phố thì phải theo chuẩn đô thị. Kỉ cương trước hết. Dây nhợ tình nghĩa xét sau. Cái điều đó thật hiển nhiên thời Pháp thuộc, khi những “min đơ min toa” như trong truyện Vũ Trọng Phụng rất ít, cả khu phố vẫn sạch sẽ nghiêm trang. Thế mà giờ này, giời ạ, lại phải đem ra bàn.
Mà bàn trên ti vi, trong tòa thị chính, các hội nghị là một chuyện, ngoài kia dân kiếm sống vẫn cuồn cuộn đổ về. Đất đai ở quê có giữ được người đâu.
Ngôi làng vĩ đại
Châu thổ sông Hồng có “đặc sản” làng. Làng chắc chắn có trước nước. Quốc gia quốc hiệu nhiều lần vong, làng vẫn tồn tại. Các đời vua nối nhau sinh ra, vắn vài chục, dài nhất vài trăm năm rồi ngủm cả, dù người ta dạy dân cái câu “trung quân” vằng vặc. Nhưng làng vẫn trơ trơ vững. Lũ lụt tràn qua, dịch bệnh có lúc xóa trắng một vùng, ngoại xâm trôi cả triều đình…, bao can qua làng lại hồi sinh, khôi phục, phương trưởng. Ai đó nhận xét vì cuộc sống gắn chặt với đất nên nông dân là lực lượng kiên cường nhất khi giặc giã đến, nhờ đó quốc gia – đất nước tồn tại được.
Làng độc lập muôn năm. Vua ngự trên cao tít tắp, đặt “phép nước” chủ yếu để thu thuế, rồi vẫn thua phép làng. Đấy là một trật tự tưởng như lỏng lẻo mà nghiêm ngặt, thít mỗi thành viên chặt không thể tưởng, lại mềm mại bao dung trong cái vòng gia trưởng cũng thật là. Ông bà nào thằng con nào sinh ra cũng đã là con của một gia đình, thuộc về một họ tộc, phe giáp, lớn lên học chữ thầy nọ học nghề trùm kia. Và ắt phải là người làng ấy tổng ấy. Ngần ấy quan hệ đeo người ta đến lúc chết, con lại vác tiếp. Là đơn vị khép kín, làng có tôn ty nghiêm ngặt, như chánh phó lý tiên chỉ chỉ trong bấy nhiêu họ to, còn trương tuần bảo nông “phân” cho họ nhỏ.
Trót sinh ra là con mõ thì an phận con mình cháu chắt mình dao thớt hầu người suốt đời. Lại phân theo nội với ngoại tịch, kẻ đến sau phải vài đời mới được tính là người làng, dù trước đó đóng chả sót khoản nào và cũng chả kém danh giá; một đặc điểm khép kín, bài ngoại lai. Dù đỗ đạt bắc bậc, “nhân thân” người đi xa khi về làng vẫn phải đọ theo “vai”, “tính” sai cả gia đình phải chịu tiếng nhà tôm đội cứt lên đầu. Chuyện nữa, là rủ nhau “chém bỏ mẹ đứa đến tán gái làng mình”, “ta về ta tắm ao ta” chứ lỵ!
“Triều đình trọng tước, hương đảng trọng xỉ”. Thôn hương trọng người có tuổi, răng mọc trước. Đâu như thời Pháp thuộc đã có viên toàn quyền thay hội đồng kỳ mục bằng hội đồng tộc biểu, gồm các vị già lão, có uy tín đại diện từng họ lớn, được sáu năm lại khôi phục như cũ. Đây có thể là hình ảnh một thứ như hội đồng nhân dân hôm nay, với “chức năng” chính là ra đình ăn cỗ và biểu quyết việc làng theo ý chánh tổng, lý trưởng, những người điều hành trực tiếp. Các cụ cao tuổi, những ông “hội đồng gật” ấy, dù quyền bính chả đến đâu, cũng là một lực lượng, tạo nên một sức ép lên đám cầm triện, kiểu “cháu tao mới chết sao bắt chồng nó đi phu phen này”. Giữa những áp lực kiểu đó, liệu có thể hình dung rằng trật tự làng nghiêm ngặt, khép kín, dẫn đến trì trệ, nhưng hiếm khi sự ác độc quá đáng diễn ra được? Có một mức độ dân chủ đấy!
Trong tôn ty ấy, dĩ nhiên cá nhân, một khái niệm của đô thị, không thể hình thành được. Mỗi cá tính đều bị chẹt từ trứng nước thì sao mọc mũi sủi tăm lên. Giáo sư Trần Quốc Vượng có một “ức thuyết” về Chu Văn An rất chi rùng rợn. Ông này có bố người Trung Hoa đến lấy vợ làng Quang Liệt, tức đã là “ngoại tịch”. Gốc Trung Hoa nên “chân Nho”, nhà người xử thật đúng phép đúng đạo, đòi vua chém bẩy quan tham đã đành, mà học trò lừng lẫy cỡ Phạm Sư Mạnh đến chúc tết cũng chỉ cho ngồi dưới hỏi han chốc nhát.
Thói “bắc bậc” ấy về làng làng ghét cho, đâu như đang võng giá nghênh ngang có “đứa” ngồi bờ ruộng quay đít lại. Nhiều lần thế, nhà người giận, ném nghiên mực lên trời rồi bỏ lên Chí Linh mở trường, thề rằng làng này từ nay đứt mạch khoa bảng. Hình dung tiếp chuyện của giáo sư Trần sẽ nghiệt ngã nữa, nhưng nó gợi ra rằng làng vừa bài ngoại vừa không cho phép tồn tại tính cá nhân. Cộng đồng, với những nền nếp, trật tự từ bao đời mới là trên hết. Nhân văn, bao dung đấy nhưng cũng cay nghiệt không tưởng. Những ả đốn đời gọt gáy bôi vôi, những thằng trộm cắp bị đày ra trại, những kẻ chưa bị đuổi đi nhưng sống giữa điều tiếng thị phi…, thật khổ sở vô cùng tận. Không được coi là thành viên cộng đồng, còn gì khốn nạn cho bằng
Với hàng nghìn năm tồn tại, làng hình thành nên truyền thống vững chắc, dẻo dai. Mỗi con người sinh ra ở đây đều bị áp khuôn từ trong trứng. Lớn lên, họ cũng có xu hướng vươn ra ngoài – thi cử hoặc đi buôn chẳng hạn, khá giả thường dựng sẵn nếp nhà ở quê, có tuổi về dưỡng nhàn. Nhưng “phú quý (mới) quy cố hương”, cũng có người sợ mất mật lệ làng, những đồng đình đồng họ trả nợ miệng nhiêu khê chả bao giờ hết. Dù sao, từ đây những giá trị nhân văn được tạo dựng: sự bao bọc, nếp đầm ấm, tối lửa tắt đèn có nhau. Cạnh đấy là trở lực cho sự phát triển.
Phát triển không cần nhiều đặc tính làng, những giá trị đã có cả nghìn năm. Làng đang phân rã do nhiều lý do, kể đáng tiếc lắm. Thật là mâu thuẫn khi vừa muốn hiện đại, hòa nhập, vừa không muốn mất đi ngôi làng, nhất là khi đó là ngôi làng này, của tôi, chỉ tôi có.
Ta ra ta cày đường nhựa
Người Việt ta có nhiều đợt di chuyển nơi cư trú. Truyền thuyết để lại cuộc du cư (có người nói vui là cuộc ly dị) đầu tiên của Lạc Long Quân, đem năm mươi con xuống bể. Sử chính thống nhắc đến những đận nhổ gốc trốc rễ đến trồng nơi xa, lác đác từ Lê Thánh Tông rồi ồ ạt theo Nguyễn Hoàng vào vùng đất Chăm. Các chúa Nguyễn lại “di thực” sang Chân Lạp hoang vu, tha hồ khai phá, để lại cấu trúc thôn ấp thưa thớt, nhà cửa rải rác bên kênh rạch đi mãi mới tới hàng xóm.
Gần gụi hơn, chừng sáu chục năm nay, nhiều gia đình cán bộ, bộ đội chuyển nhà ra Hà Nội, kéo theo người làng người họ. Sau năm 1975, Tây Nguyên thành đất hứa với sáu chục tỉnh thành cả nước. Người Tày, Dao, Nùng từ vùng núi kiệt màu Việt Bắc rùng rùng vào cả bản, người Thanh Nghệ từ bỏ phù sa sông Chu sông Con, người Quảng dưới sườn Đông Trường Sơn kéo lên… Tây Nguyên mênh mông thế mà cạn kiệt quỹ đất. Cà phê, dâu tằm, hồ tiêu mọc lên xóa sạch rừng cùng nền văn hóa bản địa, đem lại sự giầu có ngùn ngụt cho dân mới. Chả có nơi đâu đổi đời họ nhanh đến thế.
Nhưng đi thế xa quá, để mồ mả ông bà lại đau đớn lắm. Có một cách không thương tổn bằng, nhưng từ từ, chậm rãi, ổn định, đủ ăn…, là về thủ đô. Về lúc nông nhàn hoặc ở hẳn, làm bất cứ công việc gì bọn người phố thị cần. Đấy là lựa chọn của đông đảo nông dân châu thổ sông Hồng, vùng quê giờ táo tác, ở lại còn tinh người già con trẻ. Đất đai bị lấy cho “công nghiệp hóa”, không bị cũng chả sinh lãi lờ.
“Giầu nhà quê không bằng ngồi lê kẻ chợ”, phận bán mặt cho đất bán lưng cho giời bạc lắm. Nên chi kéo ra thành phố, anh em, vợ chồng chia nhau người ở người đi hoặc ra cả. “Trùng trùng quân đi như sóng”, đến mùa cấy hái, mùa gặt, tết giỗ ta về, rồi lại ra. Dĩ nhiên là những đặc tính làng được mang theo, áp vào phố thị. Phải nói là phố thị rất cần lực lượng lao động này, cả thô lẫn tinh. Về văn hóa, tính cách, họ bổ sung sự khỏe mạnh, hồn nhiên vào chất mềm mại tinh tế của “người cũ”. Không ít tài năng, nhân cách lớn tụ về, đào luyện, trưởng thành.
*****
Nhưng đông đảo quá, họ làm thành phố biến dạng, ra đời cái loại hình nửa tỉnh nửa quê.
Đầu tiên, là họ có yêu cái thành phố - thủ đô của họ không? Khó mà nói là không có chút nào. Nhưng ở đấy nhà cửa đều đã có chủ, nếp ăn ở khác “làng mình”. Còn những di vật di tích, sự giao lưu với bốn phương, làm thế nào mà đáng yêu bằng mái đình, phong tục bản quán được.
Dần dà, những người ấy có khẩu có nhà, đứng lại được, vài đời là thành “người phố”. Nhưng có những biến thái ly ty cho thấy thị dân Hà Nội chả khác lắm so với người tiểu nông. Đầu tiên là tâm lý tư lợi, chỉ lo cho mảnh “rau xanh” của mình. “Người nông dân không nhìn quá luống cày”, đâu như Mác nói thế. Một thời hợp tác hóa thất bại vì trâu bò ruộng rẫy ao chuôm đều của tập thể, còn mỗi mảnh “rau xanh” là của mình.
Thị thành cũng chỉ là mảnh ruộng chung, không gian kiếm lợi thuần túy. Chả phải quê ta với mái đình bờ ao yêu dấu, nơi ta leo trèo nô nghịch từ bé, việc quái gì phải nâng niu gìn giữ, cứ dùng cho nó nhầu nát, bạc phếch ra. “Cha chung không ai khóc”, từ đấy đến chỗ “mất tiền mua mâm thì đâm cho thủng” chả xa xôi gì. Tập quán đi lại, sinh hoạt bừa bãi, chả tuân thủ phép nước hình thành rồi phát triển, còn là nhờ nhà chức trách rất chi buông lỏng. Ngôi nhà của mình, dù là nhà hờ, giống ruộng “rau xanh” lau chùi sạch bóng, nhưng con chuột chết vứt ra đường chả sợ nghe chửi.
“Chào cờ xã ta”, co cụm lại là một tâm lý khác. Ở làng có thể thờ ơ, nhưng đi xa thời phải hát bài ca kết đoàn. Có tý quyền lực trong tay, người ta mang thân thuộc chèn vào bên cạnh cho chắc chắn, đặng bành trướng tiếp. “Một người làm quan cả họ được nhờ” là thế. Có thể coi Hà Nội như mảnh đất hoang màu mỡ, người ra trước như một “dinh điền sứ”, kéo theo họ hàng làng tổng. Những tập người hình thành trong lòng thành phố, mỗi nơi một “luật” riêng che chắn, bảo vệ nhau. Ngần nấy cái “lệ làng” đè nghít kỷ cương đô thị. “Hương đảng tiểu triều đình”, các cụ xưa nói thế. Nhìn vào những “phe giáp” trong cơ cấu xã hội có tổ chức phức tạp, “cao cấp” hơn ngày hôm nay, rõ ràng có lợi ích từng “làng” trong đó, có lẽ phải nghĩ đến câu “Triều đình đại hương đảng”.
Nông dân quen sống cộng đồng, trong hương xã có việc gì thủng ra liền lao xao nhưng khi “quyết” đều là ở cụ chánh ông lý, trưởng họ hay người có tuổi (nay thay bằng hệ thống cán bộ). Vì không có cá thể, tỉnh thành đổi nếp ấy thành “tập thể chịu trách nhiệm”. Hệ thống quan liêu cứ thế vận hành, trì trệ, tù đọng nhưng chả ai phải ngay ngáy lo. Những nhà quản lý quen thuộc văn hóa làng sẽ chả dị ứng gì trước loa phường dông dổng tước đoạt không gian cá nhân. Cá nhân là một khái niệm của phương Tây, xa lạ với công xã nông nghiệp. Trên tàu xe, chỗ công cộng, người này đụng chạm vào người khác mà chả sợ tiếng “xâm phạm”. Ăn cỗ cưới gắp dúi dụi cho người khác bất kể người ta có thích lại là biểu hiện của chu đáo.
*****
Mang những tâm lý trên ra Hà Nội, bản thân người nông dân tha hóa đi. Tâm lý sinh tồn cộng cảm với tâm lý “đấu tranh giai cấp” trước “bọn” thị dân. Ai mà ngờ được, thành phố hóa ra là nơi tự do nhất. Ở quê có chú bác kiềng ra, đi qua đình miếu giữ mồm kẻo Thánh phạt, chứ phố thị ai giữ phận nấy chả nhắc chả phạt. Đi đường chèn lấn, mua bán không xếp hàng, chửi tục nói bậy đều tha hồ..., một thói quen bừa bãi hình thành, dần dà trở thành văn hóa. Và “Hà Nội cũ” với những trật tự nền nếp “bọn thực dân” áp vào cứ ngày một lốp lép trước đoàn người xâm thực đông đảo.
Rồi một ngày có “người quê” ra tỉnh làm ăn kiểu trên mời ta về làng. Trong ngôi nhà, dưới mái đình, bên bờ ao thân thuộc, người ấy lại trở về thuần phác, nhuần nhị như bao giờ, như chưa từng… Lạ thay!
0 Nhận xét