Theo các số liệu và các nhìn nhận khá chính xác, mới đây có rất nhiều bài viết do học giả Vương Trí Nhàn, tập hợp những bài viết của các đại trí thức người Việt như Phan Khôi, Đào Duy Anh, Đặng thai Mai… nhận định trí thức Việt không có các đại triết gia vì không khao khát những lý tưởng cũng như cái nhìn lớn lao siêu việt.
Cụ thể hơn mới đây, một vài chuyên gia nước ngoài am tường đã nhận xét: Người Việt và nhiều lãnh đạo Việt thường khoác lên mình thứ tâm cảm vĩ đại ngoại cỡ khỏi bản thân mình. Cụ thể trong kinh tế, khi nguồn vốn nước ngoài như ODA, FDI đổ vào nhiều (hơn hẳn các nước trong khu vực), nhiều lãnh đạo Việt Nam đã tự khoác lên mình những tầm vóc cũng như dự án vĩ đại cả tỉ đô la, những quả đấm thép như Vinashine, Vinaline ra đời… Rút cục chỉ trong có vài năm các tập đoàn này phá sản nhấn chìm theo nhiều tỉ đô la và cả nền kinh tế.
Đã có rất nhiều người Việt bàn tán rỉ tai rằng chúng ta có rất nhiều người trẻ giỏi học hành, toán học hay lập trình vi tính. Nhân một cuộc ra mắt những thành tựu của lập trình vi tính ViệtNam, ông bầu Nhật, người phụ trách chương trình này đã nói thẳng thừng: lập trình vi tính của người Việt mới ở trình độ cành lá, chứ chưa bao giờ xác định được nguồn gốc của hệ lập trình. Như vậy đã rõ, chúng ta mới chỉ có thứ khôn ngoan tùy tiện trên ngọn, mà chưa có được nền móng vững chắc của hệ điều hành căn bản.
Về học vấn, trí thức Việt mới chỉ dừng ở mức thông tin mà chưa biến thông tin đó thành nhận thức. Triết gia Kant quan niệm dù học bao nhiêu mặc lòng, nếu sự học đó không biến thành khả năng suy xét của lý trí thì sự học vẫn chỉ là vô ích. Học nhiều mà không hành được, không phán đoán để tìm ra quyết định hay chọn lựa, thì học làm gì, học thế khác gì không học?!
Tôi có gặp một anh bạn, người có vẻ thành thạo lắm về kinh tế, anh nói rằng: thời gian thực hiện nền kinh tế thị trường của Việt nam dù rất ngắn, những các chuyên gia nước ngoài đánh giá rất cao khi người Việt học biết giá trị sở hữu cá nhân. Trời ơi giá trị sở hữu cá nhân ư, đó là bản năng nằm ngay trong từng con vật hay mỗi đứa trẻ con ngay từ thời khai thiên lập địa, khi hai con chó hoặc nhiều con chó tranh nhau một cục xương, hoặc những đứa trẻ đòi chia lại số kẹo mà đứa lớn đã chia bất công, thì đó chính là bản năng sở hữu cá nhân vậy. Thế nhưng anh bạn này, hay một típ người giống vậy rất phổ biến ở ta, chuyên sống bằng ấu trĩ và biện hộ, lâu dần trở thành một bản tính cố hữu thứ hai. Trước sự nhường nhịn của người khác, lối sống bao biện lấy được này lên ngôi, kéo theo cả một băng chuyền xã hội. Thật là tai hại!
Trong kinh tế và xã hội, vì tâm cảm ve vãn ảo tưởng vĩ đại của chính mình, chúng ta đã đánh đắm nền kinh tế bằng những tập đoàn khổng lồ vô hiệu. Vậy trong thi ca, chúng ta có tung hứng ảo tưởng vĩ đại của mình không? Muốn vĩ đại thì người ta phải làm việc lớn! Văn hào Lỗ Tấn có nói dễ hiểu thế này “nghệ thuật là cái khác lạ, một người lấy ngón tay ngoáy mũi thì chẳng ai nhìn, nhưng người đó lấy ngón chân ngoáy mũi thì có thể dựng rạp bán vé được rồi”. Việc chúng ta có một đội ngũ làm thơ đông đảo như thiếu nhi rinh ríc làm thơ ở khắp nơi, liệu có tạo ra cảm giác đó là những người làm việc vừa lớn vừa khó? Mỗi bài thơ họ đọc chỉ có vài câu thì bao giờ mới lớn? Chẳng hạn mới đây nhà thơ thiền kia làm một đêm cả trăm bài thơ thử hỏi liệu đó có phải công trình lớn như phương ngôn “thành La Mã không thể xây trong một ngày” ? Và chúng ta cũng có được câu trả lời rồi, nhà thơ lãnh đạo kia cách đây không lâu nói “thế hệ của chúng tôi không có nhà thơ lớn, trong ao không có cá lớn, chúng ta chỉ bắt tép thôi”.
Từ xã hội đến thi ca chúng ta thấy Việt nam vẫn đang là xã hội tiểu nông, nhỏ bé, nhóp nhép, nghèo nàn lạc hậu. Giờ trên truyền hình đang chiếu bộ phim nhiều kỳ “Sông Đông êm đềm” của nhà văn Solokhov. Thử so sánh, chúng ta thấy, mỗi người đàn ông xứ họ khi ra khỏi nhà đều nhảy lên lưng ngựa, khi hành động, ứng xử, hay tranh luận người ta đều thể hiện sự trưởng thành, tính mã hiệp của mình, người mẹ nhấc chân con trai lên mình ngựa… thể hiện cung cách cao quí, sâu sắc làm sao! Trái lại, phim ảnh Việt thường thấy những con người cư xử nhạt nhẽo, hời hợt, nông nổi, đối thoại thì cãi lộn, nước đôi, bỏ dở giữa chừng không bao giờ dám đi đến cùng.
Nhiều chuyên gia nghiên cứu phát hiện: ở nhiều nước người ta có văn hóa vũ điệu, trai gái nhảy nhót theo điệu nhạc. Trong khi đó văn hóa tiểu nông như xứ ta thì có hát ru, là cách đứa trẻ ấp vú mẹ đang mơ màng ngủ. So sánh thì thấy văn hóa ôm nôi của chúng ta thật bé bỏng và yếu ớt. Ôm nôi là đứa trẻ vừa đói vừa buồn ngủ, thụ động lim dim tìm sữa và ngủ nghỉ mặc dù nó chẳng làm gì mà mệt cả. Trái lại điệu nhảy là của người trưởng thành, họ lắc mông, lắc đùi, lắc bụng là biểu hiện sự trưởng thành và khao khát giới tính, khao khát vận động, và khao khát làm nhà ngoại giao tình ái. Nghệ thuật trước hết luôn luôn là vũ điệu, bởi không có vũ điệu thì những bước chân hân hoan kia chỉ còn là sự cuốc bộ buồn tẻ.
Thơ ca Việt Nam dựa trên lời ru buồn ngủ vòi ăn kia nên luôn bé bỏng, sau khi thoát khỏi vòng tay mẹ thì tìm kiếm mái hiên che chở của vua chúa, giờ thì muốn làm cán bộ văn thơ để nấp yếm tem phiếu bao cấp đường sữa và giải thưởng. Một lãnh đạo thơ văn phấn khích nói: cuộc liên hoan thơ lần này có rất nhiều cụ tham dự rưng rưng cảm động. Thơ Việt có thể nói có đến 80% là dành cho các cụ già, tổ hưu, hay giám đốc đã làm xong công việc kiếm quyền kiếm tiền, giờ quay sang kiếm tí danh thơ. Và còn có thể nói: “Thơ Việt là lời hát ru của những hàm răng móm”.
Khi bước vào thế giới thơ văn quốc doanh đại trà của chúng ta, tôi chưa bao giờ thấy ngạc nhiên về tài năng, cá tính, tri thức, văn hóa, đạo đức hay trí khôn của họ, nhưng đã vài lần bất ngờ ngã ngửa về sự đố kỵ rất “nhảy vọt” và chu toàn của nhiều nhà thơ. Các nhà thơ Việt hầu như không ai nghe ai cả, họ chỉ để ý đã đến lượt mình đọc thơ chưa, giải thưởng lần này cua lượn thế nào, rồi nhân sự kỳ này sẽ rót vào ai? Tại sao các nhà thơ hay đố kỵ? Vì tầm vóc của họ sàn sàn giống nhau quá, giá chỉ cần họ viết được một trường ca có cốt truyện với gáy sách đàng hoàng, sự đố kỵ đã giảm xuống 90% rồi.
Điều thứ hai, tôi ngạc nhiên, là họ rất chăm khoe khéo khoe khôn. Đó là cách marketing cho mình giống như việc tranh nhau giành chỗ đọc thơ vậy. Ở Mỹ, người ta chọn tổng thống là người điều hành quốc gia cao nhất cũng bằng hình thức tranh luận đối thoại trực tiêp, cởi mở trước sự quan sát công khai của mọi người. Đằng này, nhiều nhà thơ của chúng ta cứ ảo tưởng sự khôn ngoan của mình dựa trên những sự thật che dấu ấp úng không minh bạch. Người Việt có câu “khôn ngoan đến cửa quan mới biết”. Khôn ngoan mà nói không lên lời, lại toàn ấp úng nói trong xó tối thì sự “khôn ngoan” đó đâu có được cạnh tranh và kiểm chứng.
Điều thứ ba, họ rất thường hay hứa hão câu giờ theo kiểu “an tâm đi, rồi cũng đến lượt anh mà. Nhưng tất nhiên lượt của anh chỉ đến sau lượt tôi. Chưa đến đâu, đừng sốt ruột, vì còn đến người đồng hương quê tôi đã, rồi còn đến người vùng miền, rồi người cùng cánh, người có ảnh hưởng đến chức vị leo cao của tôi, sau đó chúng tôi lần lượt lĩnh giải xong đã… yên tâm đi, rồi cũng đến lượt anh thôi, có gì phải lo nào…”
Thi ca muốn lớn phải có lý tưởng là tầm nhìn để chiếu ra xa, có tôn giáo để nuôi dưỡng cái nhìn lý tưởng, có tri thức để nuôi dưỡng nghệ thuật, có đam mê để nhảy vọt, có lao động để dựng công trình. Đằng này các nhà thơ Việt có cái gì? Lý tưởng ư, làm sao lý tưởng tự do, bình đẳng bác ái lại chui ra từ tem phiếu! Tôn giáo ư, hơn 90% là vô thần! Tri thức ư, công nông binh về tráng men văn hóa ở trạm cấp cứu Nguyên Du, còn lại là các cụ tổ hưu đã hết sắc hương! Lao động nghệ thuật ư, nằm gãi thẻ trên chiếu vừa quạt vừa gãi cho mát, gom mấy câu vần vèo lại, sao thành lao động! Thơ Việt như vậy làm gì chẳng bé! Chẳng hay đố kỵ! Chẳng hay cản đường! Chẳng hay tranh giành vương miện! chẳng hay đội nhầm giải thưởng!
Con người muốn làm được việc khó phải tập luyện như nghệ sĩ vĩ đại Sac-lô, ông không chỉ leo dây mà còn tập cho những con khỉ nhảy lên đầu bịt mắt, lăn xuống giật chân, nghĩa là ông tăng độ khó cho nghệ thuật của mình. Mà nghệ thuật toàn vẹn thì cũng đòi hỏi phải tập luyện toàn vẹn về tri thức, tài năng, nhân cách, và lý tưởng. Chỉ khi nào chúng ta ý thức được điều đó chúng ta mới bắt đầu gieo một vụ mùa lớn cho tầm vóc quốc gia cũng như văn chương và nghệ thuật.
NGUYỄN HOÀNG ĐỨC
Xem thêm: Người Việt tự ngắm mình; Người Việt chỉ dùng trí thông minh vào chiến lược tầm thấp?
Xem thêm: Người Việt tự ngắm mình; Người Việt chỉ dùng trí thông minh vào chiến lược tầm thấp?
0 Nhận xét