Bi kịch của sự hào nhoáng

Thị trường luôn tái tạo các ngôi sao để thổi gió vào ngọn lửa khao khát tuổi trẻ, sắc đẹp và sự hào nhoáng của đám đông. Và đám đông sẽ vô tư quên họ đi khi họ già, yếu, cô đơn và hết thiêng như những đạo cụ ảo thuật nằm dưới ánh nắng ban ngày.
Họ, những người mẫu, ca sĩ, diễn viên, chân dài, đại gia, tựu trung là những ngôi sao, có thể từng chiếm lĩnh tâm trí nhiều người trong chúng ta nhiều hơn các thành viên trong gia đình ta, dù ta chưa gặp họ bao giờ và họ không biết ta là ai. Họ là những “người xa lạ gần gũi”, theo chữ của Richard Schickel.

Dù không đứng đầu các thể chế chính trị hay kinh tế, các ngôi sao và văn hóa ngôi sao xung quanh họ - bộ máy truyền thông, quảng cáo, thời trang, mỹ phẩm, âm nhạc, điện ảnh - nắm giữ một quyền lực lớn có thể thay hình đổi dạng xã hội.

"Nếu cả thế giới biết tới bạn, dù chỉ như một diễn viên sex, thì cũng vẫn tốt hơn không ai biết tới bạn cả".
Marilyn Monroe

Angelina Jolie có khả năng làm người dân toàn cầu chú ý tới nạn đói ở châu Phi hơn nhiều lần tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (mà tên ông ta là gì nhỉ?).

Ở buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân của tòa tháp đôi New York, được tổ chức vài tuần sau ngày 11-9, trong khoảnh khắc bi tráng và đau thương, người đứng đầu nghi lễ để vực dậy tinh thần của cả nước Mỹ không phải là một chính trị gia hay một lãnh tụ tôn giáo, mà là Oprah Winfrey, một ngôi sao truyền hình.

Vài năm sau, khi tổng thống Bush lên truyền hình quốc gia công bố sự kiện trọng đại quân đội Mỹ đã bắt sống Saddam Hussein, ông ấy đã không cạnh tranh được với show truyền hình thực tế The simple life của Paris Hilton được phát cùng giờ, trên đó 18 ứng cử viên tranh nhau trở thành “người bạn tốt mãi mãi” của cô gái tóc vàng này.

Tạm biệt xuất thân

Văn hóa ngôi sao nói gì với chúng ta về những thay đổi trong xã hội? Dường như nó đang kích hoạt một quá trình dân chủ hóa. Có vẻ như mâu thuẫn, nhưng trong khi chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn thì các khác biệt về giai cấp và xuất thân lại được cào bằng.

Bắt đầu từ thế kỷ 19 ở châu Âu, theo nhà xã hội học Stephen Gundle, phong cách, cái đẹp, thời trang, sự xa xỉ và cả danh tiếng không còn là độc quyền của giới vua chúa và quý tộc nữa. Quá trình này dường như đạt được điểm kết ở cuối thế kỷ 20.

David Beckham là con của một thợ làm đầu và một thợ đóng bếp. Vợ anh, ca sĩ Victoria của Spice Girls, là con của một nhân viên văn thư và một kỹ sư điện. Nhưng đám cưới của họ được tổ chức như một nghi lễ hoàng gia và là một sự kiện toàn cầu.

Ngay sau đó, một tờ báo Anh chạy một biếm họa vẽ David và Victoria đội vương miện, mặc áo choàng lông, vẫy thần dân từ trên bancông một lâu đài, trong khi đó nữ hoàng Anh bé tí đứng ở một góc nói vào điện thoại: “Bảo vệ đâu, chúng ta bị chiếm nhà!”. David Marshall viết: “Các ngôi sao là hiện thân cho sự đắc thắng của đám đông”.

Ở Việt Nam vào đầu thế kỷ 21, “đẳng cấp” là cái gì có thể mua được, như các quảng cáo cho gỗ lát sàn, rượu và đồ lót vẫn khẳng định. Những ngôi sao vẫn lên báo kể về ngôi nhà lợp tôn mà họ lớn lên trong một xóm nhỏ ở tỉnh lẻ, những công việc như hớt tóc hay làm Promotion Girl thuở còn vô danh.

Những tiểu sử này là những bài ca cho chủ nghĩa cá nhân, một điểm cơ bản trong ý thức hệ phương Tây, mà sự nổi tiếng được coi là đích đến. Những ngôi sao này đã trở thành một tầng lớp elite mới. Họ xuất hiện khắp nơi, các phát ngôn của họ được theo dõi sát sao, thuật lại nhiều lần và bình luận tỉ mỉ. Khi các hoa hậu đi thăm người ốm, họ đeo băng ren quanh ngực và đội vương miện, trang trọng như khi vua chúa đi thị sát ngày xưa.

Lệ Rơi hay Bà Tưng là những đại diện mới nhất của những người “nổi tiếng bình dân” này. Đặc điểm của họ là không nổi tiếng vì đã đạt được những thành tựu nào đó trong khoa học, nghệ thuật hay thể thao, vì dũng cảm trong chiến tranh hay là tấm gương đạo đức trong khủng hoảng xã hội.

Họ nổi tiếng vì được nhiều người biết tới. Không cần tới yếu tố tài năng thiên bẩm cộng khổ luyện nhiều năm, chỉ cần đi qua cỗ máy truyền thông và giải trí để được đóng gói, dán nhãn, đánh bóng và quảng bá, đôi khi chỉ cần vòng một ấn tượng. Thậm chí sự thiếu vắng tài năng có thể được sử dụng như một chiến lược.

Cái “bất tài” của Lệ Rơi làm anh nổi tiếng và cho phép anh bước vào làng showbiz, mở công ty truyền thông, làm chủ chuỗi nhà hàng vì nó được nhìn như một dấu hiệu của cái thật, cái thực.

Bộ máy nhào nặn

Danh tiếng của các sao được xây dựng chủ yếu bởi những sắp đặt của truyền thông, những “sự kiện giả”, theo chữ của học giả Daniel Boorstin. Một “hot girl” mặc áo Manchester United lên K+ “bình luận” về bóng đá. Lệ Rơi lên chương trình Cuộc sống thường ngày của VTV1 vào cuối năm 2014.

Có thể nói đây là một cột mốc quan trọng của truyền thông. Bộ máy này đã sẵn sàng nhập cuộc, và có lẽ nó đang ngày đêm cầu nguyện để có được một Kim Kardashian hay một Paris Hilton phiên bản Việt. Có nhiều ý kiến phản đối việc Lệ Rơi lên VTV1, nhưng tôi tiên đoán sự kháng cự này sẽ không kéo dài được lâu.

Giá trị của một ngôi sao không được đo bởi đóng góp của họ cho xã hội và cộng đồng, mà được đo bởi số lượng người theo dõi họ. Những “phi sự kiện” này không chủ đích đem lại một nội dung văn hóa hay xã hội nào, ngoài việc để người nổi tiếng xuất hiện và phục vụ cho một cuộc làm ăn thuần túy.

Từ nổi tiếng qua tai tiếng tới khét tiếng, với truyền thông, có giá trị như nhau. Tội phạm cũng có thể trở thành celebrity “chính hiệu”. Người ta dành cho kẻ giết người Lê Văn Luyện nhiều mực in và sự chú ý như cho một ngôi sao ca nhạc - với công chúng, họ đều là một nhân tố bí ẩn. Ô danh cũng là danh.

Ở phương Tây, nhiều tử tù nhận được vô số thư tình và lời cầu hôn. Tội phạm có thể trở thành ngôi sao, mà khi ngôi sao trở thành tội phạm thì còn thu hút view kinh khủng hơn nữa. Phiên tòa xử Michael Jackson năm 2005 là một ví dụ.

Cám dỗ và lụi tàn trong khoảnh khắc

Vì sao các sao hấp dẫn? Họ là màn ảnh để những khán giả nhẹ dạ chiếu lên đó các giấc mơ, các khao khát của mình. Theo Stephen Gundle, sức hút của các ngôi sao tới từ chỗ họ thể hiện những phẩm chất mâu thuẫn: một sự lịch lãm không đứng đắn, một thái độ cao sang gần gũi, một cảm giác elite dân chủ.

Mang trong mình những mâu thuẫn này, họ như một lời hứa cho một xã hội đầy ắp cơ hội, trong đó mọi người sẽ được chuyển hóa thành những phiên bản hay hơn, hấp dẫn hơn, giàu có hơn của chính bản thân mình.

Các ngôi sao khoác trên mình glamour. Từ này không có một khái niệm tiếng Việt tương đương, nó là tổng hợp của hào nhoáng, rực rỡ, lộng lẫy, lôi cuốn và hoành tráng. Với triết lý gỗ không quan trọng, nước sơn quyết định tất cả, nó khơi dậy khao khát.

Hình ảnh của các sao là cầu nối dẫn người ta tới một thế giới long lanh, phiêu lưu, phấn khích và hồi hộp, không buồn chán, bụi bặm và mòn mỏi như cuộc đời thực. Đầu tư tình cảm vào mối quan hệ một chiều với các sao, các fan dường như nhờ họ sống cho mình, sống hộ mình.

Các sao cũng là những “biểu tượng văn hóa”, là loa phát của những trào lưu mới, là địa hạt cũ mới giao tranh. Phát ngôn “Không có tiền thì cạp đất mà ăn” của Ngọc Trinh, cái hôn khóa môi nhà sư của Đàm Vĩnh Hưng, Bà Tưng không mặc áo lót, tất cả là thách thức với những kiến lập cũ, là cố gắng đập vỡ truyền thống và chuẩn mực cũ. Chúng cung cấp chất liệu cho những lời đàm tiếu để nuôi dưỡng quyền lực “văn hóa” của các sao.

Theo Graeme Turner, những câu chuyện “buôn dưa lê” là một quá trình xã hội quan trọng để người ta tranh cãi, đánh giá và thay đổi căn tính, chuẩn mực xã hội. Thông qua chúng, các ngôi sao tác động vào quá trình hình thành bản sắc cá nhân của các thành viên trong đám đông.

Mỗi ngôi sao có hai con người: con người riêng tư và con người công cộng, và giữa chúng thường có một khoảng cách khổng lồ. Bộ mặt công cộng của các ngôi sao không thuộc về họ, mà được cấu thành với sự tham gia của công chúng. Mặt khác, công chúng lại khước từ quyền được là con người riêng tư của các sao, trong khi vẫn tìm tới các chi tiết đời tư của họ như một cố gắng thu hẹp khoảng cách giữa mình và thần tượng.

Công chúng vô thức hiểu được rằng mình sở hữu các ngôi sao, không có công chúng thì không có sao. Chính vì thế đám đông có thể thất vọng và nổi giận khi phát hiện ngôi sao không sống đúng với kỳ vọng của mình. Trong con mắt các “mẹ bỉm sữa”, Hồ Ngọc Hà đã phản bội. Họ không cho phép cô tụt xuống khỏi cái bệ mà họ đã đặt cô lên.

Danh vọng luôn quyến rũ, như ánh sáng quyến rũ thiêu thân. Nổi danh cho con người ảo giác rằng họ bất tử. “Danh tiếng cầm tù thánh thần và con người”, sử gia Hi Lạp Heraclitus viết. Ba ngày trước khi nghệ sĩ Andy Warhol chết, ông ta còn hỏi tiếp tân để được khẳng định là không có ai nổi tiếng khác đang nằm cùng viện.

Trong cuốn Những kẻ nghiện danh, tác giả Jake Halpern để một diễn viên già đang sống trong một trại dưỡng lão của Hollywood kể lại: “Sự nổi tiếng giống như một người tình. Anh cố gắng bỏ đi, nhưng người tình luôn nói: Hãy quay lại đi, hãy thử một lần nữa. Anh thề thốt sẽ dứt áo ra đi, nhưng sự cám dỗ của người tình luôn ở đó”.

Hơn ai hết, các ngôi sao hiểu rằng họ cũng chỉ là vật tế lễ cho thị trường. Nếu họ được coi là thần thánh thì tôn giáo mà họ đại diện là chủ nghĩa tiêu dùng, và bản thân họ là những mặt hàng có hạn sử dụng. Giống như sao băng, họ tàn lụi cũng nhanh chóng như khi lên ngôi.

Ngọc Trinh thể hiện bi kịch này rõ nhất qua tâm sự: “Tôi chỉ sợ mình xấu đi”. Thị trường luôn tái tạo các ngôi sao để thổi gió vào ngọn lửa khao khát tuổi trẻ, sắc đẹp và sự hào nhoáng của đám đông. Và đám đông sẽ vô tư quên họ đi khi họ già, yếu, cô đơn và hết thiêng như những đạo cụ ảo thuật nằm dưới ánh nắng ban ngày.        

Đăng nhận xét

0 Nhận xét