Trí thức là gì?

“Kẻ nào không tham gia vào việc công thì phải là súc vật hay thần thánh!”  – Triết gia Aristotle

“Trí thức là những người có sự hiểu biết và biết thức tỉnh xã hội” – Giản Tư Trung

“Người trí thức là người không để cho xã hội ngủ” – GS. Cao Huy Thuần

“Có 4 hạng trí thức trong xã hội Việt Nam ngày nay. Hạng 1 là những người “trí thức thứ thiệt”, đau đáu với vận mệnh đất nước quê hương và sẵn sàng dấn thân, cho dù họ không được lòng của giới cầm quyền. Hạng 2 là những người cũng quan tâm đến đất nước và dân tộc, cũng bức xúc trước những bất cập của xã hội, nhưng họ không dám dấn thân; Thay vì dấn thân, họ co rút trong cái không gian và môi trường nhỏ bé là gia đình. Hạng 3 là những người không màn đến các vấn đề xã hội dù cũng có chút hiểu biết về chính trị, nhưng họ không lên tiếng, không có hành động, mà thay vào đó là thái độ xu nịnh và lo làm ăn vì quyền lợi kinh tế cá nhân; Họ là những người thiếu lập trường, không có niềm tin, nhưng lại rất hãnh diện về những học vị và học hàm (có thể là dỏm hay mua bán) của họ. Hạng 4 là những người cũng thông minh, nhạy cảm với thời cuộc, và sử dụng thông minh của mình để dèm pha người khác; họ là những con buôn chính trị” – Đào Tiến Thi

“Nhưng theo cách hiểu của tôi thì chỉ có hạng 1 là những người trí thức thật sự, còn hạng 2, 3 và 4 thì ngụy trí thức là đúng hơn” - GS. Nguyễn Văn Tuấn

“Trí thức là người có tầm nhìn đứng cao hơn tầm nhìn chuyên môn của một chuyên viên” – Nguyễn Quang Minh

“Xuất phát từ thái độ trân trọng những lo âu dằn vặt của người khác, đặc biệt của những tấm gương khả kính, tôi xin bầy tỏ thái độ trân trọng đối với những vị đã gợi ý câu hỏi “trí thức là gì?” - Phạm Việt Hưng

“Nhưng gạt bỏ (việc bàn về khái niệm trí thức – NV) để khuyên người khác là nên chuyên tâm vào những việc khác (như những việc đại sự của các nhà có tầm vóc đã làm) và cho là các người (bàn về khái niệm trí thức – NV) là làm chuyện “bánh vẽ” thì tôi cho là trẻ con (nhẹ) hay khinh người, fascist học thuật (nặng)” – Nguyễn Đức Hiệp

“Đã là trí thức thì phải là người có tầm, có trách nhiệm và nghĩa vụ xã hội” – GS. Nguyễn Huệ Chi

“Biết bao giờ người Việt (ít ra là người Việt có học thức) mới biết tranh luận cho ra hồn” – GS. Phạm Quang Tuấn

“Rõ ràng bạn không thể vừa được người ta cấp xe sang (hay tặng nhà to) lại vừa có Tự Do (hay Công Lý). Bạn chỉ có thể chọn một trong hai thứ đó. Lập luận rằng cưỡi xe BMW mới tiến được hoặc tiến nhanh hơn tới Công Lý (hay Tự Do) là ngụy biện, tự dối mình và lừa dối người khác. Đặc biệt, nếu bạn là một người lao động trí óc theo một chuyên môn nào đó, việc bạn chọn cái gì sẽ tự động xếp bạn vào hàng ngũ những ‘trí thức dự khuyết’, hay vào đám học giả xu thời đang ngày càng lạm phát trên đất nước này“ - TS. Nguyễn Đình Đăng

“Tôi luôn luôn tâm niệm lời dạy của Francois Rabelais: “Science sans conscience n’est que ruine de l’âme” (Khoa học vô lương chỉ là sự hư nát của linh hồn). Nói một cách dân dã thì khoa học chẳng là cái đinh gì cả nếu nó không luôn luôn tỉnh thức để đề cao lương tri. Kỳ vọng về phản biện của trí thức chẳng qua là kỳ vọng vào lương tri của trí thức, đơn giản có thế thôi. Chẳng lẽ điều đó sai ư?” - Phạm Việt Hưng

“Đóng góp theo kiểu người trí thức có nghĩa là dùng những khả năng mà người ta đặc biệt associate với trí thức: khả năng suy nghĩ độc lập, không để mình bị nhồi sọ hay bịt mắt, biết tự mình suy xét, khả năng tự học, tự tìm information, đánh giá và kết hợp information để có một cái nhìn đứng đắn về xã hội, tự tìm hiểu về những vấn đề của xã hội, và từ đó tự suy ra con đường phải làm gì do sự thúc đẩy của lương tâm. … Nhưng đánh đồng “trí thức” với “từ thiện” với “lao động trí óc” v.v. theo tôi, là muddled thinking” - GS. Phạm Quang Tuấn

“Không có  tư duy phản biện, không phải là trí thức” – GS. Chu Hảo

“Một người không có khả năng dung nạp ý kiến khác mình (ví dụ phản đối việc bàn về khái niệm trí thức – NV) thì tôi nghĩ người đó chưa trưởng thành” - GS. Nguyễn Văn Tuấn

“Theo thiển ý của tôi, một người không tự coi là trí thức mà chỉ tự coi là một người có học, thì đối với người có học, “nhạy cảm” là một chữ hoàn toàn vô nghĩa. Worse, nó là một chữ mà người có học không thể chấp nhận được trong không gian tư tưởng của mình” - GS. Phạm Quang Tuấn

“Tôi có một ví von về cái gọi là đoàn kết, đồng thuận với một dàn nhạc. Một dàn nhạc có người chơi guitar, có người chơi bass, có người thổi kèn, có người đánh trống, v.v .  Tất cả âm thanh nếu nghe riêng lẻ có vẻ như hỗn độn, nhưng nhìn chung thì họ đều đóng góp làm cho bản nhạc hay. Nếu ai đó chỉ muốn nghe một nhạc cụ thì phiến diện quá. Nếu không muốn nghe thì cũng không nên chiếm chỗ làm gì. Đồng thuận không có nghĩa là mọi người nói cùng một chữ, mọi người đều tung hô, mọi người đều làm một việc, vì như thế là nhồi sọ rồi.  Đồng thuận, theo tôi hiểu, là người ta có khác ý kiến nhưng tất cả đều nhắm đến một điểm chung là tìm ra sự thật (ví dụ như nội hàm của khái niệm trí thức – NV)” – GS. Nguyễn Văn Tuấn

“Bất cứ định nghĩa trí thức như thế nào, người trí thức phải có quyền bàn luận mọi vấn đề, nhìn soi mói mọi sự thật, cũng như một y sĩ không có quyền ghê sợ, buồn nôn, tránh né nhìn vào vết thương hay ung bướu. Nếu squeamish (nhút nhát, hay buồn mửa) thì đừng làm nghề y sĩ” - GS. Phạm Quang Tuấn

“Cuộc tranh biện về “trí thức” này dù muốn hay không thì nó cũng đã diễn ra. Khi nó diễn ra (hay lỡ diễn ra) thì có những cái không hay, nhưng cũng có cái được đó là, nhiều “trí thức” vô tình quên trách nhiệm xã hội của mình sẽ “tỉnh ngủ”, nhiều “trí thức” lâu nay “khó ngủ” thì sẽ dấn thân hơn, còn nhiều “trí dỏm” và “trí gian” cũng sẽ ít nhiều giật mình, và đặc biệt là, nhiều người chưa có khả năng của một trí thức (nhất là các bạn trẻ có tâm huyết) sẽ có ý thức hơn về năng lực và vai trò của “trí thức”, từ đó sẽ cố gắng học hỏi để có thể trở thành trí thức trong tương lai và sẵn lòng tự nhận lãnh những trách nhiệm xã hội của mình…” - Giản Tư Trung

“… một người có học thì không thể bàng quan trước vận mệnh của dân tộc mình, Tổ quốc mình. Người có học cũng không thể thờ ở trước số phận cộng đồng. Người có học không thể vô cảm trước những bất công, oan ức của nhân dân mình. Người có học không thể quay lưng lại trước nỗi đau của đồng bào mình và đặc biệt, người có học không thể xu phụ cường quyền để cầu danh lợi cho bản thân. Trong mắt mình, những ai bàng quan trước vận mệnh dân tộc, thờ ơ với số phận đồng bào, vô cảm trước bất công oan ức, quay lưng lại với nỗi đau của cộng đồng, xu phụ cường quyền để cầu danh lợi thì dù có bằng cấp cao đến đâu, thành tựu khoa học lớn đến mức nào chăng nữa cũng chỉ là kẻ vô học, nói gì đến trí thức – tầng lớp tinh hoa của một dân tộc.” - Bùi Hoàng Thám

Đăng nhận xét

0 Nhận xét