Chánh kiến

Hỏi: Kính thưa Thầy! Sau khi con đọc bài ĐẠO ĐẾ trong Đặc San Kỷ Niệm Ngày Sinh Nhật Thầy, con có một vài điều thắc mắc về những bài học trong lớp Chánh Kiến như: Tứ Bất Hoại Tịnh và nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn.. Tại sao lại niệm Phật, niệm Pháp, Niệm Tăng và Niệm Giới trên lớp Chánh Kiến? Tu học như vậy có giống như Đại Thừa không? Khi người mới vào tu thì Đại Thừa dạy: niệm Phật là niệm danh hiệu đức Phật, niệm Pháp là tụng kinh, niệm Tăng là cúng dường trai tăng và niệm Giới là tụng giới vào ngày rằm và ngày 30 mỗi tháng. Thưa Thầy lớp chánh kiến tu học mà Thầy đã giảng dạy như vậy thì cũng giống như bên Đại Thừa, xin Thầy chỉ dạy cho con được rõ. Còn Nhãn căn, Nhĩ căn và Tỷ căn phải tu học như thế nào trong lớp chánh kiến?

Đáp: Nguyên nhân có bài giảng về “Đạo Đế” trong Đặc San Mừng Ngày Sinh Nhật Thầy, do Phật tử Bảo Châu - Thanh Trí xin Thầy chỉnh lại bài Tứ Diệu Đế, nhưng Thầy thấy trong bài kinh Tứ Diệu Đế quý sư thầy đã giảng sai quá nhiều, nhất là Đạo Đế. Từ xưa các nhà học giả tu hành chưa chứng đạo nên đã giảng dạy Tứ Diệu Đế sai nghĩa, lệch ý không đúng chánh pháp của Phật.

Đạo Đế là một mô hình giáo dục đào tạo đạo đức nhân bản - nhân quả của đức Phật (Kinh Sa Môn Quả) nhằm để hướng dẫn bốn giới đệ tử của mình tu học trở thành những bậc Thánh A La Hán. Vì thế, nó đã phân ra ba cấp và tám lớp tu học rất rõ ràng giống như chương trình giáo dục văn hóa của các quốc gia trên thế giới.

Thầy đã dự định chương trình soạn thảo giáo trình tu học cho ba cấp và tám lớp học này, nhưng phải lần lượt không thể ngay bây giờ được, vì hiện giờ Thầy còn đang soạn thảo bộ Giới Đức Thánh Tăng, Thánh Ni trên một ngàn trang giấy và còn tiếp đến bộ sách Đạo Đức Nhân Bản - Nhân Quả trên 10 tập mỗi tập trên 300 trang giấy. Với việc làm quá nhiều, ngoài sức tưởng tượng của con người. Cho nên, khi Bảo Châu – Thanh Trí nhờ Thầy chỉnh lại Tứ Diệu Đế thì Thầy viết bài Đại Cương Về Đạo Đế để mọi người nhận xét và thấy rõ chương trình giáo dục đào tạo bậc A La Hán của Phật giáo rất rõ ràng cụ thể, chứ không như kinh sách Đại Thừa của các Tổ biên soạn một cách mù mờ. Với lộ trình tu hành mơ hồ, ảo tưởng đầy hoang đường và mê tín.

Bài Đạo Đế này, khi đến tay quý Phật tử cũng như các bậc tôn túc Hoà Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng, Ni cùng với các cư sĩ bốn phương sẽ làm đảo lộn sự hiểu biết xưa nay của các vị, nhưng đây là một sự thật, là một chân lý. Không lẽ, một chân lý của Phật giáo, mà hiểu một cách lầm lạc như các nhà Đại Thừa vậy sao?

Bài giảng ấy tuy ngắn, nhưng nó là một cú “sốc” mạnh làm đảo lộn và đau đầu cho các nhà học giả và cảnh cáo cho các vị ấy, phải tu tập cho đến nơi đến chốn, chứ đừng trên chữ nghĩa kinh sách mà thuyết giảng, không có một chút kinh nghiệm bản thân tu hành nào, thành ra, các vị ấy trở thành người vọng ngữ, tội lỗi rất lớn, chẳng ích lợi gì cho ai, mà còn tai hại cho Phật giáo và cho các thế hệ tuổi trẻ sau này.

Cho nên, khi đọc bài Đạo Đế, không riêng Thu Phương lấy làm lạ, mà còn có nhiều người lại hỏi chúng tôi: Vậy kinh sách Nguyên Thủy Phật dạy: “Tứ Bất Hoại Tịnh”. Tứ Bất Hoại Tịnh không phải là pháp môn niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới sao?

Kính thưa quý Phật tử! Đức Phật dạy:

1/ Niệm Phật là sống như Phật, chứ không phải niệm danh hiệu Phật (Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật).
2/ Niệm Pháp là sống đúng như pháp, tu tập đúng như pháp, chứ không phải tụng kinh.
3/ Niệm Tăng là sống hòa hợp như chúng Tăng, không chống trái nhau, chứ không phải, trai tăng cúng dàng, lạy lễ các vị Tăng để cầu phước báu.
4/ Niệm Giới là sống đúng Phạm hạnh, không hề vi phạm giới luật, và không phạm một lỗi nhỏ nhặt nào, chứ không phải hằng tháng vào ngày 30 và ngày rằm cùng nhau tụng giới.

Nghe dạy niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới thì các nhà học giả kiến giải theo chữ nghĩa mà giải thích ra, niệm là đọc lầm thầm trong ý như câu: “Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni hay Nam Mô Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn”. Hay niệm Nam Mô A Di Đà Phật. Niệm như vậy không có nghĩa gì cả, không có sự giải thoát gì cả. Ở đây, đức Phật dạy niệm tức là sự tư duy Phật, Pháp, Tăng và Giới để chúng ta thấu triệt Phật, Pháp, Tăng và Giới hàm nghĩa giải thoát như thế nào, để chúng ta noi theo đó, mà thực hiện sống và tu tập đúng như Phật, như Pháp, như chúng Thánh Tăng và như Giới luật đã dạy.

Bài pháp Tứ Bất Hoại Tịnh này, được tu học và rèn luyện trên lớp Chánh Kiến. Do tu học trên lớp Chánh Kiến, nên phải dùng nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn mà tu tập.

Có hiểu biết và tu tập như vậy, thì mới có giải thoát thật sự, còn niệm danh hiệu Phật, tụng kinh, cúng dàng trai tăng, đảnh lễ chư Tăng và tụng Giới, dù có niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng và niệm Giới như vậy cho đến muôn kiếp ngàn đời, thì cũng chẳng có giải thoát được chút nào. Người ta đã lầm, niệm như vậy, là để nhất tâm bất loạn, tức là niệm không có vọng niệm xen vào, chỉ duy nhất có câu niệm Phật mà thôi, thì sẽ được vãng sanh Tịnh Độ, đó là hiểu theo kiến giải lầm lạc của Tịnh Độ Tông (Thất nhựt nhất tâm bất loạn chuyên trì danh hiệu A Di Đà Phật dữ chư Thánh chúng hiện tại kỳ tiền...). Còn hiểu theo Thiền Tông, thì nhất tâm bất loạn tức là chẳng niệm thiện niệm ác, chẳng niệm thiện niệm ác, thì bản lai diện mục hiện tiền. Bản lai diện mục hiện tiền, là Thiền định, là Phật tánh, nhưng tất cả những sự tu tập như vậy đều sai hết quý vị ạ! Chỗ nhất tâm bất loạn của quý vị, sẽ rơi vào thế giới tưởng của tưởng uẩn, nơi đây là mê hồn trận của tà giáo ngoại đạo. Quý vị tu hành cần nên cảnh giác nơi hang hùm nguy hiểm này. Nếu tu tập đến đây, quý vị coi chừng rối loạn thần kinh mà nguy hiểm tánh mạng, biến quý vị trở thành người điên khùng, mất trí v.v..

Đến đây, quý vị đã hiểu sơ sơ về bài học “TỨ BẤT HOẠI TỊNH” của lớp Chánh kiến. Sau này, có dịp các bạn sẽ gặp lại chúng tôi trên những giáo trình tu học của tám lớp học này, còn thú vị hơn nhiều.

Thân ái chào các bạn, chúc các bạn dồi dào sức khoẻ.

Trích Đường về xứ Phật I
Trưởng Lão Thích Thông Lạc
Và đây là bộ sách của Thầy Thích Thông Lạc mà tác giả Blog đã sưu tập (tạm thời), bạn có thể tải về: Click tại đây


Đăng nhận xét

0 Nhận xét