Sigmund Freud |
Khi còn là một sinh viên ở Đại học Vienna , Sigmund Freud (1856-1939) không biết mình nên chọn ngành gì. Sinh lý học, ngành học nghiên cứu những thành phần của động vật và thực vật hoạt động như thế nào, đã làm cho Freud cảm thấy thú vị. Ông bắt đầu nghiên cứu thần kinh con người và động vật. Là một phụ tá trong công việc này, ông học tập ngành y và trở thành một bác sĩ, dù vậy ông cũng không có ý định hành nghề bác sĩ.
Ông lập gia đình năm 1886, và khi gia đình bắt đầu đông người, ông thấy rằng cần phải mở một phòng mạch để nuôi vợ và sáu con. Vì công trình của ông nghiên cứu về hệ thần kinh, cho lên không ngạc nhiên khi Freud chữa trị các bệnh thuộc về thần kinh.
Các bệnh nhân đến văn phòng của ông với những vấn đề thuộc về thần kinh như không nhìn thấy, không nghe được hoặc không nói và những nỗi lo sợ không thật. Một số họ luôn luôn lo lắng một số không thể cử động những phần của cơ thể. Dù vậy khi bác sĩ Freud khám họ, họ có vẻ như không có vấn đề gì về hệ thần kinh. Những người bệnh như vậy gọi là rối loạn thần kinh.
Freud thấy rằng không thể làm được điều gì để giúp các người này. Ông đã bảo họ nhiều cách như nghỉ trên giường trong một phòng tối, tập thể dục, tắm nước nóng, tắm nước đá. . . nhưng tất cả đều vô hiệu.
Năm 1880, bác sĩ Josef Breuer, một người thầy của Freud đã trị liệu một bệnh nhân thần kinh theo một cách hoàn toàn mới - và đã có thể trị được bệnh. Bệnh nhân là một cô gái người Đức tên là Anna. Cô ấy không thể cử động được cánh tay phải và không còn nói được tiếng Đức. Cô chỉ nói được tiếng Anh.
Bác sĩ Breuer cho Anna ngủ mà có thể lắng nghe và nói theo sự gợi ý. Khi Anna ngủ, bác sĩ Breuer giúp cô ấy nhớ lại lúc cô bắt đầu không cử động được cánh tay phải và khi cô ấy lần đầu tiên quên không nói được tiếng Đức.
Bác sĩ Breuer biết được rằng, một hôm, trong khi đang nuôi người cha hấp hối của cô Anna đã ngủ với cánh tay phải đặt lên trên chiếc ghế của cô. Khi tỉnh dậy, cánh tay của cô không còn cảm giác và từ đó trở đi cô không còn cử động được nữa. Vài hôm sau, cô lại ngủ thiếp bên giường của người cha. Lần này cô nằm mơ thấy một con vật nằm trong tường chui ra và tấn công cha cô. Cô ráng sức gào to nhưng không được. Tất cả những gì cô có thể nói lên được là một bài thơ tiếng Anh mà cô đã học thuộc từ nhỏ. Sau đó cô chỉ còn nói được tiếng Anh và đã quên mất tiếng Đức.
Đó chính là nguồn gốc ban đầu của loạn thần kinh. Chứng bệnh và cái chết của cha Anna là nỗi khổ đau to lớn đối với cô.
Bác sĩ Breuer có thể chữa trị được Anna bằng cánh giúp cô nhớ lại những lúc gặp khó khăn đó. Khi ấy cô có thể nhìn lại chúng và chấp nhận chúng. Trong khi làm được như vậy, cô thấy có thể cử động được cánh tay và nói lại được tiếng Đức.
Freud là người đầu tiên nhận ra rằng việc chữa lành bệnh Anna có một phần quan trọng đặc biệt. Ông sử dụng trường hợp này như là một mô hình để chữa trị các bệnh nhân rối loạn thần kinh. Sau một thời gian, Freud thay đổi và nâng cao phương pháp của Breuer. Kết quả là một ngành khoa học mới ra đời gọi là phân tâm học.
Phân tâm học vừa là một sự hiểu biết mới về hoạt động trí tuệ của con người, vừa là một cách mới để chữa trị các bệnh thuộc về tâm trí. Một trong số những tư tưởng quan trọng của phân tâm học là chúng ta không biết phần lớn những suy nghĩ và cảm giác của chúng ta và cũng không thể kiểm soát được chúng. Freud so sánh trí tuệ con người giống như một tảng băng nổi trên đại dương. Chỉ có một phần nhỏ tảng băng là nhìn thấy trên mặt nước, trong khi đó phần lớn của tảng băng là ở dưới mặt nước. Freud nói rằng trí tuệ cũng giống như tảng băng kia. Chúng ta chỉ biết một phần nhỏ những suy nghĩ và cảm giác của chúng ta. Chúng ta gọt phần này của trí tuệ là ý thức. Phần lớn tư tưởng và cảm giác của chúng ta không biết và không kiểm soát được gọi là vô thức.
Khi bạn đọc trang sách này, bạn có thể chứng tỏ được rằng phần vô thức trong trí tuệ của bạn đang làm việc. Hai bàn tay bạn đang làm gì? Bạn đang búng móng tay? Hoặc đang đùa với cây bút chì hay bút mực? Trừ phi bạn ý thức rõ ràng bạn đang làm những việc này, còn ngoài ra là phần vô thức trong trí tuệ của bạn điều khiển tất cả những hành động này.
Một ý tưởng khác của phân tâm học là tất cả những bệnh thần kinh xuất phát từ phần vô thức của trí tuệ. Ý tưởng này đã đưa đến sự tin tưởng rằng nếu những suy nghĩ vô thức được làm cho trở thành ý thức, thường khi bệnh thần kinh sẽ biến mất. Trong trường hợp của Anna, bạn sẽ nhớ rằng cô ấy được điều trị bằng cách cho trí nhớ vô thức tiếp cận với cái chết của cha cô, đã đem cô trở lại tình trạng có ý thức.
Nếu người bị bệnh thần kinh được chữa trị bằng cách tìm những ý nghĩa rút ra từ phần vô thức, thì con đường tiếp cận với vô thức cần phải được tìm ra. Freud tìm một giải pháp để đến với vô thức, giải pháp đó ông gọi là liên tưởng tự do. Bệnh nhân được yêu cầu suy nghĩ tự do và nói lên bất kỳ điều gì đến với ỷ tưởng của họ. Freud cần nghe mọi ghi nhớ, mơ mộng và ước muốn của các bệnh nhân. Khi họ nói, ông thấy họ nhớ lại những ký ức đau đớn từ phần vô thức - những ký ức mà họ đã giấu kín từ lâu.
Tất cả chúng ta đều có những ký ức giấu kín trong phần vô thức của chúng ta. Đây là một thí nghiệm đơn giản để thấy ký ức đã được chôn sâu như thế nào. Hãy viết một danh sách gồm mười từ, gồm những từ như là mẹ, trường học, chùa và đá bóng. . . Hãy hỏi một người bạn từ này đã đến trong trí của họ đầu tiên sau khi bạn đã đọc mỗi từ.
Bạn sẽ thấy một số câu trả lời xuất hiện chậm hơn những câu trả lời khác. Freud cho rằng những câu trả lời mà người ta không thể nói nhanh ra được là có liên quan theo một cách nào đó với những ký ức không vui hoặc đau buồn. Bạn cũng sẽ chú ý thấy một số trả lời hình như không có liên quan gì với từ bạn đọc. Nguyên nhân cũng có thể như vậy. Bạn sẽ không biết nhiều về một người bằng phương pháp liên tưởng tự do. Nhưng đối với một người được huấn luyện, nó trở nên một dụng cụ có giá trị.
Có khi nào bạn quên một số điện thoại mà bạn đã từng biết rất rõ? Có khi nào bạn gặp một anh bạn trên đường phố mà lại gọi nhầm tên?
Freud giải thích sự nhầm lẫn này là sự đấu tranh giữa ý thức là vô thức. Ông nói rằng bạn có lý do khi không nhớ ra số điện thoại dù đã cố gắng. Lý do có thể là bạn không thích người bạn sắp gọi hoặc có thể bạn vừa có một ''cú " điện thoại không vui.
Đôi khi rất dễ nhìn thấy suy nghĩ vô thức. Ví dụ, một cô gái hỏi mẹ: ''Mẹ có những buổi dạ hội giống như thế này khi mẹ còn trẻ không? Hãy tưởng tượng xem cô gái đã suy nghĩ gì về mẹ của cô ấy?
Con người luôn luôn có nhầm lẫn, chính gì họ luôn luôn mơ mộng. Nhưng Freud, vào năm 1900, là người đầu tiên đã nghiên cứu giấc mộng một cách cẩn thận. Điều này cho chúng ta một cách nhìn khác đi vào cõi vô thức.
Giấc mộng là một hình thức hoạt động tinh thần vẫn còn tiếp tục khi một người đã ngủ. Một số giấc mộng có thể là không thật là có ít ý nghĩa, một số khác thật và rõ ràng đến nỗi chúng ta không chắc là chúng ta đang nằm mơ. Giấc mộng là một sân khấu trên đó, phần vô thức có thể trình diễn những yêu cầu, nỗi sợ hãi, điều ưa thích và những hy vọng trong khi phần ý thức thì ngủ yên.
Mary, một cô gái trẻ đã nằm mơ thấy cô đang lái chiếc xe cũ của gia đình với cha cô là một hành khách. Cô đến một ngọn đồi cao. Nó quá cao đối với cô và cô bèn nhờ cha lái lên ngọn đồi.
Một cách để hiểu giấc mộng của Mary là cô mong ước được trở thành người lớn và độc lập. Ngọn đồi là một vấn đề mà cô không tự giải quyết được. Cô muốn trở lại là một đứa trẻ và nhờ cha giúp đỡ. Mary vừa muốn được độc lập đồng thời lại vừa muốn phụ thuộc vào cha mẹ.
Sau khi nghiên cứu hàng trăm giấc mộng, Freud thấy rằng những giấc mộng có một ngôn ngữ riêng của chúng. Ngôn ngữ của giấc mộng có liên quan với những sự vật mà mỗi vật thực ra lại có một ý nghĩa khác. Trong giấc mơ của Mary, ngọn đồi không phải thật sự là ngọn đồi, mà là một vấn đề khó khăn lớn. Lái xe là tượng trưng của sự trưởng thành và tự do.
Những tượng trưng này có ý nghĩa chỉ đối với một người. Nhưng Freud tìm ra rằng cùng một số tượng trưng lại xuất hiện nhiều lần trong mộng của nhiều người khác nhau, ở những thời gian khác nhau và địa điểm khác nhau. Ngôi nhà là một loại tượng trưng như vậy đã xuất hiện trong giấc mơ của nhiều người. Ông thấy rằng nhà thường là tượng trưng của thân thể, vua và hoàng hậu là tượng trưng cha mẹ, nước là sự sinh đẻ; một cuộc hành trình dài là cái chết. Đôi khi một số tượng trưng mang một ý nghĩa hoàn toàn khác với những gì bạn chờ đợi. Mơ thấy được ở giữa đám đông thường có nghĩa là bạn cảm thấy cô đơn; mơ thấy mặc quần áo hoặc đồng phục thường có nghĩa là bạn cảm thấy không có quần áo…
Những tượng trưng này có thể là một dụng cụ giá trị để hiểu những giấc mộng. Để hiểu biết tinh thần của con người, một người bác sĩ không chỉ đơn giản liên kết những tượng trưng trong giấc mộng với những ý nghĩa của chúng ở trong sách. Đối với người bác sĩ thành thạo thì những tượng trưng trong giấc mộng là một dụng cụ khác của khoa học giúp con người hiểu biết và chấp hành chính mình.
Phần ý thức và vô thức của trí tuệ chúng ta tạo thành những gì là chúng ta, chúng ta suy nghĩ thế nào, hành động ra sao, chúng ta muốn gì, chúng ta sợ gì - nói chung là nhân cách của chúng ta. Freud tìm thấy rằng nhân cách của một người hoạt động theo ba cách. Ông gọi chúng là: Xung ngã (id), tự ngã (ego) và siêu tự ngã (superego). Đó là những cách khác nhau mà trí tuệ hay nhân cách của một người, làm việc. Chúng không phải là những phần khác nhau của não bộ.
Đây là những thuật ngữ đơn giản cho biết nhân cách đã được kết hợp như thế nào. Xung ngã (id) là đứa trẻ ích kỷ của vô thức. Nó không quan tâm đến bất cứ ai hoặc bất cứ thứ gì ngoại trừ việc thu góp những thú vui khi nó cần. Tốt và xấu, đúng và sai đều không có ý nghĩa gì đối với xung ngã; nó cần cái gì, nó lấy cái đó. Xung ngã (id), hay là ''tôi muốn'' là nguồn gốc của mọi năng lượng nhân cách.
Nếu id không thể đạt được một đối tượng trong thực tế thì nó tưởng tượng là nó đã đạt được. Khi id cần thức ăn, hoặc là nó ăn hoặc là nó tưởng tượng đang ăn - và như vậy là nó thoả mãn. Xung ngã không thể phân biệt được sự khác nhau giữa ăn thật và thức ăn tưởng tượng.
Phân biệt sự khác nhau giữa có thật và tưởng tượng là công việc của tự ngã (ego), nó giúp xung ngã (id) tìm ra điều đó với sự khó khăn ít nhất. Cái tự ngã (ego) liên kết những yêu cầu của xung ngã (id) với thế giới thực tế có thể thoả mãn những yêu cầu này. Cái tự ngã (ego) trông coi toàn bộ con người, chứ không phải chỉ thoả mãn cái xung ngã (id). Đôi khi cái ego cho cái id những gì nó cần. Đôi khi ego làm cho id chờ đợi để có những gì nó muốn.
Phần thứ ba của nhân cách là siêu tự ngã (superego). Phần siêu tự ngã được hình thành từ thế giới bên ngoài, nhất là do cha mẹ của đứa trẻ. Qua việc thưởng và phạt cha mẹ đã truyền sang đứa trẻ lòng tin của họ về những gì đúng và sai.
Siêu tự ngã cũng muốn có lối riêng của nó. Để hoàn thành việc này, nó thưởng hoặc phạt tự ngã. Thưởng là những cảm giác tự hào, phạt là những cảm giác phạm tội. Đôi khi cảm giác mạnh đến nỗi bạn tự thưởng như là sắm một bộ quần áo mới, hoặc tự phạt như bị bệnh. Việc này vẫn cứ xảy ra mà bạn không hề biết. Có khi nào bạn cảm thấy phạm lỗi dù bạn không nhớ là đã làm điều gì sai lầm? Đây có thể là siêu tự ngã đang phạt bạn, không phải do điều gì bạn đã làm, mà do điều gì đó trong ý nghĩ của bạn muốn làm!
Xung ngã (id), tự ngã (ego) và siêu tự ngã (superego) là tất cả những thành phần tạo nên nhân cách của chúng ta: Xung ngã (id), ''tôi muốn'', tự ngã (ego), ''tôi có thể'', và siêu tự ngã , ''tôi phải" hoặc ''tôi không được" đôi khi hòa thuận với nhau rất tốt, và đôi khi không hòa thuận.
Trong nhân cách của chúng ta có sự đấu tranh giữa xung ngã, tự ngã và siêu tự ngã. Nếu ego cho id những gì id muốn, superego có thể nổi giận. Nếu ego trả lời không với id và vâng lời superego thì id sẽ không vừa lòng. Vậy thì ego sẽ tự bảo vệ như thế nào để chống lại những tai hại do sự đấu tranh này?
Tự ngã ego sử dụng nhiều phương sách để tự vệ chống lại sự tấn công của phần nhân cách còn lại, cũng như phần thế giới bên ngoài. Những phương sách này của tự ngã (ego) được gọi là những cơ lý bảo vệ (defense mechanisms). Mặc dù có nhiều loại cơ lý bảo vệ khác nhau, mỗi chúng ta thường chỉ sử dụng một số ít.
Một cơ lý bảo vệ được ưa thích là chuyển di (displacement). Khi bạn có một sự bất hòa với một người bạn, sau đó bạn về nhà và gào thét với mẹ bạn, đó là một ví dụ về chuyển di. Những cảm giác hướng vào một đối tượng đã được chuyển di, và hướng vào một đối tượng an toàn hơn. Bạn sợ thét vào người bạn vì anh ta có thể cũng sẽ gào lại rất dữ. Bạn quay ra thét mẹ của mình, vì bạn có thể biết chắc tình thương của mẹ.
Cơ lý bảo vệ quan trọng nhất có lẽ là cơ lý làm cho chúng ta không nhận ra những sự việc không vừa lòng. Vô thức của ta có thể ''quên'' những kinh nghiệm và những kỷ niệm xấu, không hay đến nỗi chúng ta không nhận thức được. Cơ lý bảo vệ này gọi là áp chế (repression).
Freud đã cho một ví dụ về áp chế của chính bản thân ông. Một người nào đó đã cho ông biết về một nơi nghỉ hè có ba khách sạn. Freud đã đi nghỉ nơi này nhiều lần, nhưng ông quả quyết rằng nơi đó chỉ có hai khách sạn mà thôi. Khi được cho biết tên của khách sạn thứ ba, Freud nhận ra rằng cái tên ấy đã bị áp chế ra khỏi trí nhớ ý thức của ông bởi vì nó nhắc ông cái tên của một người bác sĩ mà ông không thích.
Một cơ lý bảo vệ rất phổ biến, giống như áp chế, đó là phủ nhận (denial). Trong áp chế, phần vô thức của trí tuệ xô đẩy suy nghĩ hay cảm giác không chấp nhận được ra khỏi ý thức của bạn. Trong phủ nhận, bạn từ chối chấp nhận nó một cách có ý thức; bạn biết sự thật, nhưng không nhận nó. Nói dối để tự bảo vệ trong tình huống khó khăn dù biết rõ là đang nói dối, đó là những ví dụ về phủ nhận.
Có khi nào bạn khởi sự đánh một ai đó và giải thích rằng ''Anh ấy ghét tôi và do đó không phải lỗi của tôi''? Tình huống khá phổ biến này có thể là một ví dụ rất rõ về sự sử dụng một cơ lý bảo vệ gọi là đầu trịch (projection). Đầu trịch đem lại sự dễ chịu cho tự ngã (ego) bằng cách thay đổi chủ thể của một cảm giác. Đầu trịch thay ''tôi ghét anh ấy'' bằng ''anh ấy ghét tôi''. Đầu trịch đem những suy nghĩ và cảm giác bạn thấy khó chấp nhận đặt lên một người hoặc một vật nào khác. Mục đích của đầu trịch là đem những tình huống khó khăn trong nhân cách đặt chúng ra bên ngoài, ở đó tự ngã (ego) có thể điều khiển dễ dàng hơn.
Đôi khi tự ngã (ego) chống trả một cách quá tích cực một loại tấn công nào đó, đến nỗi nó trở thành lẩn quẩn trong một cơ lý bảo vệ gọi là tạo phản ứng (reaction formation). Bạn có biết những người quá ngăn nắp sạch sẽ. Một số khác lại quá tử tế? Một người có thể thích ở bẩn nhưng lại cảm thấy bị phạm lỗi về điều đó. Tạo phản ứng có thể làm cho anh ta ngăn nắp và sạch sẽ một cách quá đáng. Một số người khác cảm thấy tức giận đối với thế gian. Anh ta cảm thấy phạm lỗi và sự tạo phản ứng đã làm anh ta tử tế một cách quá đáng.
Mỗi chúng ta sử dụng cơ lý bảo vệ điều khiển những vấn đề. Một đứa bé bắt đầu tạo cơ lý bảo vệ ngay sau khi được sinh ra. Lần đầu tiên nó phải chờ sữa dù chỉ một phút, nó bắt đầu phát triển những cách để hiểu và làm dịu nỗi đau của nó. Một phần trong lý thuyết về phân tâm học của Freud là những kinh nghiệm đầu đời rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách của cả một đời người.
Đứa trẻ gần như chỉ toàn là xung ngã (id). Nếu một hài nhi có thể nói được, nó sẽ chỉ sử dụng những từ này mà thôi: ''Tôi muốn, tôi muốn, tôi muốn''. Khi nó lớn lên, tự ngã (ego) của nó phát triển và nó tìm những cách tốt nhất để đạt được những điều nó muốn. Sau cùng là siêu tự ngã (superego) phát triển, khi cha mẹ nó cho nó một sự hiểu biết về cái gì đúng và cái gì sai.
Freud cảm thấy rằng mỗi bệnh thần kinh của người lớn đều có mang dấu ấn hoặc là của bệnh này thời trẻ hoặc là một kinh nghiệm xấu nào đó còn lại trong nhân cách. Ông tin rằng những cảm giác của đứa trẻ và hoạt động tinh thần của nó là rất quan trọng.
Sigmund Freud đã có đóng góp to lớn đối với sự tiến bộ khoa học hiện đại. Những lý thuyết đã làm chấn động thế giới cách nay trên sáu mươi năm vẫn còn có giá trị đối với ngành phân tâm học ngày nay. Những người khác giữ lại một số tư tưởng của Freud trong khi phát triển và thay đổi những tư tưởng mà họ không chấp nhận. Nhưng những lư tưởng của Freud vẫn còn tạo nên nền tảng cho tất cả những suy nghĩ của ngành phân tâm học phát triển về sau này.
Nguồn: bachkhoatrithuc.vn
Xem thêm các tác phẩm khác của Sigmund Freud tại đây
Và 'Phân tâm học cấu trúc và lí thuyết ngôn ngữ của J.Lacan'
Và 'Phân tâm học cấu trúc và lí thuyết ngôn ngữ của J.Lacan'
0 Nhận xét