Kinh doanh sự háo danh

Có thể bạn không tin, nhưng ngành kinh doanh này hoàn toàn có thật. Khách hàng của ngành kinh doanh này rất đa dạng: Từ những cô cậu tuổi teen, đến các bậc “mệnh phụ phu nhân”; Từ những doanh nghiệp “bé bằng quả ớt”, đến những doanh nghiệp đại gia, “to đùng ngã ngửa”. Điều quan trọng, khách hàng của bạn phải có sự “háo danh bẩm sinh”, nghĩa là “háo danh do di truyền”, hoặc “háo danh do gia truyền”. Nếu không, bạn phải khéo léo kích thích và nuôi dưỡng cho sự háo danh của họ phát triển. Chuyện tưởng là đùa, nhưng bạn ơi, bạn hãy tin đi, đây là ngành kinh doanh béo bở đấy. Tôi không có khả năng kinh doanh, nhưng với người khác, biết đâu, họ chẳng trở thành tỉ phú, nhờ sự háo danh của thiên hạ!!?

Tôi nhớ, cách đây không lâu, có một tập san tổ chức một hội chợ mang tên “Hội chợ những doanh nhân tài hoa”. Trời ạ, nghe mà sướng như kiến bò khắp người. Anh bạn tôi, xin lỗi! đúng nghĩa (theo anh tự nhận), là một người buôn bán nhỏ, mà người ta hay gọi là “buôn thúng, bán mẹt”. Tuy “cái mẹt” bây giờ có khá hơn “cái mẹt” lúc khởi nghiệp, nhưng vẫn chỉ là “cái mẹt”. Khi được mời tham dự hội chợ, anh ta cười ngất ngư: “Giá mà có hội chợ “Ranh nhân tài hoa” nhỉ (!), Tớ sẽ xin một suất”. Có một số người háo cái danh xưng, nên đã tham gia. Khi tham gia mới biết, đúng là “hội chợ chồm hổm”, nhếch nhác như một phiên chợ quê. Chẳng lẽ “doanh nhân tài hoa” lại bị lừa à? thế thì còn gì là “tài hoa” nữa? Thôi thì cứ ca ngợi cho nó “tài hoa” luôn thể.

Vào những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, có một số doanh nghiệp lớn hẳn hoi, bỏ ra hàng chục ngàn USD, nộp cho một tổ chức “trời ơi” của nước ngòai, để rồi được nhận về mảnh giấy chứng nhận “ sản phẩm được yêu thích nhất”.Danh hiệu này, vô thưởng, vô phạt, đậm chất “tình mến thương”. Cùng nhận với “mảnh giấy” là một cái “cup”, hình dạng giống như một ngón tay trỏ đang cong, làm người ta liên tưởng đến cái “cù nèo”, hoặc ngón tay đang móc ngoặc, nhìn thật hài hước và ngớ ngẩn. Ấy vậy mà có doanh nghiệp hí hửng, vác danh hiệu, cùng với “cup” lên truyền hình quảng cáo hàng tháng trời, làm cho quan, lính của cái tổ chức “kinh doanh sự háo danh” bên trời Tây, nhịn cười đỏ cả mặt.

Bạn hãy tưởng tượng như thế này, bạn thành lập một công ty, công ty này chỉ có mỗi một việc là khen tặng người khác. Tất nhiên, ai muốn khen tặng, thì phải nộp “lệ phí khen tặng”, và đấy là nguồn lợi chính của công ty.

Muốn cái chuyện “khen tặng” được hấp dẫn, bạn cần phải xây dựng nhiều danh hiệu để khen tặng. Ví dụ như: “người đàn ông có cái đầu hói đẹp nhất”, “ Cô gái có hàm răng giả đẹp nhất” chẳng hạn.

Trong các cuộc thi sắc đẹp, bạn phải có thật nhiều danh hiệu và giải thưởng phụ, để sao cho hầu hết thí sinh đều được giải (!?). Ví dụ: “hoa hậu mặc quần đùi đẹp nhất”, “hoa hậu có mùi mồ hôi thơm nhất”…Bạn trao cho ai, là tùy bạn và ban giám khảo của bạn. Nhưng bạn phải nhớ điều quan trọng nhất: người nhận danh hiệu phải “nộp lệ phí”. Nhưng một số trường hợp, bạn cần phải “khuyến mãi”, tặng danh hiệu mà không lấy tiền.Tôi sẽ trở lại chi tiết này vào cuối bài viết.

Nếu khéo léo, bạn còn vận động các công ty khác tài trợ cho bạn tiền bạc. Lúc đó bạn sẽ trao các danh hiệu có gắn tên sản phẩm vào. Ví dụ: “hoa hậu mì ăn liền xx”, “ hoa hậu kem dưỡng da xx”, “hoa hậu kem đánh răng xx”....nếu cần, thì thêm “hoa hậu thuốc hắc lào xx”. Chữ xx mà tôi để trống, bạn chỉ cần gắn thay vào đó tên doanh nghiệp, hay tên thương hiệu là xong. Ví dụ: Công ty Tòan Lợi sản xuất kem đánh răng, có tài trợ cho bạn, thì bạn đưa ra giải phụ: “Hoa hậu kem đánh răng Tòan lợi”. (Dùng lọai kem này, thì chỉ còn “tòan lợi” thôi, răng rụng hết. Hoặc cũng có thể hiểu là tòan có lợi thôi, không có hại gì…Chuyện hiểu ra sao, mặc kệ thiên hạ.(Xin các bạn thứ lỗi! nếu như ví dụ này, vô tình trùng tên công ty của các bạn).

Bạn yên tâm đi, chuyện vận động tài trợ không khó khăn lắm, thậm chí người ta còn “xin đám” để tài trợ nữa kìa. Họ cũng “háo danh” không kém các cô gái chân dài, văn hóa ngắn, muốn đổi đời bằng một thứ danh hão. Ngọai trừ một số cuộc thi sắc đẹp có uy tín, còn lại là những cuộc thi sắc đẹp rất trời ơi.

Bây giờ, khắp các địa phương, ban ngành, nhà trường, lớp học… người ta đua nhau thi sắc đẹp, và cả sắc không đẹp. Sản phẩm của bạn chỉ sợ không đủ cung cấp thôi.

Nói tóm lại, bạn cần có hàng triệu danh hiệu khác nhau. Theo đó, bạn cũng cần có hàng triệu kiểu “Cup”, cờ, huy chương khác nhau. Thế là một xưởng sản xuất ra đời, chuyên sản xuất mấy thứ vừa nói.

Ở một số nước, kinh doanh kiểu này là có thật. Nói cho cùng, chuyện này ở nước họ là hợp pháp. Anh cứ đưa tiền cho tôi đúng yêu cầu, tôi sẽ khen tặng anh. Danh hiệu mà tôi trao cho anh, là danh hiệu do tôi đặt ra, không đụng chạm ai, và chỉ có giá trị giữa tôi và anh. Tôi làm cho “anh sướng”, thì anh phải trả tiền. Còn anh, anh cứ quảng cáo là anh được tôi khen tặng. Ai hiểu thế nào là việc của họ. Như thế là sòng phẳng nhé. Không có gì là lừa đảo hay vi phạm pháp luật.

“Háo danh” là nhu cầu có thật trong xã hội. Vậy thì phải có doanh nghiệp hay tổ chức nào đó thỏa mãn cái nhu cầu “háo danh” này chứ? Vậy là ngành “kinh doanh sự háo danh” đã ra đời.

Ở trong nước, chưa chính thức có ngành kinh doanh này. Nhưng trong thực tế, việc “kinh doanh” này vẫn liên tục phát triển âm thầm, dưới nhiều hình thức khác nhau, nhằm thỏa mãn sự “háo danh” của xã hội.

Nếu việc chạy chức, chạy quyền là có thật, thì việc chạy danh hiệu thi đua, khen thưởng cũng không có gì lạ. Bệnh “háo danh” này, xưa nay được che đậy bằng cái tên nhẹ nhàng hơn là: “Bệnh thành tích”, hay “Bệnh hình thức”. Chuyện này quá nhiều, quá phổ biến, hình thức thể hiện lại đa dạng, gần như không ai đủ kiên nhẫn để liệt kê cho đầy đủ.

Vấn đề đặt ra ở đây, tại sao nhiều người háo danh đến vậy? Đơn giản thôi, một số người háo danh vì cái tính sĩ diện hão, thích khoe khoang…để rồi, tự mình sướng với mình. Dạng này nghe có vẻ vô hại, nhưng nếu không cảnh giác, người nghe sẽ bị lừa. Phần đông những người háo danh luôn có mục đích. Vì cái danh, đi kèm với cái lợi, tiếp sau đó là đề bạt, cất nhắc..và cái đích đến là quyền lực và tiền bạc.

Mỗi người háo danh có cái cách thể hiện riêng,có cách kín đáo, có cách lộ liễu, ngô nghê đến bật cười. Tôi nhớ, có lần tôi thấy một doanh nghiệp nhà nước đăng quảng cáo trên báo, lại dành một phần trang trọng nhất đăng chân dung của giám đốc (?), với đầy đủ văn bằng, học vị. Thật lạ lùng, khách hàng cần uy tín sản phẩm với thương hiệu cụ thể, chứ có cần hình ảnh một ông giám đốc béo tốt đâu?! Thật tiếc, một giám đốc với học vị tiến sĩ, lại dùng tiền nhà nước quảng bá hình ảnh cá nhân lộ liễu như vậy. Hẳn nhiều người nghi ngờ cái bằng tiến sĩ kia, chắc gì là bằng thật? Mà nếu là bằng thật, thì kiến thức chắc gì đã thật? Nhân đây cũng nhắc lại lời một nhà thơ khá nổi tiếng, ông nói đại ý: “Bây giờ người ta phổ cập tiến sĩ tới cấp huyện. Nhiều ông tiến sĩ thật, xấu hổ, không dám nhận mình là tiến sĩ ”. Có người nói đầy ẩn ý rằng: “Khi đi học để làm luận án Thạc sĩ, hay Tiến sĩ, thì việc đầu tiên, phải biết yêu quí thầy cô giáo”. Tất nhiên là thế rồi, nhưng quan trọng là cái “cách yêu” cơ, bạn ạ!

Sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện truyền thông: phát thanh, truyền hình, báo chí, các ấn phẩm văn hóa, mạng internet tòan cầu…là cơ hội cho “bệnh háo danh” phát triển. Ở đây, tôi không nói đến sự quảng bá một cách chính đáng. Vì mọi cái chính đáng đều được hoan nghênh. Song, cũng cần lưu ý, có thể mục đích là trong sáng, nhưng khi quảng bá, ca ngợi quá mức, lại kích thích cho cái háo danh phát triển. Đơn cử, trong thể thao, chỉ cần một trận thắng coi được của đội tuyển bóng đá nam, là ngay lập tức một số tuyển thủ được ca ngợi lên tận mây xanh. Cứ như họ sắp trở thành “anh hùng dân tộc” đến nơi rồi. Thật là hài hước! Kết quả, một số tuyển thủ đã tự đánh mất mình, vì cái tài, cái tâm, cái đức không xứng với danh hiệu mà xã hội đã trao cho họ.

Điểm qua vài nét để bạn thấy rằng, thị trường “kinh doanh sự háo danh” là một thị trường đầy tiềm năng. Miễn sao bạn đánh đúng vào cái “háo danh” là bạn sẽ thành công. Ví dụ: cần tuyển nhân viên bán hàng rong, thì bạn quảng cáo tuyển nhân viên tiếp thị, hoặc dùng tiếng “Tây”: “nhân viên Marketing” cho nó “óach”; Hoặc bóng bẩy hơn, là tuyển “chuyên viên nghiên cứu thị trường”. Nói tóm lại, khi đã thỏa mãn cái “háo danh”, nhiều khi người ta làm việc chẳng cần lương ấy chứ (?!). Nếu khách hàng của bạn là các ông, bà “trọc phú”, bạn hãy khen họ: “Bác chỉ không biết chữ thôi, chứ nhìn bác trí thức lắm”(!?). Nhận lời khen này, tôi đảm bảo là họ không bao giờ quên bạn!

“Kinh doanh sự háo danh”, không đơn thuần chỉ là khen tặng, mà bạn cần biết cách tư vấn, giúp cho khách hàng của bạn “nhận ra” ra “giá trị ngủ quên” của họ. Bạn hãy nói họ bỏ tiền ra, và bạn hãy giúp cho họ nổi tiếng. Bạn tưởng tôi đùa à? không đâu, bây giờ thiếu gì trọc phú, khi có tiền rồi, đắp vàng vào người cũng chưa thấy sang; Vậy là họ thuê người viết sách, viết báo về mình để lòe thiên hạ. Họ tìm cách làm quen, kết thân với các văn nghệ sĩ, tổ chức gặp mặt, giao lưu ồn ào để làm sang cho mình. Thế mới biết: Nhà văn, nhà thơ cũng có giá lắm! Chỉ tiếc rằng các “nhà” nhiều khi “hồn nhiên” quá, người ta lấy mình “làm phông, làm nền” mà cũng không biết. Nhưng cũng chưa biết chừng, các “nhà” cũng đang âm thầm, chuẩn bị cho một chiến lược “kinh doanh sự háo danh” siêu lợi nhuận.

Trong chuyện kinh doanh này, các ca sĩ được coi là những người có “năng khiếu”. Có lần, tôi đi dự đám cưới ở một khách sạn sang trọng; Khách mời hôm đó có một số ca sĩ ngôi sao, được gia chủ giới thiệu là bạn bè của gia đình, làm các thực khách có mặt phải sững sờ, kính nể (!?). Các ca sĩ ngồi riêng một bàn tiệc, theo đúng nghĩa “vừa nhai, vừa hát” như người nhà; Nhưng thực chất, họ được gia chủ thuê dự đám cưới và góp vui văn nghệ với giá cao ngất ngưởng. Thế mới biết, “kinh doanh sự háo danh” hiệu quả như thế nào.

Nếu bạn muốn làm ăn nghiêm túc, những danh hiệu mà bạn trao tặng người khác thực sự có giá trị, và được xã hội thừa nhận, thì doanh nghiệp hay tổ chức của bạn phải đủ uy tín. Nghĩa là bạn phải phấn đấu không mệt mỏi, thực sự nghiêm túc trong việc xây dựng uy tín thương hiệu cho mình.

Nhưng nếu đơn thuần chỉ “kinh doanh sự háo danh”, thì điều trước tiên, bạn phải háo danh như khách hàng của bạn. Nghĩa là, bằng cách nào đó, bạn phải “đánh bóng sáng như gương” thương hiệu của bạn, sao cho ai soi vào đấy cũng tưởng mình đẹp, và họ sẽ sung sướng, tự hào khi bỏ tiền ra cho bạn, để rồi nhận lại từ bạn một danh hiệu, một kỷ vật, hoặc vài lời khen tặng tào lao, miễn sao thỏa mãn sự “háo danh” của họ.

Như phần đầu bài viết đã nói, có một số trường hợp bạn phải khen tặng “miễn phí”. Đó là trường hợp một số cá nhân, một số doanh nghiệp, không cần bạn khen tặng, tự thân họ đã nổi tiếng rồi. Họ đã được xã hội tôn vinh rồi. Gặp trường hợp này, bạn nên vận động họ tham gia chương trình của bạn, nhận danh hiệu mà bạn trao tặng“miễn phí”. Nếu họ không chịu nhận, bạn hãy tìm cách “quăng giải thưởng” vào nhà họ. Người có lợi sẽ là bạn đấy. Sự nổi tiếng thực sự của họ sẽ giúp bạn nổi tiếng. Lúc này, chính bạn mới là người háo danh đấy bạn ạ! Đương nhiên, bạn phải mất tiền.

Chuyện này, cũng giống như mấy “sếp”, khi đi dự tiệc với đối tác làm ăn, bỏ tiền thuê một em người mẫu, sắm vai bạn gái để cùng đi, làm các thực khách phải “bái phục”. Người ta xì xào: “Lão này nhìn như con “cóc cụ”, mà có con “bồ” xinh thế! Chắc chắn hắn phải giàu có, và tài ba lắm!?”

Như vậy là rõ, kinh doanh trong lĩnh vực háo danh, có thể bạn là chủ kinh doanh, cũng có thể bạn trở thành khách hàng. Nguyên tắc cơ bản của nó là: Ai háo danh hơn, người đó phải trả tiền.

Tuy nhiên, trong xã hội có rất nhiều người nổi tiếng. Cuộc đời họ là tấm gương sáng, sống động cho bao thế hệ; Nhưng họ không để ý đến danh tiếng, luôn luôn kiệm lời khi nói về mình. Đó là những người tâm đức và tài năng vẹn tòan. Sự cống hiến của họ luôn được xã hội trân trọng và thừa nhận. Tôi xin chúc các bạn sẽ là một trong những người như vậy.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét