Hạng người từ tối vào tối

Nếu mọi người ai cũng ý thức giữ giới không sát sinh hại vật thì thế giới này sẽ không còn chiến tranh, binh đao, sóng thần, động đất, lũ lụt, dịch bệnh và không còn lo sợ bị trả thù nên không bao giờ lo lắng, sợ hãi; đã không giết hại lại hay tu nhân thiện lành nên mọi người sẽ sống bình an, hạnh phúc.

Thế nào là tối? Tối ở đây là đen tối, hắc ám, u mê, tối tăm, dụ cho những việc làm xấu ác như giết hại, trộm cướp, tham lam, độc ác, tàn bạo, vô luân, nóng giận, thô lỗ, tiêu diệt, hủy hoại và không biết đúng sai. Do nhân như thế nên hiện tại sinh ra chỗ ti tiện, thấp kém, làm người ở đợ, đồ tể, lưới bẫy, nô lệ, gánh phân, lại bị người sai làm các việc hạ tiện, thân thể xấu xí, nghèo hèn, bệnh tật, chết yểu, đều gọi là tối.

Giết hại là cướp đoạt lấy mạng sống của chúng sinh gồm người và vật. Đối với chúng sinh mạng sống quý hơn tất cả, ai ai cũng tham sống sợ chết dù là con người hay các loài vật. Nếu chúng ta biết yêu quý mạng sống của mình như thế nào thì người và vật cũng yêu quý mạng sống như thế đó. Vậy tại sao ta nỡ tước đoạt mạng sống của chúng sinh? Khi giết hại một mạng sống, chính bản thân nạn nhân bị giết oán thù tăng lên chồng chất, oan gia này chất chứa mãi, đến khi hội đủ nhân duyên sẽ báo thù trở lại, đó là luật nhân quả vay trả tuần hòan. Chỉ vì ham muốn và thèm khátmà chúng ta đành lòng giết hại chúng sinh.

Thấy được thế gian luôn tương tàn tương sát lẫn nhau, lớn hiếp nhỏ, mạnh hiếp yếu để bảo tồn mạng sống cho riêng mình, đức Phật với lòng từ bi vô hạn nên đã hướng dẫn hàng đệ tử xuất gia không được giết hại dù trong tâm tưởng, huống hồ là trực tiếp giết hại. Thời Phật còn tại thế, đến mùa mưa là mùa sinh sôi nẩy nở của các sinh vật. Thuở ấy các thầy Tỳ kheo phải đi khất thực nên Phật vì thương xót mà chế ra ba tháng an cư tu tập tại chỗ để tránh giẫm đạp, giết hại các sinh vật. Hạng đệ tử tại gia Phật chế giới không được giết người là chính, còn từ con vật lớn như trâu, bò, heo, cừu, dê, gà, vịt, cho đến các con vật nhỏ cần hạn chế tối đa được chừng nào tốt chừng đó.

Hết thảy chúng sinh lìa nghiệp giết,
Mười phương thế giới dứt binh đao.
Người người theo Phật tu nhân thiện,
Cùng nhau chung hưởng cảnh thái bình.

Nếu mọi người ai cũng ý thức giữ giới không sát sinh hại vật thì thế giới này sẽ không còn chiến tranh, binh đao, sóng thần, động đất, lũ lụt, dịch bệnh và không còn phải lo sợ bị trả thù nên không bao giờ lo lắng và sợ hãi. Đã không giết hại lại hay tu nhân thiện lành nên mọi người sẽ sống trong bình an, hạnh phúc.

Trong các tội giết hại, giết người là tội nặng nhất và là tội ác lớn nhất nên giết người đa số phải chịu án tử hình đền mạng. Đó là hình phạt cao nhất trong các hình phạt. Thế nên hành vi tước đoạt mạng sống con người là tội ác cực kỳ nguy hiểm. Theo sự công bằng của xã hội, một kẻ giết người chắc chắn sẽ bị quả báo bị giết trở lại. Đôi khi luật pháp chỉ phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc chung thân là cùng, nhưng luật nghiệp báo không dễ dàng tha thứ. Vì sao? Vì chúng ta ai cũng coi sinh mạng mình là đáng tôn trọng tuyệt đối, nếu có ai âm mưu muốn hại là mình chống trả quyết liệt để bảo tồn mạng sống. Giết chết một mạng người tội ác rất lớn, là nhân gây thù chuốc oán đời này, đời sau. Nếu người bị giết lúc đó khởi niệm oán hận muốn trả thù thì đời sau họ sẽ trở thành thủ phạm khi hội đủ nhân duyên. Thực tế đã cho thấy rõ điều này, có người khi mới gặp ta cảm thấy mến thương, có người vừa gặp ta cảm thấy oán ghét, khó chịu. Do niệm căm thù muốn trả thù đã ăn sâu vào tàng thức nên khi gặp lại họ liền nhớ ngay. Do đó, là người con Phật chúng ta phải cẩn thận từng lời nói, hành động, ý nghĩ của mình để không xảy ra những lỗi lầm đáng tiếc. Nó sẽ biến thành hành động trong nay mai khi đã hội đủ nhân duyên.

Trường hợp chúng ta giết hại quá nhiều thì quả báo về sau là vô số kiếp bị giết hại lại, bị đọa vào chỗ khốn cùng để trả quả xấu. Nếu được làm người thì bị quả báo chết yểu, bệnh tật, thân thể xấu xí, nghèo hèn. Tuy nhiên, không phải giết người là tội như nhau, nếu người cố tình giết người để cướp của thì tội nặng hơn, vì đây là tội cố tình đã tính toán trước, cũng như do oán thù muốn giết người cho hả giận; ngược lại, nếu chỉ cướp của mà bị người phát giác nên sợ quá giết người phi tang thì tội sẽ nhẹ hơn; cũng giống như trường hợp của Tào Tháo với quan niệm thà giết lầm hơn bỏ sót dù đó là người ơn, tội này rất nặng vì đã có tâm cố sát. Tào Tháo một hôm bị thất trận trên đường tị nạn mới nhớ mình có người bạn thân nên ghé qua nhà tá túc. Bạn bè lâu ngày không gặp nên gia đình kia mừng quá đón tiếp thân mật, người chồng bèn đi mua rượu và sai gia nhân ở nhà chuẩn bị giết heo đãi khách. Nghe tiếng mài dao sột sạt phía sau, Tào Tháo sanh nghi nghĩbạn mình đi báo quan và sai người nhà chuẩn bị vũ khínên ra tay sát hại không thương tiếc. Người bạn thân đang hân hoan đi về với bình rượu trên tay, sợ bị tố giác nên Tào Tháo cũng nhẫn tâm không tha mạng. Nghiệp chinh chiến lúc nào cũng làm con người ta lo sợ, nghi ngờ vì ai cũng tham sống sợ chết. Tào Tháo trong cơn sợ hãi bị thua trận nhưng may mắn thoát chết nên đi tới đâu cũng bị ám ảnh ai cũng là kẻ thù cộng với nhận định, hiểu biết sai lầm nên si mê, chấp ngã mà giết hại lẫn nhau. Chính vì vậy mà các vua quan thời phong kiến khi giết một ai do tội phản bội đều ra lệnh giết sạch 3 họvì sợ bị trả thù.

Tình đời là thế, cứu vật vật trả ơn, giúp người người trả oán. Gia đình người bạn đang sống êm đềm hạnh phúc, chỉ vì một chút nhân duyên bè bạn mà cả gia đình đồng chịu nạn thảm sát. Thời chiến tranh lọan lạc con người càng thêm độc ác hơnvì ai cũng muốn bảo tồn mạng sống. Khi đã gieo nghiệp ân oán, thù hằn, giết hại lẫn nhau thì dễ dẫn đến nghi ngờ, sợ sệt nên Tào Tháo thà phụ người chứ không để người phụ. Điều này cho thấy con người vì muốn bảo vệ tính mạng của mình nên sẵn sàng giết hết tất cả chỉ vì tham sống sợ chết. Ngày xưa, chiến tranh xảy ra chưa có vũ khí hiện đại nên sự giết hại cũng hạn chế. Con người do lòng tham mê chấp ngã, nghĩ mình là trung tâm vũ trụnên muốn làm bá chủ thiên hạ, do đó bất chấp mọi hiểm nguy, ỷ tài cậy sức mà tung hoành ngang dọc thu phục thiên hạ, theo thì sống, không theo thì chết. Sau này khi đã nắm được quyền hành, những người không theo Tào Tháo đều giết sạch, ai chỉ nghi ngờ ông cũng giết luôn nên có câu “thà giết lầmhơn bỏ sót” là vậy. Do si mê chấp ngã và lợi dụng mình là Thiên tử, tức con trời được thừa hành đấng tối cao trị vì thiên hạ mà thời phong kiến ai làm vua thì có nhiều cung phi mỹ nữ, người hầu kẻ hạ, muốn ăn món nào thì dù có lên rừng thiêng nước độc hay lặn xuống biển sâu cũng phải tìm cho vua ăn bằng được.

Ngày nay, trên đà phát triển của văn minh loài người, con người càng ngày càng thêm tiêm nhiễm thói quen tật xấu, hưởng thụ trác táng, ăn chơi nên mặc tình gây tạo tội lỗi. Tệ nạn xã hội càng ngày càng gia tăng một cách khủng hoảng do nền giáo dục qua sách báo, phim ảnh đồi trụy một cách công khai dẫn đến tha hóa lòng người. Nhiều vụ giết người dã man chỉ để lấy vài trăm ngàn tiêu xài, như có trường hợp một bé gái mới 14 tuổi vì không có tiền chơi game nên đành đoạn giết một em bé 2 tuổi lấy đôi bông tai đem bán chỉ với 290 ngàn đồng. Vô số trường hợp giết người một cách tàn nhẫn chỉ vì một chút lợi nhỏ, đạo đức nhân cách, phẩm chất con người thời nay xuống cấp quá mức đã đến hồi báo động, pháp luật cần phải có biện pháp và cách thức để ngăn ngừa giết hại. Các nhà lãnh đạo, nhà giáo dục, nhà tâm linh cần ngồi lại để tìm ra giải pháp, cách thức làm sao giúp con người nhận thức sáng suốt về những nỗi khổ, niềm đau từ sự giết hại. Theo quan niệm thần quyền ông trời sinh ra vạn vật để phục vụ thần linh và con người. Ai theo truyền thống này sẽ cám ơn thượng đế vì đã ban ơn cho họ, nên ngày xưa họ cúng thần linh rất nhiều loài vật, mỗi lần như thế là hàng trăm con vật. Xã hội thế gian giết người phải đền mạng có luật lệ rõ ràng, loài vật kém phước hơn nên không có luật pháp hạn chế, ta không nên vì thế mà cố tình giết hại. Vì quan niệm trời sanh ra vạn vật, con vật dùng để cúng tế thần linh và phục vụ con người nên có học thuyết vật dưỡng nhơn. Từ chỗ thấy bản ngã của mình là trên hết màta chấp trước, bám víu, lợi dụng lòng tin thiếu hiểu biết mà tán thành việc giết vật dưỡng nhơn.

Theo quan niệm nhà Phật, không có một cá nhân tạo ra tất cả, mọi thứ đều do nhiều nguyên nhân kết hợp lại mà thành, cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không. Mọi thứ đều diễn biến theo tiến trình của nhân quả, làm lành được hưởng phước, làm ác chịu khổ đau. Nhà Phật có nói về tội ngũ nghịch, gồm các tội làm thân Phật chảy máu, giết A la hán, phá hòa hợp Tăng, giết cha, giết mẹ. 5 trọng tội này là tội nặng nhất trong các tội giết người. Ai phạm vào những trường hợp này đều phải trả quả khổ báo cùng cực vô số kiếp trong địa ngục Vô Gián (chịu khổ liên tục) và bị giết lại thường xuyên ở nhiều kiếp về sau. Người này sẽ bị đánh đập, hành hạ, đày đọa cực kỳ đau khổ vì sự ra đi của người bị giết là sự mất mát to lớn của thế giới loài người. Những người này đã từng đem lại nhiều lợi ích lớn lao cho nhân loại. Chúng ta nên nhớ có cha mẹ mới làm nên thân, được dưỡng nuôi, lo vật chất đầy đủ. Ngoài cha mẹ, thầy Tổ giúp tinh thần, an vui trong tỉnh giác. Vì thế, cha mẹ và thầy Tổ ơn sâu khó đáp đền và cao cả như thế mà chúng ta nhẫn tâm giết hại thì thật sự hết sức đau lòng. Giết một vĩ nhân thánh thiện để lại nỗi niềm tiếc nuối đau thương, vì thế giới phải mất đi một chỗ nương tựa vững chắc cùng những phút giây bình an nhất do người đó mang lại. Ấy vậy mà thế gian vẫn thường xuyên có chuyện đó. Nhân tình thế thái đã mất hết lương tri, phạm vào tội này quả thật khó bề cứu chữa. Người ơn của mình mà còn nhưvậy thì nói gì đến người dưng nước lã, tội này khó bề sám hối, kẻ sát nhân phải chịu quả cực kỳ đau khổ, khi làm súc sinh bị đánh đập giết hại trở lại, nếu được làm người thân thể phải xấu xí, bệnh hoạn, tật nguyền, chết yểu.

Vua A Xà Thế vì ham uy quyền thế lực cũng đã nhẫn tâm cướp đoạt ngôi vua và hành hạ cha mình trong ngục tối cho đến chết. Sau nhờ Phật tế độ mà vua nhận ra sai lầm, từ đó ăn năn, sám hối với lòng thành khẩn, thiết tha, phát tâm quy y Tam Bảo, nguyện hộ trì Chánh pháp và hướng dẫn dân chúng an cư lạc nghiệp trên tinh thần vì lợi ích mọi người; nhờ vậy đất nước luôn sống trong tình đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau. Sau khi Phật niết bàn, vua A Xà Thế là người đứng ra phân chia xá lợi và cũng là người đầu tiên đứng ra hỗ trợ cuộc kết tập kinh điển lần thứ nhất tại núi Kỳ Xà Quật, do tôn giả Ca Diếp chủ trì. Luận về nhân quả của vua A xà thế, ta thấy nhờ công đức sám hối, cải tà quy chánh, biết phục thiện nên hiện đời làm được vô số việc phước thiện lớn lao và còn hướng dẫn dân chúng biết làm lành lánh dữ, tu nhân tích đức. Tội giết cha để chiếm đọat ngôi vua đáng lẽ phải chịu tội chết thê thảm nhưng do biết ăn năn, hối hận, cải tà quy chánh, làm nhiều việc lợi ích lớn lao mà chuyển hóa được. Người có uy quyền thế lực do nhiều đời tích lũy phước báo nên đời này mới được làm vua, làm vua thì nắm quyền sanh sát trong tay. Nếu là vị vua nhân từ, đức độ thì sẽ giúp dân được no cơm ấm áo, dân giàu nước mạnh, an lạc thái bình; ngược lại sẽ làm dân tình khốn khổ, khó khăn thiếu thốn, đời sống bần hàn, cơ cực, luôn sống trong lo âu, sợ hãi và bất an.

Lịch sử loài người từ khi khai thiên lập địa cho đến nay đã có không biết bao nhiêu cuộc tàn sát, giết hại lẫn nhau chỉ vì muốn làm bá chủ thiên hạ. Do nghiệp giết hại chiêu cảm mà thế giới lúc nào cũng có chiến tranh, binh đao giết hại, tàn sát lẫn nhau bởi nhân quả tương tàn, tương sát. Phật đã nhìn thấy rõ điều này nên cấm người xuất gia không được giết hại, phần người cư sĩ hạn chế bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu.

Trong kinh nói:

Ai ai cũng sợ gươm đao,
Ai ai cũng quý mạng sống,
Lấy lòng mình suy lòng người,
Chớ giết, chớ xúi người giết.

Đối với chúng sinh mạng sống quý hơn tất cả, nếu chúng ta biết yêu quý mạng sống của mình thì người và vật cũng yêu quý mạng sống như thế. Vậy sao ta nỡ tước đọat mạng sống của chúng sinh? Ngày xưa, con người hay mang danh đấng quyền năng để thu phục thiên hạ, ai theo thì sống, không theo thì chết nên sự giết hại quá nhiều, làm lòng người càng thêm oán hận. Cứ thế đời này kiếp nọ vay trả, trả vay không có ngày thôi dứt. Do sự giết hại cùng một lúc quá nhiều người mà thế giới lúc nào cũng xảy ra chiến tranh, thiên tai, sóng thần, động đất, lũ lụt và nhiều loại dịch bệnh. Việc giết một người biết tu nhân tích đức, luôn hướng dẫn cho nhiều người tu hành, đã từng đem lại lợi ích lớn lao cho nhân lọai thì tội càng nặng hơn. Tên bạo ác phải chịu khổ báo cực kỳ đau khổ, vô số kiếp bị giết hại trở lại và kèm theo quả báo si mê, đần độn. Nghiệp tội này không biết bao giờ mới trả cho hết với những quả khổ liên tục dù mang bất cứ ở hình dạng nào, nếu làm thú thì bị đánh đập, giết hại thường xuyên; khi làm người thì bần tiện, khốn cùng, nghèo khổ, đói rách, cô đơn, thiếu thốn, mọi người khinh ghét, xa lánh hoặc bị giết hại vô cớ. Nếu người bị giết có công trạng lớn lao với quốc gia, thế giới, đã từng đem lại nhiều lợi ích cho nhân lọai thì sự giết hại này mang tội rất nặng. Hiện đời kẻ sát nhân phải chịu quả báo mạng đền mạng và vô số kiếp bị đọa vào chỗ khốn cùng, nếu được làm người sẽ bị trù dập, hãm hại, bị khủng bố, thân phận thấp hèn và chịu nhiều quả báo bệnh tật, chết yểu. Khi giết một người tức đã cướp đọat đi sự nghiệp đang gầy dựng của người đó, quả báo về sau dành cho họ là nhiều đời nhiều kiếp sinh ra bị bỏ rơi, nghèo khổ, lang thang, ngu dốt, đói khát.

Một trường hợp đặc biệt khác khi đức Bồ Tát cùng đi chung một chiếc thuyền buôn gồm có 500 người trong một tiền kiếp xưa. Khi thuyền gặp phải bọn cướp, chúng ra tay định sát hại mọi người thì Bồ tát đã nhanh tay giết bọn chúng trước. Trong trường hợp này tội phước ra sao? Bồ Tát có phạm vào giới sát hay không? Dĩ nhiên vẫn có tội với bọn cướp, nhưng việc cứu 500 thương buôn khỏi họa bị giết người cướp của, vẫn sống an ổn, bình yên lại tạo phước rất lớn; do đó tuy phạm mà không phạm, đây là giới Bồ Tát vì cứu nhiều người lương thiện và diệt trừ tệ nạn phi pháp. Cứu sống được 500 người thương buôn sẽ đảm bảo đời sống an sinh cho nhiều người, tuy có tội với bọn cướp nhưng không đáng kể; do đó tội phước cũng không cố định, tùy theo nguyên nhân mà kết thành tội hay phước. Nếu giết một người là lao động chính trong gia đình sẽ làm cả nhà bơ vơ, côi cút, thiếu thốn, khó khăn, nghèo khổ, không còn khả năng sinh sống; ngoài việc chịu quả báo hiện đời bị tử hình hoặc chung thân thì còn chịu thêm nhiều đời sinh ra bị bỏ rơi, nghèo khó, không nơi nương tựa. Khi giết một người để lại sự mất mát, đau khổ cho nhiều người thì gây ra oán hận, thù hằn chồng chất; kẻ giết người sẽ khổ não, thất vọng vàsụp đổ trong nhiều kiếp về sau.

Tuy nhiên, không phải giết người là tội bằng nhau, tùy theo mức độ giá trị của người bị giết mà sẽ trả giá nhiều hay ít. Trường hợp giết người do bảo vệ biên cương, bờ cõi để mọi người được sống bình yên, an ổn do ngọai bang xâm lăng thì tội này cũng không đáng kể vì đã có công giữ gìn đất nước. Vậy tội hay phước còn tùy giá trị người bị giết chứ không cố định một chiều. Những người đang thi hành nhiệm vụ để bài trừ tệ nạn xã hội mà tình cờ bắn chết một tên trùm ma túy nguy hiểm đã gây mầm đầu độc con người, làm tổn hại nhiều cho nhân lọai sẽ giúp đất nước giảm được thiệt hại nặng nề về con người lẫn vật chất; giết tên tội phạm này vừa được khen thưởng lại rất xứng đáng tuyên dương vì đã góp phần vào công cuộc cải thiện văn minh tiến bộ cho con người, giúp xã hội không bị những thứ độc hại quyến rũ và xâm phạm.

Vì việc giết hại do sự chấp ngã mà ra nên một số người đã lợi dụng quyền thế đặt ra học thuyết “vật dưỡng nhơn”, trời sinh ra vạn vật để phục vụ con người và thượng đế. Ai theo truyền thống này sẽ cảm ơn thượng đế vì đã ban cho họ lộc ăn nên mặc tình giết hại, ăn thịt chúng sanh. Vậy thực sự loài thú có chấp nhận đem mạng sống nuôi mạng người hay không? Một sự thực không thể chối cãi được là thế gian này tương tàn, tương sát lẫn nhau, mạnh hiếp yếu, lớn hiếp nhỏ. Loài vật lớn dùng sức mạnh bắt những con vật nhỏ để ăn. Con người khôn hơn đã lợi dụng danh đấng quyền năng để phục vụ cho mình. Với quan niệm cúng tế thần linh, ngày xưa khi đến ngày lễ người ta phải giết hàng trăm sinh vật để tế thần, sau bày biện thức ăn hưởng lộc. Đức Phật ra đời chỉ dạy quả báo của sự giết hại nên dần dần tập tục mới thay đổi. Nếu ai cũng nghĩthượng đế sanh ra vạn vật để phục vụ con người thì thật là quá bất công, tội lỗi. Khi giết con vật như trâu, bò, heo, dê, chúng vẫn giẫy giụa, kêu la thảm thiết; thậm chí có con khi biết sắp sửa bị giết còn rơi nước mắt trông rất tội nghiệp. Thật ra, đâu có con vật nào tự hiến mình nạp mạng, chỉ vì chúng yếu thế hơn phải đành chấp nhận chịu vậy mà thôi.

Nhớ lại những năm 78, 79 chúng tôi ở những nơi rừng sâu, nước độc để làm công tác xây dựng vùng kinh tế mới. Nhiều người dân tộc cũng thường làm bẫy để bắt những con thú lớn, nhất là loài heo lẻ bầy rất hung dữ. Mỗi khi bị treo giò vì mắc bẫy, chúng sẵn sàng cắn đứt một chân rồi ở lại rình chủ nhân để trả thù. Đây là kinh nghiệm của những người làm nghề bẫy thú kể lại. Đây là bằng chứng cho thấy loài thú không hề hoan hỷ cống mình nạp mạng cho con người. Ngược lại chúng nói “người dưỡng vật” thì mình có chịu không? Chắc chắn là không! Vậy tại sao chúng ta bắt “vật dưỡng nhơn”? Ngay đến con muỗi, con rệp chích lấy chút máu mà ta còn không chịu, vẫn sẵn sàng đập chết không thương tiếc; vậy mà mạng sống loài vật ta vẫn không đoái hoài nghĩ lại. Loài người thật quá bất công! Vì ham muốn và thèm khát để bồi bổ thân mình mà đổ thừa “vật dưỡng nhơn” như thế.

Tuy nhiên, dù giết sinh vật để cung cấp thực phẩm cho con người cũng là tội, nhưng tội này tùy theo giá trị của sự giết hại mà tội và phước sẽ có phần cụ thể. Phước ở đây là cung cấp thực phẩm để phục vụ con người, do đó ta phân ra làm 3 vế: người nuôi, người giết và người ăn. Có người đổ thừa tại có người ănnên mới có người nuôi và người giết. Vâng, đúng là như thế! Vấn đề này Phật đã thấy rõ ràng. Thế gian là một chuỗi dài nhân duyên, là một cái vòng lẩn quẩntương tàn, tương sát lẫn nhau; lớn hiếp nhỏ, mạnh hiếp yếu để bảo tồn mạng sống. Bởi thếvì lòng từ bi vô hạn nên Phật đã chế ra giới không được giết hại đối với người xuất gia, không trực tiếp giết, xúi bảo người giết, không hoan hỷ khi thấy người giết dù chỉ trong tâm tưởng.

Người Phật tử tại gia trước tiên không được giết người và hạn chế tối đa từ con vật lớn cho đến các con vật nhỏ, bất đắc dĩ lắm ta mới giết vật để nuôi thân này. Cho nên Phật nói “có thân là có khổ”, vì muốn bảo tồn sự sống mà chúng ta đành lòng giết vật. Người Phật tử vì hoàn cảnh sống nên phải nuôi súc vật bán để lấy tiền nuôi thân, nhất là những người ở vùng quê xa xôi hẻo lánh, họ chỉ nuôi bán mà không trực tiếp giết hại, tuy vẫn có tội nhưng nhẹ hơn người trực tiếp giết. Tội ở đây là khi giết hại mạng sống con vật làm chúng đau đớn giẫy giụa khi bị cắt cổ, mổ bụng. Người con Phật phải biết khôn ngoan, sáng suốt chọn lựa nghề nghiệp chân chánh để ít làm tổn hại các loài vật; ở đây ai khôn thì nhờ, ai dại thì chịu, vì đó là qui luật sống để sinh tồn của thế gian, không còn con đường nào khác. Trường hợp bất đắc dĩ vì sinh ra ở vùng sông biển nên phải làm nghề chài lưới đánh bắt các loài thủy sản, nhưng ta không nên đánh bắt các lòai còn quá nhỏ vì luật pháp vẫn cấm đoán và có hình phạt rõ ràng khi vi phạm. Tuy nhiên, luật nhân quả không dễ dàng tha thứ khi hội đủ nhân duyên khi ta quá tàn ác và nhẫn tâm. Điều chính yếu Phật chế giới cho người tại gia là không được giết người, các loài vật từ lớn đến nhỏ hạn chế tối đa được bao nhiêu hay bấy nhiêu, cho đến khi nào đủ điều kiện thì chúng ta giữ giới hòan toàn không giết hại.

Nhiều người tuy hiểu biết Phật pháp, tuy tin nhân quả nhưng không dám quy y vì sợ tội nhiều hơn nếu lỡ phạm giới. Xin thưa với quý vị, đã phạm tội thì ai cũng bị xử lý như nhau, nhưng người con Phật khi phạm tội sẽ nhớ mình là phật tử mà cố gắng sám hối, ăn năn, ráng chừa bỏ, rồi từ từ tội diệt phước tăng. Người không quy y khi làm tội không biết sám hối chừa bỏ và không có chỗ nương tựa, do đó tội chồng tội vô tình rơi vào hố sâu tội lỗi. Phật chế giới không giết hại vì lòng từ bi vô hạn đối với muôn loài để chúng ta thấy rõ sự tác hại của nó mà cố gắng tìm cách vượt qua. Vì thế, là người Phật tử ta phải biết khôn ngoan, sáng suốt chọn lựa nghề nghiệp chân chánh để sinh sống làm sao không làm tổn hại đến muôn loài, muôn vật.

Trong cuộc sống khó tránh khỏi việc giết hại bất đắc dĩ như làm ruộng, trồng hoa màu để cung cấp và phục vụ cho con người, phải sịt thuốc trừ sâu, làm vệ sinh hại đến các loài trùng, kiến. Vậy người con Phật phải làm thế nào trong trường hợp này? Muôn lòai trên thế gian vốn tồn tại trong nhịp cầu nhân quả tương quan mang tính cách tương đối, nếu con người biết điều hòa phù hợp thì sẽ hạn chế tối đa sự giết hại. Ruồi, muỗi, chuột, gián là những loài có thể lây lan bệnh tật cho con người, vì bảo vệ sức khỏe mà chúng ta tiêu diệt chúng một cách không thương xót. Thật ra, nếu ta sống vệ sinh, ngăn nắp, thường xuyên dọn dẹp sạch sẽ thì sẽ hạn chế việc giết hại các loài vật. Thời Phật tại thế có vị tỳ kheo vì muốn giữ giới trong sạch nên không dám dọn dẹp, làm vệ sinh sạch sẽ chung quanh nhà vì sợ làm chết các loài côn trùng. Phật biết được nên chỉ dạy, “ông chỉ dọn dẹp sạch sẽ, đừng khởi tâm sát hại là được, không sao! Nơi nào không làm vệ sinh, dọn dẹp sạch sẽ là nơi có cơ hội phát sinh các loài sinh vật có hại. Vậy trong nhà có nhiều kiến thì phải làm sao? Kiến là loài vật sống bám theo con người do cộng nghiệp chiêu cảm, chúng sống nhờ những thức ăn dư thừa. Muốn cho chúng không sinh sôi nẩy nở, hoạt động tràn lan trong nhàthì chúng ta mỗi ngày phải biết bố thí cho chúng và cố gắng sắp xếp một chỗ thật xa nhà nhất để chúng có thức ăn sinh sống, bảo đảm chúng sẽ không làm phiền chúng ta. Việc làm này chúng tôi đã từng thí nghiệm và có kết quả như ý muốn. Giết hại là một thói quen xấu có tính cách hại người, hại vật làm cho nhân lọai khổ đau. Chúng sinh bất ổn là nhân tối tăm, u mê, mờ mịt. Loài vật khi bị giết hại sẽ oán hận ăn sâu vào tàng thức rồi trở thành oan gia trái chủ, khi hội đủ nhân duyên sẽ trả thù trở lại.

Tóm lại, hạng người từ tối vào tối là hạng người kém phước đức do đời trước làm nhiều việc xấu ác như giết hại, trộm cướp, tham gian, tà dâm, vô luân, tàn ác, hung bạo. Đời này sinh ra chỗ ty tiện, thấp kém, tà kiến sâu nặng, không tin nhân quả nên 3 nghiệp thân-miệng-ý tiếp tục gieo tạo tội lỗi. Do chủng tử thói quen xấu nhiều đời quá sâu dày nên không có hiểu biết phân định đúng sai phải đành chấp nhận số phận đã an bài, suốt đời sống trong đau khổ, lầm mê.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét