Tiền làm người ta thoả mãn được những nhu cầu từ thông thường cho tới cao đẹp lớn lao, nhưng đồng thời cũng thoả mãn được dục vọng thấp hèn nhất, những nhu cầu quái đản, thậm chí phản xã hội. Người ta phải trả tiền nếu muốn có cái gì đó.
Tiền đem lại nhiều điều liên quan tới cơ thể, liên quan tới sự nhìn nhận của người khác về mình. Tiền đem lại nhan sắc, xoá dấu vết thời gian trên gương mặt phụ nữ. Tiền đem lại dáng vẻ đàn ông cho các đấng mày râu. Người ta sẵn lòng trả giá rất cao để nhu cầu được thoả mãn. Và người ta sẵn lòng mất nhiều năm kiếm tiền để được một lần thoả mãn nhu cầu không giống ai. Có cầu thì có cung, những nơi cung ứng nhu cầu đó có thu nhập rất cao.
Có rất nhiều thứ có thể biến thành tiền ở khắp mọi nơi và trong mỗi con người. Nếu biết cách, thì mọi thứ đều có thể biến thành tiền. Đất đai, nhà cửa, lòng thương hại, chức quyền, tay nghề, sự cao thượng, lòng độc ác, tình thương, sự căm giận,... đều biến được thành tiền nếu biết cách. Có tiền theo nhiều cách và chi tiêu cũng lắm vẻ. Người thì tính toán từ xa đầu ra đầu vào để hy vọng có được tiền trong khi có tổ chức tìm cách chi tiêu hết tiền được cấp được xin. Người thì không biết ngày mai có gì để sống trong khi có kẻ tìm cách tiêu tiền để thoả mãn những nhu cầu bất bình thường. Người thì tìm mọi cách để có tiền cho con ăn học thì có kẻ lại tìm cách tiêu bớt tiền, tìm cách làm cho tiền kiếm được một cách phi pháp trở nên hợp lệ.
Nạn sùng bái tiền có nguồn gốc là sức mạnh của tiền và với những người bình thường thì tiền có thể làm được mọi thứ mà họ quan tâm đến, có tiếng nói quyết định trong những quan hệ mà họ được biết. Còn đối với những người đại diện cho các quyền lực đỉnh cao thì tiền có sức mạnh giới hạn, và người ta quan tâm tới những thứ có tiền, có rất nhiều tiền mà không thể làm được.
Nạn sùng bái tiền thể hiện tầm vóc sức mạnh hạn hẹp của những người có mối quan tâm đó, thể hiện mối quan tâm hạn hẹp, và phải giải quyết những vấn đề của nó. Tiền không mang lại hạnh phúc. Tiền không thể kéo dài tuổi thọ mãi cho con người.
Các nhà khoa học, các triết gia, các nhà văn, các nhà thơ,... nói về sức mạnh vô địch của tiền ở những góc độ khác nhau bằng ngôn ngữ giản đơn của đời sống hàng ngày, tới những áng thơ văn suốt từ thời cổ đại đến thời hiện đại, và bằng ngôn ngữ hàn lâm uyên thâm.
Một thời người ta đọc cho nhau nghe mấy câu và cười khoái chí: "Tiền là tiên là Phật, là sức bật tuổi trẻ, là sức khoẻ tuổi già, là đà cho danh vọng, là lọng để che thân, là cán cân công lý. Tiền: Hết ý! Hí Hí".
Nhân loại đã có vô số áng văn thơ nói về tiền. Tiền đem lại sức mạnh, lòng tự tin, sự can đảm cho những người có tiền: "Mạnh vì gạo, bạo vì tiền". Có biết bao nhiều lời lẽ ca ngợi sức mạnh và vẻ đẹp của tiền thì nhiều gấp bội lời lẽ phỉ báng nguyền rủa tiền.
"Vàng là một vật diệu kỳ! Ai có vàng thì muốn gì cũng được. Vàng thậm chí còn có thể mở được cả cửa thiên đường cho các linh hồn" (Columbus )
Với những người không có tiền, không có nhiều tiền và không có những mối quan tâm lớn, không có những đam mê, không có những niềm vui sống, không có những thứ mà có tiền cũng không mua được như tài năng, khả năng sáng tạo trong những lĩnh vực mà có thể lưu danh tên tuổi vào lịch sử như trong khoa học hoặc nghệ thuật, lương tâm, trách nhiệm, đạo đức, khả năng lãnh đạo các tổ chức lớn,... thì tiền quả là có một sức mạnh vạn năng. "Chúng ta hãy giàu có hoặc tỏ ra giàu có" (Dideros)
Sức mạnh của tiền trước hết là khả năng của tiền có thể điều khiển con người. Tiền là một thứ quyền lực xã hội mà có rất nhiều cách thức để đạt được quyền lực đó. Nó là thứ phiếu bầu của các cá nhân và tổ chức cho các hàng hoá và dịch vụ và nó được xã hội công nhận nhờ một tổ chức đại diện cho xã hội là nhà nước. Để đạt được tiền tệ thì cách cơ bản nhất là làm được một cái gì đó cho người có tiền, hoặc hứa hẹn làm được điều gì đó đối với người có tiền về một việc nào đó có thể xảy ra.
Gia đình hạnh phúc cũng là do tiền, gia đình bất hạnh, ly tán, tha phương cầu thực cũng là do tiền, do phải kiếm tiền.
Tiền có khả năng quy tụ các sức mạnh của xã hội để làm những điều phi thường: "Lòng tham lam hy vọng nắm tóc thần Plu-ton mà lôi ra khỏi lòng trái đất" (Athenaeus)
Vì tiền, người ta sẵn sàng mang lại điều khốc hại cho đồng loại, như cụ Nguyễn Du đã nói: "Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền". Những tai họa do tiền gây ra rất lớn.
"Trên thế gian này không có gì xấu xa hơn tiền. Tiền phá huỷ các thành phố, đuổi người ta ra khỏi cửa nhà, và quyến rũ những tâm hồn cao thượng đi làm những công việc nhục nhã, chúng bày cho con người phạm những tội ác và đẩy họ đến chỗ vô thần" (Sophocles, "Antigone")
"Vàng! Vàng quý giá, màu vàng và óng ánh!
Chừng ấy vàng cũng đủ biến đen thành trắng, xấu thành đẹp,
Sai thành đúng, đê tiện thành cao quý, già thành trẻ, hèn nhát thành anh dũng
... Hỡi các thần linh! Tại sao lại như thế?
Tại sao nó lại kéo những pháp sư và đệ tử của các thần ra khỏi nơi thờ cúng;
Tại sao nó lại giật chiếc gối dưới đầu những kẻ ốm đau?...
Tên nô lệ màu vàng đó
Dựng lên và phá vỡ các tôn giáo; ban phúc lành cho những kẻ bị nguyền;
Làm cho bệnh hủi trắng được thờ phụng; đưa bọn trộm cắp
Lên ngang hàng với các nguyên lão nghị viên
Và làm cho chúng được chức tước, hoan nghênh và cung kính;
Chính nó làm cho mụ goá già trở thành cô dâu mới...
... Cút đi, cục đất đáng nguyền rủa
Con đĩ chung của giống người..."
(Shakespeare. "Timon ở Athens ")
Ngôn ngữ uyên thâm của Karl Marx đã thể hiện tuyệt hay về nạn sùng bái tiền: "Giống như tất cả những sự khác nhau về chất giữa các hàng hoá đều biến mất trong tiền, thì tiền, một kẻ theo phái bình quân triệt để, đến lượt nó lại xoá bỏ mọi sự phân biệt. Nhưng bản thân tiền cũng là hàng hoá, là một vật bên ngoài, có thể trở thành sở hữu riêng của bất kỳ người nào. Như thế là một lực lượng xã hội trở thành lực lượng riêng của tư nhân. Vì thế cho nên xã hội cổ đại đã tố giác tiền, coi đó như là một thứ đã làm tiêu tan trật tự kinh tế và đạo đức của họ. Xã hội hiện đại, ngay trong thời thơ ấu của mình, cũng đã nắm tóc thần Pluton mà lôi ra khỏi lòng trái đất, đã chào đón vàng như là hiện thân chói lọi của cái nguyên tắc thầm kín nhất của cuộc sống của mình".
Theo PHATTRI
0 Nhận xét