Nhận thức bệnh tâm thần: Quan trọng hơn trong thời khủng hoảng

Vài điều khái quát

Lịch sử ngành tâm thần đã trải qua hơn 200 năm, từ khi Johann Christian Reil đặt tên cho thuật ngữ PSYCHIATRY. Chữ ghép “iatry”, gốc Hylạp iatros là thày thuốc mang ý nghĩa rất quan trọng vì chứng minh tâm thần (psychiatry) là một chuyên ngành y khoa.

Psychiatry không đơn thuần là một từ mà là một thuật ngữ với nguyên tắc kết nối liên tục giữa trạng thái tâm thần và cơ thể; tâm thần và bệnh tật cơ thể không tách rời nhau Theo Gs Reil, bệnh tật của con người không thể do nguyên nhân tâm thần, chuyển hóa hay do sinh lý riêng rẽ mà do tác động của ba trạng thái trên.

Quan điểm từ 200 năm trước của Gs Reil đến nay vẫn là chìa khóa tư duy về chuyên ngành tâm thần, trong đó, tâm lý trị liệu là một phương pháp tương tự như các phương pháp điều trị khác. Ông chống lại quan niệm xem người bị bệnh tâm thần là nỗi nhục bản thân và gia đình, đồng thời yêu cầu xã hội bỏ định kiến và phân biệt đối xử người bệnh tâm thần.

Chúng ta có thể nói ngành tâm thần có một quá trình lịch sử đau đớn lâu dài, trước hết cho bản thân người bệnh, sau cho cả thầy thuốc chuyên khoa tâm thần vì không được đối xử công bằng như những con người còn lại của xã hội.

Thời trung cổ, người bệnh tâm thần bị loại ra khỏi thành phố và nhốt vào trong các tu viện, nhà cứu tế, bởi lẽ quan niệm thống trị cho rằng người bị bệnh tâm thần là do ma quỷ xâm nhập do đó bị trói, bị ngược đãi, kể cả bị thiêu sống.

Cuối  thế kỷ 18 – 19, nhờ quan điểm duy vật chiếm ưu thế, Bs Pinel và sau đó là Esquirol đã giải phóng bệnh nhân tâm thần và cải cách nơi giam giữ bệnh nhân tâm thần thành bệnh viện.

Nhiều nhà khoa học khác tiếp tục khẳng định bệnh tâm thần phát sinh từ não bộ, trong đó nổi bật là Emil Kraepelin đã phân loại bệnh tâm thần.

Năm 1919 người Pháp xây dưng nhà thương điên Biên Hòa, 1936 xây dựng nhà thương điên Vôi tại Lạng Giang Bắc Ninh và một khu “Điên” tại BV Bạch Mai Hà Nội.

Sau năm 1975 Nhà nườc bắt đầu tổ chức hệ thống y tế cơ sở và xây dựng, tổ chức lại các BV tâm thần trên cả nườc, đời sống bệnh nhân tâm thần có phần cải thiện. Tới nay, nhiều tỉnh thành đã có BV tâm thần riêng nhưng chưa có các trang thiết bị chuyên ngành hiện đại.

Điểm lại quá trình phát triển của ngành tâm thần chúng ta thấy hình như mọi người đều nhận thức được tầm quan trọng của việc chữa trị bệnh tâm thần, đều không muốn bệnh tâm thần xảy ra với mình, với người thân của mình, và cuối cùng với cả xã hội.

Tuy nhiên các loại bệnh thần vẫn xảy ra, và xảy ra nhiều hơn theo thời gian, người ta vẫn kỳ thị và đối xử phân biệt với người bệnh tâm thần (Stigmatisation, Discrimination), Tổ chức Y tế TG lấy ngày 10 tháng 10 hàng năm là Ngày Tâm thần.

Thực tế

Cách đây khoảng gần 20 năm, tại Khoa khám bệnh của BV TT Tp HCM, số bệnh nhân đến khám và điều trị chủ yếu là các bệnh “ điên”, “ khùng”, được các bác sĩ chẩn đoán là bệnh Tâm thần phân liệt  và bệnh “ phong xù “, được các bác sĩ chẩn đoán là bệnh Động kinh.  Những năm này, người ta chưa hiểu nhiều về bệnh Trầm cảm, về Stress (còn được gọi là chấn thương tâm lý”, về các cơn lo âu hồi hộp lo sợ không có nguyên nhân (được gọi là Suy nhược thần kinh”. Số bệnh nhân này đến khám không nhiều và hiện nay đang diễn ra  theo xu hướng khác. Đó là các bệnh Rối loạn lo âu, Trầm cảm, Rối loạn giấc ngủ, Ám ảnh sợ, v.v… nhiều hơn. Các biểu hiện loạn thần ở người già, người nghiện rượu, ở thanh niên nghiện ma túy; các rối loạn phát triển ở trẻ em và thanh thiếu niên cũng gặp nhiều hơn. Bệnh TTPL  không thay đổi vì tỷ lệ tương tự nhau ở các nền văn hóa khác nhau.

Cũng khoảng 20 năm qua, các ngành khoa học công nghệ phát triển không ngừng, kéo theo nhu cần của cuộc sống, nhu cầu tiêu dùng, hay nhu cầu hưởng thụ. Chính những nhu cầu này thúc đẩy con người trong xã hội ngày nay (có người gọi là vòng xoáy xã hội) phải phần đấu, phấn đấu đến kiệt sức, bất chấp cả những  quan điểm, kinh nghiệm sống từ ông cha để lại để hòa mình vào đời sống xã hội hiện đại.

Thời khủng hoảng

Khủng hoảng kinh tế kéo theo giảm thu nhập, mất việc làm với tương lai không chắc chắn, đồng thời là cắt giảm quỹ dành cho các dịch vụ công (trong đó có quỹ dành cho lĩnh vực sức khỏe tâm thần). Trong tình trạng thu nhập thấp và đặc biệt đối với dân cư sống dưới mức nghèo khổ bị stress nhiều nhất (WHO 2009), cha mẹ bị ảnh hưởng và thiếu hụt tài chánh tác động tới sức khỏe tâm thần trẻ em (Solantaus và cộng sự 2004, Anagnostopoulos & Soumaki 2012) có thể dẫn đến suy sụt phát triển khả năng nhận thức, cảm xúc và phát triển cơ thể (Marmot 2009).

Mất việc làm, bần cùng hóa và đổ vỡ gia đình có khả năng tạo ra hoặc thúc đẩy các bệnh tâm thần xảy ra, trong đó có trầm cảm, tự tử và nghiện rượu. Mất việc làm tác động rất rõ ràng tới tự tử (Stuckler và cộng sự 2009, Economou và cộng sự 2005). Theo Stuckler và cộng sự (2009), tỷ lệ mất việc làm 1 % thì kèm theo  gia tăng tự tử 0,79 % ở người dưới 65 tuổi, đặc biệt nam giới bị xúc phạm dẫn đến chết vì tự tử (Berk và cộng sự 2006).

Nợ nần hình như là yếu tố chủ yếu gây tình trạng tâm lý căng thẳng, hình thành các rối loạn tâm thần đối với những người nhạy cảm, dễ dẫn tới phản ứng trầm cảm, và từ đây có thể thúc đẩy hoặc tăng cảm giác tội lỗi tồn tại trước đó. Theo Chang và cộng sự (2009), các chứng cứ nghiên cứu từ HongKong, Korea và các nước Đông Nam Á khác cho thấy những mất mát trầm trọng về tài chánh liên quan khủng hoảng kinh tế ở Châu Á, đặc biệt là mất việc làm dẫn tới gia tăng tự tử. Tương tự, ở Trung Quốc, hậu quả thay đổi xã hội đã dẫn đến nhiếu tổn thất lớn, trong đó mất thu nhập đã tạo ra hoặc thúc đẩy người dân bị trầm cảm và tự tử (Philip và cộng sự 1999).

Giotakos và cộng sự (2011) nghiên cứu mối liên quan giữa 2 chỉ số kinh tế (mất việc làm và thu nhập trung bình) với các biến số của  sức khỏe tâm thần cho thấy tỷ lệ mất việc làm tăng với số trường hợp giết người, và rõ ràng hơn là tình trạng thu nhập trung bình giảm với tỷ lệ tự tử.

Những khó khăn cơm áo gạo tiền rồi cũng qua đi, với những người “tinh thần vững vàng” thì giống như một thách thức đã vượt qua được, còn đối với những người “yếu tinh thần” thì là cả một sự đối đầu mệt mỏi, mất ăn mất ngủ… Cùng với những khó khăn trong quan hệ xã hội, nay thắng, mai thua  làm cho con người luôn luôn phải ‘chống chọi thường xuyên”, và, nhẹ nhàng nhất là stress xảy ra.

Stress kéo dài và không được chữa trị kịp thời trong lúc các biến động kinh tế thay đổi có thể làm phá vỡ mối quan hệ gia đình truyền thống và những chuẩn mực xã hội khác sẽ dẫn đến rối loạn lo âu, dẫn đến trầm cảm và nhiều hệ lụy khác, đôi khi kể cả mạng sống của con người (tự tử).

Xã hội hiện đại, điều kiện sống thích hợp hơn trước và tuổi thọ con người được tăng cao, dân số sẽ già đi. Chúng ta cũng có thể gặp những người già không nơi nương tựa nhiều hơn trong các Trung tâm dưỡng lão, ở  cả ngoài đường phố. Tình trạng này cũng có nguyên nhân sâu xa từ sự phát triển của xã hội, từ công nghệ hiên đại, vì chính chúng ta, con cháu của những người cao tuổi ấy phải làm việc nhiều thời gian hơn.

Cũng chính chúng ta là những phụ huynh muốn cho con mình học giỏi hơn để dễ có nghề nghiệp ổn định với tiền lương cao hơn. Tất nhiên mong muốn đó là chính đáng, nhưng chính sự thúc ép của xã hội hiện đại đã “ép” thanh thiếu niên phải “chống chọi thường xuyên sớm”, và stress. lo âu, trầm cảm đã và sẽ xẩy ra. “Trẻ còn trẻ”, hành vi cư xử chưa “thuần thục”  mà phải “đương đầu sớm” không hiệu quả nên dễ dẫn đến hành vi phạm tội, dễ tự gây hại cho bản thân, dễ bị lôi kéo dùng ma túy, v.v…     

Chúng ta ai cũng trải qua “hẫng hụt” khi kinh tế gia đình đột nhiên thiếu hụt vì mất việc, hoặc vì khi dồn hết “tâm trí – tình cảm và trí tuệ”, tiền bạc cho một ý tưởng hay một đối tượng nào đó mà bị thất bại. Nhiều người cho rằng nền kinh tế hiện nay bị chi phối bởi nhiều tập đoàn lớn nên rất dễ xảy ra những biến đổi xấu đột ngột gây ra nhiều hậu quả xấu trong đời sống dân sinh. Những “hẫng hụt” kiểu này ngày càng xảy ra nhiều hơn: mất đất, mất tiền đầu tư, con cái bị ma túy lôi kéo, tranh đua chỗ làm,v.v… xảy ra hàng ngày nên hãy tự lo cho mình (và cho cả mọi người) là tìm hiểu các biểu hiện của bệnh tâm thần.

BV TT Tp HCM có Khoa tâm thần trẻ em (đầu tiên của các BV TT), năm 2002 khám khoảng 30 trẻ / ngày, hiện nay 100 trẻ / ngày. Khoa Khám bệnh I, năm 2002 khám khoảng 80 bệnh nhân/ ngày, hiện nay 500- 600 bệnh nhân/ngày.

Sau đây là một số ít các gợi ý về  các biểu hiện bất thường trong hoạt động tâm thần hay gặp nhất:

• Đối với bệnh trầm cảm: có biểu hiện stress không vượt qua được, rồi lo lắng những điều nhỏ nhặt mà trước đó có thể cho qua được, khó vô giấc ngủ, hay giật mình, thối chí  khó tập trung hoàn thành công việc của mình, không ham muốn, lặng lẽ thở dài như than thân trách phận,v.v…(rất nguy hiểm). Đáng tiếc, vì công ăn việc làm, nhiều bệnh nhân trầm cảm cố gắng che giấu tình trạng bệnh của mình, chỉ đi khám khi đã quá năng, thì lúc đó sẽ tốn nhiều tiền và thời gian hơn.

• Đối với trẻ em: Thanh thiếu niên ngày nay cũng chịu nhiều áp lực nên có thể bị stress nhiều hơn và cũng bị trầm cảm như người lớn nhưng cách thể hiện ra ngoài có khác đôi chút. Đó có thể là sinh hoạt thất thường, tự cư xử với bản thân đôi khi quá đáng, đôi khi tự buông trôi hay ghét những những gì trước kia là sở thích. Tất nhiên là học hành giảm sút, thầy cô phàn nàn,v.v… Lưu ý nhiều bất thường trong hoạt động tâm thần ở trẻ em thanh thiếu niên xuất phát từ gia đình. Có thể do phụ huynh chưa dành nhiều thời gian tìm hiểu kiến thức tâm sinh lý lứa tuổi, do dành thời gian làm việc để có nhiều tiền hơn cho “ cuộc sống của xã hội hiện đại”

• Đối với người già: dễ thấy nhất là bắt đầu quên vị trí đồ đạc của mình, quên lối đi, quên những điều con cháu nhác nhở, thích nói chuyện ngày xưa, ăn cơm rồi nói chưa, v.v… Có người thì nét mặt ngơ ngơ, ngược lại có người hay nghi ngờ trộm cắp, thậm chí ghen ghét vô cớ, giận dỗi, v.v…

• Đối với bệnh TTPL: tự nhiên không muốn tiếp xúc, tự tách riêng mình với mọi người, kế cả người thân, sao nhãng công việc, kể cả vệ sinh bản thân. Đôi lúc phát hiện nói lầm thầm một cách bí ẩn hoặc khoe khoang hay cự cãi những điều phi lý không có trong thực tế, v.v…

Những triệu chứng trên xảy ra ở cả bệnh nhân có cơn hưng trầm cảm, ở cả người già, người nghiện rượu nhưng ở các mức độ khác nhau.

Trên đây là những dấu hiệu từ “hơi khác thường” đến “khác thường” ở một người bình thường, nếu chúng xuất hiện, chúng ta nên nói với người thân thiết nhất, bạn bè, từ lối xóm tới cơ sở làm việc, v.v… rồi đến đồng nghiệp, người thân, v.v… càng sớm càng tốt vì ít nhất nó cũng giải tỏa được những căng thẳng, những vướng mắc trong suy nghĩ cần một lối thoát theo hướng tích cực. Đó là đi khám chuyên khoa tâm thần càng sớm càng dễ chữa trị và ít tốn kém.

Quan trọng từ hậu quả

Theo nhiều báo cáo, chi phí chữa trị bệnh tâm thần không “NỔI” như  số tiền điều trị một số bệnh khác, bởi lẽ nó CHÌM trong số  ngày công bị mất của bệnh nhân, của người thân và nhân viên y tế chăm sóc (chi phí này xã hội phải trả), CHÌM trong thời gian dài dùng thuốc, trong nỗi buồn bị phân biệt và kỳ thị.

Nhận thức – phòng ngừa sớm

• Đó là cuộc sống lành mạnh: trong xã hội hiện đại, chúng ta vẫn có thể đua tranh lành mạnh và chấp nhận hoặc hạnh phúc với kết quả đua tranh lành mạnh ấy. Như vậy tự chúng ta đã phần nào tránh được stress, tránh được lo âu, sợ sệt và ám ảnh quá mức.

• Gia đình và cộng đồng dân cư phát hiện sớm người bệnh có các biểu hiện hay triệu chứng tâm thần, khám chuyên khoa sớm và uống thuốc đúng theo toa  bác sĩ.

• Không chữa bệnh theo các ý tưởng dị đoan không có cơ sở khoa học, hay uống thuốc theo sự mách bảo của những người không chuyên khoa.

• Cuối cùng là các cấp chính quyền cần có chiến lược chăm sóc bảo vệ sức khỏe tâm thần trong tổng thể công tác chăm lo sức khỏe nhân dân. Cụ thể đối với chuyên ngành tâm thần là đào tạo nhân lực, đủ bác sĩ chuyên khoa, đủ điều dưỡng và các nhân viên y tế liên quan.

BS. CK I.Phạm Văn Trụ
PGĐ BV Tâm Thần TP Hồ Chí Minh

Đăng nhận xét

0 Nhận xét