Còn con gì ác và vô cảm hơn con người?

Thi thể một em bé quấn hờ trong chiếc chăn mỏng, bỏ lại trên bờ tường, bị côn trùng bâu kín. Một cụ già bị ngã vỡ đầu chảy máu loang trên vỉa hè, xung quanh mọi người thản nhiên đứng nhìn. Nhìn ảnh mới thấy, còn con gì ác hơn con người nữa đây?

Nghề nghiệp khiến tôi được tiếp xúc với nhiều hạng người trong xã hội, giàu hay nghèo, già hay trẻ, có địa vị hay chỉ “phó thường dân”, dễ gần hay kiêu kỳ... Gặp gỡ nhiều, trò chuyện nhiều giúp tôi có được một kết luận của riêng mình: “người văn minh nhất là những người biết lánh xa báo chí, lánh xa xã hội thông tin”.

Nghe thật là phi lý và khôi hài, trong thời buổi người ta hô hào và bỏ không ít tiền của để đưa internet về vùng sâu vùng xa, để xóa bỏ hố ngăn cách nông thôn, thành thị thì có ai lại dám nói: không báo chí, không internet là “văn minh”? Nhưng đó là một thực tế đau lòng của thế giới chúng ta, ở thời điểm thế kỷ 21- vốn được tự hào là “có những bước phát triển vượt bậc về văn minh nhân loại”.

Cứ mở báo hàng ngày ra thì thấy, việc tốt thì ít mà chuyện xấu xa đồi bại thì nhiều. Nhờ internet, báo mạng, facebook... nối các điểm xa hàng vạn cây số với nhau trong một nháy mắt, thế là hàng ngày chúng ta được tiếp xúc với bao nhiêu chuyện rác rưởi ghê người từ thành phố đến thôn quê, từ trong nước đến ngoài nước.

Đơn cử hai bức ảnh có thể khiến chúng ta lạnh người khi trông vào dưới đây, nếu không “nhờ” có internet thì không đời nào độc giả được “khai nhãn”. Thi thể một em bé quấn hờ trong chiếc chăn mỏng, bỏ lại trên bờ tường, bị côn trùng bâu kín. Một cụ già bị ngã vỡ đầu chảy máu loang trên vỉa hè, xung quanh mọi người thản nhiên đứng nhìn. Nhìn ảnh mới thấy, còn con gì ác hơn con người?

Trong khi loài người truyền cho nhau xem bức ảnh một bà mẹ chó cố sức cắp từng đứa con nhỏ yếu ớt từ trong một đám cháy lên chiếc xe cứu hỏa, thì có những bà mẹ người để thi thể đứa trẻ trên bờ tường cho côn trùng bâu kín.

Trong khi chú chó Hachiko sau ngày chủ mất 9 năm vẫn hàng ngày ra ga tàu đứng đợi, cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng thì vẫn có những con người đứng khoanh tay nhìn một cụ già ngã vỡ đầu máu chảy lênh láng nằm ngay đơ trên vỉa hè, ngay dưới chân mình.

Thôi thì những chuyện ăn óc khỉ sống, giết voọc, giết loài nọ loài kia bị cho là một thú vui man dã của con người với sinh vật khác loài, nhưng với đồng loại, với bé thơ, với người già, những đối tượng dễ bị tổn thương nhất mà người ta vẫn có thể nhẫn tâm làm như thế này sao?

Đằng sau câu chuyện để mặc cụ già bị ngã vỡ đầu trên phố (một đường phố nào đó ở Trung Quốc) còn một câu chuyện dài, đó là có một phụ nữ phương Tây, không chịu nổi cảnh đau lòng đó, đã vừa khóc vừa rút tiền ra nhờ người gọi xe cứu thương đến chở cụ già đi.

Những người còn chút lương tri hẳn đã phải vô cùng xấu hổ cho giống loài của mình khi chứng kiến có những kẻ mang danh con người mà khoanh tay đứng nhìn cảnh tượng ấy.

Chúng ta không thể nói “loài người đã tiến hóa, văn minh” nếu cách đối xử giữa người với người lại dã man kinh khủng thế này. Từ một xã hội lãnh cảm, vô cảm đến xã hội của những kẻ sát nhân, khoảng cách sẽ không xa nhau hơn bề ngang một sợi tóc.

Cái ác mỗi ngày lại không còn giới hạn, cứ giở báo ra mà xem, lâu lâu lại thấy người ta trầm trồ vì một kiểu giết người theo phong cách mới, chưa trùng lặp với bất cứ vụ nào trước đây. Lâu lâu lại thấy một vụ giết người vì những lý do tẻ nhạt chưa từng thấy, vụ sau lại lập một kỷ lục mới, tẻ nhạt hơn, khiến người ta rùng mình, hoang mang, lo sợ.

Trong nhiều giấc mơ bấn loạn, tôi từng mơ mình có thể đi thật xa thật xa, lánh xa những mặt người mà bên trong là mặt quỷ. Tôi từng ước mình lạc vào một thế giới nào đó, giữa thiên nhiên hài hòa, mà ở đó con người phải tự trồng cấy lấy mà ăn, tự dệt áo lấy mà mặc, muốn có nhạc thì phải tự so lấy phím đàn, muốn nghe hát thì phải tự hát, đừng có hàng hiệu, đừng có xe hơi, đừng có những chiếc điều khiển từ xa gì hết.

Ở thế giới ấy, trẻ em sẽ đi học với bài học đầu tiên là tình yêu thuần khiết, yêu bố mẹ ông bà, yêu con chó con mèo, thương ngọn cây chiếc lá. Ở thế giới ấy, con người nói ra những từ “thương yêu”, “đùm bọc”, “chân thực”, “thủy chung”, “trọng nhân”, “trọng nghĩa”... mà không thấy ngượng ngùng.

Và trên hết, con người sẽ được một bàn tay vô hình nhấn một cái nút “F5” vô hình nào đó trên cơ thể, để quay lại từ đầu, để học cách sống mà biết thương nhau.

Mi An - Phunutoday

Đăng nhận xét

0 Nhận xét