Hỏi: Kính bạch Thầy, trong nhiều kinh nói: Đức Phật đã thành Phật từ vô lượng kiếp, vì thương chúng sanh thị hiện vào làm con vua Tịnh Phạn ở cõi Sa Bà để hóa độ chúng sanh.
Theo như HT giảng trong ĐVXP, chính niệm tỉnh giác ở giai đoạn bốn “khi bỏ thân này (chết) đi đầu thai vào trong thai mẹ, ở trong thai mẹ, ra khỏi thai mẹ và lớn lên đều biết”
Đã như thế thì có nhớ biết được tiền kiếp không? Như vậy sao lúc đầu Phật còn tu sai? Hay do Phật phương tiện để hóa độ chúng sanh cho nên lúc quyền lúc thật là như thế?
Câu hỏi của Diệu Minh
Đáp: Nhiều kinh nói về đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã thành Phật từ vô lượng kiếp, nhưng đó là những kinh sách phát triển, do tưởng của người sau bịa đặt ra. Sự thật luôn có sức mạnh của nó, và lịch sử đã chứng minh điều này. Đức Phật sanh ra cũng có cha mẹ lớn lên có vợ con cũng giống như bao nhiêu người khác trên hành tinh này. Vì ngao ngán đời người sanh ra để thọ khổ, nên Ngài từ giã cung vàng điện ngọc cha già, vợ trẻ, con thơ để đi tìm đường thoát khổ. Sau bao năm tu hành không đúng chánh pháp, tưởng chừng như Ngài sắp chết, bỏ xác giữa rừng già. Phước của chúng sanh trên hành tinh này còn nên cuối cùng Ngài đã tìm ra một lối đi giải thoát, mà thời ấy không có tôn giáo nào có được giáo pháp chân lý ấy.
Sau 49 ngày dưới cội cây Bồ Đề, Ngài chứng quả giải thoát, từ đó mới bắt đầu có đạo Phật. Đạo Phật một nền đạo đức nhân bản - nhân quả không làm khổ mình khổ người, mà con người đã có sẵn nhưng có mấy ai biết đến. Bài pháp đầu tiên TỨ DIỆU ĐẾ đã làm sáng tỏ những gì con đã từng có mà không biết, nhưng sau này kinh sách phát triển bịa đặt ra và bóp méo làm sai lệch lịch sử của một con người toàn thiện như Ngài, một ân nhân của loài người.
Sau khi chứng quả chánh giác Ngài đã thấu suốt đường đi, nên trong kinh Ngài dạy: “có bốn giai đoạn tỉnh thức:
1- Tỉnh thức khi chết vào thai mẹ.
2- Tỉnh thức khi ở trong bụng mẹ.
3- Tỉnh thức khi xuất thai.
4- Tỉnh thức trong khi còn bé
Bốn sự tỉnh thức này là những pháp môn tu tập để làm chủ bốn sự khổ đau của kiếp người.
Kinh sách viết sai sự thật là những kinh sách không đáng tin cậy, vì thế, đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy: “Có 10 điều chớ có tin.....”.
Đức Phật đã nhắc chúng ta như vậy thế mà những kinh sách nói không đúng sự thật thì chúng ta lại tin được sao?
Chúng tôi nghĩ đức Phật thường dạy thẳng thực hành vào pháp môn của Ngài hơn là dùng phương tiện, vì dùng phương tiện người tu hành dễ bị lệch lạc vào ngoại đạo. Đức Phật là người thẳng thắn, không giả dối, nên không dụng quyền, người sau không hiểu nên đã dùng nhiều phương tiện vì thế, khiến cho đạo Phật ngày nay mới ra nông nỗi này, mới trở thành một tôn giáo thần quyền.
Trưởng Lão Thích Thông Lạc
0 Nhận xét