Hỏi: Kính thưa Thầy, trong lúc nhà có người chết, tại sao lại phải phủ mặt? Theo con nghĩ, khi người chết, có người mặt trắng, có người mặt xám, có người mặt vàng khè, như thế, tướng trạng của gương mặt thay đổi theo nhân quả của từng người, phải không thưa Thầy? Cho nên, phải đậy mặt lại, để cho người sống đỡ sợ hãi, phải không thưa Thầy?
Đáp: Theo phong tục của dân tộc Việt Nam , khi có người chết, đều có tục lệ đậy mặt. Nhưng sách Phong Tục Tập Quán Việt Nam , do Toan Ánh biên soạn, cũng không nói đến tục lệ đậy mặt người chết.
Trong kinh sách Phật giáo cũng không có dạy điều này, nhưng có dạy về cận tử nghiệp (nghiệp lực trước khi chết). Khi một người vừa tắt thở, các duyên trong thân ngũ uẩn chưa phân tán (tức là chưa hoại diệt), lúc bấy giờ họ đang trải qua một giấc mộng. Giấc mộng đó báo cho biết đây là nghiệp cuối cùng của họ trong kiếp này chuyển sang kiếp mới. Giấc mộng đó cũng thể hiện một nghiệp lực, do huân tập nhân quả trải dài thời gian của một kiếp con người. Chính nghiệp lực nầy đưa người ấy tiếp tục tái sanh kiếp mới của con người, khi giấc mộng này vừa tan biến.
Giấc mộng này vừa tan thì thân tứ đại cũng vừa dừng hẳn, nghĩa là thân tứ đại này không còn phục hồi lại được nữa.
Trong thời gian nằm mộng, thì gương mặt người chết biểu lộ qua màu sắc, hoặc những nếp nhăn, cau có, hung dữ hoặc hân hoan, vui mừng, hiền lành, v.v... Đúng như con đã nghĩ, người chết có khi mặt trắng bạch, có khi vàng khè hoặc có khi xám xịt, v.v... rồi trở lại bình thường giống như người đang ngủ.
Không phải chỉ có sự thay đổi màu sắc và nếp nhăn, mà còn nhiều tướng trạng hiện trên gương mặt, ghê sợ như trợn trừng mắt, há hốc miệng, mím chặt môi, cắn răng, như giận dữ, hoặc le lưỡi, hoặc nói lập bập trong miệng, có khi cười, có khi khóc, có khi gương mặt biểu lộ ra sự sợ hãi, cũng có khi gương mặt biểu lộ ra sự hân hoan, vui mừng, và cuối cùng giấc mộng cận tử nghiệp tan biến, thì gương mặt kia trở lại bình thường như người đang ngủ. Nên tục lệ đậy mặt người chết có lẽ để cho người sống đỡ sợ.
Vậy, xin những bậc trí giả, các bậc Trưởng Lão cao niên, hiểu và biết rõ phong tục tập quán này xin mách dùm, chớ trong giáo lý của đạo Phật không có dạy điều này. Chúng tôi xin thành thật cảm ơn trước.
Trưởng Lão Thích Thông Lạc
0 Nhận xét