Người chẳng hiểu ta mà ta…

Trong đoạn đầu tiên của sách Luận Ngữ của Khổng Tử có câu: “Nhân bất tri nhi bất uấn, bất diệc quân tử hồ?” – Người chẳng hiểu ta mà ta không buồn giận họ, thế không phải là người quân tử hay sao?

Hiểu lầm về ta, hay cố tình hiểu sai về ta, là chuyện rất thường gặp ở đời. Ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm bị hiểu lầm hoặc bị xỉa xói. Nhất là khi ta làm những chuyện khác đám đông.

Những người sợ bị hiểu làm, sợ bị tấn công, thường không dám làm điều gì mới lạ. Đám đông nói gì, làm gì, cứ nói theo làm theo cho chắc ăn, khỏi sợ bị hiểu lầm, khỏi sợ đứng một mình để thiên hạ tấn công. Đó gọi là mass psychology–tâm lý đám đông.

Nhưng nếu bạn làm một điều nào đó đám đông không thường làm—như là hô hào mọi người xuống đường hốt rác, hay quyên tiền cho người nghèo—dù đó là việc rất nên làm, và dù là bạn có bao nhiêu người ủng hộ, đương nhiên là sẽ có người hiểu lầm hoặc cố tình vu khống bạn, như là, ông này thích nổi, hoặc ông này muốn kiếm ít tiền bỏ túi.

Việc càng mới lạ, càng ít người nói, càng ít người làm, thì sự hiểu lầm và vu khống càng tăng.

Nếu bạn muốn làm được việc thì đương nhiên là phải phe lờ những lời nói hiểu lầm hoặc vu khống. Đó là chuyện đương nhiên. Nếu không thì bạn chẳng làm được gì cả.

Nhưng phe lờ với thái độ khinh thường trong tâm vẫn là hạ căn.

Người trung căn thì nghe những lời hiểu lầm và mạ lị mà lòng vẫn thanh thản, vì biết rằng thiên hạ làm thế là chuyện rất thường xuyên của con người—việc gì mà phải giận? Đây là người quân tử của Khổng tử.

Người thượng căn thì, người ta càng hiểu lầm và càng vu khống ta, ta càng thương cảm họ, càng thương cảm con mắt hạn hẹp, cái đầu mù mờ, và cái miệng lảm nhảm của con người, làm cho kiếp sống của con người có nhiều đau khổ, do chính sự si mê của con người.

Thường là, thánh nhân yêu thương loài người chẳng vì loài người cực tốt cực đẹp. Mà thánh nhân yêu thương loài người vì loài người yếu đuối, sai lầm, cần được cứu vớt.

Ngày nào ta yêu thương loài người vì chính những cái lỗi lầm yếu đuối của loài người, ngày đó ta đã bắt đầu có tâm của thánh nhân.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét