Jean-Jacques Rousseau

TIỂU SỬ

JEAN-JACGUES ROUSSEAU (28/6/1712 – 2/7/1778), triết gia, lý thuyết gia chính trị, nhạc sĩ tự học người Pháp, một trong những nhà văn hùng biện nhất của Thời kỳ ánh sáng. Rousseau sinh tại Geneva, Thụy Sĩ. Mẹ ông mất vài ngày sau khi sinh ông, từ đó ông được bà dì nuôi nấng bên cạnh người cha tính khí thất thường. Năm 13 tuổi, ông phải đi học nghề thợ chạm, nhưng sau ba năm ông bỏ đi rồi trở thành thư ký và bầu bạn của Madame Louise de Warens, một phụ nữ giàu có và nhân từ đã ảnh hưởng sâu sắc lên cuộc đời và tác phẩm của Rousseau. Mặc dù bà lớn hơn ông 12 tuổi và đã có gia đình, nhưng hai người vẫn yêu nhau. Năm 1742, Rousseau đến Paris để trình bày trước Viện Hàn lâm Khoa học một hệ thống ký hiệu âm nhạc mới do ông sáng tạo, nhưng bị cho là vô dụng và không có gì độc đáo. Trong thời gian ở Paris, ông kết bạn với Diderot và đóng góp nhiều bài vở cho Từ điển Bách khoa, trong đó có bài viết quan trọng về kinh tế chính trị. Ông sống chung với Thérèse Lavasseur, cô thợ may mù chữ, và hai người có với nhau năm người con. Mặc dù đưa ra những lý thuyết về giáo dục và nuôi dạy con cái, thậm chí tuyên bố ''trẻ em vô tội'', Rousseau thường bị Voltaire và các nhà bình luận hiện đại chỉ trích vì đã ruồng bỏ cả năm đứa con của mình trong Viện mồ côi ngay khi chúng vừa cai sữa.

Sau khi giành được ít nhiều danh tiếng với tác phẩm Luận về khoa học và nghệ thuật (1750) , Rousscau gây ra một loạt những vụ tranh cãi với bạn bè và đồng nghiệp ở Paris. Năm 1754, Rousseau trở lại Geneva, nhưng ông sớm rời Geneva để đến Montmercy năm 1757. Tại đây, ông viết tác phẩm Emile, hay Giáo dục phê phán tôn giáo và bị đốt tại Pháp. Rousseau buộc phải trốn tránh chính quyền Pháp ngày càng thù nghịch với ông. Geneva đã trục xuất ông, nên ông tạm lánh tại Bern. Tháng giêng năm 1766, ông chạy qua Anh trốn tránh trong nhà triết gia David Hume, nhưng sau 18 tháng ông lại ra đi vì hoang tưởng rằng, Hume đang âm mưu hãm hại mình.

Rousseau quay về Pháp dưới tên giả ''Renou'', vì từ năm 1770, ông chính thức bị cấm không được trở lại nước Pháp. Trong một sáng đi dạo tại điền trang của gia đình Marquis de Giradin ở Ermenonville, Rousseu bị xuất huyết não và chết.

Rousseu được an táng trong điện Panthéon ở Parisnăm 1794, mười sáu năm sau ngày ông qua đời. Ngôi mộ được thiết kế thật giản dị, để gợi nhớ những lý thuyết về tự nhiên của Rousseau.

LÝ THUYẾT VỀ “NGƯỜI MAN RỢ CAO QUÝ”

Rousseau khẳng định rằng, con người tự bản tính là tốt (nhân chi sơ tính bản thiện), “người man rợ cao quý'' khi ở trong trạng thái tự nhiên (trạng thái của tất cả con vật khác'', và tình trạng mà con người sống trong đó trước khi xuất hiện văn minh và xã hội), nhưng bị xã hội làm cho đồi bại. Ông coi xã hội là giả tạo và cho rằng, sự phát triển của xã hội, nhất là sự gia tăng tính liên thuộc xã hội, có hại cho phúc lợi của con người.

Trong Luận về khoa học và nghệ thuật, tác phẩm được giải thưởng của Viện Hàn lâm Dijon, Rousseau cho rằng, sự tiến bộ của nghệ thuật và khoa học không mang lại lợi ích cho con người. Ông đưa ra luận điểm rằng, sự gia tăng tri thức đã làm cho chính quyền mạnh hơn lên đồng thời tự do cá nhân bị chà đạp. Ông kết luận rằng, sự tiến bộ vật chất đã thực sự làm suy yếu khả năng xây dựng tình hữu nghị chân thành, thay vào đó là lòng ghen tị, nỗi sợ hãi và nghi ngờ.

Tác phẩm tiếp theo của ông Luận về bất bình đẳng, lần theo sự tiến bộ và suy đồi của con người từ trạng thái tự nhiên ban sơ đến xã hội hiện đại. Ông cho rằng, người nguyên thủy là người khỉ (semiape) phân biệt với những con vật bằng khả năng tự nguyện và khả năng hoàn thiện của chúng. Ông còn cho rằng, những con người nguyên thủy này có nhu cầu tự nhiên chăm lo cho chính mình và có khuynh hướng thương yêu hay trắc ẩn một cách tự nhiên. Vì con người buộc phải liên kết với nhau chặt chẽ hơn, bởi áp lực của sự gia tăng dân số, họ phải chịu sự chuyển đổi tâm lý và đi đến chỗ đánh giá cao ý kiến tốt của người khác như một thành phần thiết yếu cho hạnh phúc của riêng mình. Rousseau gắn sự tự ý thức này với thời hoàng kim của sự hưng thịnh con người. Tuy nhiên, sự phát triển của nông nghiệp và nghề luyện kim, quyền tư hữu và phân chia lao động đã dẫn đến sự liên thuộc và bất bình đẳng ngày càng tăng. Tình trạng xung đột tất yếu xảy ra khiến Rousseau nghĩ rằng, nhà nước đầu tiên được lập ra như một loại khế ước xã hội được ký kết theo đề xuất của giới giàu có và giới quyền lực. Khế ước nguyên thủy này bị hủy hoại nghiêm trọng vì những thành viên giàu có nhất và quyền lực nhất trong xã hội lừa gạt dân chúng, nhằm củng cố thêm tình trạng bất bình đẳng như một đặc điểm thường trực của xã hội loài người. Cuốn Xã ước của ông có được hiểu như một lựa chọn thay thế cho hình thái liên kết lừa dối này. Phần cuối cuốn Luận về bất bình đẳng, Rousseau giải thích khát vọng, để có giá trị trong mắt người khác, điều này có từ thời hoàng kim, đã đi đến chỗ hủy hoại tính nguyên vẹn cá nhân và tính xác thực trong một xã hội được đặc trưng bởi sự liên thuộc, tôn ti thứ bậc và bất bình đẳng.

XÃ ƯỚC

Có lẽ tác phẩm quan trọng nhất của Rousseau là Xã ước, nó vạch ra những đường hướng cơ bản cho một trật tự chính trị hợp pháp. Xuất bản năm 1762 và bị quốc hội Paris kết án khi nó vữa ra mắt, Xã ước trở nên một trong những tác phẩm có ảnh hưởng nhất của tư tưởng chính trị trừu tượng trong truyền thống Tây phương. Rousseau tuyên bố rằng, trạng thái tự nhiên sau cũng sẽ suy đồi thành tình trạng thú vật không luật lệ hay đạo đức, lúc đó loài người phải chọn những thiết chế luật lệ hay phải tự diệt vong. Trong giai đoạn suy đồi của trạng thái tự nhiên, con người dễ sa vào cạnh tranh thường xuyên với những người gần gũi xung quanh đồng thời ngày càng lệ thuộc vào họ. Áp lực kép này đe dọa cả tồn tại lẫn tự do của con người. Theo Rousseau, bằng cách liên kết thông qua khế ước xã hội (xã ước) và quên đi những tuyên bố về quyền tự nhiên, các cá nhân có thể vừa tồn tại vừa giữ được tự do. Vì rằng, khi quy phục uy quyền của ý chí chung của dân chúng như một toàn bộ bảo đảm cho các cá nhân không bị lệ thuộc vào ý chí của người khác và cũng bảo đảm rằng, họ tự vâng phục chính mình bởi vì họ là tác giả tập thể của luật lệ. Rousseau vừa biện luận rằng, chủ quyền quốc gia nên trao vào tay nhân dân đồng thời vừa phân biệt rạch ròi giữa chủ quyền quốc gia và chính quyền. Chính quyền được giao nhiệm vụ thi hành và thúc đẩy thực hiện ý chí chung; nó gồm một nhóm nhỏ các công dân, gọi là các quan chức. Rousseau hết sức phản đối ý tưởng cho rằng, dân chúng sẽ sử dụng chủ quyền quốc gia thông qua quốc hội đại diện. Đúng hơn, họ phải trực tiếp làm ra luật lệ. Có nghĩa là nhà nước lý tưởng của Rousseau chỉ có thể hiện thực, nếu có, trong lòng một xã hội rất nhỏ. Rất nhiều ý kiến tranh cãi về tư tưởng của Rousseau xuất phát từ sự bất đồng với tuyên bố của ông, theo đó, công dân bị cưỡng bách tuân phục ý chí chung cho nên được tự do.

NHỮNG HỆ QUẢ CỦA TƯ TƯỞNG ROUSSEAU

Những ý tưởng của Rousseau gây ảnh hưởng đáng kể trong thời Cách mạng Pháp mặc dù vì chủ quyền quốc gia của dân chúng được thực hiện thông qua những đại diện chứ không phải trực tiếp, nên không thể nói rằng, Cách mạng, về mặt nào đó, là sự thực hiện những ý tưởng của Rousseau.

Rousseau là một trong những nhà văn hiện đại đầu tiên công kích mạnh mẽ thiết chế tư hữu, và do đó ông thường được coi là bậc tiền bối của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản hiện dại (mặc dù vậy, Karl Marx rất hiếm khi nhắc đến Rousseau trong các trước tác của mình). Rousseau còn đặt nghi vấn về giả định cho rằng, ý chí của đa số bao giờ cũng đúng. Ông biện luận rằng, mục tiêu của chính quyền nên là bảo vệ tự do, bình đẳng và công lý cho mọi người trong nhà nước, bất chấp ý chí của đa số.

Một trong những nguyên tắc chủ yếu trong triết học chính trị của Rousseau là chính trị và đạo đức không nên tách biệt nhau. Khi một nhà nước không chịu hành xử theo đạo đức, nó không còn hoạt động đúng chức năng và không còn thể hiện quyền uy thực sự đối với cá nhân nữa. Nguyên tắc thứ hai là tự do, mà nhà nước được tạo dựng nên để giữ gìn nó.

Những ý tưởng của Rousseau về giáo dục đã ảnh hưởng sâu sắc đến lý thuyết giáo dục hiện đại. Ông đánh giá thấp tầm quan trọng của lối học dựa vào sách vở, và ông đề xuất nên giáo dục tình cảm cho trẻ em trước khi giáo dục trí tuệ. Ông đặc biệt nhấn mạnh sự học tập qua kinh nghiệm. John Darling - trong cuốn sách Giáo dục lấy trẻ em làm trung tâm (1994) của ông - nói rằng, lịch sử lý thuyết giáo dục hiện đại là một chuỗi những phụ chú cho Rousseau. Trong những trước tác đầu tiên của mình, Rousseau đồng nhất tự nhiên với trạng thái nguyên thủy của con người man rợ. Về sau, đặc biệt qua sự phê phán của Voltaire, Rousseau lấy tự nhiên để hàm ý nói về tính tự phát của tiến trình qua đó con người tạo dựng nhân cách và thế giới của mình. Tự nhiên, vì vậy, biểu thị tính nội tại, tính trọn vẹn, tự do tinh thần, đối lập với sự cầm tù và nô dịch mà xã hội áp đặt nhân danh văn minh. Vì lý do đó, trở về với tự nhiên có nghĩa là đem lại cho con người những lực lượng của tiến trình tự nhiên này, để đưa hắn ra ngoài mọi ràng buộc áp bức của xã hội và những định kiến của văn minh. Chính ý tưởng đã làm cho lý thuyết của ông trở nên đặc biệt quan trọng trong Phong trào Lãng mạn (Romanticism), mặc dù bản thân Rousseau thường được coi là một nhân vật của Thời kỳ ánh sáng (Enlightenment).

NHỮNG TÁC PHẨM CHÍNH

Discours sur les sciences et les arts (1750; Luận về khoa học và nghệ thuật)

Discours sur l’origine et les fondements de l’inégalité parmi les hommes (1754; Luận về nguồn gốc và nền tảng của bất bình đẳng).

Du Contrat social (1762; Xã ước, tên gọi khác: Khế ước xã hội)

Les Confessions (1770; Tự thuật)

Đăng nhận xét

0 Nhận xét