Cúng dường đúng chánh pháp

Hỏi: Kính bạch Thầy! Từ khi đọc bài của Thầy dạy rằng: “cúng dường một đồng cho các thầy tu phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới, dùng miệng lưỡi lý luận mơ hồ trừu tượng gây mê tín và thần thông, bùa chú lừa đảo người còn nhẹ tội hơn là một người cúng dường một tỷ đồng”. Nhất là nhớ đến đạo đức nhân quả thì chị Nghiêm không dám cúng dường hàng tháng cho các tu viện nữa. Trước đó anh chị có hứa hằng tháng bảo trợ cho các tăng ni Tây Tạng tu học. Bây giờ chị ấy ngưng vì sợ tạo thêm tội. Anh em chúng con có người cho rằng: “các tu sĩ Tây Tạng đâu có lỗi gì. Họ chẳng may tu phải một pháp môn không phải của đức Phật. HT Thanh Từ bảo rằng cúng dường cho người tu là gieo duyên, cho họ mắc nợ mình để kiếp sau còn gặp nhau để họ dạy dỗ, nhắc nhở mình tu hành. Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con.
Thạch, Kim, Tú thưa hỏi

Đáp: Những người dùng tôn giáo và tà pháp dạy những điều mê tín, phi đạo đức, tạo ra những điều kỳ lạ quyến rũ những người nhẹ dạ để đem tiền bạc hoặc thực phẩm cúng dường cho những người đó ăn không ngồi rồi mà chẳng làm ích lợi gì cho ai cả. Khi đã học xong họ lại còn đem những sở học tà giáo ngoại đạo ra phổ biến rộng khắp dạy mọi người làm những điều mơ hồ, trừu tượng không chân chánh “Tiền mất tật mang”, không có nghĩa lý và đạo đức gì cho cuộc sống làm người.

Chúng ta đã biết pháp của họ là những pháp mê tín, trừu tượng, ảo giác, lừa đảo lường gạt thiên hạ mà cứ đem tiền bạc cúng dường cho những người đó ăn thì chúng ta tự xét lại mình có phải mình là người khờ dại hay là người thông minh? Cúng dường như vậy có được phước báo gì? Đức Phật dạy: “cúng dường không đúng chánh pháp như đem hạt giống tốt gieo trên đất chai xấu, chẳng có phước báo mà còn tổn phước”. Tại sao vậy? Vì giúp người làm ác.

Cúng dường gieo duyên như Hòa Thượng Thanh Từ bảo là cúng dường đúng chánh pháp, nhờ cúng dường đúng chánh pháp mà chúng ta gặp được chánh pháp, còn cúng dường cho tà pháp thì đời đời sẽ gặp tà pháp, mà gặp tà pháp thì làm sao chúng ta sống có đạo đức làm người làm Thánh và làm sao tu hành được giải thoát sanh tử luân hồi thì kiếp kiếp đời đời chúng ta sẽ thọ khổ vô lượng vô biên biết chừng nào cho chấm dứt.

Vả lại, cúng dường cho những người tu theo tà pháp mê tín phi đạo đức, là nối giáo cho kẻ khác diệt nền đạo đức của Phật giáo. Bằng chứng là quý phật tử từ xưa đến giờ đã bị kinh sách phát triển dẫn dắt mà quý vị không biết nên cúng dường, do đó chúng duy trì và phát triển, nên diệt sạch Phật giáo, khiến cho loài người 25 thế kỷ nay đã đánh mất nền đạo đức nhân bản - nhân quả làm người tuyệt vời. Bây giờ khắp trên thế giới con người sống bất an thường xâu xé chà đạp lên nhau vì cuộc sống, cho nên chiến tranh thế giới không lúc nào yên, lần lượt con người sẽ thoái hóa trở thành những loài thú dữ và còn tệ hơn là trở thành ác quỷ. Bởi vậy cúng đường không đúng chánh pháp tức là cúng dường cho tà pháp, cúng dường tà pháp là quý vị có tội, tội là vì xã hội con người không có đạo đức nên cuộc sống bất an, cuộc sống bất an thì quý vị cũng đang sống trong cảnh bất an đó.

Quý vị cứ suy ngẫm lại xem, từ lâu con người không theo tôn giáo này thì lại theo tôn giáo khác, không theo triết học này thì cũng theo triết lý khác, các tôn giáo dạy người cầu khẩn cúng tế cầu cho quốc thái dân an, thế giới hoà bình bằng cách này hoặc bằng cách khác, nhưng chúng ta có thấy quốc thái dân an bao giờ chưa? Có thấy thế giới hòa bình không chiến tranh chưa? Hay phải muốn quốc thái dân an thì phải bằng sức lực của con người và thế giới muốn có hòa bình thì cũng phải bằng sức lực của con người chứ không có một đấng siêu hình nào của các tôn giáo mà đem lại sự hòa bình cho loài người được. Do đó, bằng những hình thức cầu khẩn, cúng tế lạy cầu hoặc tam bộ nhất bái để cầu quốc thái dân an và hòa bình thế giới thì đó là một kiểu lừa đảo lường gạt thiên hạ. Vậy mà chúng ta đem tiền của cúng dường cho những hạng người này là làm một việc làm phi đạo đức, nghĩa là không có phước báo mà còn có tội đối với loài người, nhờ chúng ta cúng dường mà những người lừa đảo mới tiếp tục sống lừa đảo, còn nếu chúng ta không cúng dường thì chúng không thể sống lừa đảo được buộc chúng phải sống lương thiện làm bằng mồ hôi nước mắt của mình làm ra để mà sống như chúng ta vậy.

Ví dụ: Mọi người đều biết pháp môn của kinh sách phát triển là pháp môn lừa đảo thì không ai còn cúng dường thì mấy ông thầy của kinh sách phát triển không còn nói láo được nữa và nhờ đó các ông sống trở lại đời sống lương thiện đời sống không làm khổ mình, khổ người.

Đức Phật dạy: “Cúng dường đúng chánh pháp, là cúng dường cho cá nhân thanh tịnh và tập thể thanh tịnh”. Cá nhân thanh tịnh và tập thể thanh tịnh như thế nào?

Cá nhân thanh tịnh và tập thể thanh tịnh là cá nhân và tập thể phải sống đúng giới luật. Người sống đúng giới luật có nói láo không? Quý phật tử hãy nhìn lại quý thầy của kinh sách phát triển và các Thiền Sư Trung Hoa có sống đúng giới luật chưa? Có nhập định làm chủ sự sống chết được chưa? Có hết tham sân, si chưa? Nếu chưa sống đúng giới luật, chưa làm chủ sự sống chết, chưa hết tham, sân, si thì quý Thầy đó thuyết giảng dạy người khác tu là nói sai, có đúng không? Mình tu chưa được mà dạy người khác tu là những người đó có xạo không? Mà người xạo, người nói láo thì có nên cúng dường không?

Vì thế cúng dường cho người lừa đảo, người nói láo là mình có tội thêm và tội rất lớn, do thế cúng dường một đồng ít tội hơn người cúng một tỷ đồng là vậy.

Hòa Thượng Thanh Từ bảo rằng: “Cúng dường cho những người tu chân chánh là gieo duyên, cho họ mắc nợ mình để kiếp sau còn gặp nhau để họ dạy dỗ, nhắc nhở mình tu hành”. Lời dạy này của Hòa Thượng rất đúng, đúng là đúng với chánh Pháp của đức Phật, vì pháp của đức Phật là đạo đức làm người không làm khổ mình khổ người, còn như chúng ta đã biết Thiền, Mật, Tịnh là tà pháp ngoại đạo thường dạy người mê tín, phi đạo đức, phi nhân quả và có những điều dạy rất mơ hồ, trừu tượng chỉ hiểu bằng tưởng tri. Nếu chúng ta thường đem tứ sự cúng dường cho những bậc thầy này để họ mắc nợ chúng ta, để kiếp sau còn gặp nhau để họ dạy dỗ nhắc nhở mình tu hành những điều mê tín, phi đạo đức, thì chúng ta có nên cúng dường gieo duyên với những người này hay không? Gieo duyên với họ đã tốn tiền của và công sức, nhưng cuối cùng được những gì? Hãy nhìn các bậc Thầy Tổ của chúng ta họ giải thoát được những gì hay chỉ lừa đảo chúng ta mà thôi.

Tóm lại, quý phật tử phải sáng suốt trong lúc cúng dường hay bố thí, phải chọn cho đúng đối tượng, bậc tu hành giới luật phải nghiêm túc và người được bố thí thật sự phải trong cảnh khổ.

Trưởng Lão Thích Thông Lạc

Đăng nhận xét

0 Nhận xét