Siêu hình học là một phạm trù dành cho triết học nhiều hơn là văn học, nó là nguồn mạch suy tưởng của Aristote, Descartes, Kant, Heidegger, Sartre… hơn là một Shakespeare, một Goethe, một Victor Hugo. Tuy nhiên ở đây tôi không định mạo muội tìm cách khơi chảy nguồn mạch văn chương chảy về triết học, mà tôi sẽ cố gắng bàn đến siêu hình học cách chung theo nhãn quan của khuôn viên văn học.
Thực ra, siêu hình học có bóng dáng ở khắp nơi trong đời sống, và khi ta nói chữ “bóng dáng” thì dường như ta muốn ám chỉ ý nghĩa mông lung của vật thể hơn là chính vật thể đang sờ sờ ra đấy. Đó cũng là nẻo đường đầu tiên hướng về siêu hình học. Thực ra, tôi đã băn khoăn khi đặt trật tự “siêu hình học” cho cuốn sách này, bởi lẽ khi chúng ta đề cập đến chân lý, Thượng Đế, đạo lý con người như ước vọng của thực tại hướng về siêu việt, thì cùng lúc đó là những nơi xứng đáng hơn hết chúng ta phải đặt một nền móng siêu hình học. Song tôi ngẫm nghĩ và chọn rằng: chính chủ đề chân lý và Thượng Đế đã mang một ý nghĩa siêu hình học rất cao, bởi vậy ta không cần đổ nước thêm cho ngày lụt lội, cũng như chẳng cần thắp đuốc khi nàng bình minh đã ló ra những ngón tay hồng, tốt hơn là đổ rưới làn nước siêu hình học vào chính mảnh đất trồng cấy sự sống của cuộc đời, vào đúng mảnh đất đứng của chúng ta, vào đúng những giá trị căn bản luôn luôn sát cánh của trần gian này, đó là: cuộc đời, tình yêu, hạnh phúc, lạc thú, đau khổ của con người.
Trong cuốn “Siêu hình học là gì?” (Was ist metaphysic), Heidegger đã đi đến kết luận hết sức duyên dáng: Siêu hình học là gì? Sau cả chặng đường tìm kiếm chỉ cho phép chúng ta đi đến kết luận rằng, câu trả lời vẫn chỉ là câu hỏi. Nếu vậy, siêu hình học có khiến chúng ta dậm chân tại chỗ không? Siêu hình học có phải chỉ là món huyễn hoặc phù phiếm vô ích? Không! Chắc là không! Ít nhất không phải là lúc này, lúc chúng ta đang định bàn về nó. Bạn hãy nhớ lời khuyên của Khổng Tử đại ý rằng: Muốn hiểu sự vật trước hết phải gần gũi, rồi sau yêu lấy nó. Chúng ta không thể hiểu biết sự vật bằng thái độ đầu tiên là tẩy chay, xa lánh, ghét bỏ nó. Muốn hiểu siêu hình học là gì, trước hết hãy kề cận với nó, và tôi tin rằng, nó chẳng vô ích cho những dòng chữ mong khải huyền ý nghĩa cuộc đời huyền nhiệm trong tác phẩm của bạn. Và đây, chính Heidegger đã xác quyết về siêu hình học như một câu trả lời xác đáng: “Con người là siêu hình”.
Khi bạn có một cái bóng đổ xuống mặt đường, cái bóng đó có phải là của bạn không? Tất nhiên bạn sẽ thấy rằng, cái bóng đó chẳng là cơ thể bạn, và dù ai có đâm chém hay bắn phá cái bóng của bạn, bạn cũng chẳng hề hấn gì. Cái bóng chẳng phải là thực thể của bạn. Hiển nhiên là vậy rồi! Vậy thì cái bóng là của ai? Câu hỏi tự thân đã ngớ ngẩn rồi, bởi lẽ cái bóng của tôi thì phải là của tôi chứ. Người Trung Hoa cho rằng: cái hình của mình ở trong gương vừa là mình vừa không phải là mình, nó vừa có đấy vừa không có đấy, bởi lẽ khi ta đi khỏi thì cái hình cũng chẳng còn nữa. Vậy cuộc đời toàn diện là gì? Khi bạn nhớ nhung khắc khoải về người tình đã đi xa,bạn dày vò, ghì xiết, ôm ấp những hình ảnh, kỷ niệm về người bạn yêu đến thống khổ đó - những hình ảnh đó có hay không?
Vâng! Khi sự vật có có không không, một sự vật vừa là nó vừa không là nó, một sự vật vừa xuất hiện vừa đang biến đi, đó chính là ngả đường mà siêu hình học hiện ra.
Vậy siêu hình học là gì? Chúng ta hãy trở về nguồn gốc của nó.
Siêu hình học, được nhìn nhận từ thời cổ đại Hy Lạp với cái tên là “metaphisics”- có nghĩa là bên trên, bên ngoài chất thể vật lý. Trong thực tế, siêu hình học được đề cập như là: tất cả những gì vượt khỏi lằn giới khả giác của mọi vật thể - là tất cả những gì thuộc tính cụ thể lẫn trừu tượng của vật thể. Chẳng hạn, giá trị là một phạm vi khá phổ biến vẫn được các siêu hình học gia khảo cứu: một chiếc áo hôm nay giá 1 đồng, ngày mai do mốt thời thượng nó vọt lên 10 đồng, rồi ngày kia do mốt lỗi thời nó bị giảm giá xuống 1 hào. Ở đây trong ba ngày chiếc áo chẳng thay đổi gì cả, song giá trị tiền bạc ở nó đã thay đổi một cách chóng mặt. Giá trị về nó luôn luôn thay đổi là gì? Không! Thực ra nó chẳng thay đổi gì cả. Nhưng cuộc thăng trầm của nó có hay không? Và nó thuộc về ai? Cuộc thăng trầm về nó có! Và là của nó!
Tôi là một người đàn ông chưa vợ, cái chưa có vợ cũng là của tôi, và riêng tôi có. Rồi khi tôi lấy vợ, tôi lo vun đắp tình yêu và chiều chuộng nàng vì muốn nàng gắn bó với tôi. Nghĩa là khi tôi có nàng rồi, tôi cứ lo mất nàng, có và mất giằng co tạo thế đứng cho nhau. Sự ra đi của nàng chưa xảy ra, nhưng chẳng thể nào tôi chắc chắn rằng: tình yêu của nàng đối với tôi cứ mãi mãi như thủa ban đầu, vì thế tôi cố giữ nàng bằng tình yêu luôn luôn củng cố sự thắm thiết mỗi ngày. Dù vậy tình yêu đó luôn ở bên miệng vực sự sói lở của thời gian, nó mang lấy nguy cơ mất mà chưa mất, nó còn là bởi sự mất chưa xảy ra. Và tôi luôn có nguy cơ trở lại thành một kẻ độc thân nếu nàng bỏ tôi mà đi.
Vậy tôi là ai? Tôi là một kẻ cô đơn chưa vợ, tôi mang lấy nỗi độc thân của mình nhưng cũng mang một cơ hội cưới hỏi một cô nàng làm vợ; khi có vợ, tôi trở thành người chồng, người chồng đó mang lấy nguy cơ sống độc thân khi hôn nhân tan rã…
Nghĩa là tôi là tất cả những “cái tôi” tôi mang lấy trong thời gian, tất cả là “tôi” nhưng rất khác tôi, nhưng cái “khác tôi” ấy vẫn là của tôi, và thuộc về tôi. Tương tự sự vắng mặt của tôi trong lớp học là của chính tôi, chứ không phải của ai khác.
Đến đây chúng ta hãy đi đến một định nghĩa phổ quát nhất cho ý niệm siêu hình học, Sách bách khoa New Catholic có định nghĩa rằng: “Siêu hình học là khoa học về hữu thể trong toàn thể” (Traditionally, metaphisics is science of being in general. - Cuốn P11, tr.298 ).
Nguyễn Hoàng Đức
0 Nhận xét