Bài kinh Ratthapala - Kinh Trung Bộ, số 82

Chúng ta nên nghe lại câu chuyện của nhà vua Koravya và tôn giả Ratthapàla để chúng ta chọn con đường tu tập đúng đắn rồi đem hết cuộc đời của mình vào con đường này để quyết tâm giải thoát làm chủ sự sanh tử luân hồi như các vị Thánh Tăng trong thời đức Phật ngày xưa. Họ là những người biết chọn con đường đúng, không sai. Chúng ta hôm nay cũng vậy, nên nghe câu chuyện này để biết ngày xưa người xưa đã suy nghĩ và chọn con đường đi vào đạo Phật như thế nào:

Nhà vua Koravya đến gặp tôn giả Ratthapàla và hỏi:

- Thưa Tôn giả, Tôn giả đã biết gì, đã thấy gì hay đã nghe gì mà đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không nhà cửa (nghĩa là hiện giờ tôn giả không có gia đình, không có người thân, chỉ sống với 3 y một bát; tại sao lại dứt bỏ hết được như vậy để sống một thân một mình trơ trọi như vậy).

- Thưa Đại vương, có bốn sự thuyết giáo chánh pháp được Thế tôn giảng dạy, do đó tôi biết, tôi thấy và tôi nghe thuyết giáo ấy mà tôi xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không nhà cửa. Thế nào là bốn?

1.- Thế giới là vô thường, đi đến hoại diệt. Cái thứ nhất đức Phật đã thuyết giảng cho ông biết rằng các pháp trong thế gian thế giới này có nhưng nó là vô thường, thay đổi từng phút giây và nó đi đến chỗ hoại diệt, chỗ mất mát, chỗ không còn, không thường hằng được. Đức Phật chỉ cho chúng ta biết thứ nhất là vạn pháp trong thế gian đang hiện hữu đều là vô thường, thay đổi theo thời gian, không vĩnh viển. Nay chúng ta có thân này, ngày mai sẽ già, sẽ yếu rồi hoại diệt mất đi.

2.- Thế giới là vô hộ, vô chủ. Nghĩa là vạn pháp trong thế gian này không bảo vệ được mình mà mình cũng không bảo vệ được nó cho nên nó vô hộ (không ai hộ vệ cho nó) vô chủ (không ai làm chủ được nó).

3.- Thế giới là vô sở hữu. Trong thế gian không có một vật gì thuộc sở hữu của mình, thậm chí như cái thân và cái tâm của mình cũng không phải là vật sở hữu của mình được, nó muốn chết hay sống, muốn đau hay muốn lành bịnh là tự nó chứ mình không sai khiến nó được, nó không phải là vật sở hữu của mình.

Do hiểu như vậy cho nên tôi từ bỏ hết mọi vật, thậm chí cái thân của tôi, tôi cũng bỏ luôn, sống thản nhiên với 3 y một bát.

4.- Thế giới nô lệ cho tham ái. Thiếu thốn, khao khát, nô lệ cho tham ái. Thế gian này các pháp luôn luôn thiếu thốn, không bao giờ đủ, luôn luôn có sự khao khát, luôn luôn nô lệ cho tham ái. Mọi vật, mọi pháp đều là nô lệ cho tham muốn thay đổi của mình, không có thứ gì làm cho ta mãi an vui.

Bây giờ tôn giả mới giải thích cho nhà vua Koravya:

1. Thế nào là vô thường, đi đến hoại diệt.

- Thưa Đại vương, Đại vương nghĩ như thế nào khi ngài còn 20 tuổi đến 25 tuổi, sức khỏe ngài rất mạnh, ngài giỏi về cung tên, kiếm đao, côn quyền, có khả năng, thiện nghệ trong nghề đánh giặc.

Nhà vua xác nhận đúng vậy lúc ông còn trẻ 20-25 tuổi có sức mạnh, giỏi nghề cung đao, giỏi nghề đánh giặc. Rồi tôn giả hỏi tiếp còn bây giờ Đại vương già yếu rồi, sức khỏe kém dần, hiện giờ Đại vương đã 80 tuổi, đã gần mệnh chung rồi. Nhà vua cũng xác nhận đúng vậy, đã già yếu rồi, không còn sung sức như hồi trẻ nữa.

Các con biết sức khỏe chúng ta ngày càng suy sút, như vậy thế gian này là vô thường, cơ thể chúng ta gần đi đến hoại diệt rồi. Biết như vậy thì chúng ta phải thế nào? Chúng ta phải bỏ hết không còn tiếc nữa. Nếu không biết như vậy chúng ta cứ tiếc, nhưng chúng ta không giữ chúng được, thân người lớn tuổi không thể mạnh bằng thân người trẻ. Có sự suy ngẫm đó, chúng ta thấy thế giới này quả thật là vô thường, đi đến hoại diệt mà không biết sẽ đi về đâu, hoàn toàn mờ mịt.

2. Thế nào là vô hộ, vô chủ. Đây là câu hỏi thứ hai để chúng ta buông xuống, tìm lấy con đường giải thoát cho ra khỏi thế giới vô thường này. Cái thế giới vô hộ vô chủ này như thế nào?

- Thưa Đại vương, khi Đại vương thọ một chứng bịnh đau thống khổ, lúc bấy giờ thân hữu quen biết, dù là bà con huyết thống của Đại vương có đứng xung quanh đều lấy mắt ngó hay họ chịu đau thế cho Đại vương?

Như vậy là chúng ta thấy nói nó vô hộ vô chủ có đúng không? Bây giờ mình đâu có bảo hộ được nó, cho nên làm sao thân mình đau bịnh có người nào đau thế mình được không? Không, chỉ lấy mắt ngó thôi.

Vô chủ nghĩa là bây giờ thân đau mình cũng chẳng làm sao được hết đau, chỉ lấy mắt ngó thôi. Nó vô chủ, thế giới này vô hộ vô chủ thật sự, không làm sao người khác có thể bảo hộ được mình, không làm sao có người khác làm chủ được nó, bảo nó nghe lời không đau không đớn nữa. Đau là chịu đau thôi. Làm sao ai chịu đau thế được, do đó thế giới là vô hộ vô chủ. Không ai chịu đau thế cho người khác được tức là thế giới của chúng ta là vô hộ vô chủ.

Vì thế tôi đã hiểu được như vậy, tôi được nghe Phật thuyết như vậy cho nên tôi bỏ cuộc đời, mặc dù cuộc đời của tôi con một mà tôi vẫn bỏ của cải tài sản của ông bà cha mẹ, tôi đã bỏ hết là vì tôi đã hiểu nó vô hộ vô chủ, dù cho tôi có đống vàng nó cũng không chịu đau cho tôi được, dù có vợ con, cha mẹ cũng không thể đau thế cho tôi được, thậm chí như tôi chết, cũng không ai chết thế cho tôi được. Cho nên gọi là vô hộ vô chủ.

3. Thế giới là vô sở hữu, cần phải ra đi từ bỏ tất cả. Nghĩa như thế nào?

- Thưa Đại vương, Đại vương nghĩ như thế nào đối với năm món dục lạc thế gian này chỉ có một mình Đại vương hưởng thụ đầy đủ, còn những người khác không được hưởng thụ như Đại vương. Khi Đại vương chết đi theo nghiệp thì của cải tài sản của Đại vương người khác sẽ thọ hưởng. Đó là thế gian vô sở hữu, cần phải ra đi từ bỏ tất cả.

Bây giờ chúng ta có làm tiền bạc của cải cho lắm đi nữa thì khi chết chúng ta có mang theo được chút gì không, mà nói là của cải của chúng ta được? Cho nên nó vô sở hữu. Nếu nó thuộc sở hữu của ta thì ta phải mang theo, phải sử dụng, phải xài nó được chứ. Đằng này khi ta chết phải bỏ sạch, không lấy được một cái gì theo, thậm chí như vợ con cũng không mang theo.

Cho nên ngày xưa có những vua chúa chết đi, họ bắt vợ họ phải chết theo. Mà chết theo họ để làm gì, có nghĩa lý gì đâu. Họ tưởng là chết theo họ để vợ họ không lấy ông này ông khác, chỉ lấy mình ông thôi. Nhưng khi bà vợ chết đi rồi thì cũng như ông, đất hoàn đất, nước, gió, lửa cũng hoàn nước, gió, lửa, đâu còn cái gì gọi là sở hữu của mình đâu thế mà người ta lầm tưởng làm những việc đó là mang theo sở hữu của mình. Thậm chí mang theo vàng bạc. Ngày nay người ta quật những ngôi mộ của các ông vua, ông quan ngày xưa, người ta thấy vàng bạc châu báu trong đó, không mất một cái nào hết. Như vậy là chôn theo mà có xài được không? Đâu có xài được, đâu có tiêu được. Đo đó chôn theo vô ích. Cho nên ở đây chúng ta thấy thế giới này là vô sở hữu.

Hiểu được như vậy thì chúng ta có còn ham thế giới này không, có còn ham tiền bạc không, có còn ham chùa to tháp lớn không, có còn ham những cái gì sang đẹp của thế gian này không? Không. Chúng ta thấy nó thật sự vô sở hữu, cho nên chúng ta bỏ hết, chỉ tìm con đường chấm dứt sanh tử luân hồi, tất cả mọi người không phải thuộc sở hữu của chúng ta đâu mà là nhân quả vay trả chứ không có gì. Chúng ta đã hiểu được như vậy thì chúng ta phải cố gắng, nỗ lực lìa xa thế gian này, thế giới này. Nỗ lực tận cùng để chúng ta đạt được mức giải thoát hoàn toàn.

4. Thế giới thiếu thốn, khao khát, nô lệ cho tham ái. Nghĩa như thế nào?

- Thưa Đại vương, Đại vương nghĩ như thế nào. Bây giờ trong nước Đại vương rất phồn thịnh, nhưng Đại vương vẫn muốn cai trị tất cả các nước lân bang khác, bắt họ phải phục tùng mình. Chính vì vậy thế giới là thiếu thốn, khao khát, nô lệ cho tham ái và tôi sau khi biết, sau khi thấy, sau khi nghe những lời dạy này, tôi đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.

Xin hỏi quý thầy thấy chỗ thế giới thiếu thốn, khao khát, nô lệ cho tham ái, đúng không? Bây giờ chúng ta làm có tiền nhiều, nhưng chúng ta có thấy đủ không. Làm nữa, chất đống nữa rồi chúng ta trở thành những nhà giàu nhất thế giới mà chúng ta vẫn còn thấy thiếu, cho nên ở đây rõ ràng là chúng ta nô lệ cho tham ái, không bao giờ dứt. Người ta nói tâm của thiên hạ là cái túi không đáy, có một đồng chúng ta muốn có hai đồng, có hai đồng chúng ta muốn có 10 đồng,... cái muốn cứ tăng thêm tăng thêm hoài, không bao giờ ngưng. Có nhà tranh thì muốn có nhà ngói, có nhà trệt thì muốn có nhà lầu,... Có xe đạp thì muốn có xe hơi, có xe hơi thì muốn có máy bay,... Lòng tham ái của con người không bao giờ đứng lại, không bao giờ đầy đủ, luôn luôn khao khát. Cho nên luôn luôn nô lệ cho tham ái, cứ chạy theo sự thiếu thốn khao khát đó thì thử hỏi cuộc đời của quý thầy có khổ không? Chúng ta nên bỏ đi, bỏ hết đi.

Hiểu được như vậy, người gan dạ hiểu như vậy mà bỏ đi như tôn giả Ratthapàla đã từ bỏ.

Chúng ta đã nghe khi tôn giả Ratthapàla tu hành xong, về thăm nhà, rồi cha mẹ đem một đống vàng đổ giữa nhà bảo là của ông, bảo ông nên về nhà hưởng thụ. Ông bảo đem vàng bạc đó đổ xuống sông. Còn vợ con ông thì ông xem như người xa lạ, hết còn thân tình gì nữa. Cho nên cuối cùng ông chỉ nhận thực phẩm bố thí, ăn xong, ông đi, phủi sạch tất cả vật chất và tình cảm.

Cho đến khi nhà vua Koravya gặp ông và được ông giải thích do chỗ ông hiểu lời Phật dạy 4 điều kiện thế giới là vô thường, đi đến hoại diệt; thế giới là vô hộ, vô chủ; thế giới là vô sở hữu, cần phải từ bỏ tất cả; thế giới là thiếu thốn, khao khát, nô lệ cho tham ái.

Còn chúng ta nghe rồi có xa lìa được không hay là còn thương, còn tiếc, còn nhớ, không dứt bỏ được. Ở đây 4 sự thật thật là đau lòng, con người sanh ra sống ở trong 4 điều kiện này mà lầm tưởng nó là thật nhưng không ngờ nó là sự đau khổ vô cùng cho kiếp người, cái tâm tham vọng của chúng ta, tâm tham ái của chúng ta không bao giờ dứt thiếu thốn mà khao khát mãi mãi, biến chúng ta trở thành những con người nô lệ cho vật chất, cho tiền bạc, cho của cải tài sản.

Tôn giả Ratthapàla giảng xong bốn điều vô thường, vô hộ, vô chủ, nô lệ cho tham ái cho vua Koravya nghe xong, đọc lên bài kệ rồi ngài trở về tịnh xá.

Ở đây ngài Ratthapàla có đọc bài kệ cho nhà vua nghe nhưng vì chúng ta không đủ thì giờ để đọc lại bài kệ đó nên Thầy không đọc bài kệ vì thời gian chúng ta còn quá ngắn, nếu giảng bài kệ này thì nó đòi thời gian quá nhiều, vì vậy chúng ta chỉ lướt qua để hiểu đại khái đường lối, một con đường chân thật để chúng ta tu hành giải thoát mà thôi.

Hiểu để tu. Nghe nhiều chỉ làm động tâm, hiểu nhiều trở thành sở tri chướng làm cho tâm ta khó tu. Chúng ta biết được cái gì thì chúng ta nỗ lực tu cái đó để chúng ta được giải thoát khỏi 4 điều kiện của thế giới này.

Tỳ kheo Từ Quang biên tập lời Trưởng Lão Thích Thông Lạc giảng trong mùa an cư 1997, được ghi âm ở 61 cassette 90

Đăng nhận xét

0 Nhận xét