Xin chú ý! Có trẻ em!

I. Thiếu nhi - em là ai?

Đó là câu hỏi đầu tiên, một câu hỏi khá thú vị mà mỗi người làm sách cho thiếu nhi phải trả lời. Tôi không có tham vọng trình bày một lời giải chính xác cuối cùng mà chỉ muốn nói lên một vài kinh nghiệm trong bậc thang nhận thức mà mình đã từng trải.

Chủ tịch Hồ Chí Minh có câu thơ: "Trẻ em như búp trên cành".

Búp trên cành có vẻ đẹp của nó, nhưng búp chưa phải là hoa, búp còn phải dựa vào cành, còn sống nhờ vào nhựa cây và ánh sáng để chờ ngày thành hoa. Trẻ em chưa phải là người lớn. Chân lí đơn giản đó, không phải lúc nào chúng ta cũng nắm bắt được. Đã có lúc ta bắt trẻ em nghe, đọc rồi nói và làm những điều như người lớn. Xin kể một vài dẫn chứng:

Năm 1964, kỉ niệm 10 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, người ta đã tập trung hàng ngàn trẻ em ở sân Hàng Đẫy để nghe nói về trận đánh. Không chịu nổi không khí oi bức của tháng năm, không đủ kiên nhẫn để theo dõi bài giảng hàng tiếng đồng hồ, thế là các em làm ồn. Hôm sau, nhà thơ Tố Hữu đã kết luận "căn bản là thất bại".

Cũng năm 1964, đến dự một đại hội hợp tác xã Măng Non, chúng tôi đã chứng kiến cảnh họp thiếu nhi mà cũng chủ tịch đoàn, diễn văn khai mạc, báo cáo tình hình, cũng chè xanh thật đậm, thuốc lá mịt mù… y như người lớn.

Còn trên sách báo cho trẻ em thời đó chúng ta gặp khá nhiều những bài kí sự dài dằng dặc về ủ phân xanh, nuôi lợn béo… Bấy giờ chúng tôi thường ví chúng là những toa tàu hàng, những toa tàu chở than chỉ rặt một màu xám nặng nề.

Hơn một phần tư thế kỉ đã đi qua, tưởng như không cần nhắc lại, nếu như gần đây thôi, chúng tôi không gặp trên các bản thảo cho các em những trang viết màu xám kiểu khác, không phải những con số thành tích ngày xưa mà là những cảnh đâm chém, gợi tình thấp kém. Đấy là những cực khác nhau nhưng cũng xuất phát từ một căn bệnh ấu trĩ hình thành từ một quan điểm giản đơn coi "Trẻ em là người lớn thu nhỏ lại". Để phản bác, tiến sĩ tâm lí Hồ Ngọc Đại đã đưa ra một khái niệm "Trẻ em là một thực thể tự nhiên", một thực thể tồn tại ngoài ý muốn chúng ta. Tôi nghĩ, khái niệm này còn hàm ý: trẻ em bao giờ cũng là trẻ em, tâm hồn chúng còn xa lạ với các vấn đề chính trị, những mâu thuẫn dân tộc, giai cấp… những vấn đề làm đổ không ít máu và nước mắt nhân loại. Pie Gamarra, nhà văn Pháp, sau khi đối thoại với hàng trăm bạn đọc nhỏ đã rút ra kết luận: Trẻ em đã thu nhận được một lượng hiểu biết chiếm ưu thế so với phần còn lại của đời người, và ông định nghĩa: "Trẻ em là cha của con người". Theo tôi, nhìn từ quy luật tiến hóa, định nghĩa trên rất có ý nghĩa. Bởi sự phát triển của mỗi cá thể là lặp lại sự phát triển của toàn loài, nên tâm hồn thiếu nhi gần giống như tâm hồn con người thời thượng cổ.

Nhà thơ Chế Lan Viên định nghĩa: "Trẻ em là nàng  tiên trên mặt đất" với ý nghĩa trẻ em không chỉ thích tưởng tượng, giàu tưởng tượng mà còn sống với tưởng tượng. Với các em, một tàu cau, ấy là con ngựa đang phi, một rãnh nước cũng là con sông và mảnh bẹ ngô cũng là con thuyền.

Có người nói: các nhà viết cổ tích cần am hiểu tâm lí trẻ em. Đúng, nhưng đó là cổ tích thời nay, còn những chuyện đời xưa thì tác giả không phải sành tâm lí trẻ em mà chính họ đã tự biểu hiện thế giới tâm hồn, một giai đoạn trẻ thơ của loài người. "Đi tìm dân tộc thì gặp thiếu nhi", nhạc sĩ bậc thầy Nguyễn Xuân Khoát đã từng nói như vậy. Những định nghĩa trên đây, theo tôi mới chỉ là những giải đáp gần đúng với tâm hồn trẻ em ở lứa tuổi đầu đời: những em bé mẫu giáo và nhi đồng.

Tôi nói gần đúng bởi vì trẻ em là một thế giới luôn luôn biến động rất khó nắm bắt. Có lần, thấy một cháu bé quỳ hai đầu gối xuống sân, tôi bảo: "Cháu ơi, đứng dậy đi, bẩn lắm!" Bé quay lại cười rồi ngồi bệt xuống sân. Tôi lại bảo, lần này với giọng hăng hơn "Bẩn lắm! Đứng dậy đi!". Ngay lập tức bé nằm quay ra sân thách thức. Nhiều người cũng kể rằng con cháu họ hôm qua còn là một bé ngoan, mọi việc đều nhất nhất làm theo lời mẹ, lời cô, hôm nay bỗng dưng thích làm ngược tất cả. Muốn cháu ngủ thì phải bảo cháu thức, muốn cháu ăn thì phải bảo cháu nhịn. Thì ra, từ chỗ luôn gắn liền với mẹ với cô, đã đến lúc bé muốn chứng minh mình là một thực thể riêng biệt, mình cũng là người lớn.

Một bước ngoặt trong tâm lí. Từ tuổi thơ đến tuổi trưởng thành đã diễn ra biết bao bước ngoặt như vậy. Nhà văn Võ Quảng đã so sánh: " Khoảng cách về tâm hồn, nhận thức của một ông già bảy mươi tuổi với một em bé mười bảy tuổi là không đáng kể so với khoảng cách của em đó với một em bé hơn: bảy tuổi". Dĩ nhiên giữa tuổi trưởng thành và tuổi già có nhiều khác biệt về tâm lí nhưng là sự khác biệt của những con người cùng thời. Còn giữa tuổi ấu thơ và tuổi trưởng thành?

Thuyết "sự phát triển của mỗi cá thể là lặp lại sự phát triển của cả loài" chứng minh rằng thời gian ngắn ngủi đó lặp lại thời gian phát triển hàng triệu năm của loài người. Vậy có nên khuân tất cả cái thực thể tâm lí sống động, phức tạp và phát triển, biến hóa không ngừng đó vào một khái niệm trẻ em. Chính vì lẽ đó mà lời giải: "Trẻ em là một thực thể tự nhiên - Trẻ em là nàng tiên trên mặt đất" sẽ là áp đặt sai lệch với lứa tuổi thiếu niên, khi thông qua các mối quan hệ gia đình, trường học, bạn bè, sách báo… đã hình thành trong các em ý thức xã hội với các giá trị tinh thần đạo đức. Mặt khác những lời giải trên đây chủ yếu là nhằm nhận thức thực thể trong nguyên trạng, nó chưa nói lên xu thế phát triển và những nhu cầu, đòi hỏi của xã hội đối với thiếu nhi. Chính vì vậy mà tôi muốn nói đến một loạt khái niệm khác: "Trẻ em là tương lai dân tộc", "Trẻ em là niềm hi vọng của loài người", "Trẻ em là người kế tục sự nghiệp cách mạng". Tiêu biểu cho tinh thần này là lời kêu gọi tha thiết của văn hào Gooc-ki:"Trái đất thuộc về các em. Bao giờ cũng thuộc về các em. Chỉ có trẻ em là bất tử. Chúng ta, cha anh các em, chúng ta còn nhiều chuyện không biết, nhưng các em thiếu nhi, các em sinh ra đời để mà hiểu biết tất cả. Hãy mở đường cho các em, kẻ kế thừa sự nghiệp hùng tráng của nhân loại."

Có thể còn những lời giải khác nữa về trẻ em. Càng nhiều, nhận thức của chúng ta về chúng càng phong phú, công việc làm sách cho trẻ em càng có thêm ý nghĩa.

II. Sách cho trẻ em, đôi điều cần lưu ý.

Khi tìm lời giải "trẻ em là ai", tôi thấy hình thành hai loại khái niệm. Loại thứ nhất nhằm chỉ rõ thực trạng tâm hồn, nhận thức của trẻ em, từ đó mà nhìn ra cái thích, cái yêu của trẻ em. Loại thứ hai chỉ ra xu hướng phát triển của trẻ và yêu cầu, mong muốn của ta đối với trẻ em, tức là cái trẻ em cần. Một xuất bản phẩm tốt cho thiếu nhi có lẽ cần chứa đựng trong đó hai yếu tố: Cái yêu thích và cái cần của các em. Những khái niệm này thật ra chỉ khác nhau ít nhiều, chứ không thành những điều đối lập. Bởi có cần mới yêu và có yêu mới cần, nếu hiểu cần như những nhu cầu nội tại. Tiếc thay khi yêu hay cần lại do người lớn áp đặt, kiểu suy bụng ta ra bụng trẻ em.

Tôi không đọc nhiều sách của các nhà xuất bản khác, nhất là sách xuất bản ở các tỉnh phía Nam, trước và sau ngày giải phóng, nhưng sách của Nhà xuất bản Kim Đồng ít nhiều cũng có suy bụng người lớn ra bụng trẻ em, nhìn trẻ em như là "người lớn thu nhỏ". Nhiều lúc chúng tôi đã nhấn mạnh quá đáng các em cần cái này, cái nọ mà không chú ý thích đáng thị hiếu của các em. Đó là một căn bệnh phổ biến, kéo dài. Triệu chứng của nó là:

1. Trong các thể loại thì chú trọng thơ, văn mà ít chú ý đến các loại tranh, tranh bìa, tranh minh họa và tranh truyện. Trong các loại truyện thì chú trọng đến các thể loại miêu tả hiện thực trực tiếp mà ít chú ý đến các loại truyện dân gian, đồng thoại, viễn tưởng, phiêu lưu, những điều kì lạ vốn là những loại hợp với sở thích của các em.

2. Vào những năm chiến tranh, do nhu cầu động viên, cổ vũ lòng dũng cảm, tinh thần hi sinh vì đất nước thì việc xuất bản nhiều loại sách "người thực việc thực" viết về những anh hùng, chiến sĩ, đảng viên, đoàn viên gương mẫu là cần thiết. Đáng tiếc là cách viết, cách vẽ của chúng ta còn giản đơn, nệ thực, chỉ thấy những trần thuật khô khan về thành tích, thiếu những ánh hào quang rực rỡ của người anh hùng.

3. Tác phẩm thường được thể hiện bằng những cấu trúc bằng phẳng, giản đơn, với những nhân vật hờ hững tẻ nhạt, với những triết lí rối rắm, và những tình cảm bi đát; thiếu cái đằm thắm, ngộ nghĩnh, hài hước, lạc quan… vốn gắn liền với tâm lí tuổi thơ.

Những năm gần đây sách cho trẻ em không còn được bao cấp nữa, tất cả theo cơ chế thị trường. Thế là xuất hiện trạng thái đảo ngược: Các nhà xuất bản từ trung ương đến địa phương đều làm sách tranh và truyện cổ tích. Rõ ràng là người làm sách phải tôn trọng thị hiếu, nhưng lẽ nào lại một chiều chạy theo thị hiếu, không đếm xỉa đến yêu cầu giáo dục, bồi dưỡng tâm hồn lớp người "kế thừa sự nghiệp hùng tráng của nhân loại".

Chúng tôi cho rằng: cổ tích không những được yêu thích mà cũng là món ăn thật cần thiết cho tuổi thơ. Cần thiết như sữa mẹ. Nhưng quá trình trưởng thành của một nhân cách còn cần thật nhiều thứ. Một truyền thống dân tộc được hình thành thông qua các sinh hoạt văn học, các sản phẩm nghệ thuật, các thuần phong mĩ tục… Một lòng yêu nước thương nòi được bồi đúc ngày càng bền vững qua các tấm gương anh hùng, chiến sĩ hữu danh và vô danh. Một hiểu biết rộng rãi về toàn cảnh thế giới và thời đại đang phát triển như vũ bão. Những danh nhân lớn của các dân tộc các thời đại rất đáng để các em ngưỡng mộ và noi theo…

Gần đây đọc bài giảng của họa sĩ nổi tiếng Ấn Độ Ramachandran, tôi băn khoăn về cái ý của ông "một cuốn sách tranh tốt là một sự vô nghĩa gây hứng khởi, gây nên ấn tượng giữ mãi trong tâm lí trẻ em". Đã gây được hứng khởi sao lại gọi là vô nghĩa? Nhưng sau đó họa sĩ giải thích "Tôi dùng chữ "sự vô nghĩa gây hứng khởi" là có chủ tâm. Chúng ta luôn luôn cố hết sức mình dạy một cách có ý thức một điều luân lí nào đó cho trẻ em… và điều luân lí đó đứng tách ra giống như một lượng muối lớn bỏ thêm vào một món thức ăn nấu rất ngon". Nói như thế là rất đúng, nhưng giá như ông dùng chữ "hồn nhiên" thay cho "vô nghĩa" thì có lẽ dễ tiếp nhận hơn. Xin cảm ơn nhà họa sĩ tài ba.

Lời dặn của ông đã giúp khi nhấn mạnh nhu cầu giáo dục toàn diện cho các em vẫn không quên nói lại một điều quan trọng nhất: Đừng coi thường tâm lí trẻ em, chúng chỉ đến với những gì ngây thơ, hồn nhiên, ngộ nghĩnh…, còn lên giọng dạy dỗ là chúng đã lỉnh mất rồi. Một vấn đề lâu nay gây nhiều tranh luận là miêu tả cái thiện và cái ác trong sách cho các em như thế nào?

Có một câu thơ quen thuộc: Lòng trẻ thơ như tờ giấy trắng. Và từ đó suy ra: Văn nghệ có sứ mệnh thiêng liêng viết lên, vẽ lên những điều tốt đẹp. Như phần trên đã nói: Sự đời không giản đơn như vậy. Trong thực tế ứng xử ta phải nhìn nhận trẻ em như nó vốn có, với những tầng lớp và lứa tuổi khác biệt và chắc chắn là cách đọc, cách tiếp nhận những gì ta viết không bao giờ giống nhau. Nếu có cái gì chung, có thể gọi là tính người, tính nhân loại thì tôi nghĩ đầu tiên là ý thức tự khẳng định. Mặt tích cực của tự khẳng định là tinh thần vươn lên tự hoàn thiện, tinh thần hướng về chân, thiện, mĩ. Mặt khác, nếu tuổi già là tuổi của sự từng trải, thì tuổi trẻ là tuổi háo hức, say mê tìm tòi, thử nghiệm. Và để tự khẳng định, các em luôn luôn muốn tìm một chỗ dựa, một hình mẫu để noi theo. Vì vậy sách cho các em thiên về miêu tả cái đẹp, cái thiện; món ăn tinh thần của các em là những tình cảm thiêng liêng, trong sáng: tình yêu, chiến công, lao động, sáng tạo…

Những nhân vật cho trẻ em được mến mộ trên khắp thế giới có chung những phẩm chất: tài ba, hào hiệp, anh hùng. Đó là những điều đã được công nhận. Nhưng đẹp - xấu, thiện - ác vốn là những mặt đối lập. Nếu ta loại bỏ hết dì ghẻ, yêu tinh, phù thủy, quỷ sứ… ra khỏi các truyện cổ tích thì sự thể sẽ ra sao nhỉ? Thì làm gì còn có cô Lọ Lem, cô Tấm và các chú bé mồ côi bất hạnh cùng những ông bụt, bà tiên và các hoàng tử đến cứu nạn. Lí thuyết thiên về cái anh hùng, cao cả… sẽ không có gì phải bàn đến nếu không có phản đề khác làm cho thiên lệch: không miêu tả cái xấu, cái ác. Nhiều năm qua sự thiên lệch này đã hạn chế việc cung cấp những sách văn học có giá trị cho các em. Đã có lúc chúng ta né tránh những trang miêu tả hiện tượng trộm cắp dù đó là danh tác Tôm Xoi-ơ của nhà văn viết cho thiếu nhi tài năng bậc nhất.

Không có văn bản nào ghi nhưng dường như đã có quy ước ngầm giữa những người biên tập và người sáng tác: Có thể miêu tả những trẻ em có khuyết điểm thông thường nhưng trẻ em hư thì phải thận trọng. Còn người lớn người nào mà chẳng là cha mẹ, anh chị, thầy cô… của các em, nên họ phải gương mẫu, trừ những người lớn đã được coi như là kẻ chậm tiến, hoặc lưu manh, phản động. Chính sự né tránh này đã làm mất đi điểm tựa, sức đột phá của nhiều cuốn sách. Bởi tình tiết dẫn truyện thường xoay quanh những mâu thuẫn nhẹ nhàng của những tính cách vừa phải. Hậu quả của những tác phẩm đó là các em dễ dàng lãng quên! Trong khi ở loại cổ tích thế sự có nhiều truyện chỉ độc miêu tả cái xấu, cái ác theo quy luật "ác giả ác báo" như Chiếc cân thủy ngân, Người hóa vạc… lại làm ta nhớ đời, ở đây cái thiện không được miêu tả như là một mặt của đời sống mà là một thứ quyền lực thiêng liêng. Chính vì vậy mà tính định hướng, sức lay động của nghệ thuật càng sâu đậm. Bởi vậy chúng tôi nghĩ rằng ta không nên khoanh vùng cấm tuyệt đối trong văn học thiếu nhi mà là cân nhắc liều lượng và cách miêu tả hiện thực thích hợp với từng lứa tuổi.

Ở lứa tuổi nhỏ, các em còn như những mầm non, dễ xúc động, vì vậy cái xấu, cái ác chỉ nên thể hiện qua những hình ảnh có tính chất tượng trưng (như trong truyện cổ) tránh miêu tả cụ thể những cảnh chém giết, chết chóc bi thương gây nên những cảm xúc rùng rợn, kinh hoàng.

Với lứa tuổi lớn hơn, các em đã ít nhiều từng trải, ta có thể miêu tả trực tiếp, tuy nhiên, điều quan trọng nhất là tính khuynh hướng của hình tượng. Nếu như với bạn đọc đã trưởng thành, người viết có thể gợi ra nhiều suy nghĩ khác nhau để lựa chọn thì với trẻ em, không những khuynh hướng chung của tác phẩm mà mỗi hình tượng cụ thể cũng cần có tính khuynh hướng rõ ràng. Không thể miêu tả cái ác, cái xấu mà không gợi lên trong các em lòng ghê tởm, khinh ghét. Cũng cần tránh gây những tò mò, những kích thích (nhất là về giới tính) mà lứa tuổi thiếu nhi chưa quan tâm, chưa cần biết. Mặt khác, miêu tả cái ác, cái xấu làm sao để nó đừng hấp dẫn hơn cái thiện, ngăn ngừa hiệu ứng mà ai đó từng nói "Các em dễ bắt chước kẻ trộm hơn là người bắt trộm".

Khi nhìn thấy tấm bảng mang hình tượng trẻ em, người lái xe phải cầm chắc tay lái, giảm dần tốc độ; trước trang giấy dành cho thiếu nhi, người cầm bút phải đắn đo cân nhắc. Ai đó đã từng viết: "Không bao giờ được quên rằng giáo dục là vấn đề trước tiên. Hãy thận trọng, nghệ thuật đấy! Hãy cẩn trọng, có trẻ em đấy!"

(Trích bài giảng ở lớp tập huấn tranh truyện cho trẻ em do tổ chức ACCU phối hợp với
Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức tại Hà Nội)

Đăng nhận xét

0 Nhận xét