Hỏi: Kính thưa Thầy! Thân kiến là gì? Có phải là những kiến chấp về thân, coi trọng cái thân không? Có phải nó làm cho mình giảm nghị lực để chiến thắng mọi khó khăn, mọi hoàn cảnh về thời tiết bệnh hoạn? Rồi nó luận tu pháp này dễ hơn, khỏe hơn (Vô vi, Yoga) để mình xa dần pháp môn chân chánh của đạo Phật? Nếu con muốn phá được thân kiến phải tu tập những gì để có sức tự chủ? Con cúi xin Thầy giúp con thoát khỏi hoặc ngăn ngừa những sai lầm!
Câu hỏi của Mỹ Linh
Đáp: Con hiểu về thân kiến rất đúng. Trên đời, người ta khổ vì chấp thân là của ta, gặp hoàn cảnh khó khăn, gặp việc khó khăn, gặp khí hậu thời tiết, bệnh tật khó khăn là ta đi tìm cách tránh né cho khỏe thân hơn, tức là chấp ngã.
Tu hành là phải xả tâm; diệt ngã, ly dục, ly ác pháp quá khó khăn, khiến cho thân tâm phải mệt nhọc từng phút, từng giây, để chiến đấu làm chủ đời sống của mình. Vì tu hành quá vất vả, nhiều người nản chí và thối tâm chạy theo tu các pháp môn Tịnh Độ, Mật Tông, Thiền Tông, Vô vi, Yoga v.v.. Đó là do bệnh chấp ngã, xem ngã trọng, sợ ngã mệt nhọc, để tu các pháp khác an ổn, hỷ lạc hơn, ngồi thiền nhiều khỏe hơn.
Tất cả những lý luận này là lý luận chấp ngã, nuôi ngã, dưỡng ngã. Người chấp ngã, nuôi ngã là đi ngược lại đường lối tu tập của đạo Phật, thì dù có tu muôn kiếp cũng khó giải thoát được. Tu như vậy thì tu để làm gì, tốt hơn sống ngoài đời có đạo đức nhân bản - nhân quả còn khỏe hơn là chạy đi tìm dục lạc trong thiền định. Nếu nói để trị bệnh, thì làm sao thiền định trị bệnh được. Bệnh gốc do nhân quả, muốn trị thì phải trị bằng nhân quả, sao lại trị bệnh bằng thiền tưởng? Thiền tưởng chỉ làm cho chúng ta cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái và phục hồi những rối loạn chức năng của cơ thể, chứ không thể chữa hết nghiệp nhân quả bệnh khổ.
Muốn phá được thân kiến thì chỉ có các pháp thiền định của đạo Phật:
1- Định Niệm Hơi Thở.
2- Định Chánh Niệm Tỉnh Giác.
3- Định Vô Lậu.
4- Định Sáng Suốt.
Hàng ngày phải chuyên cần tu tập pháp hướng tâm, “tâm như cục đất lìa tham, sân, si hết” thì thân kiến mới dứt.
Trưởng Lão Thích Thông Lạc
Trích Đường về xứ Phật 7
0 Nhận xét