Một số hãng phim, nhất là một số cơ sở nhập khẩu phim, đang có xu hướng khai thác đề tài phim ma, phim kinh dị, những phim hoang tưởng khó hiểu tạo nên sự hoang mang về chuyện ma quái với người xem.
Cục Ðiện ảnh đã có Công văn số 308 nhắc nhở "yêu cầu hạn chế tối đa" việc sản xuất hoặc nhập khẩu phim ma, phim kinh dị gửi các hãng phim, các đơn vị nhập khẩu phim truyện nhựa, thực hiện nghiêm chỉnh Luật Ðiện ảnh, tránh tình trạng tỷ lệ dòng phim này quá nhiều.
Trong cơ chế thị trường định hướng XHCN, các tác phẩm văn học - nghệ thuật cũng là hàng hóa, nhưng đó là hàng hóa đặc biệt vì nó có tác động rất lớn tới tư tưởng, tình cảm và tâm hồn con người. Nếu chỉ chạy theo lợi nhuận, thì chúng mang đến cho công chúng những gì độc hại. Có người ngụy biện rằng, phải có nhiều yếu tố giải trí, rằng thế giới cũng có dòng “phim ma, phim kinh dị”…
Dù thế nào chăng nữa thì giải trí cũng phải nâng con người xuống, có nói về ma quái kinh dị thì cũng phải đưa cái thiện thắng cái ác, ca ngợi những giá trị cao đẹp của con người.
Và nhất là không thể đưa ra những cảnh tượng khủng khiếp, phi nhân tính, hoang tưởng đến mức làm người xem hoảng loạn.
Cứ nghĩ mà xem, con em chúng ta thường xuyên tiếp xúc với những cảnh tượng này liệu chúng có phát triển bình thường được không?
Đời sống vật chất của nhân dân ngày càng cải thiện, nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần ngày càng cao, đòi hỏi các sản phẩm văn hóa phong phú, đa dạng.
Nhưng không vì thế, mà đưa ra những món ăn tinh thần thấp kém và độc hại. Các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm vào cuộc để phòng bệnh hơn là chữa bệnh.
0 Nhận xét