Khi văn hóa trở thành 'hàng hóa nhóm 2'

Tranh xấu, phim thảm họa, ca khúc nhảm nhí… không nên cho phép công bố! Đó chính là ý kiến đầy bức xúc của nhiều nhà quản lý và những người làm nghệ thuật chân chính tại hội thảo "Quản lý Chất lượng sản phẩm văn hóa qua công tác xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức mới đây tại TP Đà Nẵng.

Cơn lốc thị trường

Kinh tế thị trường có thể ví như một cơn lốc, nó quét qua và biến đổi cả thực tại. Có những người bình thường chưa hề có “danh”, chỉ sau một đêm đã trở thành “thần tượng” của hàng triệu người, cát sê cao tới 3, 4 chục triệu đồng cho 1 suất diễn. Thậm chí chưa cần biết chất lượng biểu diễn ra sao, chỉ cần sự có mặt của “nghệ sỹ” này thì đã kéo theo lượng khán giả “khủng” đến cổ vũ.

Cũng vì đồng tiền mà nhiều người sẵn sàng tìm đủ mọi cách để đánh bóng tên tuổi, từ việc tạo những scandal khó tin nhất cho đến… cởi bỏ áo quần, làm những động tác thô tục, hạ thấp nhân phẩm.

Khi văn hóa đã trở thành hàng hóa, xuất hiện mâu thuẫn ngay trong giới nghệ sỹ sáng tác và biểu diễn. Nên chiều chuộng thị hiếu tầm thường để sản phẩm của mình (album, bộ phim, bài hát, điệu nhảy…) bán chạy, hay là cố công thai nghén ra những tác phẩm mang tính nghệ thuật cao nhưng kén người thưởng thức? Và các nhà quản lý cũng lúng túng với câu hỏi: "Đâu là thước đo văn hóa?".

Nổi lên trong những nhạc sỹ thuộc trường phái “làm nghệ thuật kén công chúng” là các nhạc sỹ Dương Thụ, Quốc Trung, Huy Tuấn, Anh Quân… Những nhạc sỹ này vẫn tuyên bố làm nghệ thuật chân chính, không chiều chuộng, làm hư thị hiếu khán thính giả. Trong một lần trả lời phỏng vấn, nhạc sỹ Dương Thụ đã nói, đại ý rằng, ông vẫn mang nhạc giao hưởng thính phòng tới nhà hát, mặc dù ít khán giả, nhưng là những khán giả ruột. Kể cả có những khán giả vào nghe không hiểu gì mà quay sang cắn chắt hay ăn bắp rang bơ, nhưng họ chịu ngồi lại với thứ âm nhạc đỉnh cao này, là ông đã mãn nguyện rồi.

…không chừa cả giới truyền thông

Lệch chuẩn là một từ được dùng ngày càng thường xuyên hơn trong thời gian gần đây, khi nói về nhận thức và hành động của giới nghệ sỹ hoặc những người tự nhận mình là nghệ sỹ.

Tuy nhiên, từ này cũng được gắn vào những tác phẩm báo chí truyền thông, khi cổ súy cho những hiện tượng thiếu văn hóa, phản khoa học trong cuộc sống.

Rất dễ tìm thấy, một số chương trình truyền hình thực tế, chương trình truyền hình mà tính chất quảng cáo lộ rõ… đã đem tới cho công chúng những món ăn tinh thần kém chất lượng hoặc còn nhiều “hạt sạn”. Hình ảnh nghệ sỹ, người dẫn chương trình ăn mặc kiểu “khoe thân” đã vô tình cổ vũ lứa tuổi thanh thiếu niên bắt chước theo.

Như “chuyện thường ngày ở huyện”, mỗi khi giới nghệ sỹ có “hắt hơi, sổ mũi” gì, truyền thông đều thi nhau đăng tải, thêm mắm, thêm muối để gây sự chú ý, tò mò của công chúng. Điều này gần đây đã trở thành căn bệnh khó chữa của truyền thông, đặc biệt trên một số diễn đàn Internet và một số báo mạng.

Có phải lỗi do công chúng?

Mỗi chương trình nghệ thuật dở, tác phẩm bị điều tiếng thì tác giả của nó thường bào chữa rằng, đó là do “chiều theo thị hiếu công chúng”, hoặc “chiều theo thị hiếu tầm thường”. Nhưng có phải lỗi hoàn toàn do công chúng? Hay là do, trong “rừng” văn hóa phẩm như trăm hoa đua nở, số lượng sản phẩm cấp thấp chiếm đa số, kiến cho công chúng cũng bị phân tâm, lôi kéo nên khó lòng lựa chọn?

Có nhạc sỹ đã từng trao đổi với người viết: Đừng trách công chúng! Tại sao chúng ta lại cứ bằng lòng với những sản phẩm văn hóa cấp thấp? Nếu có những công chúng ưa thích các chương trình đó, là do chính những người làm nghệ thuật đã làm hư công chúng. Những tác giả, nghệ sỹ chân chính phải nâng đỡ thị hiếu của công chúng bằng những tác phẩm chất lượng cao.

Một miếng bánh có thể thiếu chút vị ngọt thơm, một bát phở có thể vơi, đầy…, nhưng tác phẩm văn hóa không thể chấp nhận sự thiếu văn hóa hoặc phản văn hóa./.
*****

GS Đình Quang - nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng: “Hiện nay sinh hoạt văn hóa nghệ thuật của ta cũng lại đang thiên về các loại hình văn hóa đại chúng, các cuộc thi ca nhạc và múa nhảy khác nhau, các cuộc thi sắc đẹp liên tục diễn ra…lấn lướt các loại hình văn hóa nghệ thuật chính thống, bác học khác.Những chuyện “rối ren” trong đời sống văn hóa nghệ thuật cũng thường xảy ra trong giới văn hóa đại chúng này. Đó là một hiện tượng phiến diện cần chú ý nếu muốn nhân dân ta đạt được một trình độ hưởng thụ văn hóa nghệ thuật thực sự”.

Theo Điều 3 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa do Quốc hội ban hành năm 2007 thì sản phẩm, hàng hóa được phân thành hai nhóm: nhóm 1 là sản phẩm, hàng hóa không có khả năng gây mất an toàn và nhóm 2 là sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn. Đã từng có một bài báo vận dụng cách phân loại này vào trường hợp các sản phẩm văn hóa, và kết luận: nhiều sản phẩm văn hóa đang lưu hành trong nước hiện nay hoàn toàn có thể xếp vào nhóm 2, tức là nhóm có khả năng gây mất an toàn cho người tiêu dùng.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét