Dưới góc độ vĩ mô, ngày xưa xã hội phương Đông xem trọng chữ Nhân, rất trọng đạo làm người, trọng lễ nghĩa trong cư xử với nhau, cái chung đặt trước cái riêng. Ngày nay, định hướng giá trị của xã hội đang chuyển dịch từ tính cộng đồng sang tính cá nhân. Sự cạnh tranh trong xã hội làm cho người ta quen nghĩ đến mình trước tiên, nền kinh tế thị trường cũng khiến mọi người nghĩ đến lợi ích cá nhân trước hết. Lợi ích của cái tôi được đặt lên hàng đầu, do đó mọi người chọn cách phòng thủ, tốt nhất là không dây dưa vào chuyện người khác để khỏi chuốc họa vào thân. Dần dà cách hành xử đó ăn sâu vào tính cách, tạo nên lối sống lạnh lùng vô cảm.
Tuy nhiên, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho xã hội, mỗi con người sở dĩ được gọi là con người chứ không phải là một cỗ máy vì bởi chúng ta hoàn toàn có thể tự chọn cho mình một cách ứng xử. Sở dĩ con người trở nên lạnh lùng vô cảm là bởi họ đã để cho phần Con lấn át đi phần Người, họ sống theo bản năng phòng vệ chứ không sống theo cách sống văn minh, nhân bản.
Giải pháp
Nhiều hậu quả và hệ lụy đáng tiếc do căn bệnh này gây ra. Làm thế nào để ngăn chặn và đẩy lùi căn bệnh của thời hiện đại này?
Không ít nơi cả làng sợ tên lưu manh và mặc hắn ức hiếp người lành, cả tá người đi đường thờ ơ để cho người bị tai nạn nằm vất vưởng vì mỗi người ai cũng co cụm trong cái vỏ ốc của mình, không muốn bị liên lụy. Khi con người gặp cái tốt nhưng không làm, thấy cái xấu không lên án, dần dà căn bệnh vô cảm sẽ lan đến mọi ngõ nhà góc phố và biến thành tác nhân làm rối loạn chuẩn mực đạo đức, gây ra sự khủng hoảng văn hóa - xã hội, thậm chí làm thụt lùi tính văn minh của con người, biến xã hội văn minh thành một xã hội bệnh hoạn, lạnh lùng, vô cảm.
“Một xã hội vô cảm là một xã hội chết!”. Do đó chúng ta cần xây dựng một xã hội đồng cảm và chia sẻ. Công việc đó phải bắt nguồn từ trong mỗi tế bào của xã hội, đó chính là gia đình; từ trong cái nôi giáo dục đạo đức của xã hội, đó chính là nhà trường. Nhưng chúng ta nên làm gì đây?
Xét cho cùng trong sâu thẳm mỗi cá nhân, những người mắc bệnh vô cảm là những người thiếu hụt tình yêu thương. Họ không nhận được sự yêu thương đầy đủ của gia đình, của xã hội này, nên tâm hồn của họ trở nên trống "rỗng", họ không có tình yêu thương để chia sẻ. Giải pháp duy nhất cho căn bệnh vô cảm này, chính là vun đắp tình yêu thương cho thế hệ trẻ, tạo cho chúng thói quen biết quan tâm và yêu thương đồng loại ngay từ lúc nhỏ. Nếu như bắt nguồn từ tình yêu thương, thì kết thúc của nó cũng là tình yêu thương.
Xã hội ngày nay ngày càng phức tạp, lừa phỉnh tinh vi, nguy hiểm đầy rẫy. Tuy nhiên, xã hội càng phức tạp bao nhiêu, càng nguy hiểm bao nhiêu, mỗi người chúng ta càng phải thể hiện tinh thần tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, quyết liệt đẩy lùi cái xấu bấy nhiêu. Khi chúng ta vẫn còn niềm tin vào lẽ phải, khi đa số mọi người đều còn một “trái tim nóng” thì căn bệnh lạnh lùng vô cảm sẽ không thể chiếm lấy xã hội này.
Nguồn: mlog.yan.vn
0 Nhận xét