Văn chương, nhất là văn chương mạng, tạo cho con người ta thật nhiều ảo tưởng. Sống đối diện với màn hình máy tính lâu ngày, nhiều khi con người ta đánh mất nhu cầu được sống thật, thích bay theo những trò vui phù phiếm thông qua những phím gõ máy tính.
Hơn thế, cảm giác yêu bản thân mình một cách thái quá, gào thét những tiếng nói lạc lõng trên mạng Internet đã biến họ thành những con người xa lạ, đôi khi độc ác và không biết tha thứ. Tất cả chỉ vì sự ảo tưởng về "quyền phép" của mình.
Dù mấy tháng nay, blog có lỗi như điên và thông tin Yahoo sắp đóng cửa blog trên mạng này để chuyển qua một dịch vụ khác tiện ích hơn có làm rầu lòng một số người, nhưng thiên hạ vẫn rất say mê viết. Viết để chia sẻ. Để thể hiện cái Tôi cá nhân vĩ đại. Và viết để… show hàng. Ai có máu văn chương đều nghĩ chỉ cần viết một entry mùi mẫn là thành nhà văn.
Thì đó, báo mạng nào chả có chuyên mục "Thế giới blog" hay "Chơi blog" hoặc là "blog Việt". Và cũng đó, "Chuyện tình New York " của Hà Kin thực chất cũng bắt đầu là blog đấy thôi! Blog biến mọi ước mơ không thể thành có thể.
Chỉ cần biết chăm sóc blog của mình một chút, biết viết những bài viết nhẹ nhàng và ngọt ngào, người ta đã nhanh chóng được lên báo (tất nhiên là báo mạng). Và nếu ai đó thích đọc những gì ta viết, sẽ gửi comment hoặc message làm quen. Và như thế, ít hay nhiều, ta đã là nhà văn trong mắt họ. Nhà văn, cái từ này trên mạng Internet, mới dễ kiếm làm sao!
Nhưng, nhà văn thì sẽ có quyền lực như thế nào? Trên thực tế, những nhà văn đích thực không có quyền lực gì ngoài việc điều khiển những con chữ làm cho bạn đọc say mê và ám ảnh. Còn lại, về bản chất, họ là những kẻ không nắm giữ quyền sinh quyền sát tới con người. Họ cũng không phải những người nắm giữ những bí mật của thế giới.
Nói tóm lại, họ là những người có quyền năng rất hữu hạn. Quyền năng lớn nhất của họ là lòng tốt, cái nhìn bác ái và gieo lòng thiện ở con người trên những con chữ mà thôi. Mà những cái đó không đo đếm được. Nghĩa là quyền lực nhà văn cũng có, nhưng vô hình và dù có muốn ác độc, nhà văn cũng không có quyền hành trong tay để... giết chết một ai đó.
Nhưng những "nhà văn" trên mạng thì đang sử dụng quyền năng của mình ra sao? Họ đang biến mình thành những tiểu hành tinh mà bất cứ ai chạm đến sẽ có ngay một vụ nổ. Nổ lẹt đẹt thôi. Nhưng họ đang muốn thực hành "quyền được phẫn nộ". Ví dụ, mới đây có một vụ xảy ra khá lạ lùng trong cách ứng xử của những người Việt trẻ.
Một anh phóng viên viết bài về văn học mạng, trích dẫn ý kiến của một cây bút trẻ được gọi là "nhà văn mạng". Nhưng rủi thay, phóng viên vội vàng và cũng không thạo mảng văn học cho lắm, liền... đăng nhầm ảnh người khác. Vậy là dính đòn ngay.
Ngôi sao văn chương mạng tung đòn liên tiếp. Trước hết là gửi email yêu cầu tòa soạn đính chính (thì cũng đúng, cái này là hoàn toàn hợp pháp và chính đáng thôi). Sau đó treo những câu hăm dọa rất... chợ búa, nói thẳng ra là vô văn hóa, trên blog của mình. Bước tiếp theo, chàng dọa kiện phóng viên ra tòa vì... xúc phạm!
Phóng viên biết mình sai, thế mình yếu, liền gọi điện xin lỗi nhưng nhà văn mạng không nghe máy. Gửi email xin lỗi thì được trả lời: Muộn rồi, bây giờ thì anh hãy cứ làm việc với luật sư của tôi. Chúng tôi sẽ tiến hành kiện ra tòa! (Chấp nhận xin lỗi, chấp nhận đính chính mà vẫn đòi ra tòa, kể ra cũng khó ứng xử ghê!).
Về sau, phải mất nhiều thời gian, nhờ nhiều người thân quen có uy tín nói giúp, nhà văn mạng mới được vuốt giận, để hòa khí kéo về. Đến khi ấy, phóng viên mới biết thêm một số câu chuyện về nhà văn mạng (nếu biết trước thì chắc chết cũng không dám trích dẫn ý kiến trên báo). Nhà văn mạng này có một số nickname trên các diễn đàn, có chàng ở đâu là xôm tụ ngay ở đấy, kiểu gì cũng có vài vụ cãi vã ẩu đả bằng bàn phím.
Trả lời phỏng vấn, chỉ cần phóng viên viết sai một từ, cũng bị chàng chửi cho là ngu dốt, thiểu năng trí tuệ.... Trên các diễn đàn ấy, chàng miệt thị báo chí thấy rõ và hầu hết phóng viên văn nghệ đều không đúng "tầm" để phỏng vấn chàng...
Nhưng lỗi đúng là do báo chí, ngay từ ban đầu khi chàng đăng những cái kiểu như nhật ký những chuyện tình trên mạng, các nhà báo hào hứng nhảy vào ca tụng như hiện tượng mới. Chàng được bơm phồng quá cỡ đến mức chàng tự kỷ ám thị rằng, à, ta là thiên tài thật! Rồi chàng quay lại "hành" phóng viên thôi. Từ đó, giới phóng viên đặt cho chàng biệt danh "cô nàng ảo tưởng", cho dù chàng mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao.
Có theo dõi blog sẽ bắt gặp những tuyên ngôn khá hống hách và buồn cười. Chẳng hạn như, "đóng blog, viết tiểu thuyết, sẽ trở lại vào ngày xxx với những điều mới lạ" (lời của một "ngôi sao" chuyên viết đoản văn đăng báo tỉnh); "bỏ việc, chán "phượt", tu tại gia viết tác phẩm lớn đầu tay" (lời của một cộng tác viên cho một tờ báo điện tử vừa mới bị cho thôi việc, chưa một lần cầm bút viết văn, thích liên quan đến những người nổi tiếng); "Xin lỗi các nhà báo, tớ sẽ không trả lời bất cứ bài phỏng vấn nào khi chưa viết xong cuốn tự truyện mới. Tớ không thích thành con vẹt" (lời của một cây bút già nhưng chưa thành nhà văn, chuyên viết chuyện tình yêu và tự nhận mình "sến như con hến”)...
Thoạt tiên, cứ nghĩ đó là những lời bỡn cợt vui đùa. Nhưng không phải. Hoàn toàn là những tuyên bố nghiêm túc đến... bật cười. Sự ảo tưởng đã biến họ bành trướng cái tôi tới mức cực đại. Và lảm nhảm hù dọa những người yếu bóng vía...
Từ khi có blog, bạn đọc thực ra đọc tác phẩm thực sự không nhiều, mà chủ yếu đọc những cuộc tranh luận, cãi vã xung quanh những người viết là chính. Luôn luôn là sự bất bình lẫn nhau. Bất bình ở thái độ. Bất bình ở tác phẩm. Bất bình cả những thứ chẳng đáng bất bình. Nhưng họ mổ xẻ như thể cả thế giới này sắp sập khi nhà văn mạng bị... sỉ nhục.
Như trường hợp một cộng tác viên được thuê viết một thông cáo báo chí giới thiệu sách cho một công ty. Thực chất hợp đồng ấy được hiểu rằng, cô ta được thuê để viết ra những lời bình tốt đẹp cho cuốn sách để công ty này gửi đến cho nhà báo, nhằm đánh bóng và quảng cáo sản phẩm.
Cuộc mua bán kể như chấm dứt khi bài bình sách đó đã đến tay nhà sản xuất và người viết đã nhận tiền. Hầu hết các công ty đều có nhân viên chuyên phụ trách công việc này. Nhưng, sự việc trở nên rắc rối khi cô cộng tác viên này (cũng là nhà văn trẻ) tự ý đem đi in trên báo, ký tên mình, lĩnh nhuận bút và kiện cô nhân viên PR của công ty khi cô gửi thông tin đó cho báo chí mà không đề tên của nhà văn trẻ.
Chuyện được tung lên trên blog, ầm ĩ, ê chề, mà rốt cùng không ai hiểu được vì sao một chuyện đơn giản như vậy lại được giải quyết bằng cách kém văn minh như thế.
Anh bạn tôi làm việc tại một công ty liên kết xuất bản, ở đây tụ hội rất đông bản thảo văn học trẻ. Anh kể, một người bạn giới thiệu cho anh nữ tác giả, tạm gọi tên Na. Na mang bản thảo đến, vẻ mặt đau khổ, than mình bị ung thư, không biết sống được đến ngày nào. Anh cũng lo lắng và quan tâm tới bản thảo.
Nàng xin nick chat để tiện liên hệ, trong thời buổi văn minh Internet như thế này. Và từ đó, ngày nào anh cũng nhận được những... tối hậu thư qua chat. Và khi anh nói, phải đợi biên tập viên đọc duyệt, khi nào xong sẽ hẹn gặp, thì nữ văn sỹ không chịu nổi, liền tìm gặp giám đốc để "tố khổ bài ca thương tâm" và nói rằng "biên tập viên cố tình vùi dập tài năng của em".
Bản thảo quá tệ, chính là vấn đề mà cuốn sách mãi không thể in. Tác giả bị yêu cầu sửa chữa nhiều lần và buộc phải chỉnh lý những tưởng tượng quá đỗi hoang đường và phi lý. Tác giả nói với giám đốc công ty: "Em không quan trọng chuyện tiền bạc, em sẽ bán sách làm từ thiện. Cuốn đầu chưa biết đường đi nước bước em phải nhờ bên anh phát hành. Chứ cuốn sau thì em sẽ tự làm được hết, em nắm rõ quy trình rồi và sẽ tự phát hành".
Giám đốc quá sốc trước "chiêu độc" này, nghĩ đã có người lo phát hành giúp mình cuốn sách, liền nhận lại bản đã sửa chữa nội dung và đi xin giấy phép tại một nhà xuất bản có tiếng là... dễ dãi nhất. Và kiên quyết không cho tên và logo công ty lên bìa sách như lệ thường vì sợ ảnh hưởng tới uy tín công ty.
Nhưng ngay sau khi ký hợp đồng xuất bản được ba ngày, nữ văn sỹ lọ mọ đến và xin... ứng trước tiền nhuận bút "vì em cần tiền để mua thuốc chữa bệnh". Đến giờ thì nữ văn sỹ vẫn mang niềm tin mãnh liệt về cuốn tiểu thuyết của mình sẽ gây chấn động văn đàn...
Sống trên mạng nhiều, người ta ảo tưởng về sức hấp dẫn của mình. Chỉ cần một bình luận bâng quơ nào đó cũng khiến họ rung động.
Dựa vào lượt người xem trên mạng để coi đó là bạn đọc đích thực của mình là một tiêu chí không chính xác. Rất nhiều người sẽ click khi thấy một hiện tượng gây tò mò. Còn họ có đọc nó như đọc một cuốn sách hay không thì có thể nói là không. Mạng là môi trường nhanh và dành cho những thông tin trực tiếp. Mà tác phẩm văn học không đơn giản như vậy. Nên bạn đọc thực sự của văn học mạng tưởng đại chúng nhưng thực ra rất chọn lọc.
Sức hấp dẫn của họ là có, nhưng không phải bởi những tuyên ngôn đầy ảo tưởng như vậy. Họ có quyền lôi kéo bạn đọc về phía mình, nhưng cái khiến họ không thực hiện được cái quyền ấy trọn vẹn, chính là không đủ tài năng để lôi cuốn.
Sự ảo tưởng đã sớm làm thui chột những tài năng (nếu có) và làm cho những cái tôi trương phềnh lên. Đó là một nguy cơ mà người ta đang nhìn thấy...
(Theo báo CAND)
0 Nhận xét