Ước định về tác dụng của phải và trái, thiện và ác

Trong tiếng Việt Nam, muốn diễn tả hai trạng thái đối nghịch, trên tiêu chuẩn triết học, xã hội và luân lý, người ta có khá nhiều cặp từ ngữ để phát biểu, chẳng hạng như thiện ác, phải trái, đúng sai, xấu tốt, hiền dữ, chính tà, tấn thối, sáng tối...v.v...

Nhưng thông thường, những từ ngữ phổ thông nhất có lẽ là các cặp chữ thiện ác (theo tôn giáo) và phải trái hay đúng sai (theo quần chúng). Ở đây soạn giả xin mạn phép được thỉnh thoảng xử dụng hai chữ thiện ác, và thỉnh thoảng xử dụng hai chữ đúng sai, để trình bày hai chiều ước định giá trị, của mọi hành động trong xã hội con người.

Dĩ nhiên chương nầy không bàn đến hành động của "xã hội" loài thú, vì phẩm cách luân lý (đạo đức), không hiện hữu trong đời sống thú vật.

Khi người ta nói đến "đúng" hoặc "sai" là người ta muốn ám chỉ cái hậu quả chung, trên một số hành động trong hiện tại, dẫn đến phản ứng nhận xét, từ một thế lực khách quan. Thí dụ anh A tướt đoạt tài sản của anh B, rồi nếu không có một người thứ ba (khách quan) nào biết đến, thì giữa anh A và anh B chẳng có vấn đề "phải trái" gì cả, mà chỉ có vấn đề thế lực, nghĩa là ai mạnh hơn thì kẻ ấy “có lý”, và đoạt lại hay thu hồi được vật tranh giành.

Nhưng xã hội loài người là một xã hội luôn luôn có thành phần thứ ba.Và cũng nhờ đó mà phát sinh ra "thế lực thứ ba", tức thế lực chế định luân lý, một nguyên tắc căn bản của sự sống chung.

Trở lại thí dụ nói trên: Nếu anh A cướp đoạt tài sản của anh B, rồi bị anh B đánh chết chẳng hạng, thì đối với thành phần thứ ba (tức những người hiểu biết hay chứng kiến cuộc xung đột ấy), vấn đề phải trái còn phải truy cứu trên một nền tảng đặc biệt hơn. -Nghĩa là sự thẩm phán phải được "ấn định theo mức độ ảnh hưởng tâm lý", giữa hai cá nhân trong cuộc, và nhất là giữa họ đối với sự an ninh cộng đồng xã hội nữa.

Tức là cả hai đương sự đều có phần trái (để trừng phạt, răn đời) và cả hai bên cũng đều có phần phải (cần bảo vệ, củng cố niềm tin chung). Trong trường hợp nầy, sự sáng suốt của quyền phán quyết thứ ba (ám chỉ thế lực luân lý) đóng một vai trò rất quan trọng.

Ở đoạn trước soạn giả đã bàn qua nhận thức của Phật giáo về hai mặt tốt và xấu hay thiện và ác rồi, bây giờ chỉ xin nhắc lại chứ không phân tích nữa. Vì mục tiêu chính của chương nầy là nói về các ước định dựa trên TÁC DỤNG của phải và trái, theo phản ứng xã hội, tức là theo nhu cầu của sự sống chung, giữa nhiều cá nhân với nhau, hay giữa các công đồng.

Trở lại thí dụ của 2 anh A và B. Về phương diện duy trì bình an cho xã hội, tức trên phương diện giáo dục quần chúng, vấn đề ấn định phải trái (để bênh vực hay để trừng phạt), trước những xung đột hằng ngày, trong sự sống chung, lại là một vấn đề thuộc phạm vi thông minh và tế nhị của bộ óc con người. Nói nôm na đó là vấn đề "công lý", một việc làm cần phải được thực hiện bằng một trình độ sáng suốt vượt bực.

Ðạo Phật là con đường dẫn đến trí tuệ, dẫn đến giải thoát. Phật giáo được ứng dụng trên thế gian, vốn không ngoài giá trị nầy. Mục đích của Phật giáo là giúp cho thế gian sáng suốt, để loài người tự bình an và tiến bộ, chứ mục đích của Phật giáo, không phải để cai trị thế gian. Và đây cũng chính là nét đặc thù của đạo Phật. Nét đặc thù ấy còn được một số học giả Phật Giáo gọi là tính nhập thế vị tha vô úy.

Từ xưa đến nay đạo Phật truyền đến đâu là biến thành “sản phẩm” của địa phương đó. Ðạo Phật không tạo một quyền lực hội tụ về trung ương để chỉ huy, hay để củng cố quyền uy của riêng mình. Ðạo Phật cũng chẳng sợ bị thế gian đồng hóa. -Mà một cách hoàn toàn vị tha, đạo Phật chỉ sợ thế gian, vì tham vọng mà lầm lạc, mất sáng suốt, rồi tự tạo lấy cảnh khổ.

Ðiều tối kỵ của đạo Phật là cuồng tín hay mê tín. Vì cuồng tín hay mê tín đóng một vai trò rất nguy hiểm, trong việc thiết lập hai quan niệm phải và trái, thiện và ác. Lại nữa, người ta vẫn thường hời hợt nói "Chỉ có duy tâm mới sinh ra cuồng tín hay mê tín, chứ duy vật thì không"(?) -Ðiều nầy chưa chắc đúng, vì trong chiều sâu và trên thực tế, “duy vật nhiều khi còn cuồng tín, cực đoan hơn duy tâm”!

Phật giáo bác bỏ tư tưởng phiến diện trên đây, vì Phật giáo quan niệm rằng: "Cả hai cực đoan mê tín và cuồng tín đều có thể phát nguồn từ duy tâm lẫn duy vật". Ngày xưa, khi nền khoa học kỹ thuật chưa phát triển mạnh, xã hội tiêu thụ chưa có dịp xuất hiện, thì người ta chỉ thấy "cực đoan duy tâm" lắm khi dẫn đến tình trạng cuồng tín hay mê tín. Nhưng ngày nay chính cực đoan duy vật và say mê quá độ xã hội dục lạc, mới là thủ phạm gây ra cảnh tượng mê tín hay cuồng tín vật chất trên thế giới.

Thực ra, ý nghĩa của hai từ ngữ mê tín và cuồng tín, chỉ đơn giản là "tin một cách mù quáng, không cần chứng minh, không cần phân tích", chứ ý nghĩa của hai từ ngữ ấy chẳng có liên quan gì đến chuyện duy vật hoặc duy duy tâm cả. Ðối với Phật Giáo, cuồng tín hay mê tín vốn là kết quả của sức mạnh tham vọng, hay đó là kết quả của ác tính.

Trên thế giới gọi là “tân tiến” ngày nay, chắc nhiều người hẳn cũng đã tìm thấy không ít những chủ nghĩa, chủ thuyết tuyên truyền rất khoa học, bề ngoài rất biện chứng, nhưng trên thực tế, người tin theo nó đã tỏ ra mê tín, gấp trăm gấp ngàn lần các tôn giáo cuồng vọng nhất ngày xưa!

Còn gì mê tín hơn, khi ta nghe một thành viên, của một đảng phái chính trị nầy, hay của một chủ thuyết xã hội nọ nói rằng: "Nếu anh làm việc nhận thù lao trong chế độ tư hữu X, thì anh sẽ là công nhân bị bóc lột, và là người phản tiến bộ! -Còn anh ngoan ngoản phục tùng theo chủ nghĩa Y, cả đời lao động với tinh thần cách mạng, không đòi hỏi quyền lợi gì hết, không cần tư hữu, đồng thời giảm thiểu sự hưởng thụ đến tận cùng, thì anh sẽ được gọi là anh hùng thi đua, cá nhân xuất sắc, phần tử tiến bộ, và là một cá nhân vinh quang của bài “quốc tế ca”, chống bóc lột!" (?)

Ðạo Phật tuy đả phá mọi ác tính và tham vọng, nhưng đạo Phật không chủ trương chối bỏ quyền thụ hưởng hợp lý, những tiện nghi vật chất cần thiết trên đời, để từ những hạnh phúc tương đối ấy, con người có thể xây dựng các nền tảng văn hóa lành mạnh, thăng tiến hơn, thanh tịnh hơn, và đại đồng hơn. Đó chính là đời sống trung đạo của người Phật tử tại gia!

Trở lại hai tiêu chuẩn có tính cách xã hội là phải và trái, đạo Phật còn có một lối phân tích khác nữa. Theo đức Phật, tất cả hành động của một con người, có thể chia ra hai loại:

1-Loại tùy nghiệp (Kammakãra), và

2-Loại tùy ý (Attakãra).

"Loại tùy nghiệp" là do kết quả của những hành động tốt hay xấu, đã làm trong quá khứ, rồi kiếp nầy phải mang lấy, từ khi lọt lòng mẹ, hay kiếp nầy tự nhiên phát tác, mà con người không thể chọn lựa. Ðây gồm những hành động thuộc về bản năng, hoặc thuộc về di truyền.

Chẳng hạng như hành vi cử chỉ của những người đui mù, câm điếc, tàn tật, hay một số thói quen khác biệt, thuộc về nhân thể, như cách mang giày dép, kiểu nói chuyện, lối nằm ngủ, tướng đi, tướng đứng v.v... Toàn bộ động tác nầy trong Phật giáo gọi là hành vi tùy nghiệp. Nghĩa là nó không thiện không ác, vì nó chẳng phải là sản phẩm của sự đắn đo có tác ý, và nó cũng không nằm trong sự chỉ huy của dục vọng hay ác tính.

"Loại tùy ý". Loại nầy ám chỉ tất cả những hành động có sự can thiệp của ác tính hay thiện tính. Nghĩa là những động tác nằm ngoài ảnh hưởng của nghiệp lực di truyền nhân thể, mà đây là những hành động con người có quyền lựa chọn, để "làm đúng hoặc làm sai" và "trong ý thức có sự ghi nhận trách nhiệm".

Chính ở loại hành động tùy ý nầy mà người ta mới tìm ra hai quan niệm phải và trái, thiện và ác, lành và dữ..v.v... để ước định qui luật sống chung trong một xã hội. Và cũng chính ở loại hành động tùy ý ấy, mà hai yếu tố nhân và duyên, mới có cơ hội vận chuyển, để làm cho con người phát ra vô số hành động xấu có tốt có, đối với người và đối với mình.

Ngoài ra, như chúng ta đã từng tìm thấy trong tư tưởng Phật Giáo, rằng giá trị luân lý và đời sống tinh thần của con người, trước sự biến dịch của vũ trụ, vốn không phải là chuyện "có thể có" hay "không có thể có", mà chính là một pháp hành hằng có! -Bởi vì song song với các luật di hóa vật thể, tức là ngoài việc hợp chất, tự nó nếu không "sống" dưới dạng nầy, thì cũng "sống" dưới dạng khác, vẫn còn một "cái" mà người ta gọi là "thèm khát tái sinh" (trong thức ham sống).

Tất cả những ý định của chúng ta dù thuộc cảm chứng (linh thức, trí tuệ), hay không thuộc cảm chứng (vô minh), cũng đều dẫn đến giai đoạn phát tác. Sự phát tác nầy chính là vô số hành vi thiện hay ác. Rồi hậu quả hằng có, của tất cả hành động thiện hay ác ấy, tự nó sẽ biến đổi bản chất hiện tại, và nắn đúc ra tánh khí của chúng ta trong tương lai.

Nghĩa là hình thể sự sống của một con người trong hiện tại vẫn biến đổi từng giây từng phút, từ ý định và động tác nầy, qua ý định và động tác khác. Hễ có bao nhiêu tác ý sinh lên, thì có bấy nhiêu lần bản chất của chúng ta tự biến đổi. Nếu tác ý lọt vào con đường hướng thiện, thì bản chất trở nên cao thượng, tiến hóa. Còn nếu tác ý rơi vào nẻo hắc ám, thì bản chất tức khắc biến thành hèn hạ, chật hẹp, tù ngục, thoái hóa, và sa đọa.

Trong Pháp Cú kinh (Dhammapada), phẩm Song Ðối (Yamakavagga), câu thứ nhất và câu thứ hai, đức Phật đã dạy:

"Vạn Pháp do tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm trách nhiệm tất cả. Nếu con người hành động hay nói năng bằng thiện tâm, thì quả tốt sẽ theo sau, như bóng theo hình ».

“Vạn pháp do tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm trách nhiệm tất cả. Nếu con người hành động hoặc nói năng bằng ác tâm, thì quả khổ cũng bám sát, như bánh xe lăn theo chân con bò!”.

Nguyên văn chữ Pãlĩ như sau:

“Manopubbangamã dhammà, mano setthã manomayã,
 Manasã ce pasannena, bhãsati vã karoti vã,
 Tato nam sukkhamanveti, chãyã va anapãyinì’ti!”.

xxx

“Mano pubbangamà dhammà, mano setthà manomayà,
 Manasãcepadutthena, bhãsativã karotivã.
Tato nam dukkhamanveti, cakkaŋ va vahato padaŋ' ti!”

Lại nữa, trong kinh Apannasutta, đức Phật cũng thường nhấn mạnh về 3 yếu thuyết gọi là:

1-Kiriyavàda.- Thuyết duy ý, tức là tùy ý, hay tự do chọn lựa giữa hai động cơ thanh vọng và dục vọng.

2-Atthi paraloko.- Thuyết có thế giới khác, tức là quả đất chúng ta đang sống không phải là cõi duy nhất, mà vạn pháp hữu vi trong vòng luân hồi, còn bao gồm nhiều thế giới nữa. Tái sinh không nhất thiết là "trở lại" trên mặt đất nầy.

3-Hetuvãda.- Thuyết hữu nhân, tức sinh linh hành động luôn luôn có nhân thiện hay nhân ác, hợp với thực tế biến đổi bản chất hiện tại. Đó là những yếu tố nòng cốt của mỗi vòng luân hồi.

Ý nghĩa tổng quát của 3 yếu thuyết nêu trên có thể tóm tắc là:

"Bất cứ hành động nào từ thân, từ khẩu, và từ ý của một người, cũng đều dự phần vào việc biến đổi từng giây từng phút bản chất của kẻ ấy, và hậu quả của những hành động kia sẽ luôn luôn nghiệm đúng vào các kiếp luân hồi về sau

Nếu suy diễn sâu xa hơn, chúng ta cũng có thể kết luận rằng:

"Con người không nhất định như những gì hiện hữu. Vì tính hiếu động và bởi chuỗi xoay vần của thời gian, tất cả mọi sinh vật đều có thể trở nên tốt hơn hay xấu hơn, trên một trong hai chiều tiến hóa và thoái hóa".

Các "ân huệ" mà người đời tưởng là do thánh thần, thượng đế ban cho, hay những may mắn bất ngờ, thật ra không gì khác hơn, là kết quả của những hành vi, do chính kẻ được hưởng, đã tạo trong quá khứ!

Nhờ tư tưởng nầy, mà hai quan niệm phải và trái của Phật giáo, không bị đóng khung, bởi những mục đích có dụng ý của thế gian. Trái lại, căn bản của các ước định phải và trái, thiện và ác trong Phật Giáo, chính là phản ảnh tác dụng từ hành động, tức trách nhiệm của người tạo tác.

Nói cách khác, "Nguyên nhân nào làm phát xuất ra hành động, Phật Giáo tìm hai lý lẽ phải và trái trong nguyên nhân ấy".

Tuy Phật Giáo căn cứ vào cái quả để nói rằng vui hay khổ (lành hay dữ), nhưng Phật Giáo lại duy vô cái nhân để định rõ phải hay trái. Và như trên đã nói "nhân hành bao giờ cũng tùy ý", nên luôn luôn tương đối, nghĩa là có thể cải sửa được!

Do đó, Phật Giáo nhìn kẻ làm tội, không phải với con mắt cố chấp, cô lập, mà với thái độ tương duyên. Vì một người xấu trong tương lai rất có thể sẽ trở thành tốt. Và một người hiện tại rất đạo đức, về sau nếu không gìn giữ thiện tánh, biết đâu sẽ chẳng biến ra xấu!

Cho nên, sự phát triển hạnh kiểm cộng đồng để sống chung (thể hiện luân lý), và lành mạnh hóa tinh thần cá nhân (nuôi dưỡng ý đức), đối với Phật Giáo không phải là con đường đưa đến ngõ cụt (chỉ vì cho rằng nó trừu tượng), mà chính là con đường duy nhất, tiến đến hạnh phúc giữa xã hội, và trong đời sống cá nhân hằng ngày. Hạnh phúc nầy vốn đặt căn bản trên cởi mở hoàn toàn, giải thoát mọi xung đột, mọi ràng buộc khổ đau.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét