Triết gia Socrates và Internet

“Tôi chỉ biết mỗi một điều duy nhất là tôi không biết gì cả” - Socrates.

Sokrates hay Socrates là một triết gia Hy Lạp cổ đại. Sokrates còn được coi là người đặt nền móng cho thuật hùng biện dựa trên hệ thống những câu hỏi đối thoại. Ông có tư tưởng tiến bộ, nổi tiếng về đức hạnh với quan điểm: “Hãy tự biết chính mình”, “Tôi chỉ biết mỗi một điều duy nhất là tôi không biết gì cả”.

Sokrates từng kể một câu chuyện về Theuth và vua Ammon. Theuth đã phát minh ra một công nghệ mới thời bấy giờ là dùng văn bản để phục vụ cho việc học tập và lưu giữ thông tin thay vì cách dạy và nhớ bằng trí óc trước đây. Ông giải thích với vua Ammon rằng phát minh này sẽ làm cho dân Ai Cập khôn ngoan và nhớ lâu hơn. Tuy nhiên nhà vua Ammon lại không cho là như vậy. Ông nói:

- “Phát minh của Ngươi sẽ tạo ra sự lãng quên trong tâm hồn người học bởi vì họ sẽ không sử dụng kí ức của họ, mà thay vào đó là sự lệ thuộc vào những yếu tố bên ngoài. Phát minh đó không thật sự giúp ích cho trí nhớ, những gì văn bản cung cấp chỉ là bề ngoài của sự thật, người học sẽ nghe nhiều hơn nhưng thật sự sẽ không biết gì về bản chất của những việc đó. Kết quả là phát minh này sẽ tạo ra sự mệt nhọc cho những người học (tiresome company )”.

Câu chuyện của Sokrates khiến chúng ta liên tưởng đến Internet mặc dù khái niệm này xuất hiện 2000 năm sau khi ông mất. Thuật ngữ mà ông đã dùng “tiresome company” ngày nay được để cập đến trong những tranh luận liên quan đến sự ảnh hưởng của intetrnet đến con người mà cụ thể là khả năng ghi nhớ thông tin.

Vậy thật hư của vấn đề là như thế nào?

Thứ nhất, chúng ta nhớ điều gì?

Một bài báo vừa được công bố bởi Betsy Sparrow và các cộng sự từ 4 cuộc nghiên cứu khác nhau cho thấy: trong tương lai con người có xu hướng nhớ rất ít thông tin mà họ từng tiếp cận thay vào đó họ sẽ nhớ địa chỉ mà họ đã truy cập được thông tin đó. Nói theo cách của Sokrates thì “họ sẽ nhớ những gì được viết bên ngoài thay vì sử dụng kí ức của bản thân”. Còn Sparrow thì kết luận chúng ta không học những gì máy tính biết và thường tập trung vào nhớ nơi mà chúng ta lưu giữ thông tin đó trên máy tính. Và có vẻ đây là một xu hướng của thời đại ngày nay.

Thứ hai, bản chất của kiến thức là gì?

Có lẽ câu hỏi lớn nhất mà Socrates đặt ra từ câu chuyện trên là “kiến thực thật sự là gì?”. Khi mà ngày nay chúng ta có thể truy cập nhanh vào hầu hết các thông tin trên thế giới, hoặc học hầu như bất cứ điều gì trên Coursera (Coursera là tổ chức cung cấp các khóa đào tạo online ở đẳng cấp thế giới và miễn phí) nhưng thật sự chúng ta biết được điều gì?

Quan điểm của Socrates thì cho rằng chúng ta không thể hỏi một cuốn sách, một trang web hay Blog để tìm hiểu những kiến thức mà mình cần. Với ông, kiến thức chỉ có thể được truyền đạt một cách trực tiếp từ người này sang người khác thông qua một quá trình tương tác qua lại. Trong quan niệm tâm linh của người Ấn Độ cũng có một ý tưởng tương tự mà họ gọi là “thừa tự”, tức là kiến thức được truyền trực tiếp từ kinh nghiệm của người thầy đến với học sinh.

Thứ 3, Google là bạn của tôi?

Một vấn đề được nêu lên là chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta ưu tiên học hỏi từ các công nghệ thay vì từ người khác? Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, nhà xã hội học Clifford Naas cho biết: việc sử dụng công nghệ đang khiến con người chúng ta đối mặt với những việc hết sức tai hại, đặc biệt là đối với trẻ em. Thay vì tương tác với nhau, chúng sẽ chỉ mãi ngồi chơi với chiếc iPad của mình. iPad đã trở thành một món đồ chơi phổ biến cho mọi trẻ nhỏ. Nhưng thực tế là ở tuổi đó chúng cần tương tác và học hỏi từ những người bạn thay vì từ máy tính.

Sparrow đã kết luận trong bài báo của mình rằng khi mất kết nối với máy tính ông cảm thấy như mất một người bạn vậy.

Đó là vấn đề của xã hội ngày nay khi con người ngày càng đắm chìm vào thế giới ảo mà xa rời thế giới thực tại.

Vấn đề ở đây là chúng ta phải lựa chọn sử dụng công nghệ một cách hợp lý để không quá phụ thuộc vào chúng. Trí tuệ đích thực luôn khó khăn để giành được. Công nghệ là một công cụ hỗ trợ tuyệt vời cho việc học tập nhưng kiến thức thật sự thì chỉ có bản thân chúng ta mới lĩnh hội được.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét