Thói hư tật xấu của người Việt: Phù phiếm, sợ mang tiếng, nói liều làm ẩu, mưu danh bằng hạ nhục

Tinh hoa trở thành phù phiếm
(Lương Đức Thiệp, Xã hộí Việt Nam, năm 1944)

Lệ trường quy rắc rối và hà khắc. Một nét phẩy bỏ sót, một chữ tên húy lở phạm phải một vết mực làm tì ố quyển thi, một lời bình luận trái với tư tưởng Tống nho(1), hoặc một ý kiến mạnh dạn cũng đủ làm cho kẻ ứng thí(2) nếu không bị đánh hỏng cũng bị khép vào một tội vu vơ. Sáng kiến của mỗi cá nhân bị dập tắt, tư tưởng của cá nhân bị đàn áp. Cả các phần tinh hoa của dân chúng Việt Nam chỉ còn một lối duy nhất để tiết ra: văn chương phù phiếm.

(1) Bộ phận bảo thủ công nhắc nhất trong đạo Nho.
(2) Dự thi

Sợ mang tiếng chứ không phải sợ cái xấu
(Phan Khôi, Hạng quân tử giả dối, Phổ thông, năm 1930)

Tống nho dạy người ta phải thúc nhãn quả quá, nghĩa là phải bó mình cho ít lỗi chừng nào hay chừng nấy.

Hạng quân tử ở nước ta mà tôi thấy hầu hết ở trong cái phạm vi của Tống nho. Giữ mình đừng đánh bạc, đừng uống rượu, đừng mang tiếng xấu, ấy là họ kể chắc mình làm quân tử rồi.

Thế nhưng có phải họ giữ mình thật được như vậy đâu. Trong đám họ có nhiều người giả hình làm bộ đạo mạo. Sở dĩ giữ mình là chỉ sợ mang tiếng, nếu khi thấy không ai biết việc mình làm, chắc khỏi mang tiếng thì việc bậy gì chẳng làm. Ấy là hạng quân tử giả dối tiểu nhân đặc.

Điếc không sợ súng, nói liều làm ẩu
(Hoài Thanh, Một cái họa, Văn chương và hành động năm 1936)

Không biết nói không biết, đó là nghĩa vụ thứ nhất của người muốn học muốn hiểu. Đằng này nhiều người ở ta lại làm như trong thế giới này cái gì cũng rõ ràng minh bạch, tựa hai lần hai là bốn. Ai không tin là thế họ liền phê cho hai chữ: thần bí, hai chữ ấy trong trí họ tức là ngu xuẩn điên rồ. Họ không ngờ rằng họ lại thần bí hơn ai hết. Có những vấn đề xưa nay bao người tài giỏi suốt đời nghiền ngẫm chưa tìm ra manh mối. Thế mà cái điều một ông Pasteur một ông Einstein không dám nói, ngày nay ở xứ ta những cậu học sinh vừa mới bước chân ra khỏi trường Sơ học(1), đã giảng giải được lên sách, lên báo, theo những phương pháp cuối cùng của khoa học.Thế giới còn chờ gì mà không khắc bia xây tượng để đền ơn họ.

Nói chơi vậy thôi, chớ cái việc họ làm đó là một sự tủi nhục vô cùng cho nòi giống. Cả một đám thanh niên chưa có lấy cái học phổ thông cũng tấp tểnh chạy theo những lý thuyết cao thâm của siêu hình học. Có lần chúng tôi thấy một thiếu nữ trước đâu mới học đến lớp ba lớp tư gì đó đương hăng hái giảng giải về duy tâm và duy vật. Chúng tôi chân ngán không biết nên khóc hay nên cười. Thực là một cái họa!

(1) Như trường cấp một, trường tiểu học hiện nay.


Mưu danh bằng cách hạ nhục kẻ khác
(Hoa Bằng, Vìa cái liệt điểm(1)
của một số nhà văn ta, Tri tân, năm 1942)

Lắm kẻ, chỉ vì hám cái phù danh, đang tâm lê gót giày lên trên tình bạn hữu, hạ chân lý xuống tận bùn đen. Tưởng mình như thánh như thần, ngoài ra, nhất là những địch thủ, toàn là đàn chim chưa vờ bọng cả. Chưa đọc hết, có khi không thèm xem qua bài văn của người khác, họ đã dài mồm chê bai. Chưa mở lấy một trang sách, chưa rờ đến một tờ báo của bạn đồng nghiệp, họ đã yên trí là viết không thành câu, hạ ngay những lời mạt sát thậm tệ. Trong khi trò chuyện, chỉ hết sức khoe khoang về mình, còn những người khác dù đã lập được biết bao chiến công trên trận bút trường văn, cũng chỉ đáng một con số không, theo ý họ.

(1) điểm xấu, yếu kém.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét