Lòng hiếu sinh

Nếu dạy người cư sĩ không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu, thì chưa đủ, vì một trăm giới chúng học là một trăm giới đạo đức làm người, còn năm giới cấm này thật sự quá khó giữ gìn, không phải dễ. Bởi vì cuộc sống con người đang bị ô nhiễm bởi những ác pháp, mà đưa ra những giới luật cấm này thì chúng ta chỉ có thọ cho có hình thức, chứ giữ trọn vẹn thì chỉ có những bậc Thánh Tăng. Nghĩa là nói cấm sát sanh thì phải nói lòng thương yêu chúng sanh.

Nói đến lòng yêu thương chúng sanh, là nói đến lòng hiếu sinh, lòng hiếu sinh là hiếu sự sống của muôn loài, tức là thương yêu sự sống. Nếu không dạy cho chúng ta có lòng thương yêu sự sống, mà dạy chúng ta không sát sanh thì không thể nào chúng ta không sát sanh. Vì chúng ta chưa có lòng yêu thương sự sống thì chắc chắn chúng ta không tránh khỏi sự sát sanh. Lòng hiếu sinh là lòng thương yêu rộng lớn vô bờ bến đối với muôn loài. Lòng thương yêu sự sống ấy chỉ có những bậc Thánh Tăng và Thánh Ni mới thể hiện được, vì đời sống của họ ba y một bát, thiểu dục tri túc nên không hề vi phạm sát sanh, làm khổ đau chúng sanh.

Nếu chúng ta là một bậc Thánh thì không nói vọng ngữ, không vọng ngữ chỉ có bậc Thánh mới làm được, chứ một con người như chúng ta khó mà làm được. Tuy rằng chúng ta nói vọng ngữ không hại mình hại người khác, nhưng đó cũng là một điều kiện làm cho chúng ta mất uy tín với mọi người, nó làm cho người khác xem thường, không tin tưởng mình. Nhưng khi chúng ta hiểu đó là đức hạnh uy tín làm người, làm Thánh. Dù lời nói vọng ngữ đó không hại ai hết nhưng chúng ta cũng không nói, huống là nói dối hại mình hại người thì lại càng không được nói. Nếu chúng ta nói thật mà làm hại người thì sao? Chúng ta có quyền không nói chứ? Không nói tức là che dấu tội ác của kẻ khác ư?

Giới luật đạo đức của đạo Phật khó như vậy, vì thế chúng ta phải được học hỏi và tu tập rèn luyện dần dần mới thành thói quen đạo đức được, mới trả lời được những câu hỏi trên.

Thầy thiết nghĩ, muốn đi vào con đường của đạo Phật thì phải đi vào con đường giới luật, tức là con đường đức hạnh. Khi chúng ta có đức hạnh rồi thì chúng ta mới có thiền định. Đức Phật nói: khi tâm ly dục ly ác pháp thì tâm định tỉnh, nhu nhuyễn, dễ sử dụng. Lúc tâm nhu nhuyễn, dễ sử dụng thì muốn nhập các định dù bất cứ định nào cũng không có khó khăn, không có mệt nhọc. Trong các kinh đức Phật đã xác định rõ ràng như vậy. Thế chúng ta sống giới luật không nghiêm chỉnh, ăn uống phi thời như người giàu có, danh lợi cuốn mình vào trong cái lớp áo giàu sang thì làm sao mình ly dục ly ác pháp được. Muốn ngồi thiền nhập định mà không ly dục ly ác pháp thì làm sao nhập định được. Cho nên do không sống đúng giới luật thì không bao giờ nhập định được như trên Thầy đã nói.

Tóm lại lòng hiếu sinh là một đức hạnh cao quý tuyệt vời của con đường giải thoát mà người đệ tử đạo Phật dù tu sĩ hay cư sĩ đều phải thực hiện cho bằng được, nhờ thực hiện cho bằng được thì từ đó chúng ta có một tâm hồn biết chan hoà tình thương yêu với sự sống muôn loài trên hành tinh này thì không còn làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh nữa.

Trưởng Lão Thích Thông Lạc

Đăng nhận xét

0 Nhận xét