Chứa chan tình mẹ

LÒNG YÊU THƯƠNG hãy mang biếu tặng cho mọi người, vì mọi người đang cần đến nó, nếu thiếu nó cuộc đời sẽ trống vắng và đau khổ, nhưng hiện giờ đối với mọi người LÒNG YÊU THƯƠNG không có mà chỉ có vàng bạc, ngọc ngà, châu báu, tiền của, vật chất, những thứ này càng nhiều càng tốt.

Đứng về góc độ YÊU THƯƠNG thì dù nhà tranh vách lá người ta vẫn YÊU THƯƠNG nhau. Trong tôn giáo cũng vậy không phải ngôi chùa nghèo mà không nuôi trẻ mồ côi được, nhưng từ một ngôi chùa nghèo nàn bằng tranh lá đơn sơ chỉ nhận nuôi những trẻ mồ côi và nuôi người già yếu neo đơn thì chẳng bao ngôi chùa xây cất đồ sộ vĩ đại có hằng bạc tỷ.

Thật sự người ta mang LÒNG YÊU THƯƠNG đến với các cháu mồ côi bằng một LÒNG YÊU THƯƠNG của người mẹ thương con thì LÒNG YÊU THƯƠNG ấy mới có giá trị. Chúng ta hãy đọc “CHỨA CHAN TÌNH MẸ” thì mới thấy người mẹ không sinh con trong câu chuyện dưới đây chỉ có LÒNG YÊU THƯƠNG đối với các cháu bất hạnh khi sinh ra chẳng biết cha mẹ mình là ai.

Chúng ta hãy thương các cháu mồ côi hơn con đẻ của mình vì các cháu vô phước khi mở mắt chào đời không biết cha mẹ mình là ai. Với đôi mắt của chúng những ai là người thương yêu chúng thì chúng xem như cha mẹ của mình.

“Các con của chị, đứa nhỏ nhất mới mấy tháng tuổi, đứa lớn hơn 30. Đến tháng tám này, ở tuổi 53, chị đã có 131 đứa cháu nội, ngoại, hai mươi mấy đứa vừa con, vừa rể, vừa dâu… Tôi được biết chị trong một vài lần về làm phim tư liệu cho trại trẻ mồ côi ở Tây Ninh.

Năm 1965 vì chiến tranh, chị rời quê Bến Tre lên Tây Ninh tìm phương sinh sống để nuôi mẹ già và bốn đứa cháu mồ côi. Chị xin vào phụ giữ trẻ ở trại cô nhi Tây Ninh khi đang tuổi 22 đương thì. Ba mươi hai năm qua, nơi này là mái ấm gia đình, là hơi thở, là cuộc sống, là niềm hạnh phúc của chị. Chị đã cùng sống, cùng chia sẻ nỗi buồn vui, đau đớn với các trẻ bất hạnh, gắn bó với chúng.

Tôi đọc được ở một nhà trẻ: “Chưa là mẹ nhưng chứa chan tình mẹ”. Dường như trong đó thấp thoáng hình bóng của chị.

Những thân phận con trẻ lạc loài vào đây là bắt đầu cho cuộc sống mới với số mệnh đau thương bằng hành trang: không tên, không tuổi, không cha, không mẹ, chưa kể đến hơn 70% trường hợp trẻ vào trại có thể trạng gần như suy kiệt. Có cháu còn lòng thòng dây rốn, có cháu bị bỏ trước cửa trại hai mắt bị mù, có cháu đặt nằm trong thau với cái miệng bị hở hàm ếch đến vòm họng, có cháu mang cái đầu to đùng vì não bị úng thuỷ, dị dạng, dị tật, bại liệt, lỡ lói ghẻ chốc, có cháu bò lổm ngổm trong bụi cây đầy kiến vàng… Con mồ côi ở các huyện gửi, bệnh viện mang đến, có người vì quá nghèo đem con đến trại cho. Có nhiều trẻ sơ sinh khi phát hiện chỉ còn thoi thóp, tái xanh, tái xám… Nhưng chị đã cứu chúng sống cho đến bây giờ. Tất cả những số phận bất hạnh bị người đời vứt bỏ ấy đã được chị mở rộng vòng tay đón chúng vào lòng. Chị ôm ấp, yêu thương, chăm sóc, nuôi nấng chúng lớn lên, dìu dắt chúng vào đời với tấm lòng nhân hậu và độ lượng của mình: dù sao chúng cũng là những con người vô tội, đã trót sinh ra với kiếp đời nghiệt ngã.

Chị làm cho mỗi đứa một giấy khai sinh đàng hoàng để còn đi học. Chị đặt tên, chọn họ cho từng đứa một, chọn ngày lành tháng tốt lấy làm ngày sinh tháng đẻ cho chúng với kỳ vọng cuộc sống ngày mai của chúng sẽ là những may mắn, sung sướng và hạnh phúc (bé Minh bị mù hai mắt, thằng Phong Lưu bị bại não, thằng Sang, thằng Mạnh, con Vui, thằng Phú, thằng Quí…).

Mỗi đứa bé là một số phận gắn liền với cuộc đời của chị. Chị đã khóc sung sướng khi bé Bình với hai bàn tay, bàn chân dị dạng, bước những bước đi chập chững đầu tiên trong cuộc đời không may của mình, cũng như phải thức suốt đêm vì những cháu bại liệt bị sốt đột ngột… Và đau đớn khi chúng lìa đời vì căn bệnh vô phương cứu chữa.

Ai đã từng nuôi con, nhìn chúng lớn lên với cuộc đời chắc đã thấm với những lo toan, bận bịu cho một đứa trẻ. Riêng chị đã phải gánh vác từ 60 - 70 đứa trẻ nheo nhóc chỉ với hai, ba người cộng sự, nhất là giai đoạn 1978 - 1980, lúc đất nước gặp khó khăn, gạo không đủ ăn, chị đã phải dùng bo bo (cao lương) ngâm nước rồi xay thành bột làm bánh tráng cho các cháu ăn. Các cháu sơ sinh thì cho bú sữa… bo bo xay, trộn bắp, đậu đen, đậu đỏ…

Hàng trăm mảnh đời khác nhau, hàng trăm dòng máu khác nhau, nhưng chúng đã hoà quyện làm một khi vào đây sống với chị. Đứa lớn chăm sóc đứa nhỏ, đứa nhỏ bế em bé. Có thể nói, khó mà biết được rằng chúng không hề là anh em ruột với nhau. Chúng cùng ăn, cùng ngủ, cùng chơi và cùng khóc sướt mướt khi một đứa trẻ vì bệnh tật qua đời…

Bấy giờ nhiều đứa con của chị đã lớn khôn, đã thành danh và đã làm nên việc: hơn 20 người là giáo viên các cấp, rồi thợ mộc, thợ may, thợ hồ… Những đứa con cứng cáp với đời như chị nói, lại được chị lo dựng vợ gả chồng, làm tiệc cưới hẳn hoi, cũng có bông đeo tai, nhẫn cưới làm của hồi môn.

Suốt quãng đời đã qua của chị là những nỗi lo: Lo hết gạo, hết củi, sợ mùa mưa đến, vì mỗi lần đầu mùa mưa có từ bảy đến tám đứa bệnh, rồi đến dịch sốt xuất huyết, năm nào cũng chuẩn bị dành dụm tiền (từ công lao động của các con lớn) để có thể mua thuốc trị bệnh ngay cho các cháu nhỏ…

Giờ đây, cơ sở vật chất của trại cũng khá đầy đủ nhờ vào những đoàn từ thiện, từ các sở, ban, ngành quản lý thường xuyên giúp đỡ, cuộc sống ở trại đỡ vất vả hơn trước. Nhưng chị vẫn chưa hết lo âu: ra đời rồi nhưng nhiều đứa nghèo, vất vả, đến lúc khó khăn lại kéo về đây tá túc vài ba hôm, đến khi đi chị phải xúc cho hai ba bát gạo… Mới đây chị cho tôi hay hết năm 1998 chị phải về hưu, vì chị là biên chế chính thức của ngành lao động thương binh và xã hội. Tôi hỏi chị có dự định gì chưa. Chưa bao giờ chị nghĩ rằng một ngày nào đó chị rời xa căn nhà chứa đầy kỷ niệm hạnh phúc giữa chị và các con. Rời xa các con là sự mất mát lớn lao, vì nguồn an ủi duy nhất trong cuộc đời của chị chính là những đứa con mồ côi”.

Chúng ta hãy theo gương người phụ nữ trong câu chuyện trên đây mang LÒNG YÊU THƯƠNG đến với mọi người nhất là các cháu mồ côi, LÒNG YÊU THƯƠNG ấy cao cả và tuyệt vời. Nếu mọi người trong xã hội ai cũng biết đem LÒNG YÊU THƯƠNG như người phũ nữ trên đây thì xã hội sẽ đẹp đẽ vô cùng.

Trưởng Lão Thích Thông Lạc

Đăng nhận xét

0 Nhận xét