Cát bụi trần ai

Tôi là con người của khoa học cho nên tôi thường ít để ý đến các tín ngưỡng như phật giáo hay các tôn giáo khác. Nhưng từ khi nghe ca sĩ Khánh Ly hát bài “Cát bụi” thì tôi bỗng giật mình. Dường như là mình đã bỏ sót một cái gì đó rất gần gũi nhưng cũng rất sâu lắng. Từ đó, tôi rất thích quan tâm và tìm hiểu tôn giáo cũng như các giá trị tinh thần. Chúng dần dần trở nên thân thuộc như chính con người của mình vậy. Mà không thân thuộc sao được khi nghe

Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai vươn hình hài lớn dậy
Ôi cát bụi tuyệt vời
Mặt trời soi một kiếp rong chơi

Đã có lúc chúng ta tự đặt câu hỏi “chúng ta từ đâu tới?” Theo cách suy nghĩ của  khoa học thì loài người phát xuất từ một loài cấp thấp hơn đó là vượn người trải qua hàng triệu năm tiến hóa mà thành. Vậy thì “vượn người phát xuất từ đâu” ? Cứ như thế ta sẽ đi đến khởi nguyên của các loài.

Trịnh Công Sơn đã có một hình ảnh giải thích nguồn gốc cho ông mà cũng là cho chính chúng ta, đó là “hạt bụi”. “Hạt bụi” được hình thành từ khi cơ duyên cha và mẹ gặp nhau, nên vợ nên chồng và sinh ra ta. “Hạt bụi” là sự đơm hoa kết trái của tinh cha huyết mẹ. “Hạt bụi” được bàn tay cha mẹ và của những người thân nuôi nấng, lớn lên và trưởng thành

Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi

Câu hát như nói đến một tương lai khổ cực đang chờ đón chúng ta. Người ta thường nói đến từ “kiếp” với nghĩa, đó là thân phận của con người, coi như một định mệnh, một sự đầy ải. “Kiếp thân tôi”, chỉ chừng đó thôi cũng đã nói lên thân phận của con người  là đớn đau, là mất mát

Ôi cát bụi tuyệt vời
Mặt trời soi một kiếp rong chơi

Ở đây người nhạc sĩ đã có một câu hát rất tài hoa “Ôi cát bụi tuyệt vời”. Câu hát này là một lời ngợi khen. Theo triết lí nhà phật, thì trong cái vô thường có cái chân thường. Trong cái tối tăm thì cũng có những cái tươi sáng. Kiếp người trên đời cũng chỉ là “kiếp rong chơi”, là tạm bợ, tức không có gì vững chắc, thay đổi liên tục nhưng không có nghĩa là không đáng sống. Ở đây, người nhạc sĩ đã sử dụng một loạt hình ảnh tương phản như “hạt bụi hóa kiếp thân tôi” với “cát bụi tuyệt vời” hay “mặt trời” với “kiếp rong chơi” để làm nổi bật lên cái khổ đau cũng như cái hạnh phúc của một đời người.

Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai tôi về làm cát bụi
Ôi cát bụi mệt nhoài
Tiếng động nào gõ  nhịp không nguôi

Dù chúng ta là người như thế nào đi chăng nữa thì sau này chúng ta cũng chỉ là cát bụi mà thôi. Hai câu thơ đầu của khổ thơ làm tôi nhớ đến câu hát trong bài “Trở về cát bụi” của nhạc sĩ Minh Kì

Người nhớ cho
Ta là cát bụi
Trở về cát bụi
Xin người nhớ cho

Đây là những câu thơ đầy chất triết lí. Ai cũng có một cách chọn cuộc sống riêng cho mình. Nhưng sống như thế nào? Bạn ham quyền danh, chức trọng, bạn phụ nghĩa quên tình vì lợi ích riêng, liệu có bền lâu? Bạn có sống đời ở kiếp mãi được không?

Cuộc sống là một cuộc đấu tranh sinh tồn đầy mãnh liệt. Nó thúc đẩy con người ta không ngừng tiến về phía trước    

Ôi cát bụi mệt nhoài
Tiếng động nào gõ  nhịp không nguôi

Một hình ảnh nhân cách hóa đã được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sử dụng rất tài tình “Ôi cát bụi mệt nhoài”. Cát bụi mệt nhoài hay là chúng ta mệt nhoài? Còn “tiếng động” ở đây là gì? Khi chúng ta làm việc thì chúng ta hoạt động. Thậm chí cả khi đi ngủ, tim ta vẫn đập, máu ta vẫn chảy. Tiếng động có phải là tiếng động của cuộc sống hối hả ở dòng đời? Có phải là tiếng động của các hoạt động cơ học? Có phải là tiếng của lòng mình hay không? Hay đây chỉ là một câu hỏi tu từ không cần câu trả lời? Hay là gì khác nữa? Dù là cái gì đi chăng nữa thì hai câu hát đã để lại cho chúng ta nhiều buâng khuâng, suy nghĩ.

Bao nhiêu năm làm kiếp con người
Chợt một chiều tóc trắng như vôi
Lá úa trên cao rụng đầy
Cho trăm năm vào chết một ngày

Từ “hạt bụi” cho đến “hình hài lớn dậy” cho đến “bao nhiêu năm làm kiếp con người” rồi “tóc trắng như vôi” rồi “lá úa rụng đầy” dẫn đến “trăm năm vào chết một ngày” làm ta liên tưởng đến đời sống của chúng ta. Đời sống của con người theo quan điểm nhà phật, đó là “sinh - trụ - dị - diệt”. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã sử dụng đến chuỗi tuần hoàn trong đời sống của con người để đưa ra một hình ảnh đầy chất triết lí, đầy sâu sắc. “Sinh” là “hạt bụi”. Sinh tức là có mặt của một sự vật mới trên đời. “Trụ” là “vươn hình hài lớn dậy”, là “bao nhiêu năm làm kiếp con người”. “Trụ” tức nói đến sự trưởng thành, sự vững chắc. “Dị” là “tóc trắng như vôi”, là “lá úa rụng đầy”. “Dị” nói đến sự thay đổi dáng hình. “Diệt” là “chết một ngày”. Diệt tức là hết, là hư không. Con người và vạn vật luôn tuân theo luật nhân quả. Có sinh rồi ắt sẽ có diệt. Có diệt rồi ắt sẽ có sinh. Hết đêm rồi lại đến ngày, hết ngày rồi lại đến đêm. Cát bụi cuối cùng rồi cũng trở về với cát bụi.

Ở đây, khổ thơ có một hình ảnh rất đẹp “chợt một chiều tóc trắng như vôi”. Từ “chợt” rất đắt, rất bất ngờ và đầy tính sáng tạo. Nhạc sĩ không sử dụng một từ nào khác, ví như từ “chợt” được thay bằng từ “rồi” chẳng hạn. Nếu thay như thế câu hát sẽ không còn hay như trước nữa. Chợt có nghĩa là thình lình và trong khoảnh khắc. Người ta hay nói “trời đang nắng chợt mưa”. Làm kiếp con người với những lo toan, những vất vả, những tranh đua, bỗng dưng một chiều nọ “chợt” thấy mình tóc trắng. Hình ảnh “chiều” thường làm ta liên tưởng đến tuổi xế tà. Hay “trưa” làm người ta liên tưởng đến nửa đời người như câu thơ của Đồng Đức Bốn “Đang trưa ăn mày vào chùa”. Mà “tóc trắng” không chỉ là tóc trắng nữa, nó trắng như vôi. Câu thơ càng tăng thêm mức độ biến chuyển, hủy hoại ghê gớm của thời gian. Với hai nốt “fa” là hai nốt cao nhất của bài hát ứng với hai từ “lá úa” và với những hình ảnh đầy chất hoán dụ như trên, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã rất thành công trong miêu tả kiếp người đầy tính vô thường. Thêm vào đó, khổ thơ còn nói đến nỗi ám ảnh về sự sống và cái chết của người nhạc sĩ tài ba này.

Mặt trời nào soi sáng tim tôi
Để tình yêu xay mòn thành đá cuội
Xin úp mặt bùi ngùi
Từng ngày qua mỏi ngóng tin vui

Mặt trời ở đây có nghĩa là gì? Mặt trời có phải là người yêu của ta không? Có phải là hy vọng là tương lai tươi sáng không? Có phải là chân lí của đời mình hay không? Niềm tin của mình có phải là trường tồn mãi? Hay rồi thời gian cũng sẽ bào mòn nó? “Để tình yêu xay mòn thành đá cuội” có nghĩa gì? Trái tim theo thời gian bị tình yêu làm cho vỡ mịn ra, thành đá cuội rồi, liệu có có ai sưởi ấm được? Tình yêu của mình về chân lí, về con người sẽ còn vĩnh cửu? Câu hát như chùng xuống

Xin úp mặt bùi ngùi
Từng ngày qua mỏi ngóng tin vui

Những nhà thơ nổi tiếng đều có những từ, những chữ rất đáng nhớ. Ví như nhà thơ Tản Đà có câu

Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ

thì chữ trơ ở đây đã nói lên sự tài tình trong cách dùng chữ. Nhà thơ Trần Đăng Khoa có câu

Ngoài thêm rơi chiếc lá đa
Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng

thì rơi nghiêng là một cách dùng từ đầy tính sáng tạo. Ở đây cũng vậy, Trịnh Công Sơn cũng là một bậc thầy về ngôn ngữ : “Xin úp mặt bùi ngùi”. Nhạc sĩ dùng chữ “xin” chứ không dùng chữ áp đặt ví như chữ “hãy”. Chữ “xin” không trịch thượng. Nó càng làm tô đậm thêm cái phong cách, cái lô-gích hợp với toàn bài hát. Một lời khuyên nhẹ nhàng, sâu lắng. Úp mặt để làm gì? Để “mỏi ngóng tin vui”. Ở đây là “mỏi ngóng tin vui” chứ không phải chờ ngóng tin vui. Mặt trời thì là “mặt trời nào”. Tin vui thì “mỏi ngóng”. Có cái gì như hối tiếc trong sâu thẳm tâm gan chúng ta. Có cái gì đó làm ta hối hận. Câu hát như đưa ta về với một thế giới buồn buồn, man mác. Cái vui, cái hạnh phúc chưa tày gang thì cái buồn đã tới. Khổ thơ có nét nhòe, đa tầng đa nghĩa, không phân biệt rạch ròi làm ta như thêm đồng cảm với người nhạc sĩ. Mà không, có lẽ là đồng cảm với chính lòng mình. Trịnh Công Sơn từng viết “Tôi không bao giờ nhầm lẫn về sự khổ đau và hạnh phúc. Nhưng tôi thường rơi vào cơn hôn mê trước giấc ngủ. Ở biên giới đó tôi hoảng hốt thấy mình lơ lửng giữa sự sống và cái chết . Những giây phút như thế vồ chụp lấy tôi mỗi đêm. Khi quanh tôi, mọi người đã yên ngủ. Và tôi đau đớn nhận ra rằng, có lẽ cuộc đời đã cho ta lắm ngày bất hạnh.”[4 ; 275] Cái hạnh phúc, cái vui vẻ chỉ là những đốm nhỏ trong cuộc đời. Là cái mà hiếm hoi lắm ta mới có được đôi chút.

Cụm rừng nào lá xác xơ cây
Từ vực sâu nghe lời mời đã dậy
Ôi cát bụi phận này
Vết mực nào xóa bỏ không hay

Ở đây, một biện pháp đảo ngữ đã được sử dụng. Đáng lẽ “lá xác xơ cây ở cụm rừng nào” thì bây giờ là “cụm rừng nào lá xác xơ cây”. Câu hát như nhấn mạnh thêm cái tàn phai, cái héo úa của cây hay là của kiếp người? Những chữ “vực sâu”, “phận này” như càng tô thêm cái “tạm bợ”, cái “khổ đau tột cùng”, để rồi 

Ôi cát bụi phận này
Vết mực nào xóa bỏ không hay.

Cuộc đời cũng như một vết mực mà thôi, vết mực rồi cũng sẽ nhòe và biến mất dần theo năm tháng. “Phận này” trên cõi đời cũng sẽ bị “xóa bỏ không hay”. Con người ta phải sống như thế nào? Cứ tranh đua với nhau hoài sẽ là tốt? Cứ mánh mung, mánh khóe nhiều sẽ là hay? Có cái gì vĩnh cửu trong cõi vô thường này? Hay rồi cũng tan thành mây khói, rồi trở về với hư vô. Phải chăng, phận người cũng chỉ là một cái gì đó nhỏ nhoi lắm?

Bài hát “Cát bụi” là bài hát tiêu biểu nhất cho nỗi ám ảnh giữa sự sống và cái chết của người nhạc sĩ tài ba. Bài hát chỉ có năm khổ, mỗi khổ bốn câu thì trong đó đã có ba khổ nói đến sự sinh tử. Trịnh Công Sơn từng nói “Nỗi ám ảnh lớn nhất, đeo đẳng tôi từ thuở còn nhỏ cho đến sau này vẫn luôn luôn bị ám ảnh là cái chết. Sự sống và cái chết trở thành một vấn đề lớn trong đời sống tinh thần của tôi. Có lẽ suy cho cùng từ đâu mà ra cái suy nghĩ đó là do tôi quá yêu cuộc sống, sợ mất nó. Mất mát một cái gì đó mà mình từng có trong cuộc đời, đã từng đi qua và đã từng tìm thấy như tình yêu, như cái gì đẹp nhất của cuộc sống sợ ngày nào sẽ mất đi. Sự mất mát và cái chết là nỗi ám ảnh nhất đời tôi.”[2]

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn sử dụng nhiều đến phương pháp trùng điệp. Phương pháp trùng điệp giúp cho nhạc sĩ nhấn mạnh ý mà ông muốn nói. Ví như phương pháp điệp ngữ cách quãng là “hạt bụi”, là “kiếp”. Điệp ngữ vòng tròn là điệp ngữ có tác dụng tu từ lớn. Chữ cuối câu trước được láy thành chữ đầu câu sau và cứ thế, làm cho câu thơ liền nhau như đợt sóng. Trịnh Công Sơn dùng nó để diễn đạt một cách triền miên : như từ “cát bụi” đặt ở đầu câu và cuối câu. Ngoài ra, trong bài hát này, ở khổ thơ đầu và khổ thơ hai, Trịnh Công Sơn còn sử dụng điệp câu “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi” nhằm nhấn mạnh kiếp người như hạt bụi. [3]

“Cát bụi” của Trịnh Công Sơn là một bài hát hay về cả nhạc và lời. Nó là một bài hát đầy tính nhân văn cao cả. Cũng có những chấm vui trong bài hát nhưng chấm vui đó càng tô thêm nỗi buồn, một cái buồn rất nhẹ nhàng với nỗi ám ảnh giữa sự sống và cái chết. Buồn ở đây không sầu não, không ủy mị. Cái buồn có tác dụng đưa chúng ta quay trở về với chiều sâu của tâm hồn để rồi tự chọn cho mình một lối sống sao cho đáng “phận người”. Nó giúp chúng ta có một cách nhìn về cuộc đời có trách nhiệm. Thêm vào đó, bài hát có tính triết lí sâu sắc càng giúp người đọc thêm hiểu đời và hiểu mình nhiều hơn.   


TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Bùi Vĩnh Phúc, Trịnh Công Sơn, ngôn ngữ & những ám ảnh nghệ thuật, Nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn, 2008.

[2] Văn xuôi Trịnh Công Sơn, Kiếp sau tôi vẫn là một người nghệ sĩ (trả lời phỏng vấn VCH), in trong “Một cõi Trịnh Công Sơn”, Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2004.

[3] Ban Mai, Trịnh Công Sơn vết chân dã tràng, Nhà xuất bản Lao động Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2008.

[4] Trịnh Công Sơn, Tuyển tập những bài ca không năm tháng, Nhà xuất bản Âm nhạc, 2008.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét