Cái phi lý trong "Kafka bên bờ biển" - Murakami Haruki

CHƯƠNG I: KHÁI QUÁT

1.1Tác giả

Murakami Haruki sinh năm 1949, tại Tokyo (Nhật), trưởng thành trong một gia đình tri thức. Từ nhỏ đã chịu ảnh hưởng của Văn hóa phương Tây, đặc biệt là âm nhạc và văn học. Ông viết tác phẩm đầu tay “Lắng nghe gió hát” khi 29 tuổi, từ đó bắt đầu sự nghiệp văn chương. Với phong cách viết khoáng đạt và uyển chuyển, Murakami nhanh chóng trở thành một hiện tượng Nhật Bản đương đại và vươn tầm ra thế giới với những tác phẩm best – seller…

Một số tiểu thuyết tiêu biểu: “Rừng Na Uy”, “Biên niên ký Chim vặn dây cót”, “Phía Nam biên giới phía Tây mặt trời”, “Kafka bên bờ biển”,“Người tình Sputnik”, “Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới”, “Cuộc săn cừu hoang”…

1.2 Tác phẩm

Tác phẩm được phân chia rõ rệt thành hai tuyến nhân vật:

Những chương lẽ xoay quanh cậu bé 15 tuổi Kafka Tamura: Kafka Tamura từ nhỏ đã bị ám ảnh lời nguyền cay độc của người cha, cậu quyết tâm bỏ nhà đi trong ngày sinh nhật thứ 15 của mình. Trên hành trình trốn chạy sồ phận đó, cậu lần lượt gặp Sakura, Oshima, Miss Saeki và nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của họ. Trải qua nhiều thử thách, cuối cùng, cậu chọn cách đối mặt với những phi lý của cuộc sống để tự khẳng định mình.

Những chương chẳn kể về ông lão Nakata: Ông lão Nakata sau một cú sốc hồi tiểu học đã mất đi khả năng đọc, nhưng bù lại nói chuyện được với mèo. Sau khi giết Johnnie Walker, ông bỏ trốn khỏi Nakano và trên đường đi đã quá dang xe của Hoshino. Cả hai nhanh chóng trở thành bạn đồng hành của nhau, cùng đến Takamatsu để thực hiện nhiệm vụ mở - đóng “phiến đá cửa vào”. Về sau, Nakata mất, Hoshino tiếp tục làm nốt phần việc còn lại…

Hai tuyến nhân vật này luôn song hành, đan xen và phản chiếu lẫn nhau. Sợi dây kết nối toàn bộ câu chuyện là ca khúc bí ẩn “Kafka bên bờ biển”…

CHƯƠNG II: CÁI PHI LÝ TRONG “KAFKA BÊN BỜ BIỂN”

2.1 Định nghĩa cái phi lý

“Cái phi lý” là một khía cạnh của Chủ nghĩa hiện sinh (TKXX).  Đó là một trào lưu triết – văn với những gương mặt tiêu biểu như Martin Heidegeer, Jean Paul Sartre, Simone de Beauvoir, Franz Kafka, Albert Camus, Fedor Mikhailovitch Dostoievski… Chủ nghĩa hiện sinh cố gắng làm sáng tỏ vấn đề cốt lõi “tồn tại và hư vô” theo cách tư duy:

“Hiện sinh từ thân phận và hoàn cảnh con người trong thế giới, một thế giới mà trong đó ta bị đẩy vào và chờ đợi ở ta một ý nghĩa.”

Từ đó, nhận ra cái phi lý của đời người và cái hữu lý ẩn trong cái phi lý:

“Hữu thể là một thảm kịch, là phi lý, là hư vô; con người luôn cô đơn và cái chết luôn hiện diện. Nhưng con người biết bất chấp cái chết để nhập cuộc tự do làm nên lịch sử của mình bằng những dự phóng”

Tức là:

“Cuộc đời không phải là phận số mà là những lựa chọn, những lựa chọn giúp ta trở thành con người. Chỉ khi hiện sinh, đối mặt với mọi tình huống ta mới biết bản chất của mình.”

Và vì vậy khi áp dụng vào văn học:

“Sáng tạo nghệ thuật không chỉ là con đường giải thoát khỏi hư vô mà sáng tạo còn là cách thức cao nhất bộc lộ tự do cá nhân”

Dòng văn học phi lý ra đời gắn liền với các tên tuổi nổi tiếng như Jean-Paul Sartre, Albert Camus cùng một số các tác giả khác ở Paris sau 1945. Trong các tác phẩm của họ, nền tảng của sự hiện sinh con người là "nỗi sợ, sự buồn chán, sự lạc lõng trong xã hội, sự phi lý, tự do, cam kết và hư vô". Sớm ảnh hưởng từ văn hóa phương Tây, Murakami Haruki đã khoác lên tiểu thuyết của ông một lớp màn siêu thực huyền ảo, các nhân vật luôn phải chạm trán với những xung đột, vô thức, cảm giác lo âu và khát khao giải phóng bản thân khỏi những phi lý của cuộc đời…

2.2 Quá trình khám phá cái phi lý

Cái phi lý bắt rễ từ khoảng vô thức trong sâu thẳm con người, phát triển thành những ám ảnh ăn sâu vào giấc mơ và len lỏi giày vò ý thức. Murakami đã mượn dáng dấp của bi kịch Oedipus để xây dựng nhân vật Kafka, đồng thời giải mã tâm lý Kafka bằng góc nhìn phân tâm học Freud:

“Vô thức là phạm trù chủ yếu trong đời sống tâm lí của con người. Mọi hoạt động trong tâm trí đều bắt nguồn trong vô thức và tuỳ theo tương quan của những lực lượng thôi thúc và ngăn cản được biểu hiện ra theo những qui luật khác hẳn với ý thức"

Giống như Oedipus, Kafka cũng bị rơi vào lời tiên đoán “giết cha, ngủ với mẹ” khi cậu còn chưa kịp nhận thức được trọn vẹn ý nghĩa của từ “ngủ”. Lời nguyền cay độc ấy đeo bám suốt tuổi thơ và phủ bóng thành những cơn ác mộng; nó sống động đến nỗi khi tỉnh dậy, Kafka nhận thấy vết máu trên áo mình và cảm giác tê buốt ở hai bàn tay. Một mảng kí ức bị mất và trong khoảng thời gian trống rỗng đó, cậu không ý thức được những việc từng làm. Cậu ngờ vực bản thân đã giết cha và hoang mang tự hỏi: “Liệu em có phải chịu trách nhiệm với giấc mơ của mình không?”. Mỗi giấc mơ đều có một ý nghĩa nhất định,  đó là kết quả của “những ham muốn dồn nén vào vùng vô thức”. Trong tâm hồn cô độc của Kafka luôn trĩu nặng “nỗi thèm khát được gần gũi mẹ”, vì lẽ đó mà tình yêu và đam mê tính dục đã trổi dậy mạnh mẽ khi cậu gặp Miss Saeki. Hành động “ngủ” với mẹ và chị gái trong giấc mơ suy cho cùng là bản năng tìm kiếm, hòa hợp vào nguồn cội của một cậu bé  thiếu thốn tình thương…

Trong học thuyết phân tâm học, Freud có đề cập đến căn bệnh Hysteri, đó là những rối loạn nặng nề trong tâm lý dẫn đến chấn thương vùng não, người bệnh trở nên điên loạn hoặc mất đi một phần trí nhớ. Nakata từng trải qua cú sốc hồi tiểu học và những kí ức trước đó hoàn toàn bị xóa sạch, lão trở thành một người khù khờ trong suốt quãng đời còn lại. Trạng thái vô thức dắt Nakata vào lối sống bị động, an phận, thuần bản năng như kẻ mắc chứng mộng du…

Vượt lên cái phi lý là sự trổi dậy của ý thức. Con người biết hoài nghi về những giá trị sống và những bất ổn đang diễn ra quanh mình:

"Người ta sinh ra là để sống, phải không nào? Nhưng càng sống, mình càng mất đi cái gì ở bên trong mình, và rốt cuộc, mình trở thành trống rỗng. Và mình dám chắc là càng sống, mình sẽ càng trống rỗng hơn, vô giá trị hơn. Ở đây, có một cái gì đó không ổn. Đời lại cứ phải xoay ra như thế sao? Liệu mình có thể xoay chiều đổi hướng được không?"

Kafka bỏ nhà đi để chạy trốn số phận, nhưng sau đó cậu lại chọn cách đối mặt với số phận một cách chủ động. Cậu mơ hồ nhận ra Sakura là chị gái, Miss Saeki là mẹ ruột nhưng cậu vẫn quyết định “làm tình” với họ. Cậu biết rõ cô bé 15 tuổi gặp hằng đêm đã không còn tồn tại trên đời này nhưng vẫn yêu say đắm. Cậu biết rõ khi bước ra khỏi thung lũng trong rừng sẽ vĩnh viễn không trở lại được nhưng vẫn chọn ra đi…

“Cứ cho là tất cả những lựa chọn, tất cả những cố gắng của em đều phí hoài đi nữa, thì em vẫn là em, chứ không phải bất kỳ ai khác. Và em đang tiến tới với tư cách là bản thân mình.”

Con người có thể bị đặt vào những hoàn cảnh không mong muốn, tuy nhiên sự tự chủ giúp con người phản kháng lại những bất công từ vô thức và tìm ra được một hướng đi phù hợp. Miss Saeki quyết định đốt sạch nhật ký đời mình để từ bỏ quá khứ. Lão Nakata cố gắng mở cho được “phiến đá cửa vào” với hy vọng trả lại trật tự vốn có của tự nhiên và sau đó sẽ biết đọc. Mặc dù kết quả là cái chết, nhưng họ đều ra đi thanh thản vì đã chiến thắng được chính mình.

Tiểu thuyết lấy bối cảnh nước Nhật hiện đại với những địa danh cụ thể như Takamatsu, Nakano, Kobe, Kochi, Tokyo… nhưng con người lại hiện ra huyền ảo, kì quái như những bóng ma. Đó là Johnnie Walker có sở thích ăn tim, chặt đầu mèo và nuôi mộng làm ra cây sáo hút hồn người. Đó là “linh hồn sống” của Miss Saeki 15 tuổi đêm đêm trở về thăm lại căn phòng xưa. Đó là lão già Nakata có khả năng nói chuyện với mèo và tiên tri về trận mưa cá, mưa giun. Đó là hai anh lính bị mất tích sau cuộc tập dượt quân sự 60 năm trước và trở thành người gác cổng của rừng. Những xung đột phát sinh từ các mối quan hệ bị rạn nứt tạo ra chuỗi sự việc nghịch lý và phi lý. Ta bắt gặp một người mẹ mang theo con nuôi, bỏ rơi con ruột khi đứa trẻ chỉ mới 4 tuổi. Một người cha thiên tài nhưng vô cùng tàn nhẫn và ngập đầy oán hận. Một đứa con “thèm” và “lấy” chị, mẹ mình. Các kiểu nhân vật trong tác phẩm mang tâm hồn bị chấn thương và méo mó, họ lao vào cuộc vật lộn giữa phần con và phần người trong hành trình cuộc đời để tìm thấy bản ngã đích thực của mình.

2.3 Ý nghĩa cái phi lý.

Thông qua cái phi lý trong bản thân nhân vật và tình tiết câu chuyện, Murakami đã nhấn mạnh “tính tương đối” của cuộc đời, không có gì là hoàn hảo nên hãy biết chấp nhận và dung hòa với nó:

“Sức mạnh cháu tìm kiếm không phải là loại sức mạnh quyết định thắng thua. Cháu không muốn dựng một bức tường để đẩy lùi những cường lực ngoại lại. Điều cháu muốn là loại sức mạnh có khả năng hấp thụ cái cường lực ngoại lai đó và chịu nổi nó. Loại sức mạnh cho phép ta bình thản chịu đựng sự đời - bất công, bất hạnh, lỗi lầm, buồn đau, hiểu lầm..”

Những phi lý như chất xúc tác thúc đẩy con người đi tìm và khẳng định bản ngã của mình…

“Chỉ riêng việc ta đang sống đã thiết lập một mối liên hệ giữa ta với sự vật xung quanh, bất kể chúng là gì. Vấn đề không phải thông minh hay đần độn, mà là nhìn sự vật bằng đôi mắt của chính mình."

Các nhân vật luôn xuất hiện với tâm thế chủ động, trái ngược với sự áp đặt phi lý của hoàn cảnh:

"Hãy mở to mắt ra. Chỉ có kẻ hèn nhát mới nhắm mắt lại. Nhắm mắt, bịt tai đâu có thể làm cho thời gian ngừng lại được."

Ngoài ra tác giả còn giải thích những hiện tượng phi lý của đời sống (có liên quan đến tính dục) bằng góc nhìn phân tâm học Freud, phức cảm Genji và chủ nghĩa hiện sinh. Hành động loạn luân của Kafka như một ẩn dụ cho sự giải phóng con người khỏi trạng thái cô độc, bế tắc trước thực tại khách quan. Chính vì vậy mà trong tâm lý Kafka không có nhiều những dằn vặt, đau đớn và cảm giác tội lỗi như Oedipus…

CHƯƠNG III: NGHỆ THUẬT

“Kafka bên biển” được xây dựng theo kết cấu song hành và mê lộ. Các nhân vật bị lạc giữa những ám ảnh của chính mình với tất cả nỗi sợ hãi, cô độc đẩy lên đến tận cùng. Tác phẩm mở ra nhiều khoảng không gian: không gian thực tồn tại song song với không gian ảo, thậm chí có “đường hầm” liên thông vào nhau tại một thời điểm thích hợp. Không gian thực là thế giới vũ trụ khách quan bao quanh con người, thế giới mà con người có thể nhận thức được bằng lý trí và tiếp xúc bằng tất cả các giác quan vốn có. Không gian ảo là thế giới vô thức, là một khoảng đen bí ẩn trong bản thể mỗi con người - không gian mà con người không cách nào kiểm soát hay bám víu được vào lý trí.

Không gian ấy hình thành từ những ước muốn mãnh liệt và sự sợ hãi tột cùng, nó dẫn người ta vào một mê cung của chính họ; nếu không đủ bản lĩnh, họ sẽ mãi mãi bị nhốt lại trong đó rồi chết mòn vì tuyệt vọng. Nói cách khác, tác giả xây dựng hai không gian đối lập nhưng thống nhất giữa bản thể và khách thể, giữa thực và ảo, giữa vô thức và hữu thức… nhằm “thử thách” nhân vật. Nhân vật phải dấn thân vào hành trình đi tìm bản ngã của chính mình, vượt qua những yếu tố ngoại lai, vượt qua cả những bức rào  kiên cố do chính họ tạo nên, để đi đến một lựa chọn phù hợp, đó là sự trưởng thành. Ta bắt gặp một Miss Saeki luôn ao ước mãi mãi ở tuổi 15 để giữ chặt khoảnh khắc đẹp đẽ nhất của cuộc đời bà, một Kafka kiên quyết chống trả với lời nguyền cay độc của người cha bằng cách chủ động đối mặt với nó, một Nakata hài lòng với những gì lão đang có – mọi lúc mọi nơi…

Mỗi nhân vật được đặt trong một không gian chung – thế giới thực, nhưng lại có những không gian riêng, lựa chọn riêng cho cuộc đời họ: Miss Saeki sống trong vòng tròn khép kín của hoài niệm (quá khứ), Kafka cố gắng tiến thằng về phía trước (tương lai), còn Nakami thì hầu như chẳng di dịch gì, suốt khoảng thời gian sống của lão cứ bình thản tận hưởng và làm tốt công việc trong thực tại. Ba con người tượng trưng cho ba mốc thời gian ứng với ba góc “không gian”: không gian đầy ắp kí ức (Miss Saeki), không gian rỗng (Nakata), không gian tối đen (Kafka)… Tuy nhiên, họ luôn cố gắng thoát ra khỏi đó để giải thoát chính mình khỏi số phận: Miss Saeki chọn cách thiêu rụi quá khứ, Nakami quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ đóng – mở “phiến đá cửa vào” để được trở lại làm một “Nakata bình thường” biết đọc, Kafka chọn cách dấn thân, từ bỏ và tha thứ… Kết thúc câu chuyện trập trùng những dấu hỏi và một dấu ba chấm. Cái kết thúc lơ lửng, không giải thích ấy tạo ra một hiệu ứng huyền ảo cho câu chuyện, giống như khi người ta vừa thoát khỏi một mê cung vẫn còn đọng lại những dư âm ám ảnh từ nó.

Với cách kể chuyện đầy sáng tạo, chương lẻ thiên về tự thuật, sử dụng nhân xưng ngôi thứ nhất; chương chẵn lại là những đoạn tự sự mang tính khách quan, sử dụng ngôi thứ ba, Murakami đã dẫn người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác một cách đầy cuốn hút. Giọng văn linh hoạt, trầm tĩnh, phảng phất hơi thở của bi kịch Hy Lạp và cảm hứng Genji. Ngôn từ trừu tượng, gợi mở, khiêu khích sự khám phá. Trí tưởng tượng phong phú, tư tưởng mới lạ kế thừa những thành tựu của phân tâm học Freud và chủ nghĩa hiện sinh. “Kafka bên bờ biển” là sự kết hợp tinh xảo giữa truyền thống - hiện đại, tinh hoa Á Âu cùng các lĩnh vực khoa học – nghệ thuật: triết học, luật pháp, tâm lý, âm nhạc, kiến trúc, điêu khắc, văn chương…

Nói như John Updike thì:

"Một cuốn sách để-ngấu-nghiến thật sự, cũng thật là một ám ảnh siêu hình dai dẳng [...]. Đằng sau những cuộc phiêu lưu điên rồ và bất ổn theo lối theo lối biểu tượng của nhân vật chính, còn có một lực đẩy trong tiềm thức gần ngang bằng với lực đẩy của sex và tuổi trưởng thành: lực đẩy về phía hư vô, về khoảng trống, về sự rỗng không đầy hoan lạc. Murakami là họa sĩ nhẹ nhàng của những khoảng-chân-không”.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét