Bức tranh con người hiện đại

Truyện ngắn là một trong những thể loại rất khó thay đổi. Những nỗ lực cách tân của nhà văn luôn bị hạn định trong những quy ước của thể loại. Tuy nhiên trong tuyển tập này, chúng ta thấy hầu như càng về sau, các nhà văn càng làm cho thể loại trở nên có những xô lệch không nằm trong sự chi phối rắn chắc của thể loại.

Bước vào Văn mới 2012 - 2013(*) chúng ta thấy đó là một thế giới phản ánh hầu hết các phương diện của đời sống hiện đại. Có nhiều lối viết khác nhau, nhiều cách triển khai hình tượng nghệ thuật khác nhau, nhưng tất cả dường như đi tới một ý hướng là khát vọng hướng tới một sự kết nối nào đó trong xã hội đầy bung vỡ này.

Truyện ngắn Góc đường của Mai Hương được làm nên từ những đối thoại. Góc đường đã thực sự gợi mở ra nhiều khả năng biểu đạt cho những ý tưởng ngầm ẩn. Các nhân vật của Mai Hương, từ chối những kiểu mẫu nhân vật trong văn chương cổ điển, đã đi đến sự phản nhân vật. Nghĩa là ở những nhân vật này, nghệ thuật tẩy trắng được tác giả thực hiện một cách tối đa. Nhân vật không tên, không xuất thân, không ngoại hình, không tính cách… Tất nhiên những nhân vật này được tác giả tin cậy sử dụng để khai triển ý tưởng. Nhân vật được hiện diện thông qua đối thoại khiến chúng ta nhớ lại những kiểu dạng nhân vật trong văn học chủ nghĩa hiện đại phương Tây nửa sau thế kỷ XX. Đó là những con người vô bản sắc, con người không biết nguồn cội, con người sinh ra và bị quẳng ném vào dòng đời, dòng thời gian đầy rẫy phi lý, thậm chí, đó là những con người mất cảm giác, mất tri giác, bị xoáy vào sự u mê, ù lì dường như không nhận thức được sự có mặt của thế giới ngoại tại.

Trong lối viết của Hạo Nguyên bao giờ cũng tiềm ẩn những ẩn dụ, ám dụ về sự hiện hữu của con người. Đọc Tiếng nói, người đọc muốn truy vấn rằng những điều này có thật không? Thế giới này thực sự đang diễn ra ở đâu, đâu là thật, đâu là hư… Kinh Thánh viết rằng “Khởi thủy là lời”, khi con người không làm chủ được tiếng nói thì cũng là khi tiếng nói được quay về với chính bản thân nó. Con người đánh mất sự làm chủ tiếng nói hay là đánh mất mình? Có một thực tế là khi tiếp xúc với các tác phẩm của Hạo Nguyên, người đọc bao giờ cũng vấp phải những trở ngại bởi những hình tượng lấp lửng lưỡng phân, lấp lửng hai mặt. Cái được của Hạo Nguyên trong Tiếng nói là không phô diễn kiến thức triết học khi xây dựng hình tượng mà bằng một cách nào đó người viết đã khôn khéo giấu đi những gì muốn nói bằng lối diễn ngôn thông thường. Triển khai ý tưởng tự nhiên, ý thức được sức mạnh của sự hư cấu… Hạo Nguyên sẽ là một trong những tác giả được người đọc chú ý.

Lối viết của Hồ Anh Thái luôn mở ra những không gian mới, hướng đến phá vỡ tính chuyện trong một truyện ngắn thông thường. Tượng đồng và lũ chim đã vượt ra ngoài phạm vi mô tả thông thường của một nhà văn Việt. Thường thấy nhất trong kỹ thuật của Hồ Anh Thái là việc sử dụng một cách triệt để kỹ thuật liên văn bản của văn học hậu hiện đại. Kỹ thuật liên văn bản trong Tượng đồng và lũ chim giúp truyện ngắn này làm thay đổi những quan niệm quy phạm, chuẩn mực về truyện ngắn trước đây. Nó mở ra nhiều khả thể diễn dịch ngầm ẩn; nó là sự trộn lẫn của nhiều thể loại, có tính chất của ký đan cài vào tư duy truyện ngắn. Truyện ngắn này có khả năng khơi mở không gian bởi dung chứa ở nội tại là sự gặp gỡ của nhiều nền văn hóa, thậm chí nhà văn đã khéo léo lồng vào truyện không khí của chính trị để từ đó người đọc có được những cách lý giải khác nhau theo góc nhìn của họ.

Con người hiện đại trong truyện của Lê Anh Hoài, Đàn - đom - đóm - ánh - mắt lại bị ném vào một không gian eo hẹp, chật chội đến tù túng. Con người ở đây thường xuyên phải đối mặt với những xung năng không bao giờ được thỏa mãn. Con người phải đối mặt với sự trần trụi, dù có hướng tới sự cao thượng đi chăng nữa nhưng sự xuống cấp và tha hóa về lương tri là điều có thật. Nhân vật trong truyện luôn bị ám ảnh bởi những giấc mơ, có những giấc mơ lớn, có những giấc mơ nhỏ bé. Giấc mơ hướng con người lao vào những bi kịch, những xung đột và những chấn thương của cả một tập thể.

Đêm xuân của Nhật Chiêu là một truyện ngắn ám ảnh ở những chiều kích khác. Cũng nằm trong kiểu con người bị ảm ánh bởi những giấc mơ vô lối nhưng thông thường lối viết của Nhật Chiêu đạt tới sự nói nhưng thực chất là không nói, mơ nhưng thực chất là không mơ và ngược lại, tỉnh nhưng lại mơ, thực nhưng không thực... Đêm xuân dẫn người đọc bước vào một không gian ảo hóa, một thực tại bị đánh mất bản gốc, chỉ còn lại những bản nháp không thấy rõ đường viền của chúng. Thậm chí việc nhân vật nửa đêm tỉnh dậy đi tìm điều mà người vợ của mình nói lên trong mơ đã vượt lên sự phi lý để hướng tới một không gian huyễn ma hơn, khó lý giải hơn. Nhật Chiêu luôn là người viết đi tìm những cái khác, những thực tại khác. Những kiểu dạng tồn tại nào đấy dường như không có ở ngoại cảnh mà chỉ có ở nội giới người. Làm được điều này là bởi nhà văn đã dựa trên những kiểu tư duy nghệ thuật không phụ thuộc vào lý tính của phương Tây, chính những điều huyền bí ở văn hóa phương Đông mới là gốc rễ trong tâm thức sáng tạo của ông.

Con người bị ám ảnh bởi những giấc mơ cũng là yếu tố được Kim Nhan Sơn lấy làm căn nền cho truyện ngắn Vết lõm. Đọc Vết lõm người đọc bị đứng chênh chao giữa thực và hư, giữa những va chấn đời thường với những điều chỉ có trong tưởng tượng. Con người hiện đại là thế, luôn bị những giấc mơ giày vò. Một cuộc sống bị đảo lộn, một quái trạng văn hóa đang bấu víu lấy nhận vật Hắn trong Vết lõm là điều khiến truyện ngắn này trở nên ám ảnh. Ở một chiều kích khác, truyện ngắn của Hoàng Công Danh thường đem đến cho chúng ta những ý tưởng bất ngờ. Sự bất ngờ đó luôn nằm ở đoạn kết của mỗi tác phẩm. Những chi tiết éo le, cắc cớ, những hoàn cảnh nghiệt ngã, những đổ vỡ về niềm tin, những ảo tưởng về một sự kết hợp vẹn toàn nào đấy là yếu tố thường thấy trong truyện ngắn của tác giả trẻ này. Không hướng tới những kiểu diễn ngôn mới lạ, không đưa vào truyện những kiểu cấu trúc tân thời, Xe chưa về bến vẫn triển khai các chi tiết theo dòng chảy logic sự việc, nhưng chính sự mềm mại trong cách kết nối các chi tiết để đưa đến làm rõ cho ý tưởng là một thành công của Hoàng Công Danh.

Không khí hiện sinh là yếu tố thường thấy trong bút pháp của Nguyễn Danh Lam. Truyện ngắn Mất tích trong tuyển tập này cũng không nằm ngoài những dấu vết của chủ nghĩa hiện sinh trong nghệ thuật. Sự lần lượt biến mất của các nhân vật trong truyện ngắn này làm ta liên trưởng đến những phát ngôn nhằm chống đối lại nhận thức duy lý của triết học hiện sinh. Ở đây, vấn đề cá nhân quan hệ với ngoại cảnh, gia đình, xã hội được đặt vào một không gian thực nhưng cái thực của không gian lại bị những điều bất thường, những ảo hóa bám lấy. Chính những chi tiết phi lý tạo nên một sự khủng hoảng to lớn trong tâm lý của các nhân vật. Con người bất lực trong sự chứng minh sự nhận thức của mình trước hiện thực. Con người bị bao vây bởi những ảo ảnh, bị đánh mất không dấu vết trong nỗ lực minh chứng cho sự hiện diện của mình.

Truyện ngắn là một trong những thể loại rất khó thay đổi. Những nỗ lực cách tân của nhà văn luôn bị hạn định trong những quy ước của thể loại. Tuy nhiên trong tuyển tập này, chúng ta thấy hầu như càng về sau, các nhà văn trẻ càng làm cho thể loại trở nên có những xô lệch không nằm trong sự chi phối rắn chắc của thể loại. Có những yếu tố về thể loại của truyện ngắn đã bị Hồ Anh Thái, Nguyễn Danh Lam, Hạo Nguyên, Nhật Chiêu, Kim Nhan Sơn… phá vỡ. Ví dụ tính chất cần thiết phải có “Chuyện” trong một truyện ngắn bị loại trừ, tính chất phải có một hệ thống nhân vật, có xung đột, có thắt nút, mở nút… gần như đã bị triệt tiêu. Những phá vỡ này đang hình thành nên một không khí truyện ngắn chuyển tải cho một kiểu dạng tâm thức khác biệt so với trước. Đó là những dấu hiệu để đi đến một sự thay đổi toàn vẹn trong tư duy sáng tạo truyện ngắn ở Việt Nam hiện nay.


(*) Văn mới 2012 - 2013, tuyển văn xuôi của tác giả mới và tác giả đang được mến mộ, Hồ Anh Thái tuyển chọn, Đông A & Nxb Hội nhà văn, 2013.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét