Albert Camus và người phi lý

Albert Camus
"Je fus placé à mi-distance de la misère et du soleil". Tôi đã được đặt giữa khốn cùng và mặt trời. Tôi sinh ra giữa ánh dương và cùng khốn. Albert Camus viết như thế trong tập tiểu luận đầu tay L'envers et l'endroit (Bề Trái Và Bề Mặt) xuất hiện năm 1937 tại Alger. Khốn cùng và mặt trời, là hai diện sắc của Algérie Châu Phi, quê hương Albert Camus, nhà văn nhân bản nhất của Pháp trong thế kỷ XX.

Ngay từ những trước tác đầu tiên, khi còn rất trẻ, Camus đã nhìn nỗi đau Alger như một vết thương mở ngỏ về phía trời (Alger ... s'ouvre dans le ciel comme une bouche ou une blessure). Noces là một tập tùy bút tình ca viết cho quê hương Algérie, quê hương của màu da, của nghèo đói, dậy mùi khổ ngải(1) đắng cay, rạng ánh mặt trời và thẳm sâu biển cả. Noces là một tụng ca tình đất và tình người. Noces hôn phối những địa danh Tipasa, Djémila, Oran, Alger với sa mạc, với những khổ đau và nô lệ, với niềm hoan lạc vô bờ trong tình yêu và sự xác tín về cái chết vô vọng rút ra từ kinh nghiệm một "nghề làm người" (métier d'homme).

Sau này, Camus giải thích cách phân phối tác phẩm của mình:

"Trước hết, tôi muốn diễn tả sự phủ định dưới ba hình thức: bằng tiểu thuyết với Người Xa Lạ, bi kịch với Caligula và Ngộ Nhận, và tư tưởng với Huyền Thoại Sisyphe.

Tôi tiên liệu khía cạnh tích cực, cũng dưới ba hình thức: tiểu thuyết với Dịch Hạch, bi kịch với L'état de siège (Tình Trạng Giới Nghiêm) và Les justes (Những Kẻ Chính Trực) và tư tưởng với L'homme révolté (Người Nổi Loạn). Tôi còn ức đoán một từng lớp thứ ba chung quanh chủ đề tình yêu."  Nhưng chủ đề cuối cùng chưa kịp viết xong, Camus mất.

Cùng trong phong trào hiện sinh, Albert Camus vừa gần, vừa xa Jean Paul Sartre ngay từ những năm 30. Từ lý thuyết hiện sinh -được định vị như sự đi tìm bản thể của con người- Albert Camus giữ lại những hướng chính, đặc biệt là:

- Nhân bản: Chủ nghĩa hiện sinh như một chủ nghĩa nhân bản (Sartre). Nhân bản đã nằm trong bản chất Camus con người, đã chi phối cái viết của Camus từ những tác phẩm đầu tiên nghiêng mình xuống Alger đau khổ, đã định hướng những hành động chính trị của Camus, chống lại tội ác đến từ mọi phía (chính quyền thực dân, Ðức Quốc Xã, Staline, ...)

- Phi lý như một cốt lõi của phận người. Ðưa ra mẫu hình người phi lý, nhân vật Meursault trong L'étranger.

- Dấn thân: Chỉ có hành động và qua hành động con người mới thật sự tự do, mới tạo được bản chất của mình.

Có thể nói Albert Camus và Simone de Beauvoir là hai nhánh lạc quan của hiện sinh, tin rằng con người có thể có hạnh phúc trong cuộc đời phi lý.

*

Hai tác phẩm lớn đầu tiên của Camus xuất hiện năm 42 là một cặp bài trùng: Huyền Thoại Sisyphe và Người Xa Lạ. Huyền Thoại Sisyphe phân tích phi lý dưới dạng triết lý, và tiểu thuyết Người Xa Lạ đưa ra hình ảnh cụ thể của người phi lý. Chính xác hơn Huyền Thoại Sisyphe là tập hiện tượng luận mổ xẻ hai vấn đề: phi lý và tự tử, tìm mối tương quan giữa hai hiện tượng này. Hai nhân vật Sisyphe và Meursault là chứng từ cho tính chất phi lý trong thân phận con người.

Mở đầu Huyền Thoại Sisyphe, Camus nói ngay:

"Chỉ có một vấn đề triết lý thực sự nghiêm chỉnh, đó là tự tử. Xét xem đời đáng sống hay không đáng sống, là trả lời cho câu hỏi cơ bản của triết học." (trang 17, Folio Essais, 1998). Và tác giả đã trả lời câu hỏi này bằng biện chứng phân tâm đối tượng.

Sisyphe là một nhân vật huyền thoại Hy Lạp, được Homère coi như kẻ minh mẫn nhất và cẩn trọng nhất trong bọn nhân sinh. Nhưng lại có những ý kiến khác rất tiêu cực về Sisyphe. Và đó là lý do khiến các vị thần thánh đã đầy đọa Sisyphe xuống địa ngục, bắt phải triền miên lấy hết sức bình sinh lăn một hòn đá lớn từ chân núi lên trên đỉnh núi, nhìn nó rơi xuống. Rồi lại từ từ xuống núi, và cố gắng lăn nó trở lên đỉnh...

Sisyphe là biểu tượng của người phi lý: Hình ảnh Sisyphe không xa với hình ảnh một người thợ: suốt ngày làm một việc, suốt đời làm một việc, hoàn tất rồi, lại quay trở lại bắt đầu một việc khác cũng y như trước. Thân phận con người nào cũng có một chút Sisyphe ở trong: sáng vác ô đi, tối vác ô về. Ðiều đáng chú ý nhất là lúc Sisyphe xuống núi, ý thức được những cố gắng mình vừa hoàn thành, ý thức được tính phi lý của đời mình mà còn có can đảm bắt đầu lại: Lúc đó Sisyphe lớn lao hơn định mệnh và ngoan cường hơn đá tảng: Ðó là giá trị, đó là hạnh phúc của con người. Camus kết luận: "Sự tranh đấu để đạt tới những đỉnh đủ để lấp đầy trái tim con người. Phải mường tượng là Sisyphe sung sướng." (trang 168)

Tất cả biện chứng trong huyền thoại Sisyphe xoay quanh vấn đề: Ðời phi lý, vậy có đáng sống không? Và kết luận lô-gích nhất trong sự khám phá tính chất phi lý phổ quát của cuộc đời, là tự tử. Tại sao Sisyphe không tự tử để chấm dứt thân phận nghiệt ngã của mình? Camus từ chối lô-gích tự tử. Bởi cuộc đời dù phi lý, dù vô nghĩa, không có nghĩa là đời không đáng sống. Ngược lại, trong cái vô nghĩa ấy, con người tồn tại, Sisyphe chấp nhận tính vô nghĩa của cuộc đời và tìm thấy hạnh phúc trong thân phận phi lý.

*

Trong tiểu thuyết Người Xa Lạ, nhân vật Meursault trở thành người phi lý bằng xương bằng thịt, thoát khỏi huyền thoại.

Meursault bắt đầu câu chuyện của mình bằng câu:

"Hôm nay mẹ chết. Hay có thể là hôm qua. Tôi không biết." (trang 9, Folio, 1975)

Trong suốt hành trình tiểu thuyết, Meursault luôn luôn lập đi lập lại ý tưởng: Tôi không biết (je ne sais pas). Không có gì hết (rien). Sao cũng được (ça m'est égal). Thì cũng thế thôi (ça revient au même): Bất khả tri là bộ mặt thứ nhất của hiện sinh con người.

Mẹ chết tại nhà dưỡng lão. Meursault đến thăm mẹ ở nhà xác. Người gác cửa đề nghị mở quan tài cho anh xem mặt mẹ. Meursault từ chối. Hỏi tại sao? Trả lời không biết.

Lang thang trên bờ biển với bạn. Rồi đánh lộn. Rồi giết người. Ra tòa, người ta hỏi: tại sao giết người? Meursault trả lời: Không biết. Rồi bỗng buột miệng: Tại trời nắng (à cause du soleil). Cả tòa cười ầm lên.

Meursault không hiểu tại sao người ta cười. Tất cả bi kịch của Meursault xoay quanh hai vấn đề: Tính chất phi lý và bất khả tri trong thân phận con người.

Bất khả tri -Meursault không biết, không hiểu- Meursault là nguồn cội của sự "xa lạ" nơi con người đối chất với những biện luận, biện chứng của ý thức hệ chính trị, đạo đức hay tôn giáo, luôn luôn có tính cách giác ngộ giáo điều, làm chủ tình thế, làm chủ cái biết, muốn dạy bảo và giáo dục con người.

Meursault biểu trưng cho "cái không biết" của con người về người khác về chính mình. Cái "xa lạ" giữa mình với người khác, cái xa lạ giữa mình và chính mình. Và đó là nỗi đơn côi bi thảm nhất của con người: Sự xa lạ đối với chính mình.

Dưới ánh nắng chói chang của Alger, trong lúc lang thang trên bờ biển, sau khi đánh lộn, nếu trời không nắng quá. Xin nhấn mạnh: nếu trời không nắng quá, Meursault có lẽ đã không phải bước dấn lên một bước để tránh ánh mặt trời chói chang rọi vào mắt. Chính cái bước dấn thêm đó đã làm cho gã Ả-Rập -vừa đánh lộn với bọn Meursault lúc trước- giật mình, rút dao găm ra để phòng thủ và đưa Meursault đến hành động giết người -cũng để tự vệ-.

Nhưng cái nắng quái ác đó không nằm trong một lô-gích chấp nhận được của quan tòa, mặc dù: tính chất bất kỳ, phi lý là điều kiện thứ nhất của nhân sinh. Trừ mặt trời, Meursault không biết tại sao mình giết người. Trước tòa Meursault hoàn toàn ở trong sương mù như nghe người ta nói về một người khác: Quan tòa, thẩm phán, công tố, nhân chứng, luật sư ... gỡ tội hay buộc tội, mỗi người tạo ra một luận chứng hùng hồn, dựng lên những thoại xa lạ, hoàn toàn không dính dáng gì đến Meursault. Họ tạo nên một thế giới "xa lạ" của những con người không thực biết về nhau. Một thế giới bất khả tri. Bất khả tri nằm trong thân phận con người.

Mounier, khi phê bình Camus đưa ra nhận xét: "Con người phi lý không phải là con người được giải phóng mà là con người bị vây khổn không có ngày mai." Thật vậy. Con người phi lý không thể giải thích, bởi mọi giải thích đều vô ích, đều là đối thoại với bức tường. Chỉ còn lại hai giải pháp, hoặc là làm loạn, hoặc chấp nhận phi lý. Bị kết án tử hình. Thoạt tiên, đối diện với viên linh mục tư tế (aumônier), Meursault nổi loạn, chống đối, gào thét sự vô tội của mình. Chống đối tính chất phi lý của thân phận. Nhưng rồi Meursault chấp nhận phi lý và cuối cùng, trước khi bị xử, "anh cảm thấy mình hạnh phúc và mong ước có nhiều người đi xem cuộc hành hình và đón nhận anh với những lời hò hét căm thù." (trang 187)

Người Xa Lạ là một trong những cuốn tiểu thuyết chủ yếu của Pháp trong thế kỷ XX. Tính chất bí mật, văn phong lạ, cách đặt vấn đề thân phận con người lồng trong hai nét chính phi lý và bất khả tri, mở cửa cho nhiều ngòi bút khác đến sau. Người xa lạ như một bi kịch kín của con người muốn khám phá bản thân mình trong một mê cung, không lối thoát, và cho đến phút chót, người ấy vẫn "xa lạ" với chính mình.

*

Trong Dịch Hạch (La peste) thủ phạm của phi lý là vi trùng bệnh dịch. Oran, thành phố Algérie bên bờ Ðịa Trung Hải, thành phố bị bệnh dịch hạch, Oran đóng cửa trao thân cho dịch hạch, cắt đứt với thế giới bên ngoài và ném dân mình chồng chất lên nhau mà chết, người nọ đè lên người kia, trong cô đơn, không lối thoát.

Vi trùng dịch hạch ẩn dụ thực tại lịch sử: Ðại chiến thứ hai với vi-rút Nazi tàn phá, tiêu diệt con người. Dịch hạch chao đảo giữa hai thực tại: bệnh dịch thể xác và bệnh dịch tâm hồn, trở thành một mẫu mực về sự tàn phá nhân sinh, tự tâm thế của nhân sinh; chúng cầm chân con ngườì trong một tư thế bấp bênh giới hạn giữa sống và chết.

Tuy Rieux là người "anh hùng" đứng lên chống dịch hạch, nhưng Camus từ chối mọi lý tưởng có tính chất lãng mạn cổ điển thánh giáo; ông tin vào hiện hữu, tin vào mỗi giây phút hiện tại của đời sống. Tranh đấu chống dịch hạch, bác sĩ Rieux không ở trong khái niệm "anh hùng" kiểu Malraux, Rieux nhận trách nhiệm của mình như một kẻ hành nghề, vì nghề, nghề thuốc và nghề làm người.

Rieux trả lời cha Paneloux:

"Cứu rỗi nhân sinh là một chữ quá lớn đối với tôi. Tôi không nhìn xa như thế. Tôi chỉ chú ý đến sức khỏe. Sức khỏe con người trước tiên." (trang 198, Folio 1980)

Bởi sức khỏe là hiện sinh, là đời sống, là đang sống, là vấn đề của con người. Cứu rỗi là lý tưởng, là hy vọng, là kiếp sau, là vấn đề của Thượng Ðế. Người thầy thuốc không hy vọng vào sự sống ra ngoài sự sống như người thầy tu. Sáng suốt, Rieux biết rõ: Cái chết đối với con người chỉ là án treo. Cuối cùng rồi ai cũng phải chết. Rieux ý thức được rằng chiến đấu với bệnh dịch chỉ  để kéo dài thêm án treo, và cuộc chiến đấu ấy vô ích, phi lý có tính chất Sisyphe ở trong, nhưng không thể không có được. Vì nó là cơ bản, là nguồn hạnh phúc và lý do tồn tại của con người.

Nguồn: thuykhue

Đăng nhận xét

0 Nhận xét